Nhà văn Nguyễn Tuân: Trăm năm vang bóng
Nhà văn Kim Lân, trong một bài viết có tính chất "phúng viếng" bậc đàn anh Nguyễn Tuân, đã buông nhận xét: "Nguyễn
Tuân, anh là người sung sướng nhất". Quả tình, nhìn vào cuộc đời Nguyễn Tuân, dù có những khúc gian nan, song ông vẫn
là người… "sung sướng".
Sinh thời, trong các nhà văn Việt Nam, ông luôn là tâm điểm thu hút sự chú ý
của mọi người. Ngày ông tạ thế, Báo Văn nghệ làm một số báo đặc biệt để tưởng
nhớ ông và đến nay, khó có số báo nào tập hợp được nhiều bài viết hay về một
tác giả như số báo dành cho Nguyễn Tuân. Những dịp kỷ niệm ngày sinh và ngày
mất của ông, anh em trong văn giới đều không quên. Cũng trên tinh thần như
vậy, trong bài viết này, tôi xin kể lại một số mẩu chuyện vui có tính giai thoại về
nhà văn Nguyễn Tuân khi chúng ta đã bước sang năm 2010, chẵn 100 năm sinh
nhà văn Nguyễn Tuân.
Với chú bé thích chen ngang
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân có thói quen đến uống bia ở quầy bia Cổ Tân.
Bấy giờ bia còn là loại hiếm nên đôi khi nhà văn cũng phải xếp hàng như mọi
người và bởi vậy mà ông được chứng kiến không ít cảnh chen ngang. Lần ấy,
nhà văn già rất ngạc nhiên khi thấy một chú bé - tay xách một cái can to - ở đâu
bỗng chạy đến, lách vào đứng ngay trước mặt ông. Nhà văn nắm lấy vai chú bé,
hỏi ngay:
- Này, cháu làm gì thế?
Đứa bé ngước mắt nhìn ông già rồi trả lời hết sức thản nhiên:
- Thưa bác, cháu xếp hàng mua bia cho bố cháu.
- Thế thì - Nhà văn già cúi xuống đứa bé - Cháu hãy nhìn kỹ bác đây này: Bác
già rồi. Đầu bác hói, tóc bác bạc, cằm bác có râu. Nhớ chưa?
- Dạ thưa bác, cháu nhớ rồi - Lần này đứa bé trả lời có vẻ ngần ngại. Song nó
vẫn băn khoăn - Nhưng thưa bác, nhớ thế để làm gì ạ?
Nhà văn già điềm nhiên trả lời:
- À, để rồi ngày mai nhỡ bác có đến sau thì nhớ cho bác chen ngang với nhé.
Đứa bé im lặng, đỏ bừng mặt Nó đã hiểu.
Với nhà phê bình cơ hội
Ai cũng biết Nguyễn Tuân vốn là người không ưa gì các nhà phê bình. Ông từng
nói rằng, ông mong các nhà phê bình "bất tử", để khi xuống âm phủ ông không
phải sống chung với họ. Bởi vậy mà một lần, một nhà phê bình (vốn nổi tiếng là
một kẻ cơ hội, đục nước béo cò) lần tìm đến chơi với ông. Vừa thoáng thấy bóng
nhà phê bình kia, Nguyễn Tuân đóng ngay cửa lại. Nhà phê bình đứng ngoài gõ,
gọi:
- Nguyễn Tuân ơi, Nguyễn Tuân có nhà không?
Nguyễn Tuân đứng ở sau cánh cửa, nói vọng ra:
- Nguyễn Tuân đi vắng rồi!
Nhà phê bình muối mặt, đành quay trở về.
Với kẻ mạo danh mình
Trước Cách mạng, nhà văn Nguyễn Tuân từng gặp một sự cố không lấy gì làm
dễ chịu: Tại Sài Gòn, một tay thuộc diện sống bừa phứa, bạt tử đã bất ngờ cho in
danh thiếp bằng tiếng Pháp đề tên mình là "Nhà văn Nguyễn Tuân".
Không chỉ mạo danh Nguyễn Tuân cho oai, gã này còn vay chằng vay bửa rồi xù
nợ. Chuyện đến tai người em của Nguyễn Tuân là ông Nguyễn Khánh Đàm, bấy
giờ đang sống ở Sài Gòn. Nhận thấy đây là vụ việc nghiêm trọng, ông Đàm đã lên
tiếng với cơ quan pháp luật. Đánh hơi thấy điều bất lợi, tên "Nguyễn Tuân dỏm"
vội chuồn khỏi Sài Gòn rút về Sóc Trăng. Tại đây, chứng nào tật nấy, y lại tiếp
tục mạo xưng là "Nhà văn Nguyễn Tuân" và tằng tịu được với một cô giáo trẻ
vốn rất mến mộ văn tài tác giả "Vang bóng một thời".
Nhà văn Nguyễn Tuân chỉ thực sự biết chuyện này sau ngày giải phóng
miền Nam, nhân chuyến ông vào thăm thành phố Hồ Chí Minh. Qua nguồn tin
báo chí, bà giáo nọ lần tìm được địa chỉ bác Nguyễn, bèn gửi thư kể lại chuyện
buồn ngày xưa cũ và mời bác Nguyễn xuống nhà chơi. Nguyễn Tuân nghe
chuyện không khỏi buồn vơ vẩn. Nhưng rồi ông tìm cách xua cảm giác đó đi
bằng một câu nói hài hước mà nhà văn Tô Hoài hiện còn nhớ rất rõ: "Chuyện
ba, bốn mươi năm về trước, có thứ gì "tốt nhất" nó lấy mất rồi. Giờ hai ông bà
già gặp nhau, còn "nước nôi" gì nữa…".
Với ứng viên Tổng thống Mỹ 2008
Nhiều người đã biết, Thượng nghị sĩ John McCain - ứng viên Tổng thống Mỹ
2008 - trong thời kỳ là phi công tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam, đã bị ta
bắn rơi ngày 25/10/1967 khi thực hiện phi vụ đánh bom Hà Nội. Sau này, trong
một cuốn băng trả lời phỏng vấn, ông nói ông không rõ máy bay của mình "bị
dính tên lửa hay đạn phòng không". Chỉ biết, khi nhảy dù, ông rơi xuống một hồ
nước và được người dân vớt lên, đưa tới bệnh viện. Cũng trong cuộc phỏng vấn,
McCain cho hay, ông được phía ViệtNam đối xử tốt.
Về việc xử sự với John McCain, trong tư cách tù binh chiến tranh, ở bài bút ký
"Đèn điện phố phường Hà Nội vui sáng hơn bất cứ lúc nào" (sau này được đưa
vào tập bút ký "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi"), nhà văn Nguyễn Tuân đã phơi mở
cho chúng ta thấy chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam trong việc đối xử
với tù binh nói chung và với cá nhân Thiếu tá phi công John McCain nói riêng.
Trong bài bút ký, Nguyễn Tuân gọi McCain theo cách ông phiên âm ra tiếng
Việt là Mích Kên. Ông kể, khi McCain ngỏ ý "Xin ông một điếu thuốc lá", thì
nhà văn lớn của Việt Nam trực tiếp cắm thuốc và bật diêm cho McCain hút.
Theo mô tả của Nguyễn Tuân thì hành động của ông đã khiến viên phi công Mỹ
phải nhiều lần nghển đầu cảm ơn.
Cũng tại cuộc chất vấn này, Nguyễn Tuân đã có những trao đổi về văn học với
viên phi công tù binh. Và khi McCain nói ông ta thích đọc tác phẩm của các nhà
văn Mỹ John Steinbeck, Hemingway, và cho rằng Steinbeck sau này viết không
hay vì "già rồi nên cỗi", ông ta đã được lão nhà văn Việt Nam chỉnh lại, rằng
Steinbeck "lẫn mất phương hướng và sự thật lịch sử rồi", rằng đáng ra người ta
phải thu hồi cái sắc bằng (của giải Nobel) đã trao cho ông này vì những trang
viết ca ngợi sự giết chóc của quân xâm lược Mỹ.
Nhân thể, Nguyễn Tuân đã nói cho McCain hay, việc ông ta còn sống sau lần
máy bay bị bắn hạ không phải vì "Chúa Trời nào đã cứu sống anh đâu mà chính
là vì những người dân Hà Nội chân chính đó đã hết sức tôn trọng phép nước đối
với tù binh Mỹ bị bắt sống". Theo phân tích của Nguyễn Tuân, những người bơi
ra vớt McCain ở hồ Trúc Bạch hôm ấy hoàn toàn có thể giết chết ông ta vì họ
từng là nạn nhân của bom đạn Mỹ. Cuối buổi trò chuyện, McCain thổ lộ: "Có lẽ
sau này tôi sẽ xin đi làm quản lý ở một công ty nào" và "tôi là một người đang
thấy cần phải có hòa bình và mong chiến tranh kết thúc". Ra về, Nguyễn Tuân
đã để cả chỗ thuốc lá còn lại cho McCain.
Qua cuộc phỏng vấn nói trên, có thể thấy nhà văn Nguyễn Tuân đã thực hiện rất
tốt việc mà ngày nay chúng ta gọi là "ngoại giao văn hóa".
Với các nhà biên tập
Trong đời sống văn chương, báo chí hiện thời, ngày càng xuất hiện nhiều trường
hợp người viết quá dễ dãi với tác phẩm của mình. Bài viết vừa ráo mực, họ đã
đem "chào hàng" tại các tòa báo mà không cần đọc lại bản thảo lấy một lần. Và
khi in ra, họ cũng không cần biết nó đã bị (hoặc được) cắt xén, sửa chữa ra sao.
Câu giao ước thường trực của họ với các biên tập viên là: "Khi in, tùy ban biên
tập cắt gọt, sửa chữa thoải mái". Thật khác với trường hợp của nhà văn bậc thầy
Nguyễn Tuân. Dường như việc phải sửa văn của cụ là một việc cực chẳng đã của
các biên tập viên, đồng thời cũng là nỗi lo thon thót của họ. Bởi, không khéo thì
chỉ vì một vài chữ, cụ đòi bỏ cả bài, hoặc vì một bài, cụ xin rút lại cả tập sách,
không cho xuất bản nữa. Mà các biên tập viên làm việc với cụ đâu phải là bậc
thường, toàn những nhân vật gạo cội cả đấy.
Nhà văn Kim Lân mặc dù từng là chỗ tâm giao của cụ Nguyễn (hai người từng
cùng tham gia bộ phim "Chị Dậu" chuyển thể từ tiểu thuyết "Tắt đèn" của Ngô
Tất Tố), vậy mà một lần - do tình thế đưa đẩy- Kim Lân đã phải khéo léo thuyết
phục cụ Nguyễn chỉnh sửa một đôi chữ trong bài viết của cụ. Thoạt đầu, cụ
Nguyễn ưng thuận, nhưng sau khi sách in ra, không biết ngẫm nghĩ thế nào, cụ
lại sa sả mắng Kim Lân ngay giữa trụ sở Hội Nhà văn, rằng Kim Lân "nếu có
quyền có chức cũng không phải vừa đâu", rằng vừa rồi Kim Lân đã "cắt của
mình mấy chữ, đểu quá " (việc này nhà văn Kim Lân đã kể lại trong bài hồi ký
"Nguyễn Tuân, anh là người sung sướng nhất").
Việc đặt tên cho cuốn "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi" của Nguyễn Tuân cũng không
đơn giản. Thoạt đầu, khi đưa duyệt bản thảo (sách do Hội Văn nghệ Hà Nội xuất
bản), nhà văn Tô Hoài, Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội đề nghị cụ Nguyễn đổi tên
tập sách. Theo ý Tô Hoài, chỉ cần để cái tên "Hà Nội đánh Mỹ" là đủ.
Nguyễn Tuân bực bội: "Ông thấy nó dài dòng ở chỗ nào?". Tô Hoài giải thích:
"Để là "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi" cứ thấy y như mình đứng ở bề trên mà ban
khen cho Hà Nội vậy".
Nguyễn Tuân nổi xung: "Đấy! Ba cái anh duyệt bài là chúa hay suy diễn. Tôi
không có đứng trên đứng dưới gì sất, chỉ có điều là tôi không chịu được cái gì
chung chung. Tôi nói "Hà Nội ta" là "Hà Nội của chúng ta đây! Của ta đây!".
Tôi tự hào về cái Hà Nội của ta, thế có được không? Thế còn đánh Mỹ thì phải
nói "đánh Mỹ giỏi" chứ nói "đánh Mỹ" thì ai biết đánh Mỹ như thế nào? Một
cái tên sách, nó là cái tên sách của tôi, sao ông cứ bắt phải giống mọi người? Nếu
ông làm biên tập mà cứ muốn gọt tôi cho bằng tròn vo như vậy, không có cá tính,
không có cái riêng của tôi thì thôi, để sách đó, tôi không in nữa".
Với người đi viếng mình
Là một người từng nhiều lần trong đời tiễn đưa bạn hữu về chốn an nghỉ cuối
cùng, nhà văn Nguyễn Tuân thường để ý tới sự nắng nôi của con đường dẫn vào
khu nghĩa trang. Đặc biệt, đường đến nghĩa trang Văn Điển trước đây còn không
mấy có nhà cửa, bóng cây xanh, những người đi theo xe tang thường phải chịu
những nỗi cực nhọc vất vả khi vào ngày hè oi nóng. Bởi vậy, trong một lần nói
vui với bạn bè về việc sau này mình khuất núi, nhà văn Nguyễn Tuân ngỏ ý: Vì
bình sinh hay uống bia, nên ông đề nghị, khi chết, thay vì việc mua vòng hoa, mọi
người hãy tập trung số tiền đó để mua một téc bia chở đi trước xe đặt quan tài
ông để phục vụ anh em trên đường tiễn ông xuống