Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Cải thiện chất lượng giáo dục đại học bằng tư duy pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (141.14 KB, 10 trang )

Cải thiện chất lượng
giáo dục đại học bằng
tư duy


Việc cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo đại học được nhắc đến
thường xuyên trong công luận như một vấn đề bức thiết nhưng cho đến
nay vẫn chưa có những giải pháp mang tính toàn diện và triệt để, vừa đạt
được mục tiêu về cải thiện chất lượng dạy và học đồng thời giúp cho bài
toán quyền lợi của các cá nhân liên quan được giải quyết hợp lý. Một
giải pháp như vậy đòi hỏi được xem xét qua tư duy kinh tế với ba câu
hỏi căn bản là: xã hội có nhu cầu gì ở giáo dục đại học; hiện trạng đào
tạo đại học hiện cung ứng tới đâu; lộ trình nào để từng bước giúp cung
và cầu gặp nhau.
Cung và cầu tri thức chưa gặp nhau
Nói theo tư duy kinh tế thì con người cần tri thức để thỏa mãn tối ưu cho
các nhu cầu của nó trong điều kiện hạn chế các nguồn tài nguyên. Như
vậy là xã hội cần tri thức để có thể sử dụng các nguồn tài nguyên với
hiệu quả tối ưu. Bên cạnh đó, xã hội cũng cần đội ngũ nhân lực có khả
năng vận dụng những tri thức này. Trong hoàn cảnh các nguồn tài
nguyên của đất nước còn hạn hẹp, nhu cầu tri thức để giúp tối ưu hóa là
rất lớn, không đâu là không có.
Đứng trước nhu cầu với tri thức và nhân lực như vậy, các trường đại học
đáp ứng được tới đâu? Thu nhập bình quân người Việt Nam còn rất
nghèo chính vì thiếu khả năng tận dụng các nguồn lực. Đa số các sản
phẩm con người làm được trong nền kinh tế chỉ mới dừng ở mức độ sử
dụng trực tiếp hoặc sơ chế các nguồn nguyên liệu tự nhiên. Điều đó hiển
nhiên là do xã hội thiếu tri thức, thiếu nhân lực chất lượng cao. Hai cái
thiếu này hiển nhiên là do nguồn cung ứng tri thức và nhân lực còn chưa
đáp ứng được.
Tuy nhiên, cần phân biệt giữa thiếu khả năng cung ứng với việc thiếu


khả năng sản xuất. Đây là hai vấn đề riêng biệt. Nếu đứng trước các đơn
đặt hàng chính xác, cụ thể, nhà sản xuất có thể thực hiện đúng theo yêu
cầu. Nhưng nếu không có đơn đặt hàng, không có các yêu cầu cụ thể,
không biết nơi đưa hàng, không biết các mức giá cả, đãi ngộ, nhà sản
xuất sẽ không cung ứng được cho dù có khả năng làm ra sản phẩm. Đây
chính là vấn đề trong cung ứng giáo dục ở nước ta hiện nay.
Người đi dạy không xác định rõ được xã hội cần những sản phẩm tri
thức gì và mức độ năng lực nào. Người đi học thì lệ thuộc thụ động vào
thầy cô chứ không biết được cần phải tự mình chủ động rèn luyện những
phẩm chất và kiến thức gì. Nhưng không hẳn là thầy cô và sinh viên
thiếu khả năng đáp ứng thị trường. Nếu thị trường đưa ra các đơn đặt
hàng cụ thể và thiết thực, rất có thể nhà cung ứng giáo dục sẽ có xu
hướng phát triển để từng bước đáp ứng được nhu cầu.
Khi xã hội không đặt ra các yêu cầu cụ thể, thầy và trò sẽ tập trung vào
sản xuất những tri thức và nhân lực xa rời thực tiễn. Quá nhiều những
nhân lực xa rời thực tiễn khiến cho khi các đơn vị, tổ chức, doanh
nghiệp có các nhu cầu cụ thể về tri thức và nhân lực thì họ không biết ai
là người có thể làm được việc. Vì cung và cầu tri thức không gặp nhau
nên trường học buộc phải biến thành công cụ để cân bằng một thức cung
– cầu khác, cung – cầu bằng cấp và danh hiệu.
Lộ trình nào để cung và cầu tri thức trong xã hội gặp nhau?
1) Cải thiện phương pháp cung ứng
Nhìn sang phương pháp cung ứng của các trường đại học tiên tiến trên
thế giới thì thấy rằng họ tổ chức nhiều hội chợ việc làm (job fair) để các
bên quan tâm có thể gặp được nhau. Ở đó, các nhà tuyển dụng và lứa
sinh viên chuẩn bị ra trường có cơ hội gặp được nhau. Từng nghe câu
“trai khôn kén vợ chợ đông”. Những hội chợ việc làm như vậy tạo điều
kiện cho các bên liên quan có hàng chục, hàng trăm lựa chọn một cách
chủ động thay vì trông chờ vào một hai lựa chọn mang tính thụ động.
Yếu tố chủ động rất quan trọng. Nó cho phép con người có sự chuẩn bị

đầy đủ hơn để đáp ứng các đòi hỏi thiết thực từ phía đối tác.

Hội chợ việc làm chỉ là một trong nhiều hình thức để cung và cầu nhận
biết lẫn nhau trong lĩnh vực giáo dục. Một trường đại học tiên tiến còn
phải tổ chức các hội thảo chuyên ngành, trong đó không chỉ các nhà
nghiên cứu và giảng dạy gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, mà họ có cơ hội
để trực tiếp gặp gỡ các doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Nhà nghiên cứu
khoa học và nhà giảng dạy phải biết xã hội cần gì thì mới có định hướng
đúng cho công việc. Qua đó nhân lực mà họ đào tạo ra mới đáp ứng
được đòi hỏi của thị trường.

2) Tạo cơ hội để sinh viên động não
Có hệ thống cung ứng rồi nhưng để bán được hàng về lâu dài thì sản
phẩm phải có chất lượng đủ sức cạnh tranh. Sản phẩm ở đây là nhân lực
cho xã hội. Cần những con người nhìn ra vấn đề cần giải quyết và những
người giải quyết được vấn đề. Tóm lại là cần những người biết cách
động não.

Cách giáo dục đại học ở nước ta hiện nay chưa bắt người học phải động
não. Không có những buổi thảo luận giữa thầy và trò hay giữa trò với
trò, để phân tích góc cạnh các vấn đề học trên lớp. Không có những bài
thuyết trình diễn tập để người học thể hiện khả năng tổng hợp và chắt
lọc nội dung kiến thức. Ít ra trong giáo dục phổ thông thì với từng môn
học còn có nhiều bài kiểm tra và bài tập bắt buộc, nhưng đến cấp đại học
thì các yêu cầu này sút giảm hẳn. Chỉ có quá nhiều buổi học nối tiếp
nhau trong đó người học chỉ ngồi nghe câu được câu mất một cách thụ
động. Như vậy là người học không phải động não. Ngược lại, người
muốn được động não thì lại không có cơ hội, không được khuyến khích
và khẳng định. Đây cũng là một vấn đề với bản chất cung – cầu không
gặp nhau.


Nếu chỉ trông cậy vào đội ngũ giảng dạy hiện nay để giải quyết những
thiếu thốn, bất cập kể trên thì sẽ là đòi hỏi quá sức đối với các thầy, cô,
nhất là với những lớp học đông hàng trăm sinh viên (ở đây chưa bàn đến
vấn đề đãi ngộ cho người đi dạy). Vậy ở các nước phát triển họ làm thế
nào? Câu trả lời rút gọn là: họ có một hệ thống trợ giảng . Trong hệ
thống này, những người đi học sau khi đã khẳng định được khả năng am
hiểu của mình với một môn học thì có thể đăng ký làm trợ giảng môn
học này. Tùy vào quy mô của lớp mà số lượng trợ giảng nhiều hay ít. Họ
giúp ra bài tập và chấm bài hằng tuần. Họ cũng có nhiệm vụ tiếp xúc và
giúp đỡ mọi cá nhân gặp vướng mắc khi tiếp thu bài giảng. Đội ngũ trợ
giảng là cánh tay nối dài của người giảng viên, giúp công tác giảng dạy
đạt hiệu quả sâu và rộng hơn. Đổi lại, người trợ giảng sẽ được trả lương
để tự trang trải một phần chi phí ăn học. Cái được khác là họ có cơ hội
trau dồi thêm kiến thức chuyên môn và rèn luyện khả năng tổng hợp
thông tin, trình bày, và giao tiếp. Tính hiệu quả trong công việc trợ giảng
được sinh viên chấm điểm (theo lối bỏ phiếu kín) khi môn học kết thúc.
Đây là điều kiện ràng buộc về trách nhiệm và quyền lợi. Với căn cứ một
thành tích trợ giảng tốt, người đi học sẽ tự làm tăng thêm điểm cho hồ sơ
xin việc của mình.

3) Xây dựng hệ dữ liệu để tự hoàn thiện mình
Chúng ta chỉ chấm điểm người đi học mà không cho người đi học chấm
điểm và nhận xét người đi dạy. Lại không có hệ thống trợ giảng để
truyền đạt nguyện vọng của người đi dạy tới các giảng viên, từ đó lưu
giữ, chọn lọc, và hệ thống hóa các nguyện vọng này vào phương pháp
giảng dạy. Cũng không có biện pháp lưu giữ các bài giảng, từ đó chọn ra
bài giảng hay để người sau học hỏi và rút kinh nghiệm từ người trước.
Các thiếu sót này khiến người dạy và người học xa rời nhau.


Các trường đều có phòng hợp tác phát triển nhưng không có bộ phận
thăm dò, khảo sát các ngành, nghề, các đơn vị doanh nghiệp, qua đó
đoán biết thị trường đang cần tri thức gì, năng lực gì. Đã có các hội thảo
và lớp đào tạo ngắn hạn để đối tượng khách hàng là các tổ chức chính
trị, xã hội, các doanh nghiệp tham gia hòng tiếp thu kiến thức và tìm
nhân sự từ trường đại học; tuy nhiên do thiếu sự hỗ trợ của những người
trợ giảng nên người thuyết giảng chỉ cốt thuyết phục người nghe chứ
chưa chắc đã giúp giải quyết vấn đề cụ thể của từng người nghe, càng
không thể học hỏi thêm từ dòng thông tin phản biện từ phía người nghe.
Không có thông tin nên không thể lập thành kho dữ liệu, qua đó tự mình
chắt lọc lại kiến thức và định hướng làm việc cho phù hợp. Các thiếu sót
này khiến cho môi trường học thuật và thực tiễn đời sống xa rời nhau.

4) Độc lập về tài chính
Nếu coi trường đại học như một cơ sở sản xuất ra tri thức đáp ứng nhu
cầu từ thị trường thì trách nhiệm của nó là phải làm ra đủ để tự nuôi
sống mình. Đã có không ít bài viết phê phán thành quả giáo dục và
nghiên cứu khoa học của Việt Nam căn cứ trên số lượng ít ỏi những
công trình nghiên cứu khoa học công bố trên các tạp chí có uy tín của
thế giới. Tuy nhiên, mấu chốt của việc công bố nghiên cứu khoa học là
sáng tạo ra những kiến thức mới cho nhân loại. Nhưng những kiến thức
hữu ích đóng góp thiết thực cho xã hội ta hiện nay đâu nhất thiết phải là
kiến thức mới cho thế giới?

Khi nào ta biết mình đã có đóng góp thiết thực? Khi ta làm ra cái xã hội
cần, được xã hội công nhận và trả công xứng đáng. Chưa có nhiều bài
nghiên cứu lý thuyết đóng góp vào kho tàng tinh hoa của nhân loại, chưa
đến mức phải buồn. Nhưng chưa có đóng góp thiết thực để xã hội có thể
vui vẻ trả công cho anh một cách sòng phẳng, đó là điều phải trăn trở.


Xã hội nên khuyến khích những trường học tự đứng vững về tài chính
nhờ vào đáp ứng nhu cầu tri thức (không phải nhu cầu bằng cấp) của xã
hội. Động cơ để một người tự đứng độc lập là được hưởng thành quả lao
động chính đáng. Tức là không có giới hạn về thu nhập, thu nhập tỉ lệ
với lợi nhuận.

Giải pháp toàn diện để các trường đại học cải thiện chất lượng giáo dục
đại học bao gồm bốn mấu chốt:
- Phát triển hệ thống cung ứng kết nối trường học với nhu cầu tri thức xã
hội.
- Tạo hệ thống trợ giảng để giúp học và người giảng dạy liên tục được
động não.
- Lập kho lưu trữ thông tin để liên tục tự rút kinh nghiệm, tự cải thiện
cho phù hợp với đòi hỏi thực tiễn
- Thu nhập không giới hạn và tỉ lệ với thành quả từ công việc.
Bốn yêu cầu này có thể chưa khả thi cho nhiều trường đại học của chúng
ta. Nhưng rất hi vọng trong tương lai không quá xa sẽ có những cơ sở đi
tiên phong. Xã hội đang đòi hỏi bức thiết cải thiện chất lượng giáo dục
và sẽ đền đáp xứng đáng cho những cải cách đúng hướng.

×