NGUYỄN TUÂN VÀ TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
Trọng Đạt
Hồi tôi còn là học sinh trung học cuối thập niên 50, một ông giáo sư Việt văn
của chúng tôi có nói trong lớp học như thế này: “Truyện của Nguyễn Tuân trong
Vang Bóng Một Thời hay gấp chín gấp mười lần truyện của Khái Hưng, Nhất Linh”.
Những người hâm mộ Nguyễn Tuân đã đề cao giá trị văn chương của ông như vậy.
Có thể nói Nguyễn Tuân là trường hợp hy hữu trong nền văn chương Việt
Nam, người ta chưa thấy ai công khai đem đời riêng tư của mình viết thành tác
phẩm như ông, cũng chưa thấy ai tự kê khai tất cả những cái xấu xa của mình như
bỏ bê gia đình, lừa gạt cha mẹ, ăn chơi hoang đàng, sa đọa trụy lạc, cô đầu thuốc
phiện. . tất cả những cái xấu nhất của tác giả đã được tự khai trước mắt người đọc.
Một điểm đặc biệt nữa là tác giả không tô điểm cái hay cái đẹp cuộc đời mình
để tự đề cao mình như ta thường thấy ở nhiều tác giả khác mà trái lại, ta chỉ thấy ở
nơi ông toàn là những cái xấu, chỉ thấy ở Nguyễn Tuân một con người ích kỷ, ăn
chơi hoang đàng, truỵ lạc. . . đi nói dối cha về nhà nói dối vợ, một con người vô tích
sự của gia đình, một người thừa của gia đình và cả xã hội nữa. Khi kể lại những
ngày ăn chơi tại chốn lầu hồng, bên ả Phù Dung ở xóm cô đầu. . . cũng có thể tác
giả tự cho mình là hay, giỏi, là dân sành điệu ăn chơi mà trong thiên hạ dễ gì có
người sánh kịp.
Dù thích hoặc không thích con người của Nguyễn Tuân, ta cũng phải công
nhận ông là tay ăn chơi từng trải hàng đầu trong làng văn chương Việt Nam. Nét độc
đáo trong văn chương Nguyễn Tuân như ta đã thấy nằm ở chỗ nghề chơi được đưa
vào văn chương một cách trọn vẹn và thành công huy hoàng, điểm này lại trái với
quan niệm của Thạch Lam trong cuốn Theo Giòng đã cho rằng nhà văn muốn thành
công không cần phải ăn chơi từng trải. Ở đây chúng tôi chỉ luận về văn chương
Nguyễn Tuân mà không phán xét về đạo đức, tư cách của ông vì nó nằm ngoài
phạm vi của việc nghị luận văn chương, và như vậy chúng tôi không nhằm chỉ trích
những cái xấu xa, trụy lạc của ông để đi vào chỗ lạc đề, những cái xấu xa ấy ở đây
chỉ được coi như một đề tài văn chương như tất cả những đề tài khác.
Có thể nói văn chương Nguyễn Tuân có những nét độc đáo hơn các văn hữu
đương thời của ông, ở đây chúng tôi xin được so sánh so sánh nghệ thuật Nguyễn
Tuân và Tự Lực văn đoàn.
Về hình thức, Nguyễn Tuân viết theo thể tùy bút mà đối với thời ấy, thập niên
30, 40 thật là mới lạ, trong khi hầu hết các tác giả đương thời viết truyện theo lối mới
của Tây phương như Tự Lực văn đoàn. Về hình thức tùy bút của Nguyễn Tuân khác
hẳn với lối viết truyện của Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam. . đó là những truyện
không có kết thúc hoặc những ký sự của một người muốn gửi vào trong ấy một mớ
tâm tình.
Về nội dung, những tùy bút, ký sự, truyện ấy trừ Vang Bóng Một Thời, chẳng ít
thì nhiều, thể hiện diễn đạt những tâm sự u uẩn, sâu kín của cái tôi Nguyễn
Tuân về cuộc đời, trước cuộc đời, về cái thú ăn chơi hưởng lạc. . thoát ly cuộc
sống.
Trái lại Tự Lực văn đoàn trước tác những cuốn tiểu thuyết, những đoản thiên
với Loan, Dũng với Lan Ngọc bằng những truyện ngắn dài có mở đầu và kết thúc
với những tình tiết éo le ngang trái. . những lời đối thoại tế nhị tự nhiên. Truyện
ngắn, tiểu thuyết được viết theo lối Tây phương, chịu ảnh hưởng của Tây phương
về bố cục, kỹ thuật nhưng nội dung vẫn mang nhiều sắc thái Á Đông, giữ được bản
sắc dân tộc.
Về nội dung, truyện của Khái Hưng Nhất linh có khuynh hướng, lãng mạn, xã
hội, tâm lý. . mặc dù chịu ảnh hưởng của phong trào lãng mạn Tây phương song
tính chất lãng mạn ấy lại mang nhiều lý tưởng cao thượng trong không khí thanh cao
của một nền văn minh tinh thần nay đã vang bóng một thời. Một ưu điểm rất lớn của
Tự Lực văn đoàn mà Nguyễn Tuân không có là công cuộc cải cách xã hội bằng văn
chương qua Đoạn Tuyện, Nửa Chừng Xuân, Trống Mái, Lạnh Lùng, Đôi Bạn. . .
những truyện ấy đã tả chân hiện thực những cái hủ lậu, tệ hại của xã hội ta để cổ võ
cho phong trào canh tân đổi mới. Khái Hưng, Thạch Lam. . chú trọng đến nghệ thuật
hướng nội, mô tả tâm lý nhân vật sâu sắc, đó là những ưu điểm mà ta không thấy có
ở Nguyễn Tuân.
Văn chương Nguyễn Tuân và Tự Lực văn đoàn khác biệt nhau nhiều nhất ở
quan điểm sáng tác: một bên là nhân sinh quan cái tôi và một đằng là tập thể, là xã
hội cộng đồng, một đằng là tinh thần vị kỷ suy tôn cái tôi, bên kia vị tha. Văn chương
Nguyễn Tuân có đóng góp cho nền văn học của nước ta song nền văn chương ấy
không có tính cộng đồng, xây dựng ân cần chia xẻ với mọi người mà chỉ thể hiện
một cái tôi ích kỷ, một lối nhìn, sự thoát ly của cái tôi cũng như cái lối hưởng thụ cá
nhân, phiêu lưu không hạn định, nó không đóng góp gì cho xã hội mà chỉ là lối sống
của một kẻ ăn hại, vô tích sự như Nguyễn Tuân đã tự công nhận như thế.
Về mặt nghệ thuật, giá trị văn chương, chúng ta thấy tác phẩm của Khái Hưng,
Nhất Linh, Thạch Lam. . có những nết đa dạng hơn, cốt truyện lôi cuốn hơn, có chú
trọng về diễn tả tâm lý nhân vật như trong Sợi Tóc, Hạnh hay Đôi Bạn. . để làm cho
tác phẩm có hồn, diễn tả những khía cạnh éo le, bi thảm của xã hội. . đó là những
ưu điểm mà văn chương Nguyễn Tuân không có, văn chương Nguyễn Tuân chỉ hạn
hẹp trong lối nhìn đời của cái tôi khinh bạc, ngạo mạn. Như vậy ta lại càng thấy rõ
hơn hai khuynh hướng trái ngược nhau của văn chương Nguyễn Tuân và Tự Lực
văn đoàn: một bên là vị tha, một đằng là vị kỷ.
Vang Bóng Một Thời là tác phẩm được chú ý nhiều nhất trong sựï nghiệp văn
chương Nguyễn Tuân. Các nhà phê bình cũng như độc giả từ hơn nửa thế kỷ qua
đều phải công nhận giá trị vô song của nó qua những áng văn độc đáo, thi vị, tàn
bạo. . ông đã làm sống lại cả một nền văn minh tinh thần đã vang bóng một thời. Nó
cũng thể hiện đầy đủ những cá tính và sắc thái của truyền thống dân tộc cũng như
những phong vị tinh hoa của quê hương đất nước.
Song giá trị văn chương Nguyễn Tuân xem ra lại không đồng đều như ta thấy
ở Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam . . trong Tự Lực văn đoàn. Tác phẩm của Khái
Hưng như tuồng kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn. . .có nhiều truyện đặc sắc, hay, một
số ít vào loại trung bình, Thạch Lam cũng vậy, Nhất Linh có một số truyện bị các nhà
phê bình chê là kém nghệ thuật, giả tạo như Nắng Thu, Đoạn Tuyệt. . nhưng ở
Nguyễn Tuân ngoài một số tác phẩm đặc sắc như Vang Bóng Một Thời, Chùa Đàn,
Phu Nhân Họ Bồ, Cái Ca vát Đen. . còn nói chung, truyện dài ký sự, túy bút. . của
ông phần lớn chỉ có giá trị nghệ thuật trung bình như Một Chuyến Đi, Chiếc Lư Đồng
Mắt Cua, Ngọn Đèn Dầu Lạc, thậm chí có nhiều túy bút, truyện ngắn, dài nghệ thụât
phải nói là dưới trung bình như Quê Hương, Tùy Hút I, II, Nguyễn, Đôi Tri Kỷ
Gượng. . . Ở đấy Nguyễn Tuân cứ nhồi nhét cho thật nhiều chi tiết vụn vặt của chính
mình, của những ngày phiêu bạt, giang hồ, của cái tôi ngang tàng, kiểu cách. . nó đã
không tạo được hứng thú cho người đọc mà chỉ làm cho họ bối rối phân vân. .
Nguyễn Tuân được nhiều người thán phục, ca ngợi, hâm mộ nhưng so với Tự
Lực văn đoàn tác phẩm của ông không được phổ biến mạnh như ta thấy ở Khái
Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam. . mặc dù văn ông có những nét độc đáo đi trước thời
đại.
“Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân
không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức. Một ngày không xa, khi mà văn
chương Việt Nam được người Việt Nam ham chuộng hơn bây giờ, tôi dám chắc
những văn phẩm của Nguyễn Tuân sẽ còn có một địa vị xứng đáng hơn nữa”
Nguyễn Tuân có ảnh hưởng nhiều đến sáng tác của văn học miền Nam sau
1954 về hình thức, hồi ấy đa số các nhà văn chuyên nghiệp đều đã ít nhiều có sáng
tác tùy bút và bây giờ văn học hải ngoại vẫn còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của lối
viết này. Hiện nay vẫn còn nhiều người thích viết tùy bút, nói như thế không có nghĩa
là ảnh hưởng của ông vượt trội hơn Khái Hưng, Nhất Linh hay các nhà văn thời tiền
chiến vì đó chỉ là sự ảnh hưởng về hình thức, về kỹ thuật viết mà ông và Thạch Lam
đã là những người đi tiên phong.
Phải chăng lối viết tùy bút dễ hơn sáng tác truyện ngắn truyện dài? Thực ra viết
cho hay, cho có nghệ thuật cao bao giờ cũng khó và như vậy không có lối viết nào
dễ hơn hoặc khó hơn cách viết nào.
Như chúng tôi đã trình bầy ở trên, Tự Lực văn đoàn đã ảnh hưởng sâu rộng cả
về cải cách xã hội lẫn sáng tác văn chương, tiểu thuyết theo lối Tây phương bắt đầu
có từ thời Tự Lực văn đoàn. Mặc dù từ thập niên 60 đến nay người ta không còn viết
theo lối viết ấy vì nó đã rơi vào cổ điển nhưng không ai phủ nhận được văn đoàn đã
xây dựng được một nền tảng vững chắc cho nền văn học Việt Nam .
Nói về cải cách xã hội, những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của văn đoàn như Nửa
Chừng Xuân, Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng . . đã cổ võ được phong trào canh tân đổi mới,
từ bỏ những hủ tục phong kiến trọng nam khinh nữ ngõ hầu xã hội Việt Nam dần
dần thoát khỏi sự kiềm tỏa của Nho giáo lỗi thời mà bọn thực dân cố tình duy trì để
dân tộc ta không trỗi dậy được.
Nguyễn Tuân không có được nhiều ảnh hưởng như trên vì đó chỉ là văn
chương “cái tôi” thể hiện lối sống hưởng lạc, một lối nhìn đời bi quan chán chường
không lối thoát, nó diễn tả lại quãng đời hưởng thụ ăn chơi lêu lổng của một con
người chỉ thích phiêu lưu xê dịch đi tìm lạc thú cá nhân.
Mặc dù văn chương Nguyễn Tuân không đóng góp gì cho xã hội nhưng chúng
ta phải công nhận ông đã tô điểm cho nền văn học nước nhàthêm phong phú bằng
những bài tùy bút, truyện ngắn, truyện dài, ký sự . . . mang nhiều sắc thái mới lạ và
độc đáo, sáng tác của ông ở nhiều điểm có thể coi như đi trước thời đại, nói lên
những cái xấu xa của con người. Ông vượt xa Tự Lực văn đoàn ở chỗ đã cho người
đọc thấy cái bộ mặt trái của xã hội, của cuộc dời, như trong Ngọn Đèn Dầu Lạc,
Nguyễn Tuân đã phơi bầy cho mọi người thấy cái bệ rạc của thế giới nghiện, Chiếc
Lư Đồng Mắt Cua cho thấy những cái xấu xa của chốn cô đầu. Cá tính Nguyễn
Tuân có nhiều điểm vượt trội hơn các nhà văn khác đương thời.
Với lối viết và đề tài mới lạ, ý tưởng và hành văn cầu kỳ nhưng độc đáo,
Nguyễn Tuân đã một thời được nhiều người ngưỡng mộ và ngày nay những tác
phẩm giá trị của ông như Vang Bóng Một Thời, Chùa Đàn, Phu Nhân Họ Bồ, Ngọn
Đèn Dầu Lạc. . đã có địa vị xứng đáng trong văn học sử nước nhà. Một điều không
ai phủ nhận được là Nguyễn Tuân người đi tiên phong trong thể tùy bút, đã mang lại
cho nền văn chương Việt nam một lối sáng tác phong phú mới mẻ cho tới nay vẫn
được bao người ưa chuộng.
Trích trong cuốn Nghệ Thuật Tùy Bút của Nguyễn Tuân, sẽ xuất bản năm 2006