Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Doanh nhân Việt và tư duy “think out of box” ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (132.75 KB, 6 trang )

Doanh nhân Việt và tư
duy “think out of box”

Hình như với không ít người Việt chúng ta, trong đó có cả giới doanh
nhân, sự thử nghiệm cái mới vẫn còn là điều cấm kỵ?

Một ngày cuối năm ngoái, sau khi vật vã với việc tổ chức ăn trưa
cho một cuộc họp tại công ty, tôi có viết bài “Ý tưởng hay là điểm
tựa cho thương hiệu lớn” trên một trang báo điện tử khá nổi tiếng.

Chủ đề chính là thảo luận về tình hình thị trường cơm hộp ở các thành
phố lớn hiện nay, những điều khách hàng chưa được thỏa mãn với cơm
hộp hiện tại, và lời gợi ý cho một sản phẩm “cơm hộp” nâng cấp.

Tôi nhận được nhiều comment, thậm chí nhiều bạn đã trực tiếp liên hệ
với tôi để trao đổi về tính khả thi của ý tưởng đó, trong đó một số bạn
cho rằng sự gợi ý của tôi là “bất khả thi, mặc dù nghe thì hay”. Có nhiều
lý do để phản bác đã được các bạn đưa ra.

Thật sự, tôi không bất ngờ về những phản bác đó. Từ vài năm trước, khi
tham gia đào tạo các khóa về kinh doanh cho các doanh nghiệp, mỗi khi
gợi ý học viên về những ý tưởng kinh doanh mới, câu trả lời thường
xuyên của các học viên thường là: “Hay đấy, nhưng sợ không khả thi”.

Hình như với không ít người Việt chúng ta, trong đó có cả giới doanh
nhân, sự thử nghiệm cái mới vẫn còn là điều cấm kỵ?

Không ít người trong số chúng ta (đặc biệt những người đã được đào tạo
ở nước ngoài, hoặc được đào tạo ở các công ty đa quốc gia) đã biết đến
thuật ngữ “Think out of box” - tạm dịch: “Suy nghĩ phá lệ”.


Nói một cách dễ hiểu, là muốn sáng tạo, muốn có những cú đột phá
trong kinh doanh, thì hãy đừng tự trói suy nghĩ của mình vào một rào
cản nhất định, do chính mình đặt ra.

Đã nhiều lần tôi được nghe các doanh nhân và giảng viên nước ngoài
nhận xét: “Người Việt Nam học hỏi rất nhanh, nhưng hay đặt rào cản
quá”. Tôi hiểu ý họ, và thật lòng khá buồn. Buồn vì họ nhận xét đúng!

Tôi xin lấy một ví dụ nhỏ: đồ gốm sứ Bát Tràng rất được khách Nhật ưa
chuộng. Nhiều doanh nghiệp Bát Tràng đã gửi chào hàng tới Nhật Bản
qua nhiều kênh xúc tiến thương mại khác nhau. Tuy nhiên, đơn đặt hàng
không nhiều.

Nguyên nhân không phải do hàng hóa chất lượng thấp, hoặc giá cao. Mà
đơn giản: các nhà sản xuất chỉ làm theo bộ số lượng lớn (6-10 cái bát ăn
cơm, kèm vài cái đĩa chẳng hạn) - đây là một bộ bát đĩa cho một hộ gia
đình 4 người thường thấy ở Việt Nam.

Trong khi đó, quy mô gia đình ở Nhật lại rất nhỏ (chỉ từ 1-3 người),
không gian sống ở các thành phố Nhật quá nhỏ, nên họ chỉ cần mua một
bộ gồm 2-4 cái bát ăn cơm nhỏ.

Chẳng biết các nhà sản xuất Bát Tràng và các cơ quan xúc tiến thương
mại của ta có biết không, nhưng hiện tượng này đã xảy ra từ lâu, và “vũ
như cẫn” đến tận bây giờ.

Henry Ford - nhà sáng lập ra hãng ôtô Ford lừng danh, doanh nhân mà
tôi ngưỡng mộ nhất, đã nói khi sáng chế ra chiếc ôtô Ford Model T:
“Nếu tôi hỏi người tiêu dùng cần gì, họ sẽ nói họ cần một chiếc xe ngựa
chạy nhanh hơn”.


Nếu Ford cũng nghĩ như người khác, thì chắc chúng ta sẽ không có
những chiếc ôtô như ngày nay.

Một bài báo trên VnEconomy gần đây có nhắc đến Phở 24 và VietMac -
một loại cơm văn phòng kiểu mới. Phở 24 đã quá quen thuộc, nhưng còn
VietMac - phải chăng đây là sản phẩm của “think out of box”?

Tôi đã truy cập vào trang web của nhà sản xuất, và biết đây là một dạng
“McDonald’s kiểu Việt”. Sản phẩm của họ là cơm hộp nâng cấp, được
đóng gói như fast-food. Nhờ sự cải tiến (mà tôi nghĩ là rất nhỏ) này, họ
đã đảm bảo được tính vệ sinh an toàn thực phẩm, khắc phục được mùi
khó chịu của hộp cơm, và đảm bảo cơm nóng cho tới tay khách hàng
nhờ lò vi sóng.

Tôi không nghĩ đây là ý tưởng có sự đột phá về tư duy, vì thực ra trên
thế giới đã có sản phẩm rice-burger, loại bánh hamburger làm từ gạo
được dân châu Á rất thích. McDonald’s cũng có sản phẩm này, MOS
Burger - thương hiệu nổi tiếng Nhật Bản cũng bán rice-burger, bán đầy
ở các cửa hàng thực phẩm ở Nhật, Thái Lan, Singapore, Malaysia…

Nhưng, tôi đánh giá cao ý tưởng sản phẩm này vì nhà sản xuất biết uyển
chuyển áp dụng cho thị trường ở Hà Nội. Họ không đi theo lối mòn là
sản xuất thức ăn nhanh để cạnh tranh với các ông lớn trong ngành fast-
food, mà chuyển hóa sản phẩm thành một thứ “cơm hộp nâng cấp”.
Đồng thời, họ cũng không cố gắng nâng cấp cái hộp cơm - điều mà các
nhà sản xuất khác đang hướng tới, mà cải tiến nó về chất.

Hãy đừng tự trói mình vào một rào cản nào đó. Sáng tạo là vốn quý nhất
của doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh hiện nay, nhưng sáng tạo

chỉ có khi chúng ta “think out of box”.

Phải chăng, cũng chính vì tư tưởng “không thể làm được” rất phổ biến
trong suy nghĩ đã ngăn cản sự sáng tạo, để đến hôm nay chúng ta vẫn
chưa có nhiều thương hiệu lớn?

* Tác giả bài viết là Phó giám đốc Công ty Thời trang Thiên Quang.

×