Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

2008_Gợi ý giải đề -Văn-(120ph)_tuyển s lớp10 _ HÀ NỘI, 18-6

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (96.61 KB, 4 trang )

KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT
NĂM HỌC: 2008 – 2009 _Hà Nội
Môn thi : NGỮ VĂN
Phần I: (4 điểm)
Cho đoạn trích sau:
(…) Bây giờ là buổi trưa. Im ắng lạ. Tôi ngồi dựa vào thành đá và khe khẽ
hát. Tôi mê hát. Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát. Lời
tôi bịa lộn xộn mà ngớ ngẩn đến tôi cũng ngạc nhiên, đôi khi bò ra mà cười một
mình.
Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím
tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi
thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!” (…)
(Lê Minh Khuê – Sách Ngữ văn 9, tập 2)
1. Những câu văn này được rút từ tác phẩm nào? Nêu hoàn cảnh ra đời của tác
phẩm ấy.
2. Xác định câu có lời dẫn trực tiếp và câu đặc biệt trong đoạn trích trên.
3. Giới thiệu ngắn gọn (không quá nửa trang giấy thi) về nhân vật tôi trong tác
phẩm đó.
4. Kể tên một tác phẩm khác viết về người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống
Mĩ mà em đã học trong chương trình Ngữ văn 9 và ghi rõ tên tác giả.
Phần II (6 điểm)
Trong bài thơ Đồng chí, Chính Hữu đã viết rất xúc động về người chiến sĩ thời
kháng chiến chống Pháp:
(…) Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá


Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay. (…)
1. Từ Đồng chí nghĩa là gì? Theo em, vì sao tác giả lại đặt tên bài thơ của mình là
Đồng chí?
2. Trong câu thơ Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính, nhà thơ đã sử dụng phép tu
từ gì? Nêu rõ hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ ấy.
3. Dựa vào đoạn thơ trên, hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 câu) theo cách lập luận
tổng hợp – phân tích – tổng hợp trong đó có sử dụng phép thế và một phủ định để
làm rõ sự đồng cảm, sẻ chia giữa những người đồng đội. (Gạch dưới câu phủ định
và những từ ngữ dùng làm phép thế).
BÀI GIẢI GỢI Ý
Phần I
1. Những câu văn này được rút trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của Lê
Minh Khuê. Đây là một trong số những tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê, viết
năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đang diễn ra ác liệt.
2. Câu có lời dẫn trực tiếp : …Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo : “Cô có cái nhìn
sao mà xa xăm!” (…)
Câu đặc biệt trong đoạn trích : Im ắng lạ.
3. Truyện “Những ngôi sao xa xôi” được trần thuật từ ngôi thứ nhất. Người kể
chuyện cũng là nhân vật chính: nhân vật “tôi” (Phương Định). Cô và các đồng đội
của mình đã sống và chiến đấu ở trên một cao điểm giữa một vùng trọng điểm của
tuyến đường Trường Sơn, nơi tập trung nhiều bom đạn nguy hiểm nhất.
Phương Định là một cô gái Hà Nội, có một thời học sinh hồn nhiên, vô tư bên
người mẹ trong một căn buồng nhỏ ở một đoạn đường phố yên tĩnh trong những
ngày thanh bình trước chiến tranh. Những kỷ niệm ấy luôn sống lại trong cô ngay
giữa chiến trường dữ dội. Nó vừa là niềm khao khát, vừa làm dịu mát tâm hồn của
cô trong hoàn cảnh căng thẳng, khốc liệt của chiến trường.
Vào chiến trường đã ba năm, đã quen với thử thách, giáp mặt hằng ngày với cái
chết, nhưng cô vẫn không mất đi sự hồn nhiên, trong sáng và những mơ ước về
tương lai. Cô gái nhạy cảm, hồn nhiên này hay mơ mộng và thích hát. Phương Định

cũng yêu mến những đồng đội trong tổ và trong cả đơn vị của mình, đặc biệt cô
dành tình yêu và niềm cảm phục cho tất cả những người chiến sĩ mà hằng đêm cô
gặp trên trọng điểm của con đường vào mặt trận.
Phương Định nhạy cảm và quan tâm đến hình thức của mình. Cô tự đánh giá :
“Tôi là con gái Hà Nội… Một cô gái khá … Có hai bím tóc dày, mềm … một cái
cổ cao, kiêu hãnh… một đôi mắt xa xăm…”.
Công việc của cô nơi chiến trường hết sức nguy hiểm. Sau mỗi trận bom, cô phải
lao ra trọng điểm, đo và ước tính khối lượng đất đá bị bom địch đào xới, đếm
những quả bom chưa nổ và dùng những khối thuốc nổ đặt vào cạnh nó để phá. Đó
là một công việc phải mạo hiểm với cái chết, luôn căng thẳng thần kinh, đòi hỏi sự
bình tĩnh và dũng cảm. Nhưng với cô, công việc ấy đã trở thành việc thường ngày.
Hình ảnh Phương Định được nhà văn miêu tả sinh động, tinh tế. Đó là hình ảnh
một cô gái thanh niên xung phong tiêu biểu cho những người thanh niên Việt Nam
thời chống Mĩ.
4. Tác phẩm viết về người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ mà em đã học
trong chương trình Ngữ văn 9:
Về truyện :
- “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng
- Một trong những nhân vật chính là Thu – một cô giao liên thời kháng chiến
chống Mĩ.
Về thơ :
- “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật
- Nhân vật trữ tình trong bài thơ : người chiến sĩ lái xe vận tải quân sự trên
đường mòn Trường Sơn thời chống Mĩ.
Phần II
1. Đồng chí : người có cùng chí hướng, lí tưởng. Người cùng ở trong một đoàn
thể chính trị hay một tổ chức cách mạng thường gọi nhau là “đồng chí”. Từ sau
Cách mạng tháng Tám 1945, “đồng chí” trở thành từ xưng hô quen thuộc trong các
cơ quan, đoàn thể, đơn vị bộ đội.
Bài thơ được đặt tên “Đồng chí” nhằm nhấn mạnh sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần

của người lính cách mạng – những người có cùng chung cảnh ngộ, lí tưởng chiến
đấu, gắn bó keo sơn trong chiến đấu gian khổ thời chống Pháp. Tình đồng chí vừa
là tình chiến đấu, vừa là tình thân. Cả hai đều là máu thịt, hữu cơ, nó là sinh mạng
con người cầm súng. Nó còn là lời nhắn gửi, lời kí thác của nhà thơ với người, với
mình, nó là tiếng gọi sâu thẳm, thiêng liêng, nó là vật báu phải giữ gìn trân trọng.
2.Câu thơ “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính” có cách diễn tả tình cảm của con
người một cách gián tiếp, kín đáo qua các sự vật trong những mô típ rất quen thuộc
về làng quê của ca dao : “giếng nước gốc đa”. Câu thơ có biện pháp tu từ ẩn dụ,
nhân hóa. Những biện pháp này đã góp phần thể hiện một cách sâu sắc tình cảm
của quê hương, của người hậu phương đối với người bộ đội. Nó làm cho lời thơ
vừa có sắc thái dân gian, vừa hiện đại.
3.Tình đồng chí cao đẹp đã mang lại sự đồng cảm, chia sẻ sâu sắc giữa những
người đồng đội (1). Tuy xuất thân từ những làng quê cụ thể khác nhau nhưng
những người chiến sĩ ấy đã có cùng một cảnh ngộ (2). Họ đã phải từ giã ruộng
nương, làng mạc để bước chân vào quân ngũ (3). Họ để lại sau lưng những người
thân với cuộc sống khó khăn, vất vả, với những tình cảm nhớ thương tha thiết (4).
Bước chân vào cuộc chiến đấu trong giai đoạn đầu gian khổ, những người lính
không có cả những trang phục bình thường, quen thuộc của một người bộ đội (5).
Áo thì rách vai, quần thì có vài mảnh vá, chân thì không giày (6). Nhưng tinh thần
của họ vẫn lạc quan : miệng cười buốt giá (7). Họ lại yêu thương, đoàn kết, gắn bó
nhau trong hoàn cảnh thiếu thốn ấy : “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” (8). Tình
đồng chí như một ngọn lửa nồng đã sưởi ấm tâm hồn, cuộc sống của những người
vệ quốc quân Việt Nam (9). Chính tình đồng chí cao đẹp đó đã mang lại sức mạnh
và làm nên chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Pháp (10).
(1) : Tổng hợp → nêu nội dung chính của cả đoạn.
Các câu từ câu (2) → câu (9) : Phân tích → nêu những biểu hiện của tình đồng
chí: đồng cảm, sẻ chia.
Câu (10) : Tổng hợp → tổng kết và nâng cao, khẳng định giá trị của tình đồng
chí.


×