Lạm dụng hóa chất bay hơi
Một cậu bé 13 tuổi hít hơi của dung dịch tẩy rửa và kết thúc bằng việc
nhập viện để duy trì sự sống.
Một cậu bé khác, 11 tuổi, chết trong phòng tắm công cộng. Cạnh cậu
bé là một túi nhựa và chai chứa đầy xăng butan dùng trong bật lửa.
Những tai nạn trên, do Hội an toàn sản phẩm tiêu dùng thông báo,
nhấn mạnh nguy cơ chết người của việc lạm dụng hóa chất bay hơi ở trẻ em
và người lớn.
Hóa chất bay hơi khá dễ kiếm, không tốn kém và hợp pháp. Trẻ có thể
bước vào bất kỳ cửa hàng tạp hóa, cửa hàng ngũ kim hoặc hiệu thuốc nào và
nhặt chúng trên giá. Và sau khi lấy được các hóa chất bay hơi, trẻ có thể dễ
dàng giấu những sản phẩm này trong áo khoác, ba lô, phòng riêng hoặc
trong ngăn để quần áo.
Các hóa chất bay hơi rất phong phú
Vào những năm 1950, lạm dụng hóa chất bay hơi được gọi bằng một
thuật ngữ nhẹ nhàng hơn: Hít keo dán (glue-sniffing). Nhưng cụm từ này
hiện bao gồm một danh sách dài các hóa chất bay hơi mà trẻ có thể lạm
dụng, như:
Xăng dầu
Chất pha loãng sơn
Chất lỏng trong bình xịt
Chất khử mùi
Thuốc gây tê, mê
Ga bật lửa
Thuốc tẩy móng tay
Bút chì trang điểm
Chất tẩy rửa gia dụng
Chất bảo vệ vải
Dung dịch tẩy xóa, như Wite-Out và Liquid paper
Trên đây chỉ là một vài ví dụ. Trong thực tế, có trên 1.000 loại hóa
chất bay hơi bị lạm dụng.
Gần 1/5 thanh thiếu niên lạm dụng hóa chất bay hơi
Lạm dụng hóa chất bay hơi có thể bắt đầu trong thời kỳ đi học và tiếp
tục suốt tuổi vị thành niên. Theo kết quả điều tra năm 1993 của Viện Quốc
gia về Lạm dụng ma túy, có khoảng 17% thanh thiếu niên Mỹ cho biết có
lạm dụng hóa chất bay hơi ít nhất 1 lần trong đời.
Một lý do của sự thông dụng này là hóa chất bay hơi gây hưng phấn
nhanh và mạnh. Kể từ thời Hylạp cổ đại, người ta đã thừa nhận rằng hít là
biện pháp rất hiệu quả để dùng thuốc. Bề mặt mao mạch rộng rãi của phổi
cho phép hấp thu nhanh, với "luồng" tiếp theo thường được mô tả là có
cường độ chỉ đứng sau tiêm tĩnh mạch.
Hít cũng chỉ là một cách để đạt được hưng phấn. Thanh thiếu niên
cũng có thể nhúng giẻ vào hóa chất bay hơi và cho vào miệng. Một cách
khác là hít hơi hóa chất đổ trong túi chất dẻo.
Nhận biết nguy cơ
Những người lạm dụng hóa chất bay hơi thường có dáng vẻ và hành
động giống như say rượu. Biểu hiện tức thì gồm:
Kích động, tiếp đến là uể oải
Thư thái
Chóng mặt
Mất kiềm chế
Dễ bị kích thích
Mất ngủ
Ảo giác
Rối loạn hành vi
Trong trường hợp lạm dụng các chất này lâu dài sẽ có nhiều nguy cơ
hơn: sút cân, yếu cơ, thiếu phối hợp động tác và nghiện. Các tác động khác
có thể gặp gồm tổn thương não, tim, thận và gan.
Những tác dụng trên không có gì đáng ngạc nhiên, căn cứ vào thành
phần hóa học của nhiều hóa chất bay hơi. Khi trẻ ngửi, hít, chúng có thể
nuốt nhiều hóa chất độc hại như butan, propan, fluorocarbon, nitrit và nhiều
chất khác nữa.
Trong một số ít trường hợp, lạm dụng hóa chất bay hơi cũng có thể
gây "đột tử do hít" - loạn nhịp tim dẫn đến ngừng tim. Tai biến này có thể
xảy ra ở người lạm dụng lần đầu tiên.
Đôi khi tử vong xảy ra gián tiếp do lạm dụng hóa chất bay hơi. Ví dụ
như thanh thiếu niên có thể nấp sau bánh xe để hít hơi hóa chất bị xe đâm.
Nhận biết manh mối
Không may là người lớn thường không phát hiện được tình trạng lạm
dụng hóa chất bay hơi. Các bậc cha mẹ và bác sĩ có lẽ quan tâm hơn đến
việc trẻ sử dụng rượu, nicotin và ma túy như cần sa.
Việc đề phòng lạm dụng hóa chất bay hơi được bắt đầu bằng một số
dấu hiệu chỉ điểm. Hội An toàn sản phẩm tiêu dùng đã gợi ý các dấu hiệu
sau:
Có mùi hơi thở hoặc mùi hóa chất bất thường trên quần áo
Nói líu nhíu hoặc nói không mạch lạc
Say, choáng váng hoặc chóng mặt
Có vết sơn hoặc các sản phẩm khác ở vị trí bất thường như trên
mặt hoặc ngón tay
Mắt hoặc mũi đỏ hoặc chảy nước
Có vết hoặc loét quanh miệng
Buồn nôn hoặc chán ăn
Lo âu, kích động, cáu kỉnh hoặc bồn chồn
Ngồi dí mũi vào bút viết đánh dấu
Liên tục ngửi ống tay áo
Có dấu sơn hoặc chất màu trên mặt, ngón tay hoặc quần áo
Giấu giẻ, quần áo hoặc vỏ chai lọ của các sản phẩm hóa chất có
thể bị lạm dụng trong buồng riêng hoặc các chỗ khác.
Thảo luận về mối nguy hiểm
Với tư cách là phụ huynh, quan điểm của cha mẹ về hình thức sử dụng
hóa chất sẽ tạo ra sự khác biệt. Hãy nói với trẻ về các nguy cơ. Hãy để trẻ
biết là cha mẹ không chấp nhận việc chúng lạm dụng hóa chất bay hơi.
Cũng cần đảm bảo là bác sĩ, giáo viên, nhân viên tư vấn và huấn luyện
viên của trẻ biết được tình trạng lạm dụng hóa chất bay hơi để họ có thể
nhấn mạnh sự nguy hiểm của việc này và nhận ra các dấu hiệu của sự việc.
Việc thảo luận cởi mở có thể phòng ngừa được một thảm kịch.