Tải bản đầy đủ (.pdf) (3 trang)

Mô hình lúa - tôm ở ĐBSCL Thích ứng biến đổi khí hậu ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (125.97 KB, 3 trang )

Mô hình lúa - tôm ở ĐBSCL: Thích ứng biến đổi khí hậu
Vài năm gần đây, nông dân các địa phương ven biển ĐBSCL trúng đậm mô
hình “con tôm ôm cây lúa”. Toàn vùng hiện có hơn 120.000 ha đất nông
nghiệp sản xuất theo mô hình này, vượt gấp nhiều lần so với thời sơ khai 10
năm trước. Đặc biệt, qua thực tế, mô hình lúa - tôm được các nhà khoa học
khẳng định thích ứng cao với diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu toàn
cầu và có thể sản xuất lớn…!

Mô hình của nông dân

40 năm trước, tại xã Long Điền Đông K, nay là xã Long Điền Đông A,
huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, nông dân tình cờ thu hoạch được tôm trong
ruộng lúa. Từ đó họ đưa nước mặn vào một cách vừa phải để cho tôm phát
triển song hành với cây lúa. Đây là một trong những nơi đầu tiên ở vùng bán
đảo Cà Mau sản xuất lúa - tôm đầu tiên. Đến nay, mô hình này ngày càng
được nhân rộng, áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật và quy trình sản
xuất ngày càng hoàn thiện. Ngày càng xuất hiện nhiều điển hình cho lợi
nhuận 50 - 100 triệu đồng/ha/năm.

Nông dân Nguyễn Văn Hiếu, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh
Cà Mau, cho biết: “Năm 2007, tình cờ tôi cấy 7 công lúa một bụi đỏ trên đất
nuôi tôm. Cuối vụ thu hoạch được 25 giạ/công. Năm nay, tôm ít bệnh hẳn so
với những ao tôm bên cạnh. Chính vì vậy, tôi quyết định sản xuất lúa hết 10
công đất của mình”. Ông Hiếu bật mí: “Tôi thấy nhiều vùng ở Bạc Liêu
trồng lúa trên đất nuôi tôm khá quá nên về đây cấy thử nhưng không ngờ
trúng thiệt”.

Thấy anh Hiếu cấy lúa có kết quả, nhiều bà con ở thị trấn miền biển này
cũng làm theo. Đến nay, diện tích lúa - tôm lên đến trên 2.200ha. Tại huyện
Cái Nước, để có lúa cấy trên đất tôm, người dân gieo mạ trên sân nhà, rồi
nhổ cấy xuống vuông tôm. Dù qua nhiều công đoạn nhưng ai cũng hớn hở vì


khả năng thắng lớn.

Ở Bạc Liêu, do trúng mùa lúa từ năm rồi, nên năm nay chính quyền, ngành
nông nghiệp không cần vận động, nông dân vẫn chủ động xuống giống lúa
trên ao tôm của mình tới 21.000 ha.

Tại vùng bán đảo Cà Mau (tỉnh Kiên Giang) năm 2003-2004, nông dân ào ạt
phá bỏ bờ bao, dẫn nước mặn vào sản xuất một vụ lúa - một vụ tôm, bất
chấp sự ngăn cản quyết liệt của chính quyền. Trước hiệu quả thiết thực của
mô hình này, địa phương phải mở rộng quy hoạch vùng lúa - tôm và tăng
cường hỗ trợ nông dân.

Ông Huỳnh Văn Hòa, tổ 3, ấp Thuồng Luồng, xã Đông Hưng A, huyện An
Minh, tỉnh Kiên Giang, một trong những nông dân sản xuất theo mô hình lúa
- tôm đầu tiên ở địa phương, tâm sự: Nhà có 4 ha ruộng, trước đây, gia đình
làm lúa - cá nhưng càng làm càng thua lỗ và đã nợ quá hạn ngân hàng huyện
gần 30 triệu đồng, chưa kể tiền vay bên ngoài. Sau khi “bửa” đập Xẻo Nhào
- kênh Chống Mỹ (năm 2003) và được nhà nước múc kênh mới, gia đình tôi
chuyển sang làm tôm - lúa. Từ đó đến nay, vụ nào cũng lãi hơn 100 triệu
đồng từ tôm, chưa tính tiền bán hơn 400 giạ lúa… Xã Đông Hưng A hiện có
95% số hộ nuôi lúa - tôm có lời. Nông dân trong xã đã cải tạo xong vuông
bao để sản xuất đúng mô hình “com tôm ôm cây lúa”…

Theo ngành nông nghiệp các địa phương ở ĐBSCL, từ năm 2000 đến nay,
diện tích sản xuất theo mô hình lúa - tôm liên tiếp tăng lên. Kiên Giang từ
20.000ha năm 2003 đến nay tăng lên 60.000 ha; Cà Mau từ 15.000ha, đến
nay trên 25.000ha; Bạc Liêu 10.000ha, nay lên đến 21.000ha… Mô hình
luân canh lúa - tôm đem đến lợi nhuận cho nông dân 27,5 triệu
đồng/ha/năm…




Nông dân huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang thu hoạch tôm trên vùng sản
xuất theo mô hình lúa - tôm.


Thích ứng biến đổi khí hậu

Một thông tin rất quan trọng đối với nông dân bấy lâu gắn bó với mô hình
lúa - tôm là: Tại hội thảo phát triển hệ thống canh tác lúa - tôm các tỉnh ven
biển ĐBSCL diễn ra tại Sóc Trăng cuối tháng 9, các nhà khoa học cho rằng
đây là mô hình sản xuất thích ứng với diễn biến bất thường của biến đổi khí
hậu và có thể mở rộng diện tích lên 200.000 ha trong vài năm tới.

ĐBSCL chịu tác động của biến đổi khí hậu nặng nhất so với toàn quốc, khả
năng xâm nhập mặn sâu vào đất liền là điều khó tránh khỏi. Theo dự báo của
Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, khả năng có đến 2,4 triệu ha bị nước
biển xâm nhập mặn, nhiều diện tích chuyên trồng lúa 2 vụ/năm sẽ không thể
sản xuất được do nước mặn tràn vào. Lúc đó, mô hình canh tác một vụ lúa,
một vụ tôm là thích ứng nhất.

TS Trần Thanh Bé, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho rằng:
“ĐBSCL có hơn 1,4 triệu ha đất ngập nước do tác động của xâm nhập mặn.
Con số này sẽ tăng lên do quá trình biến đổi khí hậu, cụ thể là nước biển
dâng, xâm nhập mặn sâu vào đất liền. Khoanh vùng ngọt hóa để trữ ngọt sản
xuất lúa là điều không tưởng. Chính những dòng nước mặn xâm nhập vào
ruộng lúa đã tạo điều kiện cho người nông dân nuôi tôm và cũng chính họ
“phát minh” ra mô hình sản xuất lúa - tôm”.

TS Nguyễn Văn Hảo, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, cho rằng:

“Con tôm sú sau nhiều năm nuôi tại ĐBSCL cho kết quả cao, nhưng yếu tố
môi trường là điều rất quan trọng, vì vậy trồng lúa trên đất nuôi tôm là cách
làm cải tạo môi trường rất tốt. Đây là mô hình đã được khuyến cáo nhiều
năm vì mức độ bền vững của nó. Con tôm nuôi theo mô hình này hoàn toàn
sạch bệnh, kể cả cây lúa cũng vậy, do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
nhiều nên chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện nay chưa ai khẳng định ĐBSCL
phát triển bao nhiêu ha tôm là đủ” .

Vì hiệu quả cao của mô hình lúa - tôm mấy năm qua dẫn đến diện tích tăng
đột biến, vượt xa quy hoạch, quản lý và khả năng đáp ứng của hệ thống thủy
lợi. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng: Nước biển dâng, xâm
nhập mặn là điều đáng lo, nhưng nông dân đã chọn được mô hình phù hợp
trong bối cảnh khó khăn là điều đáng mừng. Đây là bước khởi đầu cho việc
tổng kết, nghiên cứu, trao đổi và định hướng phát triển bền vững sản xuất
lúa - tôm nước lợ. Sắp tới, cần phải tập trung quy hoạch, đầu tư phù hợp để
nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình sản xuất này.

TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt - Bộ NN-PTNT, cho biết:
Chúng tôi đang nghiên cứu nhiều loại giống lúa mới có khả năng chịu mặn
cao để thích ứng với môi trường đối với mô hình này. Bên cạnh đó là nghiên
cứu một số loại rau, màu thích hợp để nông dân trồng trên các bờ bao vuông
tôm nhằm sử dụng tối đa diện tích canh tác, tăng thu nhập, sản xuất đa canh
trên cùng một đơn vị diện tích.

×