Thuốc điều trị bệnh bạch cầu cấp
dòng tủy ở người lớn tuổi
Bạch cầu cấp dòng tủy (BCCDT) là một trong những bệnh máu
ác tính thường gặp nhất ở người trưởng thành, tỷ lệ mắc của bệnh tăng
dần theo tuổi. Hơn một nửa số trường hợp BCCDT được phát hiện sau
60 tuổi với tuổi mắc bệnh trung bình của các bệnh nhân là 64.
Bạch cầu cấp dòng tủy (BCCDT) là một trong những bệnh máu ác
tính thường gặp nhất ở người trưởng thành, tỷ lệ mắc của bệnh tăng dần theo
tuổi. Hơn một nửa số trường hợp BCCDT được phát hiện sau 60 tuổi với
tuổi mắc bệnh trung bình của các bệnh nhân là 64. Trong những năm gần
đây, việc điều trị bệnh BCCDT ở người trẻ tuổi đã đạt được những tiến bộ
đáng kể, tuy nhiên, hiệu quả điều trị bệnh lý này ở những người bệnh lớn
tuổi vẫn hết sức khiêm tốn với tiên lượng bệnh còn rất nghèo nàn. Nhiều
nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỷ lệ lui bệnh sau hóa trị liệu cũng như thời gian
ổn định của bệnh đều giảm trong khi tỷ lệ tác dụng phụ tăng đáng kể ở
những người bệnh lớn tuổi. Tỷ lệ lui bệnh sau hóa trị liệu trung bình ở nhóm
tuổi này chỉ đạt 20-50% so với 70 - 80% ở những người trẻ tuổi. Bên cạnh
đó, thời gian ổn định bệnh sau điều trị ở nhóm tuổi trên 60 cũng chỉ bằng
một nửa so với khoảng thời gian này ở những người bệnh trẻ tuổi (trung
bình 12 tháng). Có nhiều nguyên nhân phối hợp làm giảm hiệu quả điều trị
bệnh BCCDT ở người lớn tuổi, bao gồm sự khác biệt về đặc điểm sinh học
của bệnh, khả năng dung nạp với hóa trị liệu liều cao bị giảm sút và tăng
nguy cơ của các biến chứng nặng như nhiễm trùng, xuất huyết ở nhóm tuổi
này.
Chiến lược điều trị
Hiện nay, y học vẫn chưa tìm được một chiến lược điều trị tối ưu và
thống nhất cho bệnh BCCDT ở người lớn tuổi do tính phức tạp về đặc điểm
lâm sàng và sinh học của bệnh ở nhóm tuổi này. Có 3 phương pháp điều trị
được sử dụng hiện nay bao gồm: điều trị hỗ trợ giảm triệu chứng, điều trị
hóa trị liệu liều thấp và hóa trị liệu liều chuẩn. Do không có những tiêu
chuẩn rõ ràng nên việc lựa chọn phương pháp điều trị thường phải căn cứ
vào nhiều yếu tố như tình trạng thể lực của người bệnh, thể bệnh, đặc điểm
lâm sàng và sinh học của bệnh, điều kiện kinh tế - xã hội, nguyện vọng của
người bệnh và gia đình họ, năng lực chăm sóc của cơ sở y tế và trong nhiều
trường hợp là cả quan điểm chuyên môn của người thầy thuốc. Các nghiên
cứu gần đây cho thấy, những bệnh nhân có đủ điều kiện về lâm sàng cho
điều trị hóa trị liệu liều chuẩn nhưng nếu có những yếu tố tiên lượng nặng đi
kèm (như đặc điểm về di truyền học không phù hợp, nồng độ LDH tăng cao)
cũng thường đáp ứng không tốt với phương pháp điều trị này.
Điều trị hỗ trợ: Chiến lược chung là theo dõi chặt chẽ diễn biến của
bệnh kết hợp với chăm sóc và điều trị các triệu chứng bệnh (như giảm tiểu
cầu, giảm bạch cầu hạt, thiếu máu ), có thể dùng phối hợp một loại hóa trị
liệu. Phương pháp này thường được áp dụng cho những trường hợp bệnh
tiến triển chậm, hoặc những trường hợp người bệnh quá yếu, có nhiều bệnh
kết hợp hoặc có nhiều yếu tố tiên lượng nặng.
Điều trị hóa trị liệu liều thấp: Mục đích của điều trị là nhằm kéo dài
thời gian sống cho người bệnh. Phương pháp này thường sử dụng phối hợp
các hóa chất đường uống và có thể điều trị tại nhà. Theo một số nghiên cứu,
phác đồ phối hợp idarubicin, etoposide và thioguanin có thể giúp lui bệnh ở
60% người bệnh với thời gian sống trung bình 10 tháng. Cytarabin liều thấp
(10 mg/m2 da mỗi 12 giờ trong 14-21 ngày) cũng là một phương pháp được
lựa chọn với khả năng giúp lui bệnh ở khoảng 32-35% số bệnh nhân. Một
thuốc mới là decitabin dùng đơn lẻ cũng được chứng minh là có hiệu quả ở
khoảng 40% số bệnh nhân. Nói chung, hóa trị liệu liều thấp thường có tỷ lệ
lui bệnh thấp hơn so với hóa trị liệu liều chuẩn nhưng mức độ độc tính cũng
thấp hơn đáng kể, do đó, nên được lựa chọn cho những bệnh nhân có thể lực
yếu và có nhiều yếu tố tiên lượng xấu.
Hóa trị liệu liều chuẩn: Hóa trị liệu liều chuẩn ở người lớn tuổi có thể
đem lại hiệu quả tương đương so với những bệnh nhân trẻ tuổi nhưng gây ra
nhiều hơn các độc tính ở trong và ngoài tủy xương. Một số nghiên cứu cho
thấy, việc giảm bớt liều của các loại anthracyclin trong phác đồ chuẩn làm
giảm đáng kể khả năng gây lui bệnh nhưng không giúp giảm được độc tính
của thuốc. Tỷ lệ gây lui bệnh của phác đồ chuẩn ở người lớn tuổi thấp hơn
đáng kể so với ở người trẻ tuổi với tỷ lệ sống lâu dài không vượt quá 10-
15%.
Trong những năm gần đây, một số phương pháp đã được áp dụng để
cải thiện hiệu quả của các phác đồ chuẩn này, bao gồm việc sử dụng các hóa
chất mới với khả năng chống ung thư tốt hơn so với daunorubicin trong phác
đồ cổ điển hoặc sử dụng các yếu tố hỗ trợ phát triển dòng tủy. Hóa trị liệu
liều chuẩn nên được lựa chọn sử dụng ở những người bệnh có thể lực còn
tốt, không có bệnh phối hợp, có ít yếu tố tiên lượng nặng và phải được sự
chấp thuận từ phía người bệnh.
Vai trò của các yếu tố kích thích sinh máu ở người lớn tuổi: Trong
thời gian gần đây, các yếu tố kích thích sinh máu, chủ yếu là G-CSF và GM-
CSF đã được sử dụng rộng rãi trong điều trị hỗ trợ bệnh BCCDT ở người
lớn tuổi. Nhiều nghiên cứu cho thấy, các yếu tố này giúp rút ngắn thời gian
mất bạch cầu hạt, giảm nguy cơ nhiễm trùng, tăng tính nhạy cảm với hóa trị
liệu và rút ngắn thời gian nằm viện.