Cây thuốc Đông y - BẠC HÀ
BẠC HÀ (薄荷)
Herba Menthae
Tên khoa học: Mentha arvensis L. (Bạc hà Á), hoặc Mentha piperita L. (Bạc hà Âu), họ
Bạc hà (Lamiaceae). Cây được trồng ở nhiều địa phương nước ta.
Bộ phận dùng: Thân, cành mang lá (Herba Menthae)
Phân bố: Cây được trồng ở nhiều địa phương nước ta.
Mô tả: Cây thảo, sống lâu năm. Thân mềm, hình vuông. Loại thân ngầm mang rễ mọc bò
lan, loại thân đứng mang lá, cao 30-40cm, có khi hơn, mầu xanh lục hoặc tím tía. Lá mọc
đối, hình bầu dục hoặc hình trứng. Cuống ngắn. Mép lá khía răng đều. Hoa nhỏ, mầu
trắng, hồng hoặc tím hồng, mọc tụ tập ở kẽ lá thành những vòng nhiều hoa. Lá bắc nhỏ,
hình dùi. Đài hình chuông có 5 răng đều nhau. Tràng có ống ngắn. Phiến tràng chia làm 4
phần gần bằng nhau, có 1 vòng lông ở phía trong. 4 nhụy bằng nhau, chi nhụy nhẵn. Quả
bế có 4 hạt. Các bộ phận trên mặt đất có lông gồm lông che chở và lông bài tiết tinh dầu.
Mùa hoa quả vào tháng 7 - 10.
Thu hái: Thu hái vào khoảng tháng 5, 8, 11 thu hoạch lúc cây mới ra hoa, rửa sạch dùng
tươi hoặc phơi trong râm cho khô.
Tác dụng dược lý:
+ Tác dụng kháng khuẩn: nước sắc Bạc hà có tác dụng ức chế đối với virus ECHO và
Salmonella Typhoit (Trung Dược Học).
+ Tác dụng trên cơ trơn: Menthol và Menthone có tác dụng ức chế trên ruột thỏ,
Menthone có tác dụng mạnh hơn (Trung Dược Học).
+ Ức chế đau: Tinh dầu Bạc hà và Menthol bốc hơi nhanh, gây cảm giác mát và tê tại
chỗ, dùng trong trường hợp đau dây thần kinh (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
+ Sát khuẩn mạnh: dùng trong những trường hợp ngứa của 1 số bệnh ngoài da, bệnh về
tai, mũi, họng (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
+ Ức chế hô hấp, tuần hoàn: đối với trẻ em ít tuổi, tinh dầu Bạc hà và Menthol bôi vào
mũi hoặc cổ họng có thể gây hiện tượng ức chế dẫn tới ngừng thở và tim ngưng đập hoàn
toàn. Người ta đã nhận xét thấy 1 số trường hợp chết do nhỏ mũi 1 giọt dầu Menthol 1%
hoặc bôi vào niêm mạc mũi loại thuốc mỡ có Menthol. Vì vậy, cần hết sức thận trọng khi
dùng tinh dầu Bạc hà hoặc dầu cù là cho trẻ nhỏ ít tuổi, nhất là trẻ mới đẻ (Tài Nguyên
Cây Thuốc Việt Nam).
+ Tác động đến nhiệt độ cơ thể: Bạc hà, tinh dầu Bạc hà hoặc Menthol uống với liều rất
nhỏ có thể gây hưng phấn, làm tăng bài tiết của tuyến mồ hôi, làm nhiệt độ cơ thể hạ thấp
(Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
+ Liều lớn có tác dụng kích thích tủy sống, gây tê liệt phản xạ và ngăn cản sự lên men
bình thường trong ruột (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
+ Bạc hà có tác dụng kháng vi khuẩn trong thí nghiệm In Vitro đối với các chủng vi
khuẩn tả Vibrio Choreia Elto, Vibrio Choreia Inaba, Vibrio Choreia Ogawa (Tài Nguyên
Cây Thuốc Việt Nam).
+ Tinh dầu Bạc hà có tác dụng ức chế thần kinh trung ương do tác dụng chủ yếu của
Menthol (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
+ Tinh dầu Bạc hà làm giảm sự vận động và chống co thắt của ruột non. Các chất
Menthol và Menthone ức chế sự vận động của đường tiêu hóa từ ruột xuống, có tác dụng
làm gĩan mao mạch (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
Thành phần hoá học chính: Tinh dầu, trong đó thành phần chủ yếu là menthol.
Công năng: Tán phong nhiệt, hạ sốt, thông mũi, chữa nhức đầu, giúp tiêu hóa, đau bụng
Công dụng:
- Chữa cảm cúm, nhức đầu, ngạt mũi, viêm họng, kích thích tiêu hoá, chữa đau bụng, đầy
bụng.
- Cất tinh dầu bạc hà và chế menthol dùng để sản xuất dầu cao sao vàng, làm chất thơm
cho các sản phẩm thực phẩm như bánh kẹo, thuốc đánh răng, và trong một số ngành kỹ
nghệ khác.
Cách dùng, liều lượng: Dùng dưới dạng thuốc xông, thuốc hãm 12-20g mỗi ngày.
Chế biến:
+ Lấy lá Bạc hà khô, tẩm nước, để vào chỗ râm mát, khi lá cây mềm, cắt ngắn từng đoạn,
phơi trong râm cho khô để dùng (Trung Dược Đại Từ Điển).
+ Rửa qua, để ráo nước, cắt ngắn chừng 2cm, phơi trong râm cho khô (Dược Liệu Việt
Nam).
Bài thuốc:
1. Cảm cúm, đau đầu, sổ mũi, dùng Bạc hà 5g, hạt Quan âm, Cúc hoa vàng mỗi vị đều
10g. Kinh giới 7g, Kim ngân hoa 15g, sắc uống.
2. Ðau họng: Dùng Bạc hà 5g, Ngưu bàng, Huyền sâm, Cát cánh, Cam thảo mỗi vị 10g
sắc uống.
Ghi chú: Phụ nữ cho con bú không nên dùng nhiều, vì nó giảm sự tiết sữa. Húng cây -
Mentha arvensis L.var, javanica (Blume) Hook, là một thứ của Bạc hà thường trồng vì lá
thơm, cũng dùng làm thuốc. Nó có vị cay tính ấm, có tác dụng thông phế khí, giải ban,
tán hàn, giải biểu, thông thần kinh.