Tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ
theo Luật hình sự Việt Nam
Phạm Thùy Dương
Khoa Luật
Luận văn Thạc sĩ ngành: Luật hình sự; Mã số: 60 38 40
Người hướng dẫn: TS. Phạm Mạnh Hùng
Năm bảo vệ: 2011
Abstract: Phân tích làm rõ khái niệm, sự cần thiết phải bảo vệ quyền bình đẳng của
phụ nữ và khái quát sự phát triển các quy định pháp luật về quyền bình đẳng của phụ
nữ. Phân tích làm rõ những quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội xâm phạm
quyền bình đẳng của phụ nữ và phân biệt tội phạm này với một số tội phạm khác có
liên quan. Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật và các giải pháp nâng cao
hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ.
Keywords: Pháp luật Việt Nam; Luật hình sự; Quyền bình đẳng; Phụ nữ
Content
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Quyền con người là một trong những giá trị nhân bản cao nhất được tất cả các quốc gia
trên thế giới đều đề cao và bảo vệ. Bảo vệ con người cũng là một nhân tố quan trọng cho sự
phát triển bền vững của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Mỗi quốc gia đều xây dựng một hệ thống
pháp luật riêng cho quốc gia của mình dựa trên các điều kiện chính trị, kinh tế-xã hội và các
giá trị truyền thống văn hóa của quốc gia để đảm bảo quyền con người được thực hiện một
cách tốt nhất và đầy đủ nhất.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân
văn hóa thế giới là người sớm quan tâm đến vai trò, vị thế của người phụ nữ, là một trong
những người đi đầu, giương cao tư tưởng chống áp bức và nô dịch phụ nữ. Trong suốt quá
trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo nhân dân đấu tranh cho độc lập, tự do, xây dựng chế
đội mới, có một tư tưởng xuyên suốt, có một điều luôn thường trực trong tâm khảm của
Người là làm thế nào, làm gì để giải phóng phụ nữ nước ta, để thực hiện nam nữ bình quyền,
để quyền lợi của người phụ nữ thật sự được tôn trọng, thật sự được bảo vệ. Đó là cuộc cách
mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ.
Xã hội càng phát triển, bình đẳng nam nữ ngày càng được bảo đảm. Đặc biệt trong đời
sống pháp luật hiện nay, việc phát huy và bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ đang ngày càng
được các cơ quan bảo vệ pháp luật quan tâm và đề cao. Bộ luật hình sự 1999 đã quy định tại
Điều 130 tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ; đồng thời cụ thể hóa các chế tài nhằm
đảm bảo quyền con người cơ bản cho phụ nữ. Tuy nhiên, quyền bình đẳng của phụ nữ là vấn
2
đề mà giữa pháp luật và thực tiễn còn khoảng cách rất lớn. Làm thế nào để đạt được sự bình
đẳng thực sự giữa nam và nữ trong xã hội ngày nay vẫn gặp nhiều khó khăn, thử thách. Ở một
số nơi vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật, đối xử không bình đẳng nam nữ, tình trạng
ngược đãi, hành hạ phụ nữ, tình trạng bạo lực gia đình… vẫn diễn ra với nhiều hình thức và
thủ đoạn khác nhau. Pháp luật Việt Nam, trong đó có pháp luật hình sự, đã quy định nhiều chế
tài xử lý những hành vi xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ, song trên thực tế, số vụ án
được xử lý bằng các biện pháp hình sự trong những năm gần đây hầu như ít được thực hiện.
Việc nghiên cứu một số vấn đề lý luận về tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ, các dấu
hiệu pháp lý của tội phạm, thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự, tìm ra những nguyên nhân để
đề ra những giải pháp khắc phục trong việc xử lý các hành vi phạm tội xâm phạm quyền bình
đẳng của phụ nữ là việc làm cần thiết. Đó là lý do tác giả lựa chọn nội dung " Tội xâm phạm
quyền bình đẳng của phụ nữ theo Luật hình sự Việt Nam" làm đề tài nghiên cứu luận văn
thạc sĩ.
2. Tình hình nghiên cứu
Trong những năm qua ở Việt Nam, đã có nhiều công trình nghiên cứu về quyền bình đẳng
của phụ nữ trong lĩnh vực xã hội học, tội phạm học. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên
cứu hoàn thiện về tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ với góc độ khoa học pháp lý cụ
thể để từ đó đề xuất những vấn đề liên quan đến cải cách pháp lý nhằm đảm bảo các quyền
bình đẳng của nam và nữ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội. Tội
xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ hầu hết được đề cập và phân tích trong một số công
trình nghiên cứu trong đó có đề cập riêng đến "Tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ"
tại Điều 130 Bộ luật hình sự năm 1999. Như: Luật Hình sự Việt Nam phần các tội phạm, của
Thạc sĩ Phạm Văn Beo - Đại học Cần Thơ - 2008; Về các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ
của công dân trong Luật Hình sự Cộng hòa Liên bang Nga, Trung Quốc và Thụy Điển, của
Tiến sĩ Trịnh Tiến Việt, Trần Thị Quỳnh - Khoa Luật Đại học Quốc Gia Hà Nội (đăng trên
Tạp chí khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, số 26, 2010... Ngoài ra, "Tội xâm phạm quyền
bình đẳng của phụ nữ" còn được phân tích trong các giáo trình và sách tham khảo như: Giáo
trình Luật Hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003 của
tập thể tác giả do TSKH.Lê Cảm chủ biên; Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, (tập II) của tập
thể tác giả do PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên, Nxb Công an nhân dân, 2006...
3. Phạm vi và nhiệm vụ nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về tội xâm phạm quyền bình đẳng
của phụ nữ trong luật hình sự Việt Nam. Đề tài giải quyết một số nhiệm vụ sau:
- Phân tích làm rõ khái niệm, sự cần thiết phải bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ và khái
quát sự phát triển các quy định pháp luật về quyền bình đẳng của phụ nữ.
- Phân tích làm rõ những quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội xâm phạm
quyền bình đẳng của phụ nữ và phân biệt tội phạm này với một số tội phạm khác có liên quan.
- Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật và các giải pháp nâng cao hiệu quả đấu
tranh phòng, chống tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, trên cơ sở phép duy vật biện chứng, duy vật lịch sử,
luận văn đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu như: phương pháp so sánh, phân tích tài
liệu, nghiên cứu lịch sử và phương pháp tổng hợp, đánh giá những vấn đề lý luận và thực tiễn
về tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ trong các công trình nghiên cứu...
3
5. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, Luận văn gồm 3
chương với kết cấu như sau:
Chương 1: Một số vấn đề chung về quyền bình đẳng và bảo vệ quyền bình đẳng của phụ
nữ.
Chương 2: Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội xâm phạm quyền bình đẳng
của phụ nữ và thực trạng xử lý loại tội phạm này.
Chương 3: Hoàn thiện quy định pháp luật hình sự và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ.
Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ QUYỀN BÌNH ĐẲNG
VÀ BẢO VỆ QUYỀN BÌNH ĐẲNG CỦA PHỤ NỮ
1.1. Khái niệm quyền bình đẳng của phụ nữ
Quyền bình đẳng giới là quyền của nam và nữ có vị trí, vai trò xã hội ngang nhau, được
hưởng lợi ích và gánh chịu nghĩa vụ xã hội như nhau. Do đó, quyền bình đẳng của phụ nữ là
quyền phụ nữ có vị trí ngang bằng với nam giới, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng
lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành
quả của sự phát triển đó.
"Bình đẳng giới" là một khái niệm được đề cập đến trong hầu hết các lĩnh vực đời sống xã
hội. Mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam
và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới
thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi
lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Xã hội chúng ta đang ngày càng hướng đến sự công
bằng giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Như vậy, quyền bình đẳng của phụ
nữ thực chất là một mặt trong công cuộc đấu tranh chung của quyền con người. Vì vậy, quyền
bình đẳng của phụ nữ được xác định là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ đối
với cuộc sống và sự phát triển của phụ nữ mà còn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia và
toàn nhân loại.
1.2. Sự cần thiết phải bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ
Trong một xã hội văn minh, người phụ nữ đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Phụ nữ không
chỉ giỏi trong công việc nhà mà còn tích cực tham gia và gặt hái nhiều thành công rực rỡ
trong các lĩnh vực xã hội. Trong buổi tiếp các trưởng đoàn dự cuộc họp mạng lưới lãnh đạo
nữ lần thứ 11 (WLN) của diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra
vào tháng 9-2006 tại Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết khẳng định, Ðảng, Nhà nước và
nhân dân Việt Nam nhận thức rõ về vai trò của phụ nữ trong phát triển và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch nêu rõ: "Ở Việt Nam, vai trò của phụ nữ rất quan trọng. Trong cuộc đấu tranh giải
phóng dân tộc, phụ nữ tham gia rất tích cực trong nhiều hoạt động. Trong thời kỳ hòa bình và
xây dựng đất nước, phụ nữ giữ cương vị lãnh đạo ở mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học -
kỹ thuật... Vai trò của phụ nữ hoàn toàn xứng đáng với tám chữ vàng mà Ðảng, Nhà nước và
nhân dân dành tặng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".
Thật khó có thể kể hết những gì mà phụ nữ đóng góp cho gia đình và xã hội. Trước hết
chúng ta phải thừa nhận vị trí hết sức quan trọng của phụ nữ trong gia đình. Họ có ảnh hưởng
to lớn tới hạnh phúc và sự ổn định của gia đình. Không chỉ chăm sóc, giúp đỡ chồng tại gia
4
đình, người vợ còn đưa ra những lời khuyên thiết thực giúp chồng trong công việc, đóng góp
vào thành công trong sự nghiệp của chồng. Là những người mẹ hết lòng vì con cái, họ thực sự
là những tấm gương cho con cái noi theo. Người mẹ luôn sẵn sàng hy sinh những lợi ích của
bản thân với ước nguyện cho con cái trưởng thành và thành công trong cuộc sống. Trong cuộc
sống thường nhật đầy khó khăn, chúng ta tìm thấy ở những người phụ nữ, những người vợ,
người mẹ sự yên tĩnh trong tâm hồn và sự cân bằng bình yên trong cuộc sống. Chính họ đã
tiếp sức cho chúng ta vượt qua những khó khăn để sống một cuộc sống hữu ích.
Ở Việt Nam, các quyền cơ bản của phụ nữ đã và đang được thực hiện trên thực tế và được
Hiến pháp, pháp luật Nhà nước bảo vệ. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang làm tất cả
những gì có thể làm được nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn dân chủ, nhân quyền ở Việt
Nam, đồng thời góp phần tích cực vào việc giải quyết các vấn đề dân chủ, nhân quyền trên thế
giới. Những năm qua, cùng với sự phát triển không ngừng về mọi mặt của đất nước, các
quyền cơ bản của phụ nữ cũng ngày càng được hoàn thiện cả về mặt pháp lý, nội dung và điều
kiện thực hiện. Xem xét một cách tổng quát nội dung hệ thống pháp luật nước ta, có thể nói
rằng, qua từng giai đoạn phát triển của đất nước, căn cứ vào những điều kiện cụ thể về chính
trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ dân trí của nhân dân, Nhà nước Việt Nam luôn luôn tôn
trọng những nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và các công ước quốc tế về quyền
con người nói chung và các quyền cơ bản của phụ nữ nói riêng.
1.3. Khái quát sự phát triển các quy định của pháp luật về quyền bình đẳng của phụ
nữ
Trên thế giới, quan điểm giới có nguồn gốc từ các lý thuyết nữ quyền xuất hiện và phát
triển rất sôi động ở các xã hội phương Tây, bắt đầu từ giữa thế kỷ XX. Lý thuyết nữ quyền tạo
nên các phong trào xã hội mạnh mẽ, đấu tranh chống lại sự thống trị của nam giới, phê phán
quyết liệt chế độ áp bức phụ nữ, đòi quyền lợi cho phụ nữ, tạo lập bình đẳng giới. Mặc dù có
chung mục đích là vì sự phát triển của phụ nữ chống lại chế độ nam trị, nhưng lý thuyết nữ
quyền có nhiều trường phái khác nhau; thậm chí, có những trường phái mâu thuẫn nhau gay
gắt. Có thể nêu một số lý thuyết nữ quyền có ảnh hưởng mạnh đến xã hội phương Tây thời
gian qua là: Nữ quyền tự do, Nữ quyền mác-xit, Nữ quyền xã hội chủ nghĩa, Nữ quyền phúc
lợi, Nữ quyền triệt để, Nữ quyền hiện sinh, Nữ quyền phân tâm;... và gần đây xuất hiện một
số lý thuyết nữ quyền mới, như: Nữ quyền hậu hiện đại, Nữ quyền da đen, Nữ quyền phụ nữ
thế giới thứ ba...
Cùng với quá trình giao lưu và hội nhập, vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, bằng
nhiều con đường khác nhau, quan điểm giới được nhanh chóng du nhập và truyền bá vào Việt
Nam. Sự xuất hiện cách tiếp cận giới chính là bước đột phá quyết định sự phát triển mạnh mẽ
và ấn tượng của khoa học nghiên cứu về phụ nữ và cùng với nó là sự biến đổi nhanh chóng
quan niệm, thái độ, hành vi của xã hội và thực tiễn tạo lập bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực
của xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Sau gần hai chục năm du nhập vào Việt Nam, quan điểm giới đã nhanh chóng được tiếp
nhận và triển khai sâu rộng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực tế, vấn đề giới đã
trở thành mối quan tâm chung của xã hội và trở thành phong trào thực tiễn sâu rộng của phụ
nữ Việt Nam. Mặc dù đã có sự chuyển biến tích cực trong quan hệ giới, địa vị, đời sống của
người phụ nữ Việt Nam đã từng bước được nâng cao, cải thiện cùng với những thành tựu to
lớn của công cuộc đổi mới nhưng sự nghiệp giải phóng phụ nữ và tạo lập bình đẳng giới ở
5
Việt Nam vẫn là những vấn đề bức xúc, cần nhiều nỗ lực hơn nữa của cả hai giới và của cả xã
hội.
Công ước CEDAW là văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người nêu ra vấn đề quyền
sinh sản của phụ nữ, vấn đề văn hóa và truyền thống có ảnh hưởng đến việc hình thành vai trò
về giới và vấn đề phụ nữ có quyền nhập, giữ hoặc thay đổi quốc tịch của họ và con cái nếu họ
muốn. Việc thực hiện CEDAW trong 30 năm qua đã tạo ra những chuyển biến tích cực, đạt
được một số thành tựu đáng kể trong nhận thức và thực tiễn, góp phần quan trọng vào việc cải
thiện vai trò của phụ nữ tại nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh Công ước CEDAW, Cương
lĩnh hành động Bắc Kinh ra đời năm 1995 đóng vai trò như một khuôn khổ định hướng cho
việc đảm bảo bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ ở cả trên các lĩnh vực công và tư,
với các cơ quan nhà nước và ngoài nhà nước. Có thể xem sự ra đời của Công ước CEDAW là
kết quả hơn 30 năm đấu tranh của Ủy ban về địa vị phụ nữ Liên hợp quốc (CSW). Ủy ban
được thành lập năm 1946 nhằm giám sát địa vị và nâng cao quyền lợi của phụ nữ. Hoạt động
của Ủy ban đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ở những nơi mà phụ nữ chưa được bình
quyền như nam giới. Kết quả của những nỗ lực vì sự tiến bộ của phụ nữ là sự ra đời một số
tuyên bố và điều ước quốc tế, trong đó CEDAW là văn kiện quan trọng và toàn diện nhất về
quyền bình đẳng của phụ nữ.
Là sản phẩm của thời kỳ đổi mới, Hiến pháp năm 1992 đạt tới sự phát triển cao trong việc
hoàn thiện các quyền xã hội cơ bản của công dân. Hiến pháp năm 1992, một mặt, tiếp tục ghi
nhận những quyền xã hội mà Hiến pháp năm 1980 quy định; mặt khác, sửa đổi, bổ sung nội
dung các quyền đó cho phù hợp với khả năng và điều kiện của đất nước. Từ đó cũng làm xuất
hiện một số quyền xã hội mới. Điều 63 quy định quyền bình đẳng nam, nữ và bổ sung:
"Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ". Việc
bổ sung này là cần thiết nhằm phòng ngừa và chống lại những hành vi phân biệt đối xử với
phụ nữ, đánh đập, hành hạ, mua bán phụ nữ, sử dụng phụ nữ như là một công cụ để làm giầu
phi pháp.
Bên cạnh Điều 130 tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ, Bộ luật hình sự năm 1999
còn có các điều luật khác đề cập đến vấn đề giới như: Tội mua bán phụ nữ (Điều 119); Tội
phá thai trái phép (Điều 243). Quy định của Bộ luật hình sự đã chú trọng tới việc thực hiện
chính sách trong việc bảo vệ và hỗ trợ người mẹ; hoặc đã thể hiện tính nhân đạo, cân nhắc tới
các đặc điểm về giới tính dẫn đến hành vi phạm tội như trong điểm h, khoản 1 Điều 48; điểm
b khoản 1 Điều 93; điểm d, khoản 1 Điều 104; điểm a, điểm g khoản 2 Điều 110; điểm g
khoản 2 Điều 111; điểm b, khoản 2 112, điểm đ khoản 2 Điều 113…Quy định của Bộ luật
hình sự đã chú ý tới đặc điểm sinh học của phụ nữ khi mang thai; thể hiện tính nhân đạo của
pháp luật như trong điểm h, khoản 1 Điều 48, Điều 35, Điều 94.
Chương 2
QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ
VỀ TỘI XÂM PHẠM QUYỀN BÌNH ĐẲNG CỦA PHỤ NỮ
VÀ THỰC TRẠNG XỬ LÝ LOẠI TỘI PHẠM NÀY
2.1. Những quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội xâm phạm quyền bình
đẳng của phụ nữ
2.1.1. Khái niệm tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ
6
Quyền bình đẳng của phụ nữ là một khái niệm đề cập đến quyền và nghĩa vụ của người
phụ nữ sống, học tập, làm việc, hưởng thụ trong khuôn khổ cai trị của nhà nước trong đó có
xem xét yếu tố về tâm sinh lý giới tính, thuần phong mỹ tục, văn hóa của dân tộc... Quyền
bình đẳng của phụ nữ là một khái niệm mới nói về quyền bình đẳng giữa người nam và người
nữ trong xã hội ngày nay.
Xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ là hành vi "bằng hành động" về thực chất được
hiểu là sự ứng xử bằng vũ lực như đánh đập, ép buộc quan hệ tình dục, nhục mạ, xúc
phạm…phụ nữ của người vi phạm và "không hành động" là sự ứng xử không bằng vũ lực
(hay còn gọi là hình thức bạo lực về tinh thần) được biểu hiện bằng hàng loạt các hành vi như
sự ruồng rẫy, lạnh lùng, vô cảm, không quan tâm, chia sẻ…. Như vậy, có thể đưa ra khái
niệm: Xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ là hành vi dùng vũ lực hoặc hành vi nghiêm
trọng khác cản trở phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội.
2.1.2. Dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ
• Khách thể của tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ
Khách thể của tội phạm nói chung là các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ
nhằm tránh bị các hành vi xâm hại đến. Do đó khách thể của tội xâm phạm quyền bình đẳng
của phụ nữ quy định tại Điều 130 Bộ luật hình sự năm 1999 là quyền bình đẳng của phụ nữ
trong các lĩnh vực hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội mà pháp luật hình sự
bảo vệ. Tội phạm này xâm phạm đến quyền bình đẳng của phụ nữ.
Đối tượng tác động của tội phạm này là hành vi của người phụ nữ khi tham gia vào các
hoạt động trong các các lĩnh vực kinh tế, chính trị, khoa học, văn hóa, xã hội….
• Mặt khách quan của tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ
Hậu quả của hành vi phạm tội này là những hậu quả về tinh thần hoặc vật chất. Hậu quả
của tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ, xét về phương diện các yếu tố cấu thành tội
phạm thì không phải dấu hiệu bắt buộc tức là, dù hậu quả chưa xảy ra nhưng hành vi vẫn cấu
thành tội phạm.
Mặt khách quan của tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ được thực hiện dưới
nhiều thủ đoạn bạo lực khác nhau như: bạo lực về thể chất; bạo lực về tình dục và bạo lực về
tinh thần.
Đối với loại hình bạo lực về thể chất: là những hành vi đánh đập, chửi mắng của người
thực hiện hành vi phạm tội đối với phụ nữ, ví dụ như: hành vi của người chồng đối với vợ,
cha mẹ đối với con gái. Nạn nhân - những người phụ nữ là những người vợ, người mẹ trong
gia đình phải chịu bao uất ức, tủi hờn cả về thể xác lẫn tinh thần bởi đủ mọi lý do từ phía các
ông chồng của họ, song rất nhiều trường hợp người vợ thường im lặng, cam chịu.
Đáng lo ngại là bạo lực tinh thần không chỉ gây tổn thương cho người vợ hoặc chồng, mà còn
ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. Những tiểu xảo trong bạo
lực tinh thần có thể làm không khí gia đình trở lên căng thẳng hơn và sẽ khiến tâm lý trẻ
không ổn định, gây lệch lạc về nhận thức cũng như sự phát triển về thể chất.
• Chủ thể của tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ
Chủ thể của tội phạm xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ là bất kỳ người nào có đủ
độ tuổi theo luật định và có năng lực trách nhiệm hình sự. Trong thực tế thì chủ thể của tội
phạm này là người có quan hệ nhất định với người phụ nữ về mặt gia đình (như bố, mẹ, con,
chị anh) hoặc về mặt xã hội (như thủ trưởng với nhân viên dưới quyền). Vì đây là tội ít