TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI
TIỂU LUẬN
BỆNH UNG THƯ MÁU VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ
Họ và tên: Lê Quang Huy
Lớsp: CH 17
Mã học viên: 1211033
Mục Lục
I. Tổng Quan
1. Ung thư máu (bệnh bạch cầu) là gì?
2. Phân loại các thể bệnh bạch cầu
II. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh và triệu chứng bệnh
1. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh
2. Triệu chứng của bệnh bạch cầu
III. Các phương pháp chẩn đoán bệnh bạch cầu
IV. Các phương pháp điều trị bệnh bạch cầu
I. Tổng Quan
Bệnh ung thư máu xuất hiện 300.000 ca bệnh mới mỗi năm trên thế giới (chiếm 2,8%
trong số tất cả các bệnh ung thư) và 220,000 người chết vì bệnh ung thư máu hàng năm.
Ung thư bạch cầu còn có tên gọi ngắn gọn là bệnh ung thư máu hay bệnh bạch cầu,
thuộc loại ung thư ác tính. Căn bệnh này là hiện tượng khi bạch cầu trong cơ thể người
bệnh tăng đột biến. Bạch cầu trong cơ thể vốn đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ cơ thể nên
chúng cũng khá "hung dữ", đặc biệt khi loại tế bào này bị tăng số lượng một cách đột
biến sẽ làm chúng thiếu "thức ăn" và có hiện tượng ăn hồng cầu. Hồng cầu sẽ bị phá hủy
dần dần, vì vậy người bệnh sẽ có dấu hiệu bị thiếu máu dẫn đến chết. Đây cũng là căn
bệnh ung thư duy nhất không tạo ra u.
1. Ung thư máu (bệnh bạch cầu) là gì?
Ung thư máu hay bệnh bạch cầu là bệnh ác tính của các tổ chức tạo máu. Bệnh xuất hiện khi
cơ thể không thể kiểm soát được số lượng các bạch cầu có trong máu và làm cho số lượng bạch
cầu trong máu tăng cao, điều này là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư máu.Trong máu có
các tế bào máu khác nhau với các chức năng khác nhau, được chia làm 3 loại, được gọi là
3 dòng tế bào:
• Bạch cầu: có chức năng chống lại sự nhiễm khuẩn.
• Hồng cầu: có chức năng vận chuyển ôxy đến các tổ chức trong cơ thể.
• Tiểu cầu: có chức năng đông máu, để kiểm soát sự chảy máu.
Các tế bào máu không tự sinh ra trong máu mà được tạo ra từ tế bào nguồn trong tủy
xương, phát triển thành các dòng tế bào.
Các tế bào máu liên tục chết đi và các tế bào mới được hình thành thay thế cho các tế bào
chết. Việc tạo ra tế bào máu mới liên tục được tiếp diễn trong tủy xương sao cho tế bào
của mỗi dòng ổn định về hình thái với số lượng trong một phạm vi tương đối ổn định.
Ở các bệnh nhân bị bệnh bạch cầu, quá trình tạo tế bào máu trong tủy xương bị biến đổi,
tạo ra các tế bào bạch cầu bất thường, đó là các tế bào bạch cầu ác tính. Không giống các
tế bào máu bình thường, các tế bào máu ác tính không chết đi mà có thể tăng sinh phát
triển vô độ, lấn át các dòng tế bào máu bình thường khác, làm cho chúng không được
thực hiện chức năng bình thường.
2. Phân loại các thể bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu được chia thành các nhóm khác nhau theo sự tiến triển của bệnh:
• Bệnh bạch cầu mạn tính: Là thể bệnh có tiến triển chậm, có thể kéo dài nhiều
năm, nhất là nếu bệnh nhân được điều trị đúng cách. Trong giai đoạn sớm của
bệnh, tế bào bạch cầu ác tính còn có khả năng thực hiện một số chức năng bình
thường của bạch cầu. Lúc đầu bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì. Bệnh
thường được phát hiện qua khám định kỳ trước khi các triệu chứng của bệnh xuất
hiện. Dần dần, các tế bào bạch cầu ác tính trở nên tồi tệ hơn. Khi số lượng các tế
bào ác tính tăng sinh trong máu, các triệu chứng xuất hiện như: nổi hạch hay
nhiễm khuẩn. Lúc đầu các triệu chứng còn ở thể nhẹ sau đó trở nên nặng nề hơn.
• Bệnh bạch cầu cấp: Là thể bệnh ác tính hơn, tiến triển nhanh. Ngay khi bệnh bắt
đầu, tế bào bệnh bạch cầu không thể thực hiện được vai trò của tế bào bình
thường. Số lượng tế bào bạch cầu ác tính phát triển rất nhanh.
Còn có cách phân loại bệnh bạch cầu dựa theo dòng bạch cầu bị ảnh hưởng: các tế bào
dòng tủy hoặc dòng lympho và tiến triển của mỗi dòng đó:
• Bệnh bạch cầu lymphô mạn tính (CLL): Các tế bào lymphô bị ảnh hưởng và
thường tiến triển chậm. Tuổi thường mắc bệnh là trên 55 tuổi. Hầu như không gặp
ở trẻ em.
• Bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính (CML): Các tế bào dòng tủy bị ảnh hưởng và
giai đoạn đầu thường tiến triển chậm. Phần lớn gặp ở người lớn.
• Bệnh bạch cầu lymphô cấp tính (ALL): Là thể phát triển ác tính của các tế bào
dòng lymphô và tiến triển rất nhanh. Đây là thể bệnh bạch cầu thường gặp nhất ở
trẻ em, người lớn đôi khi cũng có thể bị mắc.
• Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (AML): Các tế bào dòng tủy bị ảnh hưởng và
tiến triển nhanh. Có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em.
• Bệnh bạch cầu tế bào tóc: là một thể hiếm gặp của bệnh bạch cầu mạn tính.
II. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh và triệu chứng bệnh
1. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh
Hiện nay người ta còn chưa xác định được chính xác các nguyên nhân gây bệnh ung
thư nói chung, cũng như nguyên nhân gây ung thư máu nói riêng. Các nghiên cứu chỉ ra
một số yếu tố nguy cơ được coi là nguyên nhân gây bệnh hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho
bệnh, bao gồm:
• Tia xạ: Những người tiếp xúc với tia phóng xạ liều cao sẽ có nguy cơ cao hơn bị
bệnh bạch cầu tủy cấp tính, bạch cầu tủy mạn tính, bạch cầu lympho cấp tính. Vụ
nổ bom nguyên tử ở Hiroshima Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ 2 đã tạo
nên hàm lượng phóng xạ rất cao. Nhiều người sống sót sau vụ nổ bom hạt nhân bị
bệnh bạch cầu. Người có tiền sử được điều trị bằng tia xạ trị khi điều trị ung thư
hoặc các bệnh khác từ trước cũng có nguy cơ cao hơn bị bệnh bạch cầu. Tuy
nhiên, khi chụp tia X trong chẩn đoán răng hàm mặt hoặc các biện pháp chụp X
quang chẩn đoán khác (như CT Scan) người ta tiếp xúc tia X với hàm lượng ít hơn
nhiều. Hiện tại vẫn chưa xác định mối liên quan giữa sự tiếp xúc với nồng độ tia
thấp với bệnh bạch cầu cấp ở trẻ em và người lớn. Các nhà nghiên cứu đang
nghiên cứu mối liên quan nguy cơ mắc bệnh bạch cầu và tiền sử chụp Xquang
nhiều lần hoặc chụp cắt lớp khi còn nhỏ.
• Hút thuốc lá: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hút thuốc là làm tăng nguy cơ mắc
bệnh bạch cầu tủy cấp tính.
• Benzen: Chất này được sử dụng nhiều trong công nghiệp hóa chất, có nhiều trong
khói thuốc lá và khí đốt. Việc tiếp xúc nhiều với Benzen có thể làm tăng nguy cơ
bị bệnh bạch cầu tủy mạn tính, bệnh bạch cầu lympho cấp tính.
• Tiền sử điều trị hóa chất: Một số bệnh nhân ung thư được điều trị hóa chất (như
các chất alkyl hóa, các chất ức chế topoisomerase) về sau có thể bị mắc bệnh bạch
cầu tủy cấp tính hoặc bệnh bạch cầu lympho cấp tính.
• Hội chứng Down và một số bệnh di truyền khác có thể làm tăng nguy cơ mắc
bệnh ung thư máu cấp tính.
• Hội chứng rối loạn sinh tủy và một số bệnh bất thường về máu khác cũng làm
tăng nguy cơ bị bạch cầu cấp tính.
• Tiền sử gia đình: Rất hiếm khi có trên một người trong gia đình bị ung thư máu.
Nếu có thì chủ yếu là thể bệnh bạch cầu lympho mạn tính.
2. Triệu chứng của bệnh bạch cầu
Giống như các tế bào máu khác, tế bào bạch cầu ác tính di chuyển trong máu gây nên các
triệu chứng. Các triệu chứng này phụ thuộc số lượng tế bào bạch cầu ác tính, vị trí các tế
bào này gây ảnh hưởng.
Ở thể bạch cầu mạn tính, bệnh thường được phát hiện qua khám định kỳ và làm xét
nghiệm máu vì bệnh nhân không có triệu chứng.
Ngược lại, các bệnh nhân bị bệnh bạch cầu cấp tính thường đến bệnh viện khám với các
triệu chứng rầm rộ hơn. Nếu não bị tổn thương, thường có các triệu chứng như đau đầu,
nôn, lú lẫn, mất trương lực cơ, động kinh. Bệnh bạch cầu cũng có thể ảnh hưởng các vị trí
khác trong cơ thể như: hệ tiêu hóa, thận, phổi, tim, tinh hoàn.
Khi tế bào dạng bạch cầu ung thư phát triển nhanh trong tủy sẽ gây đau nhức xương.
Đồng thời chúng chiếm chỗ và làm giảm sự phát triển những tế bào máu bình thường
khác. Lúc đó bệnh nhân có thể có những chứng sau:
• Sốt, đau đầu, đau khớp do sự chèn ép trong tủy:
• Mệt mỏi, yếu sức, da đổi thành màu trắng nhợt do thiếu hồng cầu
• Hay bị nhiễm trùng do bạch cầu không thực hiện được chức năng chống nhiễm
khuẩn
• Chảy máu chân/nướu răng, dễ bầm tím do giảm khả năng làm đông máu
• Biếng ăn, sút cân.
• Ra mồ hôi về ban đêm ở bệnh nhân là nữ
• Sưng nề bụng hoặc cảm giác khó chịu ở bụng.
Phần lớn các triệu chứng này không phải là đặc trưng cho ung thư nên dễ bị người bệnh
bỏ qua, vì vậy, khi có một trong bất kỳ dấu hiệu nào nêu trên, người bệnh cần đến bác sỹ
ngay để được khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị.
III. Các phương pháp chẩn đoán bệnh bạch cầu
Các bác sỹ sẽ thực hiện thăm khám cho bệnh nhân kỹ càng. Khi nghi ngờ bệnh bạch cầu,
các bác sỹ sẽ yêu cầu làm một số xét nghiệm.
• Khám lâm sàng: các bác sỹ sẽ phát hiện được hạch sưng to, gan-lách to ra.
• Xét nghiệm máu: cần thiết kiểm tra số lượng các tế bào máu và thành phần các
loại bạch cầu (công thức máu). Khi mắc bệnh bạch cầu, số lượng bạch cầu tăng
cao, giảm số lượng tiểu cầu, lượng Hemoglobin giảm thấp do thiếu máu.
• Sinh thiết chẩn đoán: Phương pháp lấy một mảnh mô trong tủy xương để soi
dưới kính hiển vi tìm tế bào máu ác tính. Sinh thiết là biện pháp duy nhất giúp
chẩn đoán xác định tế bào ác tính trong tủy xương. Có hai cách lấy tủy xương:
− Chọc hút tủy: Sử dụng kim nhỏ và có lỗ để chọc vào xương, hút lấy một ít tủy
xương.
− Sinh thiết tủy: Sử dụng kim lớn hơn để lấy một mảnh tủy xương.
• Các xét nghiệm khác: Tùy thuộc triệu chứng và thể bệnh mà bác sỹ cho làm một
số xét nghiệm như:
− Xét nghiệm gen: Xác định nhiễm sắc thể bất thường Philadelphia trong bệnh
bạch cầu dòng tủy mạn tính.
− Xét nghiệm dịch tủy: Xác định sự xuất hiện tế bào bạch cầu bất thường trong
máu.
− Chụp X quang: Phát hiện hạch to trong ổ bụng hoặc các vị trí khác.
IV. Các phương pháp điều trị bệnh bạch cầu
Có nhiều biện pháp điều trị khác nhau đối với bệnh bạch cầu như: theo dõi-chờ đợi, hóa
trị liệu, điều trị đích, điều trị sinh học, xạ trị, ghép tế bào gốc hoặc phẫu thuật cắt bỏ lách
to. Có thể phối hợp nhiều biện pháp điều trị.
Sự lựa chọn biện pháp điều trị tùy thuộc chủ yếu vào: thể bệnh, tuổi của người bệnh, sự
xuất hiện tế bào bạch cầu trong tủy.
Các bệnh nhân bị bạch cầu cấp tính cần được điều trị ngay với mục đích giảm các triệu
chứng của bệnh để đạt hiệu quả lui bệnh. Sau khi đạt lui bệnh, một số biện pháp được
tiến hành nhằm ngăn chặn sự tái phát của bệnh (điều trị củng cố, duy trì).
Với bệnh bạch cầu mạn tính không có triệu chứng, điều trị có thể được trì hoãn với sự
theo dõi của các bác sỹ và tiến hành điều trị khi các triệu chứng xảy ra. Điều trị giúp
kiểm soát bệnh và các triệu chứng. Bệnh nhân có thể được điều trị duy trì nhằm tránh tái
phát nhưng với phác đồ hóa trị liệu thông thường, rất hiếm bệnh nhân khỏi bệnh, tuy
nhiên ghép tủy có thể mang lại hy vọng điều trị khỏi đối với bệnh bạch cầu mạn tính.
• Hóa trị
Một số bệnh nhân được điều trị hóa chất giúp tiêu diệt tế bào ung thư. Tùy thuộc từng thể
bệnh mà bác sỹ cho người bệnh dùng đơn hóa chất hoặc phối hợp đa hóa chất. Có nhiều
loại hóa chất khác nhau:
• Hóa chất đường uống
o Hóa chất đường tĩnh mạch
o Hóa chất vào tủy sống
o Hóa chất vào não: Một số hóa chất không thể vượt qua hàng rào máu não
nên sau khi truyền tĩnh mạch thuốc không thể theo máu đến não được.
Thông qua catheter Ommaya người ta đưa thuốc trực tiếp vào hộp sọ.
Hóa chất được điều trị theo chu kỳ với khoảng thời gian dùng thuốc và khoảng nghỉ. Hóa
chất giúp tiêu diệt tế bào ung thư và giảm các triệu chứng nhưng cũng có thể gây nên tổn
thương các tổ chức lành, đặc biệt các tổ chức có tế bào phân chia nhanh như tế bào máu,
tế bào chân tóc, tế bào đường tiêu hóa, buồng trứng và tinh trùng . Khi đó người bệnh
được bác sỹ theo dõi và điều trị hỗ trợ:
• Khi hóa chất làm giảm các tế bào máu lành tính, sẽ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn,
chảy máu, mệt mỏi do thiếu hồng cầu. Các bác sỹ sẽ truyền máu cho người bệnh
nếu thấy thiếu máu nặng.
• Hóa trị liệu gây rụng tóc. Sau khi ngừng điều trị, tóc mọc trở lại nhưng kiểu tóc và
màu tóc có thể thay đổi.
• Hóa trị liệu gây mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn, nôn, ỉa chảy, đau họng
miệng. Một số thuốc có thể giúp giảm các triệu chứng này.
• Một số hóa chất gây vô sinh do làm tổn thương tinh trùng và trứng. Có một số hóa
chất không gây nên biến chứng này. Cần thiết trao đổi với bác sỹ về nguyện vọng
sinh đẻ sau điều trị để bác sỹ cân nhắc lựa chọn thuốc và cách bảo quản tinh trùng,
trứng trong ngân hàng mô.
• Điều trị đích
Điều trị đích ngăn chặn sự phát triển của tế bào ác tính thông qua ức chế hoạt động
protein bất thường làm kích thích sự phát triển của tế bào ung thư.
Các bệnh nhân bị bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính và một số thể bạch cầu dòng tủy cấp
tính có thể được điều trị bằng thuốc điều trị đích Glivec. Hiện nay có thêm một số thuốc
điều trị đích khác được chỉ định. Tại Việt Nam, hiện tại đang có chương trình tài trợ miễn
phí thuốc cho các bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính.
• Điều trị sinh học
Điều trị sinh học giúp kích thích sự miễn dịch tự nhiên của cơ thể chống lại tế bào ung
thư. Có nhiều biện pháp điều trị sinh học khác nhau: một số gắn kết với tế bào bạch cầu
ác tính, một số vận chuyển các chất gây độc tế bào, một số khác giúp cải thiện hệ thống
miễn dịch kích thích cơ thể chống lại tế bào ung thư.
Trong một số trường hợp bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính, điều trị thuốc kích thích miễn
dịch Ìnterferon tiêm dưới da hoặc tiêm bắp giúp làm chậm sự phát triển của tế bào ung
thư.
• Ghép tế bào gốc
Điều trị ghép tế bào gốc giúp tạo điều kiện cho hóa chất liều cao thực hiện được. Hóa
chất liều cao giúp tiêu diệt tế bào ung thư nhưng cũng làm tổn thương tế bào lành trong
tủy. Vì vậy, tế bào nguồn sẽ được tiêm vào cơ thể (giống truyền máu) sau khi điều trị
bằng hóa chất, nhờ đó các tế bào máu bình thường được phát triển từ các tế bào gốc này.
Có nhiều biện pháp ghép tế bào gốc khác nhau:
• Ghép tế bào gốc tự thân: Sử dụng tế bào gốc của chính mình. Trước khi được điều
trị hóa chất liều cao, tủy xương sẽ được lấy đi. Các tế bào này có thể được điều trị
để tiêu diệt các tế bào ung thư và sau đó được giữ lạnh rồi truyền lại vào cơ thể
sau khi được điều trị hóa chất liều cao.
• Ghép tủy dị thân: Tế bào gốc được lấy từ tủy xương của thành viên trong gia đình
hoặc từ người cho khác phù hợp với cơ thể của bệnh nhân.
Hiện nay phương pháp điều trị bệnh ung thư máu chủ yếu vẫn là thay tủy xương của
người bệnh bằng tủy xương của một người hiến phù hợp (thích hợp nhất là người cùng
huyết thống với người bệnh) để thay thế phần tủy xương đã bị hư hỏng và kích thích sinh
ra hồng cầu cũng như kìm hãm sự gia tăng đột biến của bạch cầu. Tuy nhiên, khả năng
thành công rất thấp, chỉ khoảng 10% và khả năng bệnh tái phát cũng rất lớn (khoảng từ 3
đến 5 năm).
Tài liệu tham khảo
1.
2. quan -ve-benh- ung - thu - mau -1473
3.
4. PGS. Trịnh Văn Quang. Bách khoa thư ung thư học
5. NXB Y học. Hóa chất điều trị bệnh ung thư
6. Mã Lương Minh. Chẩn đoán phòng trị bệnh ung thư máu