Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

Tác dụng phụ của các thuốc giảm béo pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (89.98 KB, 2 trang )

Tác dụng phụ của các thuốc giảm béo
Các loại thuốc giảm cân được sử dụng phổ biến hiện nay là orlistat, sibutramine và
rimonabant, ngoài ra, một số thuốc điều trị tiểu đường như metformin, exenatide… cũng
có tác dụng giảm cân trong một số trường hợp. Tuy nhiên, bên cạnh tác dụng giảm béo, các
thuốc này lại có những tác dụng phụ cần hết sức lưu ý.
Thuốc giảm béo đến nay vẫn là một liệu pháp quan trọng trong điều trị béo phì. Một thuốc giảm
béo lý tưởng cần có 3 đặc tính cơ bản: giúp giảm được rõ rệt trọng lượng cơ thể và các biến
chứng liên quan đến béo phì; lợi ích của thuốc phải lớn hơn so với nguy cơ tai biến của thuốc;
giá thành không quá cao và dễ mua.
Cho đến nay, có rất ít các báo cáo về tính an toàn của các thuốc giảm béo được công bố, trong
khi nguy cơ của các thuốc này lại rất rõ rệt ở những người không béo phì nhưng lạm dụng chúng
cho mục đích giảm cân. Các loại thuốc giảm cân được sử dụng phổ biến hiện nay là orlistat,
sibutramine và rimonabant, ngoài ra, một số thuốc điều trị tiểu đường như metformin,
exenatide… cũng có tác dụng giảm cân trong một số trường hợp. Dưới đây là tác dụng phụ
thường gặp của các thuốc này.
Orlistat
Orlistat là một chất ức chế men lipase dạ dày và tụy, giúp giảm hấp thu chất béo, được đưa vào
sử dụng từ năm 1998. Thuốc thường được dùng với liều 120mg uống 3 lần mỗi ngày trong bữa
ăn. Thuốc rất ít được hấp thu vào máu (< 1%), hầu hết được thải nguyên dạng trong phân, do đó,
những tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc cũng xảy ra ở đường tiêu hóa, các tác dụng phụ
toàn thân rất hiếm gặp. Đại tiện phân có nhầy, mỡ, mót rặn xảy ra ở 15 - 30% số người sử dụng
orlistat, khoảng 7% có biểu hiện đại tiện không tự chủ. Để dự phòng tình trạng thiếu hụt các
vitamin hòa tan trong chất béo, orlistat nên được dùng cùng với các chế phẩm multivitamin. Cần
lưu ý, một số thuốc như amiodarone, ciclosporin và warfarin có thể bị giảm hấp thu khi dùng
cùng với orlistat.
Sibutramine
Sibutramine là một thuốc chống trầm cảm với tác dụng giảm béo thông qua cơ chế chủ yếu là
gây tăng cảm giác no và tăng quá trình sinh nhiệt của cơ thể. Thuốc được chuyển hóa hầu hết tại
gan và đào thải qua thận. Các tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc là gây mất ngủ, buồn nôn,
khô miệng và táo bón. Do không làm tăng giải phóng serotonin nên không có nguy cơ gây bệnh
van tim và tăng áp lực động mạch phổi nhưng sibutramine có thể làm tăng nhẹ huyết áp động


mạch và tần số tim. Do đó, thuốc không nên được chỉ định ở những bệnh nhân có tăng huyết áp
chưa được kiểm soát, bệnh tim mạch hoặc nhịp tim nhanh.
Rimonabant
Rimonabant là một chất ức chế chọn lọc thụ thể CB1 của hệ thống endocannabinoid, gây giảm
cảm giác ngon miệng, chán ăn, dẫn đến giảm cân. Ngoài ra, thuốc còn gây giảm cân thông qua
một số cơ chế ngoại vi như tăng tiêu thụ ôxy ở cơ dẫn đến tăng quá trình sinh nhiệt, giảm sinh
lipid ở gan và tế bào mỡ, tăng cảm giác no, ức chế sự tăng sinh của các tế bào mỡ… Thuốc được
chuyển hóa tại gan và bài tiết qua mật. Các tác dụng phụ thường gặp của rimonabant là gây buồn
nôn, chóng mặt, tiêu chảy và mất ngủ, gặp ở khoảng 1 - 9% số người sử dụng. Ở liều dùng
20mg, các tác dụng phụ về tâm thần kinh (chủ yếu gây trầm cảm) xảy ra ở 6 - 7% số bệnh nhân,
trong đó, 13 - 16% bệnh nhân đã phải ngưng dùng thuốc.
Metformin
Đây là một thuốc điều trị tiểu đường trong nhóm biguanide nhưng có tác dụng gây giảm cân. Các
tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc là ở đường tiêu hóa (như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn,
trướng bụng) và gây nhiễm toan lactic trong máu. Dùng metformin kéo dài còn có thể gây giảm
hấp thu dẫn đến thiếu hụt vitamin B12.
Exenatide
Đây là một đồng chất của hormon GLP-1 được dùng trong điều trị tiểu đường type 2, exenatide
có tác dụng giảm cân do làm chậm vận chuyển thức ăn qua dạ dày và làm tăng cảm giác no. Các
tác dụng phụ thường gặp nhất là ở đường tiêu hóa như gây ợ chua, đầy trướng bụng, tiêu chảy,
chậm tiêu, buồn nôn…, do đó, thuốc không nên được dùng ở các bệnh nhân có bệnh dạ dày.
Thuốc cũng có thể gây chóng mặt, đau đầu, thay đổi tính tình…
Bên cạnh những thuốc kể trên còn có một số thuốc giảm cân khác như fenfluramine và
dexfenfluramine đã bị rút khỏi thị trường nhiều năm trước đây do nguy cơ tác dụng phụ. Gần
đây, ở nước ta có lưu hành khá phổ biến một số loại thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc xuất xứ,
không có bản hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Việc tự ý sử dụng các thuốc này
không theo hướng dẫn của thầy thuốc đã đưa đến không ít các trường hợp bị tiêu chảy kéo dài và
suy nhược cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
BS. Nguyễn Hữu Trường (BV bạch Mai)

×