Rối loạn chức năng dạ dày
I. ĐẠI CƯƠNG:
Rối loạn chức năng dạ dày là tình trạng rối loạn hai chức năng chính của dạ dày:
chức năng vận động và chức năng tiết dịch.
1. Nguyên nhân:
a. Nguyên nhân gây RLCNDD nguyên phát
Những nguyên nhân gây rối loạn chức năng dạ dày nguyên phát là những yếu tố
thần kinh tâm thần gây nên:
- Sự bực tức, phẫn nộ làm cho niêm mạc dạ dày nhợt màu ức chế tiết dịch và giảm
nhu động Volt (1942).
- Sự sợ hãi làm niêm mạc dạ dày xung huyết, tăng tiết nhu động cũng tăng Volt
(1942).
b. Nguyên nhân gây RLCNDD thứ phát
Xẩy ra sau các bệnh
- Viêm đại tràng mạn.
- Viêm ruột thừa mạn.
- Viêm tụy mạn.
- Viêm túi mật mạn.
- Viêm gan mạn.
- Sai lầm do ăn uống: Ăn vội vã, nhai không kỹ, giờ giấc ăn thất thường, lao động
nặng nhọc ngay sau bữa ăn, hoặc vừa làm vừa ăn, ăn nhiều gia vị, ăn uống chất
quá nóng, quá lạnh, hút thuốc lá, cà phê, chè đặc khi đói, ăn uống quá nhiều bia
rượu.
2. Phân loại:
a. Rối loạn vận động
- Giảm trương lực dạ dày.
- Mất trương lực dạ dày.
- Giãn dạ dày cấp.
- Tăng trương lực.
- Co thắt môn vị.
- Co thắt tâm vị.
b. Rối loạn tiết dịch
- Vô dịch vị (Achilie).
- Vô toan (Axitchlohydric).
- Tăng toan, tăng tiết.
c. Các rối loạn khác
Ngoài hai rối loạn nêu trên còn thêm rối loạn cảm giác: đau ở dạ dày.
Ba rối loạn trên có thể có ở một bệnh nhân, hoặc một bệnh nhân chỉ có một trong
ba rối loạn kể trên.
3. Sự thường gặp:
Các công trình nghiên cứu của nhiều tác giả (Edwards và Copeman; Jones và
Polak, Hafter, Friedman, Williám, Maratke ) từ 1943 đến nay cho ta thấy
RLCNDD chiếm xấp xỉ 50% số bệnh nhân đến khám bị RLTH.
- Thường gặp ở người trẻ, nhất là lứa tuổi dậy thì.
- Người có trạng thái thần kinh dễ xúc cảm (nghệ sĩ).
- Người có trạng thái rối loạn thần kinh thực vật.
II. TRIỆU CHỨNG HỌC
A. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
1. Biểu hiện ở dạ dày:
- Đau thượng vị: không rõ chu kỳ, cảm giác nằng nặng có thể xảy ra khi mới ngủ
dậy, hoặc trong và sau bữa ăn.
- Cảm giác nóng rát trong dạ dày, tăng khi uống rượu, ăn chua cay.
- Đầy hơi trong dạ dày làm cho bệnh nhân rất khó chịu.
- Ợ chua, ợ hơi có khi ợ lên một ít dịch vị cảm giác chua đắng.
- Nôn: có thể nôn thức ăn, có khi nôn dịch dạ dày, dịch mật.
- Buồn nôn: thường xảy ra vào buổi sáng khi thức giấc.
- Cảm giác nhạt đắng miệng không muốn ăn.
2. Biểu hiện toàn thân:
- Các rối loạn tiêu hóa khác về đường ruột: táo, lỏng thất thường, có RLCNĐT
kèm theo.
- Biểu hiện suy nhược thần kinh: nhức đầu không căn nguyên, hay đau nửa đầu
hội chứng Migrain, mất ngủ về đêm, ban ngày ngủ gật, mất cảm hứng và giảm
hoạt động tình dục.
- Biểu hiện tim mạch: hồi hộp dễ xúc động, có khi ngất xỉu, mạch thay đổi thất
thường, có thể có ngoại tâm thu cơ năng.
Thể trạng chung vẫn bình thường, không sốt, sinh hoạt vẫn bình thường, có thể hơi
gầy đi nếu bệnh nhân tự khắt khe trong ăn uống, tự hạn chế ăn vì sợ gây ra các rối
loạn kể trên.
B. CẬN LÂM SÀNG
1. X-quang
Hình ảnh khi soi hoặc chụp chứng tỏ RLCN vận động của dạ dày.
- Dạ dày co bóp nhiều hoặc ít, trì trệ nhưng không có các đoạn cứng đờ như trong
ung thư dạ dày.
- Thay đổi trương lực: dạ dày co thắt nhiều lần làm nổi rõ các nếp nhăn nên
thường xuyên chẩn đoán nhầm là viêm dạ dày phì đại. Hoặc dạ dày có thể nhẽo, sa
xuống thấp hình thác nước (Encanscade).
- Hành tá tràng ngấm thuốc chậm và xấu.
2. Nội soi
Phần lớn trường hợp nội soi thấy niêm mạc bình thường. Một số trường hợp có thể
thấy:
- Niêm mạc hơi đỏ và phù nề, xung huyết dễ nhầm với viêm dạ dày thể nông,
Maratka dùng danh từ “Niêm mạc bị kích thích” (Irritated mucosa) để chỉ hình ảnh
nội soi của rối loạn chức năng dạ dày.
- Dạ dày tăng trương lực, không căng ra được đầy đủ khi bơm hơi nên các lớp
niêm mạc vẫn còn to, dễ nhận định nhầm là viêm phì đại. Có khi bơm hơi vào vừa
đủ để soi thì bệnh nhân đã ợ ra hết.
3. Xét nghiệm dịch vị
Độ toan dịch vị có thể bình thường hoặc tăng hoặc giảm, nhưng tính đa toan, thiếu
toan rất thất thường. Thay đổi hẳn từ xét nghiệm lần trước đến xét nghiệm lần sau.
Nếu dịch vị thay đổi cố định kéo dài (nhất là khi làm nghiệm pháp Histamin hoặc
Pentagastrin) thường báo hiệu bệnh lý thực tổn của niêm mạc hơn là chức năng.
4. Sinh thiết niêm mạc dạ dày
Niêm mạc vẫn bình thường về hình thái niêm mạc và số lượng các tuyến (cần sinh
thiết nhiều nơi để đánh giá được chính xác hơn).
III. CHẨN ĐOÁN
A. CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH:
Dựa vào các tiêu chuẩn sau:
- Sau khi loại trừ các tổn thương hậu phát (viêm, loét, ung thư dạ dày )
- Tính chất thất thường và chóng hồi phục của các kết quả xét nghiệm dịch vị.
- Có kèm theo các rối loạn khác về rối loạn thần kinh thực vật, ở đại tràng, tim
mạch, nội tiết
B. CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT
1. Các rối loạn tiêu hóa thực tổn
- Ung thư dạ dày, loét dạ dày - tá tràng:
+ Giống nhau về triệu chứng cơ năng (đau, ợ chua, ợ hơi )
+ Khác:
-Tính chất đau, thực thể, toàn thể.
- Khác nhau về kết quả X-quang, nội soi và sinh thiết.
- Viêm dạ dày mạn:
+ Giống nhau: cơ năng, nội soi, X-quang. Theo Atkim (1975), Debray (1980),
Maratka (1987) những trường hợp soi dạ dày cho viêm dạ dày chỉ đúng 50-70%.
+ Khác nhau
- Sinh thiết: nếu viêm có tổn thương.
- Dịch vị thay đổi cố định lâu với Histamin hoặc Pentagastrin NX Huyên (1989)
2. Các rối loạn tiêu hóa thứ phát:
- Phản ứng với một số bệnh toàn thân có tính chất nhiễm khuẩn, nhiễm độc, dị ứng
hoặc một bệnh nội tiết, mạch máu. Dựa vào triệu chứng của bệnh là chính.
- Phản xạ từ bệnh lý ngoài ống tiêu hóa: sỏi mật, sỏi niệu, bệnh lý sinh dục. Dựa
vào hỏi bệnh khám bệnh.
Các bệnh này gây rối loạn chức năng dạ dày, nhưng khi hết bệnh chính thì bệnh
rối loạn chức năng dạ dày cũng hết.
IV. ĐIỀU TRỊ
1. Dùng thuốc
Dùng một số thuốc cần thiết để giải quyết triệu chứng, khi những triệu chứng gây
khó chịu cho bệnh nhân:
- Cồn Benladon: 40 giọt chia 2 lần uống/ngày.
- Atropin: 1/2mg x1-2 ống tiêm dưới da/ngày.
- Trymo 120mg: 4 viên/ngày, chia làm 2 lần, uống trước bữa ăn 1 giờ.
- Hạn chế sử dụng Natribicacbonate (vì có phản ứng kiềm - toan ngay trong dạ
dày, lâu ngày gây tổn thương thực tổn).
2. Giải quyết yếu tố cơ địa rối loạn thần kinh thực vật:
Để chống cơ địa rối loạn thần kinh thực vật dùng an thần
- Meprobamat: 0,04 x 1 viên uống trước khi ngủ đêm.
- Hoặc Seduxen: 0,5mg x 1 viên/24h tối
- Hoặc Gacdenal: 0,10mg x 1 viên/24h vào tối.
- Thể dục liệu pháp, tắm suối nước nóng, an dưỡng.
3. Xây dựng nề nếp sinh hoạt ăn uống điều độ:
- Ăn uống điều độ, đúng giờ giấc, ăn chậm nhai kỹ.
- Kiêng thức ăn gây khó chịu sau khi ăn.
4. Cần làm tâm lý liệu pháp:
Giải thích rõ bệnh cho bệnh nhân an tâm điều trị.