Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Báo cáo nghiên cứu khoa học: "CHỨC NĂNG CỦA CÁC CẤU TRÚC ĐẢO NGỮ TIẾNG ANH" ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (352.37 KB, 6 trang )

CHỨC NĂNG CỦA CÁC CẤU TRÚC
ĐẢO NGỮ TIẾNG ANH
FUNCTIONS OF ENGLISH INVERSION STRUCTURES


NGUYỄN THỊ QUỲNH HOA
Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng


TÓM TẮT
Bài viết trình bày một cách tiếp cận đối với hiện tượng đảo ngữ trong tiếng Anh dựa trên
nguyên tắc cấu trúc gắn liền với chức năng. Cách tiếp cận này cho phép làm sáng tỏ bản chất
của đảo ngữ về cả hai mặt cấu trúc và ngữ nghĩa. Các chức năng của đảo ngữ chính là những
biểu hiện của nghĩa “phi nội dung mệnh đề” được mã hoá trong các cấu trúc, qua đó cho thấy
rằng sự thay đổi trật tự từ góp phần kiến tạo những cấu trúc cú pháp biểu đạt những ý nghĩa
riêng biệt.
ABSTRACT
This article presents a way of approaching English inversion based on the principle that
structures are attached to their functions. This makes it possible to clarify the nature of
inversion in terms of both structure and meaning. The functions of English inversion are the
tokens of the “non-propositional meaning” encoded in the structures, thus showing that word
order change contributes to the construction of syntactic structures expressing specific
meanings.


1. Đặt vấn đề
1.1. Về măt lí luận
Là một phổ quát ngôn ngữ học (language universal), đảo ngữ liên quan đến khả năng di chuyển
của các thành tố trong câu, do đó tất yếu gắn với sự khác biệt nào đó giữa các biến thể trật tự của câu:
đó là sự khác biệt giữa một trật tự được cho là cơ bản, hay trật tự chuẩn (basic/canonical word order),
với những trật tự phi chuẩn (non-canonical word order). Chắc hẳn sự thay đổi về trật tự (với tư cách là


“cái biểu đạt”) sẽ tạo ra những thay đổi về nội dung (“với tư cách là “cái được biểu đạt”). Đây chính là
một hệ quả của nguyên lí về tính hình tuyến mà F. D. Saussure đã nêu ra trong “Giáo trình ngôn ngữ
học đại cương” [1986; 126] khi bàn về bản chất của tín hiệu ngôn ngữ. Điều này được thể hiện rõ qua
nhận định của S. K. Verma [1976; 144]: “Không có hai sự sắp xếp nào của cùng một tập hợp các thành
tố trong bất kì một ngôn ngữ nào của nhân loại lại hoàn toàn đồng nghĩa với nhau”.
Hiện tượng đảo ngữ trong tiếng Anh (English inversion - ĐNTA) đã được đề cập với các mức
độ khác nhau trong nhiều bộ sách ngữ pháp, giáo trình, tài liệu học tiếng từ trình độ cơ bản đến trình độ
nâng cao. Tuy nhiên, đó hầu như chỉ là một sự liệt kê một số câu đảo ngữ tiêu biểu và cơ bản nhất mà
chưa có sự hệ thống hoá các đặc điểm cấu trúc cũng như đi sâu phân tích các đặc trưng ngữ nghĩa của
những loại câu này. Trong bối cảnh ngữ nghĩa học đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, bình diện
nghĩa của ĐNTA cần phải được làm rõ hơn nữa, nhằm làm bộc lộ những nội dung mà các cấu trúc đảo
ngữ truyền đạt.
1.2. Về mặt thực tiễn
Từ thực tế giảng dạy tiếng Anh, chúng tôi nhận thấy rằng người học luôn luôn có nhu cầu
muốn được lí giải cụ thể về bản chất của ĐNTA - một biểu hiện của sự “lệch chuẩn” (deviation from
the norm) trong ngữ pháp - để có được những hướng dẫn đúng đắn liên quan đến việc sử dụng loại câu
này. Việc nắm vững và sử dụng có hiệu quả các cấu trúc đảo ngữ sẽ giúp người học đa dạng hoá và
làm phong phú thêm cách diễn đạt bằng tiếng Anh để phục vụ cho những mục đích giao tiếp nhất định.

2. Nhận diện đảo ngữ tiếng Anh
2.1. Định nghĩa
Các nghiên cứu về ĐNTA thường đề cập đến định nghĩa của Green [1982; 120] về đảo ngữ: đó
là “những cấu trúc câu trần thuật mà trong đó chủ ngữ theo sau một phần hoặc toàn bộ các yếu tố của
động ngữ”. Định nghĩa này cho phép phân biệt hai loại đảo ngữ như sau:
 Đảo ngữ toàn phần (Full Inversion) (ĐNTP):
At the end of the garden stood a handsome
building of the newest style. [1; 82-83]
Phía cuối công viên sừng sững một toà nhà
đẹp với kiểu dáng hiện đại nhất.
From some houses standing apart came the

sound of grinding mills and the sweet voices of
women singing at their work.
[1; 80-81]
Từ một vài căn nhà biệt lập vọng ra âm thanh
của những chiếc cối xay và giọng hát dịu dàng
của những phụ nữ đang làm việc.
Her face was stony and even stonier was the
tone of her voice. [18; 1381]
Khuôn mặt của cô ta thật lạnh lùng và còn
lạnh lùng hơn nữa là giọng nói của cô ta.
Gone are the days of the “old-fashioned”
entertainment. [20; 97]
Đã qua rồi cái thời kì của những thú tiêu khiển
“lỗi thời”.
 Đảo ngữ trợ động từ (Auxiliary Inversion) (ĐTĐT):
Never have I seen such a magnificent
performance. [2; 218]
Chưa bao giờ tôi trông thấy một cuộc trình
diễn lộng lẫy như vậy.
In no circumstances would I agree to such a
proposal. [6; 134]
Dù trong bất kì hoàn cảnh nào tôi cũng không
đồng ý với một đề nghị như thế.
So violent was the gale that all the trees were
uprooted. [11; 136]
Cơn bão quá sức dữ dội đến nỗi tất cả cây cối
đều bị trốc gốc.
Ed passed the exam and so did Mary.
[7; 229]
Ed đã thi đỗ và Mary cũng vậy.

Ed didn’t pass the exam and neither/nor did
Mary. [7; 229]
Ed đã không thi đỗ và Mary cũng vậy/ cũng
không.
2.2. Phân biệt đảo ngữ toàn phần và đảo trợ động từ
Đảo ngữ toàn phần (ĐNTP) được hiện thực hoá bằng những cấu trúc gồm 3 yếu tố theo trình
tự: yếu tố đầu câu + động từ + chủ ngữ ngữ pháp.
So với đảo ngữ toàn phần (ĐNTP), đảo trợ động từ (ĐTĐT) được thể hiện qua nhiều cấu trúc
đa dạng hơn, có mức độ ngữ pháp hoá cao hơn và những yếu tố đầu câu bị giới hạn trong những phạm
vi hẹp hơn.
Khi phân biệt giữa ĐNTP và ĐTĐT, các nhà Anh ngữ học chỉ căn cứ vào một tiêu chí duy
nhất: vị trí của chủ ngữ (CN) - hoặc đứng sau toàn bộ động ngữ hoặc sau trợ động từ.
Tuy nhiên, để có được một sự phân biệt rõ ràng và nhất quán giữa ĐNTP và ĐTĐT, chúng tôi
đã bổ sung thêm một tiêu chí nữa, đó là: sự xuất hiện của chủ ngữ ở vị trí cuối câu. Kết hợp cả 2 tiêu
chí vừa nêu cho thấy có các kiểu loại đảo ngữ tiếng Anh cụ thể như sau:

STT
CN xuất hiện
cuối câu
CN đứng sau toàn bộ
động ngữ
CN đứng sau trợ
động từ
Kiểu loại
đảo ngữ
1 + + (+) ĐNTP
2 + - + ĐTĐT
3 - + (+) ĐTĐT
4 - - + ĐTĐT
Bảng trên cũng cho thấy có 4 khả năng về vị trí của chủ ngữ trong ĐNTA, đó là:

1- CN xuất hiện cuối câu và đứng sau toàn bộ động ngữ;
2- CN xuất hiện cuối câu và đứng sau TĐT;
3- CN không xuất hiện cuối câu nhưng lại đứng sau toàn bộ động ngữ;
4- CN không xuất hiện cuối câu nhưng lại đứng sau TĐT.
Khi chủ ngữ đứng sau toàn bộ động ngữ thì tất yếu sẽ đứng sau trợ động từ, nếu có sự hiện
diện của trợ động từ trong cấu trúc câu.
Trong 4 khả năng về vị trí của CN vừa nêu, theo sự phân loại của chúng tôi, chỉ có những
trường hợp ĐNTA ứng với khả năng thứ nhất mới được xem là ĐNTP; còn các trường hợp ĐNTA ứng
với các khả năng 2, 3 và 4 được xếp vào loại ĐTĐT.

3. Hướng tiếp cận của bài viết
Trong khuôn khổ bài viết này, tiếp thu những ý tưởng và sự phân tích của các nhà ngôn ngữ
học và Anh ngữ học, chúng tôi trình bày một cái nhìn đối với đảo ngữ tiếng Anh trong sự kết hợp ba
bình diện kết học, nghĩa học và dụng học, dựa trên cơ sở những quan niệm và phạm trù của lí thuyết
ngôn ngữ học hiện đại. Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là những câu trần thuật tiếng Anh có trật tự
đảo, được xác định theo định nghĩa của Green [1982;120] và dựa trên những tiêu chí đã trình bày ở
mục 2.2. Đối tượng này chính là sản phẩm của hiện tượng đảo ngữ với tư cách là một quá trình cú pháp
(syntactic process/operation).
Nhìn từ khía cạnh của một quá trình cú pháp, hiện tượng đảo ngữ tạo ra sự dịch chuyển làm
thay đổi trật tự các thành tố trong câu, đồng thời làm thay đổi cấu trúc câu, chuyển đổi một cấu trúc cơ
bản, “không đánh dấu” (unmarked) thành một cấu trúc “có đánh dấu” (marked). Đảo ngữ cũng tác
động đến bình diện nghĩa của câu bằng cách tạo ra những nghĩa bổ sung cho phần nghĩa “phi miêu tả”
(non-descriptive meaning) hay “phi nội dung mệnh đề” (non-propositional meaning) của câu. Cách
hiểu của chúng tôi về loại nghĩa này được căn cứ vào quan niệm của J. Lyons [1995] - đó là những
nghĩa không quan yếu đến điều kiện chân trị (truth conditions) của câu.
Mục tiêu của bài viết này là nêu ra một cách tiếp cận nhằm làm sáng tỏ bản chất của ĐNTA về
mặt cấu trúc và ngữ nghĩa. “Cấu trúc” được hiểu là “sự sắp xếp có quy tắc của các đơn vị ngôn ngữ để
tạo thành một tổng thể có nghĩa” [Asher et al., 1994; 10; 5175]. Thuật ngữ “ngữ nghĩa” được chúng tôi
hiểu theo nghĩa rộng - đó là đối tượng của ngữ nghĩa học theo quan điểm của J. Lyons [1995; 342]:
“Về nguyên tắc, ngữ nghĩa học nên bao quát (tất cả và duy nhất) những nghĩa được mã hoá trong cấu

trúc từ vựng và cấu trúc ngữ pháp của các ngôn ngữ cụ thể, bất luận là những nghĩa đó có thể được
phân tích theo điều kiện chân trị hay không”. Như vậy, khái niệm “ngữ nghĩa” ở đây bao hàm cả những
nội dung ngữ dụng học.
Mặt cấu trúc của đảo ngữ tiếng Anh thể hiện qua 6 mô hình khái quát và chúng tôi đã trừu
tượng hoá từ một tập hợp các câu cụ thể, với các thành phần bắt buộc theo quy tắc của ngữ pháp tiếng
Anh trong sơ đồ sau:
CẤU TRÚC CỦA ĐẢO NGỮ TIẾNG ANH
(6 mô hình khái quát)

Đảo ngữ toàn phần
(Full Inversion)
AVS

CVS

PREDICATION + BE + SUBJECT

Đảo trợ động từ
(Auxiliary Inversion)
OPERATOR + SUBJECT + PREDICATION
PRO-FORM + OPERATOR + SUBJECT
X + OPERATOR + SUBJECT + Y
(X: yếu tố đầu câu; Y: phần còn lại của câu)

Mỗi một mô hình khái quát này có thể được hiện thực hoá thành những mô hình nhỏ hơn, với
những đặc điểm nhất định về mặt cấu tạo hình thức và ngữ nghĩa của những yếu tố tham gia vào mô
hình.
Mặt ngữ nghĩa của ĐNTA được biểu hiện cụ thể qua 3 chức năng: chức năng giới thiệu thực
thể trong diễn ngôn, chức năng nhấn mạnh và chức năng liên kết. Các chức năng này chính là sự cụ thể
hoá phần nghĩa “phi miêu tả” hay nghĩa “phi nội dung mệnh đề” được mã hoá trong các cấu trúc cú

pháp của ĐNTA. Mối quan hệ giữa nghĩa và chức năng được chúng tôi hiểu căn cứ vào “Từ điển giải
thích thuật ngữ ngôn ngữ học” [1997; 143], theo đó “nghĩa” là “toàn bộ các chức năng của các đơn vị
ngôn ngữ” và “tất cả những điều được các đơn vị ngôn ngữ này biểu hiện, phản ánh là mặt nội dung
của chúng”.

4. Chức năng của các cấu trúc đảo ngữ tiếng Anh
4.1. Chức năng giới thiệu thực thể trong diễn ngôn
Chức năng giới thiệu thực thể trong diễn ngôn (presentative/presentational function) là chức
năng tiêu biểu của các cấu trúc ĐNTP trong tiếng Anh. Chức năng này cho phép sử dụng đảo ngữ để
miêu tả bối cảnh, xác nhận sự tồn tại, xuất hiện của sự vật hiện tượng trong một hoàn cảnh, trạng thái
nhất định, nhằm đưa người đọc/người nghe vào cương vị của người trực tiếp chứng kiến. Ví dụ:

The rain had stopped and I stepped out of bed
and across the floor to the window. Down
below were the gardens, bare now but
beautifully regular, the gravel paths, the trees,
the stone wall by the lake and the lake in the
sunlight with the mountains beyond. [14; 239]
Mưa đã tạnh, tôi bước xuống giường đến bên
cửa sổ. Dưới kia những khu vườn trơ trọi lá
nhưng đẹp bình dị, những lối đi rải sỏi, cây cối,
bức tường đá bên bờ hồ và mặt hồ lấp lánh ánh
mặt trời cùng với những ngọn núi xa xa.
Outside the curtained window was the
summer heat of Madrid. [13; 323]
Bên ngoài khung cửa sổ buông rèm là cái nắng
mùa hè của Madrid.
From all the churches sounded the joyful
bells. [15; 58]
Từ tất cả các ngôi thánh đường ngân lên những

hồi chuông rộn ràng, hoan hỉ.

4.2. Chức năng nhấn mạnh
Green [1980; 594] đã nhận xét rằng: “Chức năng nhấn mạnh của đảo ngữ tiếng Anh là một vấn
đề đã được bàn luận nhiều nhất, nhưng cũng có lẽ là vấn đề ít được thấu đáo nhất.”
Căn cứ vào quan niệm của Callow [1974], chúng tôi nhận thấy rằng tính nhấn mạnh của đảo
ngữ tiếng Anh chủ yếu thể hiện qua 3 chức năng: chức năng đánh dấu tiêu điểm thông báo (TĐTB),
chức năng nhấn mạnh cường điệu và chức năng nhấn mạnh biểu cảm.
Căn cứ vào phạm vi hoạt động của TĐTB trong cấu trúc cú pháp của các kiểu câu đảo ngữ,
chúng tôi nhận thấy nhiều cấu trúc có TĐTB trùng với một thành phần câu cụ thể (chủ ngữ, vị ngữ, bổ
ngữ, trạng ngữ ) bị đảo vị trí. Ví dụ:

Early in 1661 took place a general election.
[12; 59]
Đầu năm 1661 đã diễn ra một cuộc tổng tuyển cử.
Gone are the days when industrial goods
were made to last forever. [3; 170]
Đã qua rồi cái thời mà hàng công nghiệp được sản
xuất với độ bền vĩnh cửu.
Not a moment did she waste. [18; 779] Một giây một phút cô ta cũng không hề bỏ phí.
Only during a powercut were we able to
enjoy the glory of the night sky. [2; 141]
Chỉ trong lúc mất điện chúng ta mới có thể chiêm
ngưỡng vẻ huy hoàng của bầu trời đêm.

Chức năng nhấn mạnh cường điệu là chức năng tiêu biểu của các cấu trúc ĐTĐT với mô hình
khái quát “X + OPERATOR + SUBJECT + Y”, trong đó X là yếu tố đứng ở vị trí đầu câu và có cấu
tạo hình thức đa dạng. Đặc biệt khi X là một yếu tố phủ định thì đảo ngữ chỉ xảy ra nếu tầm tác động
của sự phủ định (scope of negation) ảnh hưởng đến toàn bộ câu. Ví dụ:


With no coaching he will pass the exam. [18;
793]
Không học luyện thi nó cũng sẽ thi đỗ.
With no coaching will he pass the exam.
Cho dù có học luyện thi thì nó cũng sẽ không
đỗ.

Nhấn mạnh biểu cảm là một chức năng của ĐNTP, khi cấu trúc này được dùng để diễn tả một
sự trái ngược với những gì được mong đợi (counter-expectation); do vậy, nó liên quan đến xúc cảm của
người nghe/người đọc và đó thường là cảm xúc ngạc nhiên trước sự xuất hiện đột ngột, bất ngờ của
một sự vật hiện tượng trong một hoàn cảnh nhất định. Ví dụ:
Keith Sebastian had given me the detailed instructions on how to find his house; he was to
meet me there with the money. But according to the radio, he had just been killed under mysterious
circumstances. In a daze I drove up my driveway to his house and got out of my car. Just as the car
door closed, I heard the main door to the house open.
a. ? Keith Sebastian stepped out of the house.
b. Out of the house stepped Keith Sebastian. [10; 11-12]
Keith Sebastian đã hướng dẫn tôi khá tỉ mỉ cách tìm nhà anh ta. Anh ta sẽ chờ tôi ở đó cùng
với số tiền. Nhưng đài phát thanh lại vừa thông báo là anh ta bị giết một cách bí ẩn. Hốt hoảng, tôi vội
phóng xe nhà anh ta và lao ra khỏi xe. Ngay khi cửa xe vừa sập lại, tôi nghe tiếng cửa chính mở.
a. ? Keith Sebastian hiện ra trên ngưỡng cửa.
b. Trên ngưỡng cửa hiện ra Keith Sebastian.
Trong ví dụ này, rõ ràng là việc sử dụng câu b. (với cấu trúc ĐNTP) là phù hợp hơn so với câu
a. bởi vì sự chờ đợi của người nghe/người đọc đối với cái chết của Keith Sebastian đột nhiên bị đảo
ngược.
4.3. Chức năng liên kết
Các nhà Anh ngữ học đã nhận thấy rằng trong nhiều trường hợp, sự thay đổi trật tự từ do đảo
ngữ tạo ra làm cho câu trở nên phù hợp hơn với văn cảnh (contextually fit) so với việc sử dụng trật tự
thuận. Như vậy, đảo ngữ cũng góp phần tạo ra tính liên kết (cohesion) trong văn bản nói riêng và diễn
ngôn nói chung.

Chức năng liên kết theo quan hệ không gian (spatial conjunction) là một đặc điểm quan trọng
của các cấu trúc ĐNTP tiếng Anh, cụ thể là các cấu trúc đảo ngữ có yếu tố đứng đầu câu là các từ ngữ
chỉ vị trí (position), phương hướng (direction) và nguồn gốc (source). Các yếu tố thuộc loại này thường
thể hiện sự liên kết móc xích, có tác dụng duy trì và phát triển chủ đề. Ví dụ:

The Queen was furious. She decided to kill
Snow White herself. Taking off her palace
gown, she dressed herself as a peddler
woman. Then she set out for the forest with
a basket of fruit on her arm. In the basket
was a fine rosy apple. [21; 92]
Hoàng hậu giận điên người. Mụ quyết định tự
mình giết chết Bạch Tuyết. Trút bỏ bộ áo mặc
trong cung điện, mụ cải trang thành một người
đàn bà bán hàng rong. Rồi mụ đi tới khu rừng,
tay đeo một giỏ hoa quả. Trong giỏ có một quả
táo tươi chín đỏ trông rất đẹp.
5. Kết luận
Cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc cấu trúc không tách rời với chức năng cho phép làm sáng tỏ
bình diện nghĩa của đảo ngữ tiếng Anh và góp phần làm rõ hơn bức tranh đa dạng, phức tạp của hiện
tượng đảo ngữ, từ đó cho thấy rằng một cấu trúc có thể đảm nhận nhiều chức năng và ngược lại, một
chức năng có thể được tìm thấy ở nhiều cấu trúc.
Trong tiếng Anh, đảo ngữ là một phương tiện mã hoá và ngữ pháp hoá một số thành tố “phi
nội dung mệnh đề” thuộc về nghĩa của câu. Việc nhận dạng và xác định các phạm trù “nghĩa phi miêu
tả” cũng chính là một trong những mối quan tâm của ngữ nghĩa học trong giai đoạn hiện nay.
Việc nghiên cứu cấu trúc và ngữ nghĩa của đảo ngữ sẽ giúp cho người dạy và người học tiếng
Anh thấy được sự biến động của các mô hình cú pháp, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả của việc dạy
học ngữ pháp tiếng Anh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] Abba K.A., The Umbrella and Three Other Indian Short Stories (Song ngữ Anh-Việt), Foreign
Languages Publishing House, Hanoi, 1987.
[2] Alexander L.G. et al., English Grammatical Structure, Longman, Essex, 1975.
[3] Alexander L.G., For and Against (Song ngữ Anh-Việt), Nxb Thế Giới, Hà Nội, 1995.
[4] Asher R.E. et al. (eds.), The Encyclopedia of Language and Linguistics, Vol. 10, Pergamon
Press, Oxford, 1994.
[5] Callow Kathleen, Discourse Considerations in Translating the Word of God, Zondervan,
Grand Rapids, MI, 1974.
[6] Cook L.B. et al. (eds.), Literature in English, McGraw-Hill, NewYork, 1964.
[7] Downing A., Locke P., A University Course in English Grammar, Prentice Hall International,
New York, 1995.
[8] Green G.M., “Some wherefores of English Inversions”, Language (Journal of The Linguistic
Society of America), Vol. 56, 1980, pp. 582-601.
[9] Green G.M., “Colloquial and Literary Uses of Inversion”, Spoken and Written Language:
Exploring Orality and Literacy, 1982, pp. 119-154.
[10] Gregerson Kenneth, “Pragmatics and the Search for Context in Linguistics”, Philippine
Journal of Linguistics, Vol. 11 (1), 1980, pp. 1-20.
[11] Hà Văn Bửu, Sentences, Nxb tp Hồ Chí Minh, tp Hồ Chí Minh, 1993.
[12] Hartvigson H.H. Jacobsen L.K., Inversion in Present-day English, Odense University Press,
1974.
[13] Hemingway Earnest, The Sun Also Rises, Bantam Books, New York, 1954.
[14] Hemingway Earnest, A Farewell to Arms, David Campbell Publishers Ltd., London, 1993.
[15] Hoàng Đình Tứ, Morning Star (2), HoChiMinh City Publishing House, HoChiMinh City,
1993.
[16] Lyons J., Linguistic Semantics, CUP, Cambridge,1995.
[17] Nguyễn Như Ý (cb.), Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997.
[18] Quirk R. et al., A Comprehensive Grammar of the English Language, Longman, London, 1985.
[19] Saussure, F. D., Course in General Linguistics (translated and annotated by Roy Harris), La
Salle, 1986.

[20] Srinivasan S. (ed.), 151 English Essays, HoChiMinh City Publishing House, HoChiMinh City,
1994.
[21] Trần Bích Thoa, English Fairy Tales (Song ngữ Anh-Việt), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997.
[22] Verma S.K., “Remarks on Thematization”, Archivum-Linguisticum, Vol. 7 (2), 1976, pp. 142-
151.

×