Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Báo cáo nghiên cứu khoa học: " NHỮNG LỖI THƯỜNG GẶP TRONG BẢN DỊCH CỦA MỘT SỐ SÁCH GIÁO KHOA TIẾNG PHÁP SONG NGỮ PHÁP - VIỆT ĐANG SỬ DỤNG TẠI VIỆT NAM" pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (361.62 KB, 9 trang )

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010

205
NHỮNG LỖI THƯỜNG GẶP TRONG BẢN DỊCH CỦA MỘT SỐ SÁCH
GIÁO KHOA TIẾNG PHÁP SONG NGỮ PHÁP - VIỆT ĐANG SỬ DỤNG
TẠI VIỆT NAM
COMMON IMPERFECTIONS IN THE TRANSLATIONS OF SOME FRENCH –
VIETNAMESE BILINGUALTEXTBOOKS IN VIETNAM

Nguyễn Thái Trung
Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng

TÓM TẮT
Sách giáo khoa tiếng Pháp được trình bày dưới dạng song ngữ là một trong những
công cụ hữu ích cho người học ngoại ngữ này, đặc biệt là những người tự học. Tuy nhiên, một
số các sai sót trên nhiều bình diện khác nhau (sử dụng từ, cú pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng )
trong việc dịch thuật trong các sách này đã gây một số hiệu ứng tiêu cực nhất định đến người
sử dụng sách. Chính vì vậy, việ
c nhận diện những sai sót này để từ đó có một cái nhìn khách
quan và một phương pháp sử dụng sách một cách chủ động, tích cực là hết sức quan trọng
nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho người học. Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện thuận lợi cho
việc trao đổi ý kiến giữa các dịch giả và các nhà phê bình dịch là hết sức cần thiết nhằm nâng
cao chất lượng các b
ản dịch của loại sách này.
ABSTRACT
A French textbook published in bilingual format is a useful tool for learners, especially for
those who study on their own. However, a number of imperfections on different aspects (vocabulary,
syntax, semantics, pragmatics ) in the translations of these books have caused a number of
negative impacts on users. Therefore, identification of these imperfections so as to have an objective
view and an effective way of using books is very important in bringing higher efficiency to the learner.
In addition, creating favourable conditions for the exchange of ideas between translators and


criticism is extremely necessary for improving the translative quality of these books.

1. Đặt vấn đề
Hiện nay, có một tỷ lệ khá lớn những người học tiếng Pháp (ở các trung tâm ngoại
ngữ hoặc tự học ở nhà) đang sử dụng các sách giáo khoa tiếng Pháp được trình bày dưới
dạng song ngữ Pháp - Việt. Tuy loại sách giáo khoa này đã thực sự mang lại một số lợi ích
thiết thực cho người học nhưng bên cạnh đó nó cũng kèm theo một số hạn chế
đến từ những
sai sót trong việc dịch thuật gây tác hại không nhỏ đến người học. Chính vì thế, việc nhận
dạng những sai sót thường gặp trong các văn bản dịch của các sách giáo khoa tiếng Pháp
được trình bày dưới dạng song ngữ Pháp - Việt xuất hiện trên thị trường sách học ngoại ngữ
tại Việt Nam hiện nay nhằm mục đích giúp người học nhận thức được những hạn chế gây
tác hại trong việc sử dụng sách song ngữ là một việc làm mang tính cấp thiết.
Xuất phát từ thực trạng này, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Những
lỗi thường gặp trong bản dịch của một số sách giáo khoa tiếng Pháp song ngữ Pháp -
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010

206
Việt đang sử dụng tại Việt Nam” với mong muốn chỉ ra những sai sót nhằm mục đích
giúp người học nhận thức được những hạn chế gây tác hại trong việc sử dụng sách song
ngữ. Đề tài cũng mong muốn góp phần cải thiện chất lượng của loại sách học ngoại ngữ
hiện đang được nhiều người học sử dụng khá phổ biến này.
2. Kết quả nghiên cứu và khảo sát
2.1 Cơ sở lý luận
2.1.1. Định nghĩa về dịch thuật
Hiệp hội Quốc tế những Người phiên dịch Hội nghị đưa ra một định nghĩa tập hợp
nhiều yếu tố của quá trình dịch: “Dịch không chỉ đơn thuần là dịch lời nói theo cách từ
đối từ: nó là sự chuyển đổi lời nói với toàn thể
hành trang ngữ nghĩa, xúc cảm và thẩm
mỹ của nó thành một ngôn ngữ bằng cách dùng các phương tiện biểu đạt hoàn toàn khác.

Dịch trước tiên là hiểu trọn vẹn thông điệp để có thể tách nó ra khỏi chổ dựa bằng từ của
nó và tái tạo lại nó sau này với tất cả sắc thái bằng một ngôn ngữ khác. Đó là một sự trao
đổi và đổi chỗ của các trạng thái tâm lý và của một thế giớ
i văn hoá này với một thế giới
văn hoá khác" (AIIC [Association Internationale des Interprètes de Conférence] - 1979).
2.1.2. Các kiểu loại dịch thuật
Công việc dịch được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau tuỳ thuộc vào các
chuẩn (quá trình dịch, mục đích, phương pháp khôi phục nội dung văn bản nguồn,
phương pháp biến đổi ). Những cách này được phân loại theo mục đích, yêu cầu, quá
trình, phương pháp dịch thành các loại hình khác nhau. Những loại hình dịch chính là:
dịch ngữ nghĩa (semantic translation), dịch giao tiếp (communicative translation), dịch
từ đối từ (word-for-word translation), dịch nguyên văn (literal translation), dịch trung
thành (faithful translation), dịch phiên âm (transcription), chuyển chữ (transliteration),
dịch sao phỏng (calque), dịch phóng tác (adaptation), dịch miêu tả (descriptive
translation), dịch giải nghĩa (explanatory translation), dịch tự do (free translation) và
dịch thành ngữ (idiomatic translation).
2.1.3 Các chuyển đổi trong dịch thuật
Về mặt lý thuyết cũng như thực hành, việc truyền đạt đầy đủ các ý nghĩa trong
ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ đích có tầm quan trọng hàng đầu vì đó là mục đích của
dịch thuật. Để tạo ra một văn bản dịch chuyển tải tới mức tối đa nội dung các thông báo
trong văn bản gốc, người dịch cần biết cách thực hiện nhiều cải biến, tức là những
chuyển đổi giữa các ngôn ngữ gồm các dạng thức sau :
• Chuyển đổi từ vựng
Trong dịch thuật, nghĩa của một từ trong ngôn bản nguồn có thể được thể hiện
bằng những dạng thức khác nhau trong ngôn bản dịch. Việc dùng từ trong ngôn ngữ
đích để diễn đạt một cách tương đương với từ trong ngôn ngữ gốc, nhưng khác với
nghĩa (nếu từ chỉ có một nghĩa) hoặc khác với nghĩa nguyên thủy, nghĩa gốc (nếu là từ
đa nghĩa) của từ trong ngôn ngữ gốc gọi là chuyển đổi từ vựng.
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010


207
• Chuyển đổi ngữ pháp
Trong việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tương đương dịch thuật
có thể diễn ra giữa câu, cú, ngữ, từ và hình vị (trường hợp sau hiếm khi có). Tuy nhiên,
người ta không thể luôn luôn xác lập sự tương đương cùng cấp độ đơn giản giữa văn
bản ngôn ngữ gốc và văn bản ngôn ngữ đích. Một ngữ của văn bản gốc có thể tương
đương là một cú trong văn bản ngôn ngữ đích và một cú có thể tương đương là một
câu Sự chuyển đổi về cấp độ này không phải là sự thay đổi duy nhất trong dịch thuật
mà còn có những thay đổi về cấu trúc, về loại từ và từ trong hệ thống Những thay đổi
loại này được gọi là chuyển đổi ngữ pháp.
• Chuyển đổi bình diện
Chuyển đổi bình diện có nghĩa là làm cho một đơn vị gốc ở một bình diện ngôn
ngữ (chẳng hạn như phạm trù thể, thức của động từ) có một tương đương dịch thuật
trong ngôn ngữ đích ở một bình diện khác.
• Thêm trong dịch thuật
Trong dịch thuật, sự tương ứng một đối một giữa các ngôn ngữ về mặt nghĩa
thường chỉ có trong các ngữ và các câu đơn giản, còn ở bình diện văn bản thường có sự
chênh nhau về hình thái biểu hiện; trong trường hợp này việc thêm từ ngữ vào văn bản dịch
là một trong những biện pháp bảo đảm sự tương ứng giữa ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ đích.
• Bớt trong dịch thuật
Trong quá trình dịch, có những từ ngữ không được dịch sang ngôn ngữ đích,
hiện tượng này được gọi là sự bớt trong dịch thuật. Thường đó là những từ ngữ không
thiết yếu đối với văn bản, hoặc nếu dịch thì phải giải thích dài dòng, rườm rà hay tạo ra
những câu dịch không tự nhiên làm gián đoạn mạch văn, và do đó làm người đọc không
tập trung vào nghĩa tổng quát.
2.2. Phân tích dữ liệu
2.2.1. Phân loại lỗi
Sau khi tiến hành phân tích ngữ liệu được thu thập từ mộ
t số sách giáo khoa
tiếng Pháp được trình bày dưới dạng song ngữ Pháp - Việt xuất hiện trên thị trường sách

học ngoại ngữ tại Việt Nam, chúng tôi đã tìm ra 220 trường hợp có sai sót trong dịch
thuật. Các sai sót này có liên quan đến các tiêu chí được Wilss (1982a : 227) đưa ra, đó
là: sử dụng từ (98 trường hợp), cú pháp (26 trường hợp), ngữ nghĩa (84 trường hợp),
ngữ dụng (12 trường hợp). Chúng tôi đã không tìm thấy trường hợp sai sót nào liên
quan
đến bình diện liên kết và mạch lạc.
• Lỗi trong cách sử dụng từ
Sử dụng từ sai

Ta hãy phân tích ví dụ sau đây để thấy được một sai sót trong cách sử dụng từ
của người dịch.
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010

208
Ví dụ 1 :
Y a t-il-un distributeur automatique de billets de banque dans le quartier ?
Ở khu phố có máy đổi tiền tự động không ?
Từ distributeur trong tiếng Pháp có một nét nghĩa là appareil servant à
distribuer, nghĩa là máy dùng để phân phối, như vậy cái máy này không thể dùng để đổi
tiền được. Hơn nữa, trên thực tế, chưa có loại máy tự động nào có thể dùng để đổi tiền
được mà chỉ có máy rút tiền tự động. Vậy nên, việc sử dụng từ máy đổi tiền để dịch từ
distributeur là sai. Ta nên dùng từ máy rút tiền (như trong thực tế người ta vẫn dùng tại
Việt Nam) trong trường hợp này thì mới chính xác.
Sử dụng từ không phù hợp
Qua phân tích, chúng tôi nhận thấy có những trường hợp người dịch sử dụng từ
không đến mức độ sai nhưng rõ ràng là chưa phù hợp. Ta hãy phân tích trường hợp sau
để thấy rõ hơn điều này:
Ví dụ 2 :
A la cantine, on sert du poulet aux enfants une fois par semaine.
Ở căng-tin, người ta cho trẻ em ăn gà giò mỗi tuần một lần.

Từ poulet trong tiếng Pháp có nghĩa là jeune poule ou jeune coq destiné à
l'alimentation (gà mái hay gà trống tơ dùng làm thực phẩm). Một số từ điển Pháp-Việt
dịch từ này là gà giò để phân biệt với các loại gà khác (gà trống, gà mái, gà đá ). Tuy
nhiên, trong câu này, người nói không có ý định phân biệt các loại gà nên ta chỉ cần
dịch sang tiếng Việt là thịt gà là đủ. Hơn nữa, từ gà giò là một từ ít sử dụng mà không
phải bất kỳ ai cũng hiểu được ngay ý nghĩa của nó nên cách dịch này chỉ làm cho câu
văn thêm tối nghĩa, không cần thiết và cũng không phù hợp với ngôn cảnh.
• Lỗi cú pháp
Cú pháp sai

Trong quá trình phân tích ngữ liệu, chúng tôi nhận thấy một điều là người dịch
đã không ít lần dịch nguyên văn cấu trúc ngữ pháp của tiếng Pháp sang tiếng Việt mặc
dù những cấu trúc này hoặc là không đúng hoặc là không phù hợp với ngôn ngữ của
chúng ta. Để thấy rõ hơn điều này, ta hãy phân tích ví dụ sau:
Ví dụ 3 :

Vous me comprenez quand je parle ?
Bạn hiểu khi tôi nói ?
Trong bản dịch này, ta có thể thấy người dịch đã dịch nguyên văn cấu trúc ngữ
pháp của nguyên bản nhưng đã bỏ bớt đại từ làm tân ngữ me (tôi). Nếu dịch nguyên văn
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010

209
thì sẽ là Bạn hiểu tôi khi tôi nói ? Tuy nhiên, ta có thể thấy bản dịch là một cấu trúc ngữ
pháp sai. Trong tiếng Việt, chỉ có cấu trúc hiểu (ai) hay hiểu (cái gì) chứ không có cấu
trúc hiểu khi (ai làm gì). Câu này ta nên dịch là Bạn có hiểu tôi nói gì không ? hoặc Tôi
nói bạn có hiểu không ? thì mới đúng với cú pháp tiếng Việt.
Cú pháp không phù hợp
Có những trường hợp, cú pháp của bản dịch không sai nhưng rõ ràng là không
phù hợp. Ta hãy xét ví dụ sau :

Ví dụ 4 :
La maîtresse a grondé l'enfant qui avait dit un gros mot.
Cô giáo đã la rầy em nhỏ nói lời thô tục.
Trong bản dịch này, dịch giả đã thực hiện hai thao tác bớt: bớt đại từ quan hệ qui
và ý nghĩa của thì plus-que-parfait (tiền quá khứ) trong động từ avait dit. Hai thao tác
bớt này đã làm cho bản dịch hao hụt đi một phần ý nghĩa. Ý nghĩa đầy đủ của câu này là
Cô giáo đã la rầy em nhỏ vì trước đó em đã nói tục. Cho nên, để chuyển tải đầy đủ ý
nghĩa của nguyên bản, ta nên dịch là Cô giáo la rầy em nhỏ vì đã nói tục.
• Lỗi ngữ nghĩa
Ngữ nghĩa sai
Qua phân tích ngữ liệu, chúng tôi thấy không ít trường hợp người dịch đã dịch
sai về mặt ngữ nghĩa, ta hãy phân tích trường hợp sau để thấy rõ điều đó:
Ví dụ 5 :
En mettant de la crème, vous n'auriez pas attrapé de coups de soleil.
Nhờ thoa kem, có thể bạn đã không bị cảm nắng.
Chúng ta có thể thấy ngay rằng bản dịch là một câu vô nghĩa: câu này có thể
hiểu là bạn đã bị cảm nắng nhờ bạn bôi kem? Trong khi bôi kem là để khỏi bị cảm
nắng. Nguyên nhân của việc dịch sai này là do dịch giả hiểu sai ý nghĩa của cấu trúc
gérondif (en + participe présent) trong câu này. Ở đây, cấu trúc gérondif en mettant de
la crème diễn đạ
t một điều kiện (condition) chứ không phải một bổ ngữ chỉ cách thức
(complément de manière). Vậy nên, câu này ta phải dịch là Nếu thoa kem thì bạn đã
không bị cảm nắng rồi.
Ngữ nghĩa không phù hợp

Có những trường hợp, ngữ nghĩa không hẳn là sai nhưng không được chính xác
lắm. Ta hãy thử so sánh hai ví dụ sau :
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010

210

Ví dụ 6 :
En arrivant en retard au théâtre, vous avez dérangé tout le monde.
Khi tới rạp hát trễ, bạn đã làm phiền mọi người.
Ví dụ 7 :
En arrivant en retard au théâtre, vous dérangerez tout le monde.
Khi tới rạp hát trễ, bạn sẽ làm phiền mọi người.
Hai câu nguyên bản có vẻ hoàn toàn giống nhau ngoại trừ thì của động từ : câu
đầu động từ chia ở thì quá khứ (passé composé) còn câu sau ở thì tương lai (futur
simple). Dịch giả đã dịch nguyên văn nguyên bản mà không chú ý rằng chính sự thay
đổi về thì của hai động từ đã dẫn đến sự thay đổi về mặt ý nghĩa của cấu trúc gérondif
en arrivant en retard au théâtre. Thật vậy, trong câu đầu tiên, cấu trúc gérondif en
arrivant en retard au théâtre diễn tả một nguyên nhân của một hành động trong quá
khứ, còn trong câu thứ hai thì nó lại diễn tả một giả thiết cho tương lai. Tóm lại, hai câu
này nên dịch là :
Vì tới rạp hát trễ, bạn đã làm phiền mọi người.
Nếu tới rạp hát trễ, bạn sẽ làm phiền mọi người.
• Lỗi ngữ dụng
Ngữ dụng sai
Sau khi phân tích ngữ liệu, chúng tôi cũng đã phát hiện có những trường hợp sai
sót về mặt ngữ dụng. Ví dụ như trường hợp sau :
Ví dụ 8 :

Mettez-vous du sucre dans votre café ?
Bạn có bỏ đường vào ly cà phê của bạn chưa ?
Ta có thể nhận ra hai sự khác biệt giữa nguyên bản và bản dịch. Thứ nhất, về
mặt ngữ pháp, động từ trong câu nguyên bản chia ở thì hiện tại (présent) trong khi bản
dịch lại diễn đạt một ý quá khứ. Thứ hai, về mặt ngữ dụng, nguyên bản có ý nghĩa như
một lời mời trong khi bản dịch lạ
i là một câu hỏi về một hành động trong quá khứ. Câu
này ta nên dịch là Bạn có muốn cho đường vào cà phê không?

Ngữ dụng không phù hợp
Chúng tôi cũng nhận thấy có những trường hợp ngữ dụng không phải là sai
nhưng chưa thật sự phù hợp, chưa thật sự trung thành với nguyên bản. Để thấy rõ hơn
điều này ta hãy phân tích trường hợp sau :
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010

211
Ví dụ 9 :
Le haut de la montagne est couvert de neige.
Non cao tuyết phủ.
Câu nguyên bản dịch nguyên văn sang tiếng Việt là Đỉnh núi bị bao phủ bởi
tuyết. Ta có thể thấy câu nguyên bản có ngữ vực trung hoà, phong cách trung tính trong
khi bản dịch lại có ngữ vực trang trọng và phong cách thơ ca. Dịch giả đã thực hiện một
sự chuyển đổi bình diện biểu đạt kéo theo một sự chuyển đổi về bình diện nội dung của
thông điệp : từ bình diện quy chiếu (thông tin vì mục đích thông tin) sang bình diện thi
vị (tập trung vào hình thức). Theo tôi, trong trường hợp cụ thể này (một phát ngôn
không có ngữ cảnh cụ thể), sự chuyển đổi nói trên là không phù hợp hoặc là không cần
thiết. Ta có thể dịch một cách đơn giản câu này là Đỉnh núi phủ đầy tuyết.
3. Bàn luận
Trên cơ sở những kết quả này, chúng tôi xin có một số suy nghĩ bàn luận sau:
3.1. Một vài khuyến nghị với người học sử dụng sách song ngữ
Sách giáo khoa song ngữ tiếng Pháp nói riêng và sách giáo khoa song ngữ nói
chung là một trong những công cụ hỗ trợ hiệu quả cho người học ngoại ngữ nhờ tính tiện
dụng của nó. Thật vậy, với dạng sách này, người học sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian
cho việc tham khảo từ điển, một thao tác không thể thiếu trong việc học ngoại ngữ. Hơn
nữa, dạng sách giáo khoa song ngữ nói riêng và sách song ngữ nói chung sẽ giúp người đọc
có điều kiện so sánh đối chiếu những tương đồng cũng như những khác biệt giữa hai ngôn
ngữ và hai nền văn hoá nguồn và đích để từ đó có một cái nhìn sâu sắc hơn về việc lĩnh hội
một ngoại ngữ nhằm giúp cho việc học ngoại ngữ này trở nên hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, sách giáo khoa song ngữ cũng có những mặt trái của nó mà nếu như

chúng ta không chú ý thì nó sẽ gây hại không nhỏ cho việc học ngoại ngữ. Thứ nhất,
sách giáo khoa song ngữ có thể làm cho người học trở nên thụ động, lười suy nghĩ vì tất
cả đều đã được dịch sẵn. Thứ hai, như chúng ta đã thấy qua các phân tích trên đây,
những bản dịch không tránh khỏi có những sai sót trên các bình diện khác nhau (sử
dụng từ, cú pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng …). Những sai sót này chắc chắn sẽ có những
tác hại nhất định đến quá trình lĩnh hội cũng như sử dụng ngôn ngữ của người học.
Chính vì thế, chúng tôi xin có một vài khuyến nghị với người học sử dụng sách
song ngữ. Thứ nhất, trước khi tham khảo bản dịch trong sách, người học nên thử tự dịch
trước, sau khi đã có bản dịch của riêng mình thì so sánh với bản dịch trong sách để kiểm
tra xem mình đã hiểu đúng nội dung và diễn đạt chính xác thông điệp chưa. Thứ hai,
không nên luôn tin tưởng tuyệt đối vào bản dịch trong sách mà nên có một cái nhìn phê
bình khách quan để xem thử dịch như vậy đã hoàn toàn trung thành với nguyên bản
chưa, liệu có một cách dịch nào khác tốt hơn không. Thứ ba, nên luôn để ý phát hiện
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010

212
những tương đồng cũng như những khác biệt giữa ngữ nguồn và ngữ đích để có thể cải
thiện khả năng lĩnh hội cũng như khả năng diễn đạt trong cả hai ngôn ngữ.
3.2. Một kinh nghiệm cá nhân trong việc sử dụng sách song ngữ
Đối với dạng sách giáo khoa song ngữ, người học có thể áp dụng một cách thức
học tập đã tỏ ra khá hi
ệu quả trong việc học ngoại ngữ của tác giả. Đó là sự kết hợp giữa
hai thao tác dịch xuôi và dịch ngược: trước tiên, che phần tiếng Việt và thử tự dịch phần
tiếng Pháp, tiếp theo, so sánh với bản dịch trong sách để kiểm tra xem mình đã hiểu
đúng nội dung và diễn đạt chính xác thông điệp chưa, cuối cùng, che phần tiếng Pháp và
thử dịch ngược lại bản dịch ti
ếng Việt sang tiếng Pháp để kiểm tra xem mình đã nắm
vững phần từ vựng và ngữ pháp mới học chưa. Cách học này tuy hơi mất thời gian
nhưng bù lại nó giúp người học tăng cường cơ hội thực hành tiếng và ghi nhớ tốt hơn từ
vựng và ngữ pháp.

3.3. Một vài đề xuất nhằm cải thiện chất lượng của sách song ngữ
Để cải thiện chất lượng của sách song ngữ thì yếu tố đầu tiên dĩ nhiên là ở khả
năng và trình độ dịch thuật của người dịch. Dịch giả cần phải luôn trau dồi kiến thức về
ngôn ngữ, văn hoá, lý thuyết dịch cũng như kỹ năng thực hành dịch. Tuy nhiên, dịch là
một hoạt động trí tuệ phức tạp và khó khăn nên dù thế nào đi nữa cũng khó có thể tránh
khỏi những sai sót nhất định. Chính vì thế, bất kỳ một bản dịch nào cũng nên cần có
một người hiệu đính và sau khi xuất bản thì nên được càng nhiều người đánh giá và
đóng góp ý kiến càng tốt. Những ý kiến phản hồi này là vô cùng quý báu giúp cải thiện
chất lượng của cuốn sách trong những lần tái bản sau. Tóm lại, chúng ta nên tạo điều
kiện thuận lợi cho việc trao đổi ý kiến giữa các dịch giả và các nhà phê bình dịch, có thể
là trên các tạp chí chuyên ngành, có thể là trên các diễn đàn trên mạng Internet Điều
này sẽ thực sự mang lại lợi ích cho tất cả các đối tượng : từ các dịch giả cho đến các nhà
phê bình dịch và độc giả cũng như các giáo viên và người học ngoại ngữ.
4. Kết luận
Sách giáo khoa ngoại ngữ được trình bày dưới dạng song ngữ là một trong những
công cụ hữu ích cho người học ngoại ngữ, đặc biệt là những người tự học. Tuy nhiên, một
số các sai sót trên nhiều bình diện khác nhau (sử dụng từ, cú pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng
) trong việc dịch thuật trong các sách này đã gây một số tác hại nhất định đến người sử
dụng sách. Chính vì vậy, việc nhận diện những sai sót này để từ đó có một cái nhìn khách
quan và một phương pháp sử dụng sách một cách chủ động, tích cực là hết sức quan trọng
nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho người sử dụng sách. Bên cạnh đó, các dịch giả và
các nhà phê bình dịch cũng cần tăng cường trao đổi, phản biện nhằm nâng cao chất lượng
các bản dịch của các sách giáo khoa ngoại ngữ được trình bày dưới dạng song ngữ nói
riêng và tất cả các loại sách dịch nói chung nhằm mang đến cho độc giả những sản phẩm
ngày càng có chất lượng cao hơn. Đó là trách nhiệm đồng thời cũng là niềm hạnh phúc
của những người làm công tác dịch thuật và giảng dạy ngoại ngữ.
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010

213


TÀI LIỆU THAM KHẢO

5.1. Tiếng Việt :
Hoàng Văn Vân (2005), Nghiên cứu dịch thuật, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội.
Tp HCM.
Nguyễn Thượng Hùng (2005). Dịch thuật: từ lý thuyết đến thực hành. Nhà xuất
bản Văn Hoá Sài Gòn. Tp HCM.
5.2. Tiếng nước ngoài :
Catford, J.C. (1969), A Linguistic Theory of Translation, Oxford University Press.
Israël, F. et Lederer, M. (2005), La théorie interprétative de la traduction. Lettres
Modernes Minard, Paris – Caen.
Lavault-Oloén, E. (2007), Traduction spécialisée: pratiques, théories, formations,
Peter Lang. Bern.
Newmark, P.P. (1979), “Some Problems of Translation Theory and Methodology.
I-III”. (In) Fremdsprachen, pp. 98-102.
Newmark, P.P. (1982), Approaches to Translation, Pergamon Press.
Newmark, P.P. (1988), A Textbook of Translation, Prentice Hall. London.
Nida, E.A. (1964), Towards a Science of Translating: With Special Reference to
Principles and Procedures Involved in Bible Translating. Brill, Leyden.
Netherlands.
Nida, E.A. (1975), Language Structure and Translation. Selected and Introduced
by A.S. Dill. Standard University Press.
Nida, E.A. and Taber, C. (1974), The Theory and Practice of translation, Brill.
Leyden. Netherlands.
Seleskovitch, D. et Lederer, M. (1989), Pédagogie raisonnée de l’interprétation.
Didier Erudition, Bruxelles-Luxembourg.
Vũ Văn Đại (2002), Aspect théorique de la traduction, Université de langues
étrangères de Hanoi.


×