TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 4(33).2009
173
CÁC CHỨC NĂNG NGỮ DỤNG CỦA LỜI NÓI MỈA
TRONG TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT
PRAGMATIC FUNCTIONS OF IRONY IN ENGLISH AND VIETNAMESE
Lưu Quý Khương
Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHĐN
Phạm Thị Kim Sa
Trường Cao đẳng Nghề tỉnh Phú Yên
TÓM TẮT
Nói mỉa là một phương tiện tu từ được sử dụng rộng rãi và thu hút sự chú ý của nhiều
nhà văn, nhà tâm lý học cũng như các nhà ngôn ngữ học. Lời nói mỉa được sử dụng để biểu
đạt thái độ phủ định đối với điều gì đó. Trong Tiếng Anh, nó có thể được sử dụng như phương
tiện để phê bình, chế giễu, gây cười, nhấn mạnh, để tỏ sự thương cảm, sự hối tiếc. Mặc dầu lời
nói mỉa tiếng Việt không có chức năng nhấn mạnh nhưng lại có chức năng biểu lộ sự khinh
miệt ngoài các chức năng nêu trên. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung đề cập đến các chức
năng ngữ dụng của lời nói mỉa trong tiếng Anh và tiếng Việt nhằm tìm ra những tương đồng, dị
biệt góp phần nâng cao hiệu quả dạy, học, dịch thuật những tác phẩm văn học Anh và Việt. Kết
quả thu được cũng trang bị thêm cho người học 2 ngôn ngữ một cách nói uyển chuyển, thâm
thuý hơn khi biểu đạt ý kiến của mình.
ABSTRACT
Irony, a widely employed figure of speech, has received considerable attention from
writers, psychologists as well as linguists. Irony could be used to show one’s negative attitude to
something. In English, it could be used as a means to criticise, mock, humour, emphasize, pity
as well as regret. Although Vietnamese irony is not used as a means to express emphasis, it is
used for contempt apart from the functions mentioned above. This paper focusses on pragmatic
functions of English irony and Vietnamese irony with the aim of discovering similarities and
differences, which contributes to raising the effect of teaching, learning as well as translating
English literary works.
1. Đặt vấn đề
Nói mỉa là một hiện tượng ngôn ngữ thường gặp không chỉ trong giao tiếp hằng
ngày mà còn trong các tác phẩm văn học đặc biệt là tiểu thuyết và truyện ngắn. Nói mỉa
được coi là phương tiện tu từ để diễn đạt một ý nghĩa thật sự trái ngược với điều đã nói
ra bằng hiển ngôn. Nó tinh tế và có khả năng biểu đạt rất lớn mà thông qua đó người
viết/nói có thể biểu thị và truyền đạt những nhận thức, tư tưởng và tình cảm thật của
mình. Một khi sử dụng lời nói mỉa, người viết/nói luôn chia sẻ sự hiểu biết chung giữa
độc giả và người viết để họ có thể nhận ra những gì được nói khác hoặc trái ngược với
những điều muốn nói. Vậy nói mỉa có những chức năng ngữ dụng gì? Bài viết này đi
tìm lời giải đáp cho câu hỏi trên.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Nói mỉa là một hiện tượng ngôn ngữ cho đến nay đã có không ít công trình
nghiên cứu đề cập đến. Culter [2] đã bàn về các dấu hiệu biểu hiện lời nói mỉa như nét
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 4(33).2009
174
mặt, cử chỉ, ngữ điệu… Giora [7] đã nghiên cứu về nghĩa bề mặt, nghĩa bề sâu và sự
gián tiếp phủ định nghĩa bề mặt trong lời nói mỉa . Đinh Trọng Lạc [10] đề cập đến
phương diện ngữ nghĩa và yếu tố ngữ cảnh của lời nói mỉa. Khác với những công trình
vừa nêu, bài viết này khảo sát phương diện ngữ dụng của lời nói mỉa trong tiếng Anh và
tiếng Việt.
3. Định nghĩa về nói mỉa
Theo Galperin, “nói mỉa là một phương tiện tu từ dựa trên sự nhận diện đồng
thời hai nghĩa lô gích – nghĩa từ điển và nghĩa ngữ cảnh nhưng hai nghĩa này hoàn toàn
ngược nhau.” [7, tr.142]
(1) It must be delightful to find oneself in a foreign country without a penny in
one’s pocket.
(Chắc phải thú vị nếu người nào đó ở nước ngoài mà không có đồng xu dính
túi.)
Trong ví dụ này, từ “ delightful” (thú vị) không phù hợp với ngữ cảnh quanh
nó. Thật ra từ này phải được hiểu là “ unpleasnt” or “not delightful” (không thú vị”) thì
mới hợp với hoàn cảnh đã nêu ra: “in a foreign country without a penny in one’s
pocket” (ở nước ngoài mà không có đồng xu dính túi).
Đinh Trọng Lạc [12, tr. 80] phát biểu rằng “nói mỉa là một phương thức chuyển
tên gọi từ một biểu vật này sang một biểu vật khác, dựa vào sự đối lập giữa cách đánh
giá tốt được diễn đạt một cách hiển minh với cách đánh giá ngụ ý xấu theo nghĩa hàm
ẩn đối với biểu vật.”
(2) Lí lịch ông Thiên lôi thế là trong trắng. Nhưng còn đối với đời? Hỏi có còn
ai đến đâm đầu vào lấy một thằng giết vợ nữa?
Nghĩa mỉa mai của ví dụ trên được thể hiện qua từ “trong trắng”. Một kẻ giết
người không thể nào trong trắng được. Vì vậy ở đây từ “trong trắng ” phải được hiểu
ngược lại “không trong trắng” hoặc “xấu”.
Cả hai định nghĩa trên đều thừa nhận rằng nói mỉa được dùng để ám chỉ nghĩa
ngược lại với nghĩa hiển ngôn trong câu.
4. Các chức năng ngữ dụng của nói mỉa
Trong giao tiếp, người ta không chỉ đưa ra những phát ngôn chứa những cấu trúc
ngữ pháp và từ mà còn thực hiện hành động nào đó thông qua các phát ngôn này. Theo
đó, người ta có thể dùng lời nói mỉa để nói lên thái độ thật của mình và biểu lộ nhiều
hành động ngôn từ khác nhau.
4.1 Nói mỉa để chế giễu
Đây là một chức năng ngữ dụng phổ biến nhất của lời nói mỉa trong cả hai ngôn
ngữ. Xét các ví sau:
(3) When Becky followed them to the table of drawings, they dropped off one by
one to the fire again. She tried to speak to one of the children (of whom she was
commonly fond in public places), but Master George Gaunt was called away by his
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 4(33).2009
175
mamma;…
(Khi Becky theo họ ra bàn để tranh ảnh thì họ lần lượt đứng dậy đi ra bên lò
sưởi. Cô ta định nói chuyện với một đứa trẻ (ở những nơi công cộng, bao giờ Beecky
cũng yêu trẻ) thì lập tức cậu George Gôn bị mẹ gọi lại.)
(4) The Rector’s wife wrote a sermon for her husband about the vanity of
military glory and the prosperity of the wicked, which the worthy parson read in his
best voice and without understanding one syllable of it.
(Bà vợ ông cha xứ lập tức thảo ngay hộ chồng một bài thuyết giáo, phân tích sự
phù phiếm của những chiến công quân sự và thịnh vượng của những kẻ xấu; ông thầy tu
đáng kính lấy cái giọng tốt nhất đọc từ đầu chí cuối mà không hiểu được một chữ.)
Cả hai ví dụ trên được trích từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Hội chợ phù hoa” của
Thackeray, một cuốn tiểu thuyết được cho là không có nhân vật anh hùng. Trong ví dụ
(3), tác giả đã chế giễu của sự giả tạo của Becky bởi vì cô ta chưa bao giờ yêu ai khác
kể cả đứa con trai bé nhỏ của mình. Cô ta nói chuyện với những đứa trẻ bởi vì không có
người phụ nữ xung quanh muốn nói chuyện với cô ta. Trong ví dụ (4), tác giả đã chế
giễu sự ngu dốt và những thói hư tật xấu của ông cha xứ. Ông chẳng có những phẩm
chất cao quý của một cha sứ thật sự. Hay nói đúng hơn, ông ta chẳng phải là cha xứ.
Xét các ví dụ tiếng Việt:
(5) A, nếu vậy thì tôi hiểu ra rồi! thì ra anh vẫn có bụng tốt với tôi! Những khi
anh sĩ nhục tôi là đồ ăn hại, mắng tôi ương gàn, chẳng qua là muốn tôi trở nên tốt, và đó
là chính sách của Dương Lễ đối với Lưu Bình vậy. [14,p. 165]
Lưu Bình và Dương Lễ là hai nhân vật chính trong vở cải lương cùng tên.
Dương Lễ cũng mắng Lưu Bình nhưng với mục đích cao đẹp. Cách cư xử của Dương
Lễ đối với Lưu Bình làm cho người ta phải cảm động. Nó khác xa với cái cách mà
người nghe đã cư xử với người nói. Bằng việc sử dụng những từ ngữ đẹp đẽ, người nói
đã chế giễu bản chất xấu xa của người nghe: trở mặt, khinh bỉ, sĩ nhục bạn bè và quên đi
ơn nghĩa khi trở nên giàu có.
(6) Nó làm như nó đẹp giai lắm. Các cô con gái Hà Nội ai cũng phải lòng nó.
[13,p.165]
Trong ví dụ (6), người nói đã mượn từ “đẹp giai lắm” và “phải lòng” để chế giễu
cái vẻ bề ngoài của người đã được nhắc đến. Chúng ta có thể nhận ra sự đánh giá ngược
của người nói thông qua thông từ “làm như”.
4.2 Nói mỉa để phê bình
Các nhà văn thường sử dụng lời nói mỉa để phê bình một cách gián tiếp điều gì
đấy mà họ không hài lòng. Các câu sau là ví dụ điển hình:
(7) Mr. Sowerberry was closeted with the board for five minutes; and it was
arranged that Oliver should go to him that evening “upon liking”- a phrase which
means, in the case of a parish apprentice, that if the master find, upon a short trial, that
he can get enough work out of a boy without putting too much food into him, he shall
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 4(33).2009
176
have him for a term of years, to do what he likes with. [
(Ông Xaoơberi hỏi riêng với ban quản trị trong vòng năm phút; và người ta thu
xếp, là chiều tối hôm ấy Ôlivơ phải đến nhà ông ta “theo sở thích của mình”, câu này
đối với trường hợp một anh học nghề ở địa phương, có nghĩa là nếu ông chủ sau khi thử
thách một thời gian ngắn, thấy ông ta có thể bắt một thằng bé làm khá nhiều việc mà
không phải nhét vào bụng nó nhiều thức ăn cho lắm thì ông sẽ giữ nó ở nhà mình trong
một vài năm và muốn đối xử với nó như thế nào cũng được.)
Ví dụ trên được trích từ tác phẩm Oliver Twist của Charles Dickens. Tác giả giải
thích cụm từ “upon liking” (theo sở thích của mình) theo cách nói của chính quyền địa
phương. Nó có nghĩa là cậu bé có thể quyết định tiếp tục việc học nghề hay không
nhưng cái điều ngược lại mới thật sự đúng trong trường hợp này. Ông chủ là người duy
nhất có thể quyết định. Với lời giải thích của Dickens độc giả có thể thấy được rằng ông
đã gián tiếp phê bình cái ngôn ngữ của chính quyền địa phương. Đọc giả có thể hoài
nghi đây là lời nói mỉa mà không cần sự giải thích của tác giả vì cụm từ này được đặt
trong dấu ngoặc kép.
(8) Chẳng mấy chốc, nửa chai rượu hết bay. Pha cầm lấy chai, nói rằng đi mua
thêm, để gọi lịch sự của ông khách bình dân vốn hay chối từ. Nhưng ông khách lại dặn:
“Này, bác xem ở đâu có bán cái số ngang thì mua, chứ thứ này nhiều cồn uống
không tốt.”
Rõ ràng câu dặn dò của người khách hoàn toàn trái ngược với cái cụm từ tao nhã
“vốn hay chối từ” mà tác giả đã sử dụng để mô tả tính tình của người khách. Qua ngữ
cảnh, ta thấy tác giả đã phê bình sự phàm ăn tục uống và bản tính bất lịch sự của cái con
người được gọi là khách kia.
4.3 Nói mỉa như một biện pháp để gây cười
Cười là bản tính của con người. Các nhà văn có thể sử dụng nhiều thủ thuật để
gây cười. Một trong những thủ thuật đó là nói mỉa.
(9) He pretended regimental business to Amelia (by which falsehood she was not
in the least deceived), and consigning his wife to solute or her brother’s society, passed
his evenings in the Crawley’s company-losing money to the husband, and flattering
himself that the wife was dying of love for him.
(Giorgiơ nói dối Amêlia là mình bận lo việc của đơn vị (Amêlia biết thừa anh
chàng nối dối); mặc vợ lẻ loi ở nhà với ông anh ruột, tối nào anh ta cũng đến nhà
Crâulê để cúng tiền cho anh chồng và để tưởng rằng chị vợ chết mê chết mệt vì mình.)
Hiệu quả gây cười trong ví dụ trên được biểu hiện thông qua cụm từ “was dying
of love for him” (chết mê chết mệt vì mình) vì ngữ cảnh đã tiết lộ rằng những gì Giorgiơ
nghĩ thật là ngớ ngẩn. Sự thật là Rêbeca-vợ của Crâulê không hề yêu anh ta. Cô ta chỉ
yêu tiền của Giorgiơ và giả vờ làm bất cứ điều gì để có được nó.
(10) Sư ông lấm lét nhìn trộm Xuân rồi gãi tai như một sư ông hợp thời trang.
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 4(33).2009
177
Thông thường người ta chẳng bao giờ sử dụng từ “hợp thời trang” để mô tả một
ông sư vì các sư lu ôn sống vì mục đích cao đẹp luôn có hành vi chính chắn và không
quan tâm đến vật chất, vẻ bề ngoài hay điều gì khác. Ở đây tác giả muốn nói rằng đó
chẳng phải là ông sư. Bẳng cách sử dụng từ khác lạ, tác giả làm cho người đọc phải bật
cười.
4.4 Nói mỉa như một cách biểu hiện sự thương cảm
Khi tạo ra một nhân vật, người viết thường có trong đầu một cảm giác nhất định
về nhân vật ấy. Họ có thể sử dụng nói mỉa để biểu lộ sự thương cảm. Có thể thấy chức
năng này ở các ví dụ sau:
(11) If Amelia could have heard the comments regarding her which were in the
circle from which her father’s ruin had just driven her, she would have seen what her
own crimes were, and how entirely her character was jeopardized. [15, tr.162]
(Nếu Amêlia được nghe những lời bình phẩm về mình trong cái xã hội mà sự
phá sản của cha cô vừa bắt cô phải rời bỏ, thì cô mới thấy hết tội lỗi của mình đã làm
hại danh dự mình đến thế nào.)
Theo tình tiết trong câu chuyện, tội lỗi duy nhất mà Amêlia đã gây ra là yêu
Giorgiơ bằng cả con tim của mình. Yêu không phải là một cái tội và Amêlia chẳng có
tội lỗi gì. Đó chính là thông điệp mà tác giả đã muốn truyền đạt đến độc giả đồng thời
qua đó tác giả đã biểu lộ sự thương cảm của mình đối với tình cảnh trớ trêu của cô gái
tội nghiệp, ngây thơ và chung thủy giữa một đám người ác độc, tham lam và xảo quyệt.
(12) Cái khăn lượt với cái áo thụng xanh làm cho chú rể trở nên trịnh trọng một
cách đáng thương. Và hãy tưởng, anh ấy phải đóng y phục ấy suốt ngày lẫn đêm.
[12, tr.916]
“Trịnh trọng” không phải là những gì mà tác giả thật sự muốn nói vì nó hoàn
toàn trái ngược với cụm từ “một cách đáng thương”. “Trịnh trọng” trong trường hợp
này phải hiểu là “vụng về”. Rõ ràng tác giả đã biểu lộ sự thương cảm của mình đối với
người nam trong trang phục chú rể.
4.5 Nói mỉa để biểu lộ sự hối tiếc
Trong cuộc sống có những lúc ta đã làm những điều không đúng, không phù hợp
để rồi sau này mới nhận ra và cảm thấy hối tiếc. Người ta có thể biểu lộ sự hối tiếc một
cách trực tiếp cũng có thể biểu lộ sự hối tiếc một cách gián tiếp thông qua lời nói mỉa.
(13) I had endeavoured to adapt Dora to myself, and found it impracticible. It
remained for me to adapt myself to Dora; to share with her what I could, and be happy;
to bear on my shoulders what I must, and still happy. [3, tr. 664]
(Tôi chỉ còn cách làm cho tính cách của tôi phù hợp với Đôra; và chia sẽ với
nàng những điều có thể và sung sướng; còn một mình phải gánh lấy trách nhiệm trên
đôi vai của mình, nếu như cần phải làm và vẫn cứ sung sướng.)
Trong ví dụ trên, Đêvit Cơppơhin cảm thấy rằng tính tình của Đôra-vợ anh ấy-
không phù hợp với mình vì cô ấy quá trẻ con. Mặc dầu đã cố gắng hết sức để thay đổi
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 4(33).2009
178
tính tình của vợ mình, Đêvit không thể làm được. Ngược lại Đêvit phải tìm cách thích
nghi với tính tình của người vợ và một mình phải gánh chịu những điều phiền toái mà
cô vợ đã gây ra. Như chúng ta biết, trong hôn nhân không có sự chênh lệch nào lớn hơn
tính tình và ý nghĩ không phù hợp nhau. Dựa trên ngữ cảnh đó ta có thể nẳm bắt được
điều mà Đêvit thật sự muốn nói là anh ta không hạnh phúc và anh ta thật sự hối tiếc về
việc đã cưới một người vợ như thế.
(14) Than ôi, chỉ vì một đồng bạc! Cái đồng bạc nhân đức rất đắc tội ấy? Chị
Bích lẫn mặt chạy trốn, sợ bị đòi tiền.
Từ “nhân đức” trong ví dụ trên không nên hiểu theo nghĩa tích cực (ngợi khen)
mà nên hiểu theo nghĩa tiêu cực (chê bai). Chúng ta có thể khám phá được điều này
thông qua cụm từ “rất đắc tội”. Thông qua lời nói mỉa, người nói biểu lộ sự hối tiếc của
mình về cái điều, cái hành động mà mình đã làm đối với người đàn bà tên Bích.
4.6 Nói mỉa như một phương tiện để nhấn mạnh
Ngoài các chức năng nêu trên, nói mỉa còn được sử dụng như một biện pháp để
nhấn mạnh điều ngược lại. Chức năng này chỉ thấy trong tiếng Anh.
(15) Time hustled him into a little noisy and rather dirty machine, in a by-
corner, and made him Member of Parliament for Coketown: one of the respected
members for ounce weights and measures, one of the representatives of the
multiplication table, one of the deaf honourable gentlemen, blind honourable
gentlemen, dumb honourable gentlemen, lame honourable gentlemen, dead
honourable gentlemen, to every order consideration.
(Thời gian đã đẩy ông vào một trong một bộ máy nhỏ bé khá ầm ĩ và bẩn thỉu
làm cho ông đắc cử hội viên hội đồng thành phố Than. Ông là một trong những nhân
vật đáng kính phụ trách tính toán từng xu nhỏ, từng lạng, từng lô; một nhân vật tiêu
biểu cho bảng tính nhân; một trong những quý ông đáng trọng v ọng giả câm; một
trong những quý ông đáng trọng vọng giả mù, một trong những quý ông đáng trọng
vọng giả điếc; một trong những quý ông đáng trọng vọng giả què, một trong những
quý ông đáng trọng vọng giả chết lúc đụng đến những việc khác ngoài việc cân đo.)
Đoạn trích trên nói về ông Gơ-rát-gơ-rai trong tác phẩm Thời gian khổ của
Charles Dickens. Giả câm, giả điếc, giả mù, giả què, giả chết và tính toán từng xu nhỏ
không phải là những tính cách đáng được người khác trọng vọng. Bằng cách sử dụng
các từ tao nhã và lập lại chúng nhiều lần, tác giả nhấn mạnh rằng ông Gơ -rát-gơ-rai là
một người không đáng trọng vọng hay đáng khinh.
4.7 Nói mỉa để biểu lộ sự khinh miệt
Nói mỉa để biểu lộ sự khinh miệt chỉ xuất hiện trong khối liệu tiếng Việt. Chức
năng này có thể thấy được qua các ví dụ sau:
(16) Đi thôi Nga. Từ rày về sau chúng tôi không dám bước vào gian hàng của
bà đâu. Ở đây mọi thứ đều bằng vàng, bọn nghèo khổ như chúng tôi tiền đâu mà mua
cho được.
(17) Mày tưởng người ta không thể mua đâu chó đấy chắc! Hay chó của mày
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 4(33).2009
179
bằng vàng?
Ngữ cảnh không cho phép chúng ta hiểu các từ in đậm ở các ví dụ trên theo
nghĩa đen của chúng. Ở đây các từ nói mỉa “bằng vàng” ở ví dụ (20) và “ không thể mua
đâu được chó đấy chắc”, “bằng vàng” ở ví dụ (21) được sử dụng để biểu lộ thái độ
khinh miệt của người nói đối với người nghe.
5. So sánh tần số xuất hiện của các chức năng dụng học của lời nói mỉa trong tiếng
Anh và tiếng Việt
Bảng so sánh tần số xuất hiện của các chức năng ngữ dụng của lời nói mỉa trong
tiếng Anh và tiếng Việt
Ngôn ngữ
Tần số
Chức năng
Anh
Việt
Tần số
%
Tần số
%
Chế giễu 243 48.6 238 47.6
Phê bình 97 19.4 121 24.2
Gây cười 75 15.0 51 10.2
Nhấn mạnh 46 9.2 0 0
Biểu lộ sự thương tiếc 34 6.8 60 12.0
Biểu lộ sự hối tiếc 5 1.0 20 4.0
Biểu lộ sự khinh miệt 0 0 10 2.0
Tổng cộng 500 100 500 100
Nhìn vào cột phần trăm của bảng thống kê trên ta thấy nói mỉa để chế giễu là
chức năng phổ biến nhất trong cả tiếng Anh và tiếng Việt (tiếng Anh: 48.6%; tiếng Việt:
47.6%). Bảng phân tích dữ liệu cũng cho thấy rằng nói mỉa để biểu lộ sự hối tiếc trong
tiếng Anh xuất hiện với tần số thấp nhất (1%). Chức năng nhấn mạnh của lời nói mỉa
không được tìm thầy trong tiếng Việt trong khi trong tiếng Anh nó chiếm 9.2%. Ngược
lại, chức năng biểu lộ sự khinh miệt lại không xuất hiện trong tiếng Anh mà lại xuất
hiện trong tiếng Việt (2.0%).
6. Sự giống và khác nhau về chức năng dụng học của nói mỉa trong tiếng Anh và
tiếng Việt
a. Sự giống nhau
Việc đối chiếu phương tiện tu từ nói mỉa trên bình diện ngữ dụng học giữa tiếng
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 4(33).2009
180
Anh và tiếng Việt cho thấy có sự tương đồng và dị biệt. Sự tương đồng nằm ở một số
điểm. Các nhà văn Anh và Việt thường sử dụng lời nói mỉa để chế giễu, phê bình, gây
cười, biểu lộ sự thương cảm hay sự hối tiếc. Giữa các chức năng trên, chế giễu là chức
năng phổ biến nhất đạt được thông qua lời nói mỉa (tiếng Anh: 243 ví dụ chiếm 48.6%;
tiếng Việt: 238 ví dụ chiếm 47.6 % ).
b. Sự khác nhau
Thứ nhất, nói mỉa để chế giễu ,gây cười trong Tiếng Anh diễn ra thường xuyên
hơn Tiếng Việt trong khi nói mỉa để phê bình, để biểu lộ sự thương cảm và hối tiếc
trong tiếng Việt lại diễn ra thường xuyên hơn tiếng Anh. Thứ hai, nói mỉa để biểu lộ sự
khinh miệt là đặc trưng độc đáo của tiếng Việt vì chúng không được tìm thấy trong
tiếng Anh. Ngược lại, nói mỉa để nhấn mạnh điều ngược lại không tìm thầy được trong
tiếng Việt. Thứ ba, để hiểu được các chức năng của lời nói mỉa tiếng Anh, người đọc
phải dựa vào ngữ cảnh ở phạm vi rộng hơn lời nói mỉa tiếng Việt. Trong 500 ví dụ nói
mỉa tiếng Anh chúng tôi thấy có 218 ví dụ chiếm 43.6% phải dựa vào ngữ cảnh rộng để
giải thích trong khi con số này của tiếng Việt là rất thấp (54 ví dụ chiếm khoảng
10.8%).
7. Kết luận
Những điều vừa trình bày cho thấy lời nói mỉa trong các tác phẩm văn học Anh
và Việt có nhiều chức năng dụng học khác nhau và cũng không hoàn toàn giống nhau,
tần số xuất hiện của các chức năng này cũng không đồng đều. Nếu chức năng nhấn
mạnh chỉ xuất hiện trong lời nói mỉa tiếng Anh thì chức năng biểu lộ sự khinh miệt là
đặc trưng độc đáo trong lời nói mỉa tiếng Việt. Việc giải mã các lời nói mỉa của tiếng
Anh dựa vào ngữ cảnh rộng chiếm tỉ lệ nhiều hơn tiếng Việt. Với những kết quả đã đạt
được, hy vọng bài báo sẽ mang lại cho người học 2 ngôn ngữ thêm một phương tiện để
diễn đạt ý kiến một cách uyển chuyển, thâm thuý hơn và có hiệu quả hơn trong giao tiếp
ngôn từ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Austen, Jane (1996), Pride and Prejudice, Cambridge University Press.
[2] Culter, A. (1987), On Saying What You Mean Without Meaning What You Say,
Chicago Linguistic Society .
[3] Dicken, C.(1907), David Coperfield, Everyman’s Library.
[4] Dicken, C. (1907), Oliver Twist, Everyman’s Library.
[5] Dicken, C. (1996), Hard Time, W.W. Nortan & Company, Inc.
[6] Galperin,I.R (1971), Stylistics, Higher School Publishing House, Moscow.
[7] Giora, R. (1995), On Irony and Negation, Discourse Processes19: 239-264.
[8] Cao Xuân Hạo (2007), Tiếng Việt mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, Nxb
Giáo dục.
[9] Nguyễn Công Hoan (2000), Bước đường cùng, Nxb Đồng Nai.
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 4(33).2009
181
[10] Đinh Trọng Lạc (1999), Phong cách học Tiếng Việt, Nxb Giáo dục.
[11] Mười tám tác giả nữ (1999), Truyện ngắn chọn lọc mười tám tác giả nữ, Nxb Hội
Nhà văn.
[12] Nhiều tác giả (1998), Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930-1945, Nxb Khoa học Xã hội.
[13] Nhiều tác giả (2004), Truyện ngắn Việt Nam 1930-1945, Nxb Giáo dục.
[14] Vũ Trọng Phụng (1997), Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (tập 3), Nxb Văn học.
[15] Thackeray, W.M (2001), Vanity Fair,Wordsworth Editions Limited.
[16] Ngô Tất Tố (2007), Tắt đèn, Nxb Văn hóa Thông tin.