Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Báo cáo nghiên cứu khoa học: " ĐỘI NGŨ TIẾN SĨ THỜI LÊ - TRỊNH VỚI VIỆC THỰC HIỆN TƯ TƯỞNG TRUNG QUÂN" doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (205.95 KB, 7 trang )

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 1(36).2010

83

ĐỘI NGŨ TIẾN SĨ THỜI LÊ - TRỊNH VỚI VIỆC THỰC HIỆN
TƯ TƯỞNG TRUNG QUÂN
LE-TRINH DYNASTIES’ DOCTORS AND THEIR REALIZATION
OF “LOYAL TO THE KING” IDEA

Lê Thị Thu Hiền
Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng

TÓM TẮT
“Trung quân” là một nguyên tắc tối thượng trong xã hội Á Đông bắt buộc mọi người dân
phải tuân theo, nhất là kẻ Nho sĩ. Ở Việt Nam cũng vậy, đặc biệt là dưới thời Lê sơ, nền giáo
dục Nho học đã đào tạo ra một đội ngũ tiến sĩ đông đảo, vừa có tài năng và đức hạnh, vừa ái
quốc trung quân bổ sung vào bộ máy quan lại. Chính đội ngũ tiến sĩ trung thành, tài giỏi ấy đã
góp phần chủ yếu vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đưa xã hội Đại Việt chuyển
sang giai đoạn cực thịnh của chế độ phong kiến Việt Nam. Tuy nhiên, vào thế kỷ XVII - XVIII,
những biến đổi lớn về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa đã làm cho chữ “trung” không còn đầy
đủ ý nghĩa như trước.
ABSTRACT
“Loyal to the King” is the supreme principal in oriental society that everyone had to
obey, especially confucian scholar. And it is the same in Vietnam, in particular in Le-So period,
Confucian education had a large amount of doctors who had both talent and virtue, both
patriotism and loyal to the king that completed the government official system. Because of these
loyal and gifted doctor staffs that had a main part for the cause of national construction and
development, Dai Viet had been changed to the phase of quite prosperous of Vietnam feudal
system. However, in the 17
th
- 18


th

century, the large change of politics, economy, society and
culture made “loyal” have no sufficient meaning as before.
1. Vài nét về bối cảnh thời Lê - Trịnh
Thời Lê - Trịnh là một thời kỳ khá đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Đây là thời
kỳ đầy rẫy những biến động, những xung đột, những mâu thuẫn và những đổi thay. Sự
hiện diện cùng một lúc hai thế lực vua Lê và chúa Trịnh kéo theo những toan tính, âm
mưu soán đoạt ngôi vị, tranh giành quyền lực, những cuộc nổi loạn chiếm đoạt ngôi
Chúa. Kết thúc cuộc chiến giữa hai tập đoàn Vua - Chúa là sự thắng thế của chúa Trịnh
và mở ra một cục diện chưa từng có trong lịch sử Việt Nam: Chúa nắm thực quyền, Vua
giữ hư vị. Mọi cố gắng nhằm khôi phục quyền hành của vua Lê hay những người tôn
thất đều đưa đến một kết cục là thất bại, cứ mỗi lần phục hồi là một lần thoái lui,
nhượng bộ trước Chúa. Mâu thuẫn giữa vua Lê - chúa Trịnh kéo dài dai dẳng lôi cuốn
toàn bộ quan lại triều đình và cả quan lại ở địa phương vào vòng xoáy giành giật quyền
lực. Thể chế vua Lê - chúa Trịnh với sự yếu thế của vua Lê và sự áp chế, lộng hành của
chúa Trịnh chi phối mọi hoạt động, cách cư xử, động thái của các quan lại. Mặt khác,
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 1(36).2010

84

tương ứng với thể chế đó là hai hệ thống quan lại tồn tại song song tạo nên một cơ cấu
chính quyền cồng kềnh, đồ sộ.
Dưới sự trị vì của vua Lê - chúa Trịnh, kinh tế - xã hội của Việt Nam gần như
không có bước phục hồi, chuyển biến, trái lại ngày càng lâm vào tình trạng trì trệ dù
chúa Trịnh đã đề ra một số giải pháp để cứu vãn tình thế. Tuy nhiên, trong những thế kỷ
tưởng chừng như tăm tối đó, chúng ta thấy lóe lên sự khởi sắc (nhất định) của nền kinh
tế hàng hóa. Sự phồn vinh của nền kinh tế hàng hóa Việt Nam trong hai thế kỷ XVII và
XVIII kéo theo sự phát triển của quan hệ tiền tệ đã ảnh hưởng to lớn đến sinh hoạt xã
hội, đặc biệt là các quan niệm đạo đức cũ. Ý thức hệ Nho giáo ngày càng suy đồi. Tiền

tài trở thành một vị thần mới làm mê muội và hư hỏng con người. Có năm mất mùa, đói
kém, chúa Trịnh thậm chí còn ra lệnh cho cả nước quyên thóc để được ban quan chức.
Như thế, quan tước cũng trở thành một thứ hàng hóa và bộ máy quan lại đã bị tiền làm
cho thoái hóa, biến chất.
Kinh tế hàng hóa cũng ảnh hưởng đến lĩnh vực giáo dục, khoa cử thời Lê -
Trịnh. Đồng tiền chui cả vào thi cử làm xuất hiện các “sinh đồ ba quan”, gia tăng các tệ
nạn: nhờ vả, gửi gắm người thân, đút lót quan trường, mua bán văn bài… Giáo dục Nho
học vẫn theo đường lối cũ, nặng về từ chương, khoa cử, ít học thực tế nên thi cử phần
nhiều chuộng hình thức. Những tiêu cực trong thi cử dưới thời Lê - Trịnh phản ánh một
điều rằng thi cử không còn là phương cách hữu hiệu để thẩm định năng lực của kẻ sĩ,
tuyển lựa hiền tài cho triều đình.
Sự phức tạp của xã hội Đàng Ngoài thời Lê - Trịnh đã tác động rất lớn đến mọi
lĩnh vực, trong đó có nền giáo dục Nho học và tầng lớp Nho sĩ - kết quả của nền giáo
dục ấy. Cùng chung sự giáo dục, cùng một nền tảng lý thuyết Nho giáo nhưng mỗi kẻ sĩ
lại mang tư tưởng khác nhau dẫn đến hành xử không giống nhau trước thời cuộc.
2. Đội ngũ tiến sĩ với việc gia nhập hàng ngũ quan lại
Trong gần 200 năm trị vì (1595 - 1789), chính quyền Lê - Trịnh đã tổ chức tổng
cộng 65 khoa thi, tuyển chọn được 727 tiến sĩ, chia ra ba giáp: Đệ nhất giáp tiến sĩ cập
đệ (32 người), đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (85 người), đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất
thân (610 người). Song dù đỗ cao hay đỗ thấp, trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, tiến
sĩ xuất thân hay đồng tiến sĩ xuất thân, tất cả những người thi đỗ đều có chung một
hướng đi: Ra làm quan.
Làm quan là mục đích cuối cùng trong xâu chu ỗi học hành - thi cử của kẻ sĩ.
Ra làm quan là cách thức hữu hiệu nhất để thực hành nhữn g lý tưởng của nhà Nho. Vì
vậy, trong 727 người đỗ tiến sĩ thời Lê - Trịnh có 712 người làm quan, hoặc bổ giữ các
chức vụ trong triều đình, hoặc đi nhậm chức ở các địa phương. Còn lại 15 trường hợp
thì có 4 trường hợp chưa vinh quy đã mất, 9 trường hợp khô ng ghi lại hành trạng và 2
trường hợp không ghi rõ có làm quan thời Lê - Trịnh hay không nhưng có làm quan
triều Tây Sơn.
Theo thống kê của chúng tôi, trong 77 người làm bên phủ Chúa có 11 người

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 1(36).2010

85

xuất thân từ đệ nhất giáp (chiếm 14,3%), 10 người xuất thân từ đệ nhị giáp (chiếm
13%), 56 người xuất thân từ đệ tam giáp (chiếm 72,7%). Những người từng đỗ đệ nhất
giáp tiến sĩ cập đệ và đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân đều giữ chức tham tụng và bồi tụng
(tương đương với chức Tể tướng và Á tướng bên triều đình vua Lê) . Những người có
nguồn gốc từ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, gần 2/3 là giữ chức tham tụng, bồi
tụng, số còn lại giữ các chức: nhập thị tham tụng, hành tham tụng, nhập thị bồi tụng,
thiêm sai, đô đốc, chưởng phủ sự, thự phủ sự…
3. Đội ngũ tiến sĩ với tư tưởng trung quân
“Trung quân” vốn là từ Hán Việt. Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh,
“trung” là “Hết lòng với người - Hết lòng với nước”; “quân” là “Vua - Làm chủ” .
“Trung quân” là “bầy tôi hết lòng ngay thẳng với nhà vua” [1].
Còn theo Hán Việt từ điển của Thiều Chửu, “trung” là “thực, dốc lòng, hết bổn
phận mình”; “quân” là “vua, người làm chủ cả một nước” [2].
Như vậy, “trung quân” là kẻ bề tôi hết lòng với vua, làm hết bổn phận của mình
đối với nhà vua. Ở Việt Nam, trung quân phải gắn liền với ái quốc, không những hết
lòng với vua mà còn phải hết lòng với nước, nếu không rất dễ rơi vào “ngu trung”
(trung thành mù quáng).
Chịu ảnh hưởng của Nho giáo Trung Quốc, Nho học Việt Nam nói chung và
thời Lê - Trịnh nói riêng cũng giáo dục kẻ sĩ khuôn mình theo tinh thần tuyệt đối trung
thành với vua và trong một bối cảnh đặc biệt như xã hội Đàng Ngoài thế kỷ XVII -
XVIII, thì các nhà Nho còn phải trung thành với một nhân vật nữa xem ra có phần trọng
hơn, đó là chúa Trịnh . Đỗ tiến sĩ rồi ra làm quan là để phò vua hành đạo nhưng rốt cuộc
chẳng mấy ai chịu ở bên cạnh vua Lê, hầu hết đều chạy qua phủ Chúa, chịu sự sai khiến
của Chúa để hưởng nhiều quyền lợi, bổng lộc. Phải chăng do Nho phong sĩ khí đang
ngày một suy đồi? Lý thuyết Nho giáo dạy họ phải trung với vua, nhưng thực tế chúa
Trịnh mới là người cầm quyền nên chống lại chúa đồng nghĩa với việc đi vào chỗ chết.

Phan Huy Chú nhận định: “ Từ thời Trung hưng về sau, chính sự về tay họ Trịnh 200
năm, cương thường trái ngược, các sĩ phu điềm nhiên không biết lo” [3].
3.1. Ở thời bình
Ở thời bình, chính quyền do họ Trịnh giữ, vua Lê có cử động gì cũng đều bị
ngăn cản, ức chế, quan lại đã không biết có nhà Lê nữa, chỉ vây quanh chúa Trịnh chầu
chực, nịnh bợ, ton hót. Có người như viên Thượng thư, Tham tụng Nguyễn Công Hãng
(tiến sĩ năm 1700) còn táo tợn đến mức xin Trịnh Cương khi tiếp bề tôi nên mặc áo
vàng (đồ mặc của thiên tử). Rất ít người còn giữ được được khí khái như viên Thượng
thư bộ Lễ Nguyễn Bá Lân (tiến sĩ năm 1731), không chịu theo lệnh của chúa Trịnh Sâm
mặc mũ áo triều yết (chỉ dành cho vua Lê ngự ra xem thi) khi Chúa ngự đến trường thi
Hội trong khoa thi năm Ất Mùi (1775). Sử cũ chỉ ghi chép có vài ba trường hợp quan lại
xuất thân từ tiến sĩ dám dâng lời can gián sự lộng quyền của chúa Trịnh. Bùi Sĩ Tiêm
(tiến sĩ năm 1715), trong tờ khải 10 điều năm 1929 đã tỏ ý nghi ngờ khi nhắc lại sự kiện
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 1(36).2010

86

nhường ngôi năm Kỷ Dậu (chỉ việc Trịnh Cương bỏ Dụ Tông, lập Duy Phường ):
“Không biết quả thật xuất phát từ việc mệt mỏi mà thật lòng phó thác hay là còn có sự
bất đắc dĩ”. Ông xin chúa Trịnh Giang “ gắng tôn phò để tiêu tan biến dị” vì “nhà vua
không thể không tôn phù” [6]. Khéo léo và sâu xa hơn, Bồi tụng Bùi Huy Bích (tiến sĩ
năm 1769) đã viện dẫn lời dạy bảo của cổ nhân “ quân quân thần thần phụ phụ tử tử ”
trong sách Luận ngữ để khuyên can Trịnh Sâm hãy chính danh vua ra vua tôi ra tôi.
Đương nhiên không có lời can gián nào được chúa Trịnh nghe theo.
3.2. Ở thời loạn
Đến thời loạn, lúc quân Tây Sơn tiến ra Bắc Hà với danh nghĩa “phù Lê diệt
Trịnh”, những người có tước vị ở triều đình, bao hàm cả các quan xuất thân từ tiến sĩ,
lại rơi vào trạng thái ngả nghiêng, dùng dằng, vội vàng lo ngại không biết nên tận trung
với ai: chết vì họ Trịnh là phản bội nhà Lê, trung với nhà Lê là bỏ họ Trịnh, vì thế phân
vân hai ngả, không đườ ng tiến lui. Thậm chí ngay cả khi chúa Trịnh đã thất thế, con

cháu lưu lạc, mầm mống loạn chính nhân cơ hội này có thể tiêu diệt tận gốc , song
không ai nghĩ đến chuyện cầm quân đánh dẹp, để cho viên tướng Đinh Tích Nhưỡng
tìm cách khôi phục địa vị ngôi chúa cho quận Côn Trịnh Bồng mà không dám hó hé, chỉ
ngồi im để xem Nhưỡng ngả về bên nào (vua hay chúa) mà cân nhắc nặng nhẹ. Duy có
Nguyễn Hàn (tiến sĩ năm 1779) dám lên tiếng trả lời câu hỏi của Nhưỡng: “Chẳng hay
hoàng thượng đãi nhà chúa như thế là hậu hay bạc?” rằng: “Nhà chúa không thể giữ
nổi tôn miếu, Hoàng thượng bảo tồn cho như thế kể cũng đã là hậu [5].
Trước sức mạnh của quân Tây Sơn, tướng các thành chỉ chống cự cho có lệ rồi vội
vã tìm đường thoát thân như viên quan Ninh Tốn (tiến sĩ năm 1778) làm hiệp trấn đóng ở
Động Hải (thuộc Lệ Thủy, Thái Bình), Đương trung hầu Bùi Thế Toại trấn thủ Nghệ An,
Thùy trung hầu Tạ Danh Thùy trấn thủ Thanh Hóa đều bỏ thành mà chạy khi quân Tây
Sơn thừa thắng tấn công ra Bắc. Chẳng mấy ai chịu noi theo khí tiết của trấn thủ Lạng
Sơn Ngô Đình Thạc (tiến sĩ năm 1700) mấy chục năm trước, dù có một mình vẫn cương
quyết ở lại thành đối địch với viên thổ tù làm phản Toản Cơ vào năm 1740. Lúc ấy có
người khuyên Đình Thạc bỏ trốn, song ông nói: “Chức phận của ta là ở chỗ giữ đất triều
đình, ta phải sống chết với thành này, toan chạy đi đâu?”. Ngược lại lúc này, nghe thư
báo tin quân triều đình thua trận tới tấp đưa về Kinh, các quan văn võ trong triều ai nấy
chỉ cuống lên lo thu xếp chỗ nương náu cho vợ con, lo cất của cải, không một ai đứng ra
nhận đánh nhau với quân Tây Sơn. Rồi Nguyễn Huệ rút quân vào Nam, trao trả quyền
bính lại cho vua Lê thì hậu duệ của chúa Trịnh, được sự hậu thuẫn của các thủ lĩnh địa
phương, một lần nữa lại ngo ngoe ngóc đầu dậy muốn lấn át quyền lực của nhà vua buộc
vua Lê Chiêu Thống phải nhờ lực lượng cùa Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An ra Bắc dẹp
yên. Không ngờ Chỉnh lại biến thành mối họa nguy hiểm không kém. Dẹp xong quân
chúa Trịnh, “Nguyễn Hữu Chỉnh nắm hết quyền bính trong nước, việc gì cũng tự tay y mà
ra. Càng ngày y càng lộng hành ”, “quyền Chỉnh thật ngang với nhà vua, thế của Chỉnh
có thể lật nghiêng cả nước” [5]. Đứng trước tình thế “chướng tai gai mắt” như vậy, các
quan văn võ vẫn giữ thái độ thụ động, chỉ biết “chán nản”, “kiêng nói”, ngay cả nhà
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 1(36).2010

87


Nho “chính quy” Bùi Huy Bích (tiến sĩ 1769) khi được vua Lê vời vào cung để hỏi việc
thiên hạ cũng sợ không dám nói, xin cho về quê nhà và bảo riêng với người thân tín
rằng: “Thiên hạ sắp loạn mất rồi! Từ đây ta cũng bỏ mà đi thôi!”.
Ăn cơm vua, hưởng lộc chúa nhưng đến lúc vua, chúa gặp nạn thì trung thần
chẳng còn được mấy người. So sánh phong tiết của các bậc khoa giáp thời cuối Lê sơ và
thời cuối Lê trung hưng, Phan Huy Chú cho rằng: “Nhà Lê vào những năm Quang
Thiệu, Thống Nguyên (đầu thế kỷ XVI) biến cố luôn xảy ra, nghịch thần tiếm ngôi làm
loạn. Lúc này các bậc khoa giáp đương thời, cảm đời đem mình ra sức tận trung giữ
tiết, bắt chước nhau mà khích lệ… Kịp đến binh biến cuối nhà Lê chỉ có ông Tri lại họ
Lý (tức Lý Trần Quán) chết vì nạn Chúa ” [4]. Lý Trần Quán, người xã Vân Canh,
huyện Từ Liêm (nay là xã Vân Canh, huyện Hoài Đức), tỉnh Hà Tây, đỗ tiến sĩ khoa
Bính Tuất niên hiệu Cảnh Hưng 27 (1766) đời Lê Hiển Tông. Năm Bính Ngọ (1786),
quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long, Đoan vương Trịnh Khải thua trận chạy lên phía
Tây huyện Yên Lãng, nghe tin Lý Trần Quán, giữ chức Thiêm sai Lại phiên đi phủ dụ
phủ Tam Đới, đóng quân tại huyện vội cho người chạy đến nhờ Quán giúp sức. Không
ngờ viên tuần huyện tên Trang, vốn là học trò cũ của Quán, được sự ủy thác của ông
dẫn đường cho Chúa lại bắt Trịnh Khải đem về nộp cho Nguyễn Huệ. Khi biết tin thì đã
quá muộn, Lý Trần Quán kêu khóc thảm thiết rồi nhờ người đào huyệt tự chôn sống mà
chết. Thiên hạ kính trọng Quán là bậc nghĩa khí.
Tuy nhiên, không chỉ có mỗi Lý Trần Quán là bậc tiết nghĩa, trung thần. Các
nguồn sử liệu khác như Đại Việt sử ký tục biên, Khâm định Việt sử thông giám cương
mục, Hoàng Lê nhất thống chí… còn ghi lại một số tấm gương bậc Nho th ần tận trung
với vua Lê (Chiêu Thống) trong hoàn cảnh hỗn loạn cuối thế kỷ XVIII, và mỗi vị, với
quan điểm riêng của mình, đã thực hiện chữ “trung” bằng nhiều cách khác nhau:
- Có người nguyện vào doanh trại “giặc” (quân Tây Sơn) để đòi lại đất đai cho
nhà Lê dù biết khó thoát khỏi cái chết như Trần Công Xán (tiến sĩ năm 1772), Ngô Nho
(tiến sĩ năm 1785).
- Có người tỏ thái độ bất hợp tác với “giặc” như Lại bộ hữu thị lang Phạm Đình
Dư (tiến sĩ năm 1775) thủ tiết không ra làm quan khi Nguyễn Hữu Chỉnh làm loạn, nắm

hết quyền bính ở Bắc Hà; như Phó đô ngự sử Nguyễn Đình Giản (tiến sĩ năm 1769),
Tham tri chính sự Lê Duy Đản, Phạm Đình Dư (đều là tiến sĩ năm 1775), Đồng xu mật
viện Nguyễn Duy Hợp (tiến sĩ năm 1772), Phạm Trọng Huyến (tiến sĩ năm 1778),
Thiêm sai tri Công phiên Phạm Quý Thích (tiến sĩ năm 1779), Đô cấp sự trung Nguyễn
Đình Tư (tiến sĩ năm 1785) trốn tránh không chịu yết kiến Nguyễn Huệ trong buổi gặp
mặt giữa Nguyễn Huệ với các quan văn võ triều Lê (năm 1778); hay như Nguyễn Huy
Trạc (tiến sĩ năm 1787) không chịu ký vào tờ biểu mời Nguyễn Huệ lên ngôi của các
cựu thần văn võ nhà Lê, đêm về ông uống thuốc độc tự sát.
- Có người về quê hoặc đi các nơi chiêu mộ lực lượng giúp vua Lê Chiêu Thống
đánh lại loạn quân Chỉnh và quân Tây Sơn như Nguyễn Kh ản, Nguyễn Đình Giản,
Phạm Nguyễn Du.
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 1(36).2010

88

- Lại có người theo chân vua Lê lưu lạc muôn phương, chiêu binh mãi mã, xin
cầu viện để “phục quốc” như Trần Danh Án, Nguyễn Duy Hợp (đều là tiến sĩ năm
1772), Nguyễn Đình Giản, Trương Đăng Quỹ (tiến sĩ năm 1766), Chu Doãn Lệ

Sự xơ cứng, cứng nhắc trong học thuyết trung quân của Nho giáo đã đẩy nhiều
nhà Nho đến chỗ “ ngu trung” mà Trần Danh Án (tiến sĩ năm 1772) là một tấm gương
tiêu biểu. Ông theo ngự giá vua Lê qua Kinh Bắc lên Bắc Giang, rồi dời xa giá đi Chí
Linh (Hải Dương), Thủy Đường (Hải Phòng), Vị Hoàng (Nam Định), sau lại quay về
Kinh Bắc, ở nhà viên Tham tri là Phạm Đình Dư. Cũng chính ông cùng với Lê Duy Đản
nhận mệnh vua Lê sang nhà Thanh cầu viện, tự rước giặc vào giày xéo đất nước. Chữ
“trung” đã được Trần Danh Án đặt quá cao, làm mờ mắt khiến ông mù quáng, trung với
vua nhưng lại phản bội tổ quốc. Khi Chiêu Thống chạy sang nhà Thanh, Danh Án ở lại
quê nhà cùng với Trần Quang Chân, Dương Đình Tuấn dấy binh chống lại triều Tây
Sơn. Vua Quang Trung sai Ngô Thì Nhậm viết thư vời Danh Án, Án cố từ, thề chết
không chịu ra, lời lẽ phần nhiều gay gắt. Lúc nghe tin Chiêu Thống chết ở Trung Quốc,

ông gào khóc thương tiếc rồi mất.
(tiến sĩ
năm 1778).
4. Kết luận
Những tấm gương trung hiếu trên đây là quá ít so với con số 727 tiến sĩ thời Lê -
Trịnh và lại càng ít so với hàng ngàn vị quan trong triều đình, trong phủ chúa. Trước
cảnh binh đao khói lửa loạn lạc, họ chỉ lo lánh nạn, trốn tránh để giữ mạng sống. Trước
cảnh cương thường đảo lộn, chúa đè nén vua, loạn kiêu binh, loạn Hữu Chỉnh đa số
quan lại chỉ biết im lặng, tuân phục sống yên phận hoặc phản kháng (nếu có) rất yếu ớt.
Dễ dàng thấy không ai khác mà chính các quan xuất thân từ tiến sĩ, chính những người
tưởng chừng như thấm nhuần tư tưởng trung quân nhất đã phản bội lại lý thuyết họ đã
học. Không những không thực hành được, trái lại có người còn có những hành động
phản chúa hại vua. Lý do là vì phần nhiều Nho sĩ Việt Nam đã bỏ chữ “trung” theo chữ
“thời” (thời thế).
Trí thức, dù ở bất kỳ thời đại nào đều là “trụ cột”, “nguyên khí” của quốc gia,
“nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu
mà thấp hèn” [9] . So với các thời trước và sau Lê - Trịnh, con số 727 tiến sĩ là một con
số khá lớn, vậy mà triều Lê - Trịnh vẫn không thể hưng thịnh, trái lại ngày càng tụt dốc.
Đó là do “hiền tài” ở thời kỳ này mạnh về số lượng nhưng yếu về chất lượng. Và sự yếu
kém của đội ngũ tiến sĩ cũng chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự
suy yếu của chính quyền Lê - Trịnh. Việc tìm hiểu đội ngũ tiến sĩ thời Lê - Trịnh với tư
tưởng “trung quân” là điều cần thiết để chúng ta rút ra bài học, nhìn nhận lại mục tiêu,


Khâm định Việt sử thông giám cương mục chua: Chu Doãn Lệ, người làng Dục Tú, huyện Đông Ngàn,
đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất năm 1778 niên hiệu Lê Chiêu Thống. Đối chiếu với nội dung văn bia tiến sĩ
khoa Mậu Tuất năm 1778, chúng tôi chỉ thấy có Chu Doãn Mại, người làng Dục Tú, huyện Đông Ngàn
nên có lẽ Chu Doãn Lệ là Chu Doãn Mại.
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 1(36).2010


89

nội dung đào tạo nguồn nhân lực trí thức để tạo ra những “sản phẩm” thực sự có chất
lượng, hết lòng cống hiến cho Tổ quốc, như vậy mới có thể xây dựng Việt Nam thành
một quốc gia “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển , Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2005, tr.874,
tr.607, tr.875.
[2] Thiều Chửu, Hán Việt từ điển, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2002, tr.179, tr.76.
[3] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập I: Dư địa chí, Nhân vật chí,
Nxb Sử học, Hà Nội, 1961, tr. 328.
[4] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập II: Quan chức chí, Lễ nghi chí,
Nxb Sử học, Hà Nội, 1961, tr. 327.
[5] Ngô gia văn phái, Hoàng lê nhất thống chí , Nxb Văn học, 2005, tr.159, tr.191,
tr.215.
[6] Quốc sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký tục biên, Nxb KHXH, Hà Nội, 1991, tr.121.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông gi ám cương mục , Tập II,
Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.
[8] Ngô Đức Thọ (Chủ biên), Các nhà khoa bảng Việt Nam , Nxb Văn học, Hà Nội,
2006.
[9] Ngô Đức Thọ (Chủ biên), Văn Miếu - Quốc Tử Giám và 82 bia tiến sĩ, Trung tâm
hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, 2003, tr.84.

×