TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010
49
QUAN ĐIỂM NHÂN DÂN CỦA L. TÔNXTÔI TRONG TÁC PHẨM
“CHIẾN TRANH VÀ HOÀ BÌNH”
LEO TOLSTOY’S VIEWPOINT ON THE PEOPLE
IN “WAR AND PEACE”
Dương Quốc Cường
Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng
TÓM TẮT
Gần sáu mươi năm hoạt động văn học không mệt mỏi L.Tônxtôi đã để lại cho chúng ta
di sản văn hóa đồ sộ, phong phú và vô cùng độc đáo. Trong số những thiên tiểu thuyết của
Ông“Chiến tranh và hòa bình” là bản anh hùng ca bất hủ ca ngợi sức mạnh sáng tạo của nhân
dân”. Bộ tiểu thuyết miêu tả những biến cố quan trọng trong lịch sử phát triển của dân tộc Nga
và toàn Châu Âu. Đồ
ng thời qua đó cũng thể hiện tư tưởng chủ đạo của L.Tônxtôi là tư tưởng
nhân dân. Ông cho rằng “sức mạnh của nước Nga không nằm trong chúng ta mà nằm trong
nhân dân”. Tư tưởng nhân dân là linh hồn, là xương sống của toàn bộ tác phẩm. “Chiến tranh
và hòa bình” đề cao sức mạnh của quần chúng, nhấn mạnh lòng yêu nước nồng nàn của nhân
dân Nga. Trong khuôn khổ của bài báo chúng tôi nghiên cứu thủ pháp ngôn từ của L. Tônxtôi
thể hiện quan đ
iểm về nhân dân trong tác phẩm “Chiến tranh và hòa bình”.
ABSTRACT
Nearly 60 years of Leo Tolstoy’s tireless literary creativity have brought us an
extremely colossal, rich cultural heritage. Of his talented novels, “War and Peace” is an
immortal heroic epic of the strength of people’s creavity. The heroic epic depicts important
events in the history of development of the Russian people and all Europe.Simultaneously, it
represents Leo Tolstoy’s keynote ideas: the people’s ideas. The people’s ideology is the soul
and backbone of that novel. “War and Peace” praises the masses’ strength and stresses the
Russian people’s deep patriotism. The paper investigates. Tolstoy’s viewpoints on the people
in “War and Peace”.
1. Đặt vấn đề
Văn học hiện thực Nga thế kỉ XIX là một trong những nền văn học phong phú
và tiên tiến của nhân loại, là một trong những thành tựu rực rỡ nhất của lịch sử phát
triển nghệ thuật thế giới, ra đời và trưởng thành trong cuộc đấu tranh dài, gay gắt của
nhân dân Nga chống lại chế độ nông nô chuyên chế. Trong dòng chảy chung của lịch sử
đó đã s
ản sinh ra những tài năng văn học kiệt xuất mà tên tuổi của họ vang xa trên thế
giới như: A.Puskin, L.Tônxtôi, V.G.Bêlinxki, I.X.Tuôcghêniep, A.P.Sêkhốp… Trong số
đó, L.Tônxtôi là một nghệ sĩ vĩ đại, là cây đại thụ trong cánh rừng văn học Nga, là một
trong những đại biểu lớn nhất và xuất sắc nhất của văn học hiện thực Nga và thế giới thế
kỉ XIX. Tác phẩm của L.Tônxtôi bắt nguồn từ cuộc sống gắn liền phẩm chất khát vọng
và sức mạnh của quần chúng. Mỗi tác phẩm của ông chứa một nội dung tư tưởng và sự
sáng tạo nghệ thuật vô cùng lớn lao.
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010
50
Đánh giá về sự nghiệp văn chương lẫy lừng của L.Tônxtôi nhà văn Fêđin đã
viết: “Toàn bộ sáng tác của L. Tônxtôi nếu mất đi một tác phẩm nào thì L.Tônxtôi vẫn
là L.Tônxtôi nhưng nếu mất đi “Chiến tranh và hòa bình” thì L.Tônxtôi đã trở thành nhà
văn khác”. Quả đúng vậy, “Chiến tranh và hòa bình” là bộ tiểu thuyết vĩ đại, là tác
phẩm đầu tiên làm cho tên tuổi của L.Tônxtôi lừng danh trên thế giới. Tác phẩm này là
một thành tựu quan trọng nhất của văn học hiện thực Nga và thế giới. Từ khi ra đời
cuốn tiểu thuyết này đã làm say mê hàng triệu con tim trên thế giới.
2. Quan điểm về nhân dân của L. Tônxtôi trong Chiến tranh và hoà bình
2. 1. Chiến tranh và hòa bình - anh hùng ca về sức mạnh nhân dân
Chiến tranh và hòa bình là bộ tiểu thuyết vĩ đại, là thành tựu quan trọng nhất của
văn học hiện thực Nga. Tác phẩm ra đời lúc đầu có tên là “Những người Tháng Chạp”,
được viết với một kết cấu thời gian ngược. L.Tônxtôi không muốn chỉ miêu tả nước
Nga trong chiến thắng năm 1812 mà ông còn muốn miêu tả nước Nga lúc thua trận vì
theo ông nếu như nguyên nhân thắng lợi của nước Nga không phải là ngẫu nhiên mà
nằm ở bản chất của tính cách nhân dân Nga và quân đội Nga thì tính cách đó hẳn cũng
thể hiện trong thời kì thua trận và thất bại. Sau hơn sáu năm lao động nghệ thuật vất vả,
từ năm 1863 đến năm 1869, “Chiến tranh và hòa bình” được hoàn thành phản ánh cuộc
sống Nga ở thành thị và nông thôn, thời bình và thời chiến, bao gồm cả biến cố xã hội
và gia đình trong khoảng thời gian từ năm 1805 đến năm 1820. Bên cạnh các nhân vật
lịch sử L.Tônxtôi đã xây dựng hàng loạt nhân vật hư cấu đại diện cho nhiều tầng lớp
trong xã hội Nga đầu thế kỉ XIX.
“Chiến tranh và hòa bình” miêu tả một trong những biến cố quan trọng trong
lịch sử phát triển của dân tộc Nga và toàn Châu Âu lúc đó: cuộc chiến tranh năm 1812.
Diễn tả nhân dân Nga như nhân vật chính, như động lực phát triển của lịch sử, chính vì
vậy tác phẩm có cốt cách rõ rệt của một thiên anh hùng ca. “Chiến tranh và hòa bình” là
bức tranh hiện thực vẽ tả sinh hoạt nhiều mặt của nước Nga những năm đầu thế kỉ XIX,
là cuốn biên niên sử ghi lại cuộc đời của nhiều quí tộc tiến bộ, buổi thiếu thời của một
số nhà cách mạng tháng Chạp tương lai, sự phát sinh và phát triển tư tưởng cách mạng
do cao trào yêu nước năm 1812 thúc đẩy.
Viết “Chiến tranh và hòa bình” L.Tônxtôi muốn nhấn mạnh lòng yêu nước tiềm
tàng, thầm lặng của nhân dân Nga. Lòng yêu nước này đối lập hẳn với chủ nghĩa ái
quần, ái quốc ầm ĩ và giả tạo của bọn người trong giới thượng lưu. Cuộc chiến tranh
chính nghĩa của nhân dân đối lập hẳn với chiến tranh phi nghĩa. Tác phẩm là cái nhìn
khỏe khoắn của L.Tônxtôi khi đánh giá vai trò của nhân dân. Ông không thừa nhận việc
xem ý chí thần thánh là động lực của lịch sử, ông cũng kiên quyết bác bỏ việc xem ý chí
của vĩ nhân như những nhân tố quyết định sự phát triển của lịch sử. Theo ông động lực
của lịch sử là sự kết hợp hàng triệu ý chí của quần chúng nhân dân. Trong “Chiến tranh
và hòa bình” L.Tônxtôi đã thể hiện sự gần gũi nhân dân, sự diễn đạt tâm lí và nguyện
vọng của nhân dân như thước đo giá trị của các nhân vật lịch sử được miêu tả trong tác
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010
51
phẩm. Đó là một cuốn tiểu thuyết kế tục truyền thống tốt đẹp của tiểu thuyết Nga và thế
giới trong thế kỉ XIX. “Chiến tranh và hòa bình” có cốt cách của một thiên anh hùng ca
được xây dựng với nguyên tắc tương phản. L.Tônxtôi lấy tư tưởng nhân dân làm xương
sống của tác phẩm, chia nhân vật làm hai tuyến lớn đối lập nhau. Với tư tưởng rộng lớn
như vậy Chiến tranh và hòa bình là bản anh hùng ca bất hủ ca ngợi sức mạnh sáng tạo
của nhân dân. Nó tràn đầy tinh thần lạc quan tin yêu cuộc sống. Ra đời vào lúc mà nhân
dân Nga còn nằm trong hoàn cảnh nghèo khổ, nô lệ sau cuộc cải cách nửa vời, bịp bợm
năm 1861. Do nội dung tích cực của nó, tác phẩm của L.Tônxtôi là một đóng góp quý
báu vào cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Nga. Tác phẩm của L.Tônxtôi đã chỉ
cho người đọc thấy một chân lí sâu sắc là khi một dân tộc đã kiên quyết đứng lên tiến
hành cuộc chiến tranh chính nghĩa, thiêng liêng để giữ gìn đất nước thân yêu thì nhất
định dân tộc đó sẽ đánh bại được kẻ thù xâm lược dù cho đó là kẻ thù hung hãn và hùng
mạnh đến đâu đi nữa. Bọn xâm lược đã thất bại nhục nhã, vì nhân dân đã giương cao
“cây gậy tầy của chiến tranh nhân dân” và căm thù giáng xuống đầu chúng cho đến khi
toàn bộ cuộc xâm lược bị đè bẹp. Chính vì vậy khi đọc “Chiến tranh và hòa bình” chúng
ta vẫn cảm thấy rung động sâu sắc và ý nghĩa thời sự của nó.
2.2. Nhân dân - sức mạnh làm nên thắng lợi lịch sử
Trong “Chiến tranh và hòa bình”, L.Tônxtôi miêu tả hai cuộc chiến tranh: một
cuộc chiến tranh ngoài biên giới Nga (l805-l807) và một cuộc chiến tranh năm 1812
của toàn thể nhân dân Nga chống lại sự xâm lược của Napôlêông. Trong cuộc chiến
tranh lần thứ nhất, lòng nhiệt tình căn bản của L.Tônxtôi vẫn là phê phán việc tiến
hành cuộc chiến tranh ngoài biên giới xa lạ với nhân dân Nga. Ông gọi đây là cuộc
chiến của ba hoàng đế “Nga, Áo, Pháp”. Ở cuộc chiến này L.Tônxtôi và những người
lính Nga không biết chiến đấu vì mục đích gì. L.Tônxtôi đã phác họa lên một bức
tranh tinh thần bạc nhược: tướng tá tranh quyền đoạt lợi, kế hoạch quân sự xa rời thực
tế, tinh thần binh sĩ vô mục đích, không lý tưởng, rồi cả sự phản bội đồng minh, chưa
nói đến cảnh bại trận “quân lính chạy trốn thành một đám đông dày đặc đến nỗi khi
lọt người vào thì khó lòng mà lẻn ra ngoài” [tr. 688]. Dưới con mắt của nhân vật
Rôxtốp, cuộc chiến tranh hiện lên trong lúc mặt trời lấp sau những đám mây thật đáng
sợ và vô nghĩa: “Nỗi khiếp sợ trước cái chết, trước chiế
c cáng và lòng yêu quý vầng
thái dương cuộc sống. Tất cả đều để lại một ấn tượng đau đớn và da diết” [tr.401]. Đó
cũng là tâm trạng chung cho bao lớp người tham gia cuộc chiến này mà không biết
mình chiến đấu để làm cái gì.
Nhưng trong cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1812, những người lính Nga nói
riêng và nhân dân Nga nói chung lại chiến đấu có mục đích có lý tưởng: “Mục đích
nhân dân chỉ có một: giải phóng đất n
ước ra khỏi xâm lăng” [tr. 240]. Nếu như trong
cuộc chiến tranh ngoài biên giới ta chỉ thấy cảnh hỗn loạn, mất trật tự, chà đạp lẫn nhau
để chạy trốn trước kẻ thù thì trong cuộc chiến này, người dân đã nung nấu một ý chí
căm thù, lòng quyết tâm đánh giặc đến cùng. Những đoàn xe chở binh lính ra chiến
trường, những đoàn xe chở thương binh từ mặt trận trở về, có người bị thương ở mắt, có
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010
52
người bị thương ở miệng và mũi, có cả những tân binh trẻ tuổi … họ vẫn yêu đời, vẫn
hát lên một điệu trong vũ khúc binh sĩ:
Ôi thế là mất toi… cái đầu lông nhím
Sống ở nơi đất khách quê người
Trong trận Bôrôđinô, bên cạnh du kích, kị binh còn có nông dân: “Những người
nông dân râu ria xồm xồm kia đang làm việc trên chiến trường: vụng về trong đôi ủng kỳ
quặc, mồ hôi nhễ nhại phía sau rõ hai cái xương bả vai rám nắng”. Cuộc chiến này đã thu
hút bao nhiêu con người thuộc mọi tầng lớp. Đây rõ ràng là cuộc chiến tranh của toàn
dân, cuộc chiến tranh nhân dân. Tác giả đã để cho nhân vật Pie cảm nhận về không khí
sôi sục của toàn dân Nga, từ Môgiai đến Bôrôđinô: “Trong số hàng vạn những con người
kia: hoạt bát, mạnh khỏe, trẻ cũng như già thì ít nhất có hai vạn người bị thương và tử
trận. Có thể ngày mai họ sẽ chết, làm sao họ có thể nghĩ những gì ngoài cái chết?
Những người kị binh sắp ra trận, họ gặp những người tân binh trở về…thế mà họ không
nghĩ những gì đang chờ đón họ, họ vẫn đi qua và nháy mắt với tân binh nữa” [tr.169]. Tại
trận địa pháo Raiepxki, một pháo đài được quân Pháp gọi là “hỏa điểm lớn, hỏa điểm oan
nghiệt, hỏa điểm trung tâm”, L.Tônxtôi đã miêu tả đức tính hài hước dí dỏm và ngọn lửa
đầy nhiệt huyết nung nấu trong lòng người lính: “Sau mỗi quả tạc đạn rơi xuống, sau mỗi
tổn thất thì tâm trạng, phấn khích chung lại càng tăng. Trên tất cả những gương mặt,
những ngọn lửa bấy lâu giữ kín trong lòng bỗng bừng lên dường như để trả lời những sự
việc đang xảy ra thành những tia chớp mỗi lúc một mau thêm” (tr. 329).
Việc nhân dân Nga rời bỏ Matxcơva để thực hiện chiến thuật vườn không nhà
trống và lối đánh du kích cho thấy tinh thần yêu nước nồng nàn và lòng quyết tâm đến
cùng để đánh đuổi giặc ngoại xâm. Theo đánh giá của L.Tônxtôi “Chỉ riêng việc họ bỏ
đi thôi cũng làm nên những sự kiện lớn lao mãi mãi là sự kiện vẻ vang của dân tộc Nga”
[tr.391]. Người dân Nga ra đi với những gì họ có thể mang theo. Họ hành động theo
một lòng yêu nước tiềm tàng, “một lòng yêu nước không biểu lộ bằng lời nói, hay
những hành động giả tạo… mà là lòng yêu nước bộc lộ một cách thầm lặng , đơn giản,
hữu cơ mà vì vậy bao giờ cũng có kết quả rất mạnh” [tr. 390].
Khi thể hiện hình tượng nhân dân, L.Tônxtôi vượt qua những nguyên tắc xây
dựng hình tượng vốn có của sử thi truyền th
ống: cá nhân anh hùng đi tìm cái tuyệt đích.
Trong “Chiến tranh và hòa bình” hình tượng trung tâm vẫn là tập thể anh hùng với sức
mạnh của nó. L.Tônxtôi phát hiện ra sức mạnh to lớn của quần chúng. Trong cuộc chiến
tranh toàn dân, L.Tônxtôi xây dựng những điển hình tuyệt đẹp: những anh du kích anh
hùng và quả cảm như Đênixốp, Tusin, cậu thiếu niên Pêtia Rôxtôp 15 tuổi xin bố mẹ bỏ
học để ra trận, bác chủ quán ở Xmôlenxcơ đem bột mì phân phát cho mọi ng
ười, phát
không hết thì đem đốt hết đi chứ không để rơi vào tay giặc, anh nông dân Cácpơ và
Vơlát không tham tiền của bán rơm cho địch, bà trưởng thôn dũng cảm Vaxlia và ông
thầy cũng tự tay giết được hàng trăm quân Pháp, bà lão Macxcudơminhitxa, giúp việc
nhà Rôxtốp, trong lúc sơ tán đã đưa tất cả số tiền dành dụm bấy lâu của mình “một tờ
giấy bạc 25 rúp” cho viên sĩ quan túi hết nhẵn trong trận Bôrôđinô, mà “lòng tràn ngập
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010
53
một tình mẫu tử trìu mến và xót thương”, bác nông dân Platôn Kataep hiền hòa nhân
hậu nhưng cam chịu, những thiếu nữ giàu lòng yêu nước như Natasa thúc gia đình sơ
tán và dọn nhà để đón thương binh… tập thể anh hùng trong tác phẩm là toàn dân tộc từ
già, thanh niên đến phụ nữ, trẻ em. Chính sức mạnh này làm nên chiến thắng Bôrôđinô
lịch sử ngày 26/08/1812. Đúng như nhà văn Rôman Rôlăng nhận xét: “Sự vĩ đại của
Chiến tranh và hòa bình trước hết là ở chỗ đã làm sống lại một thời đại lịch sử, khi mà
toàn thể dân tộc và nhân dân gặp nhau trên chiến trường” [tr. 177].
Nhân dân trở thành hình tượng của toàn bộ tiểu thuyết anh hùng ca, đồng thời
nhân dân cũng trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo trong lí tưởng. Nhân dân là thước đo
cơ bản dưới ánh mắt của nhà văn, trong tiêu chuẩn đánh giá tình cảm, tư tưởng, phẩm
chất đạo đức và hành động của một con người trong hệ thống 559 nhân vật mà L.
Tônxtôi xây dựng trong tác phẩm. Điểm tiến bộ nhất của L.Tônxtôi khi xây dựng hình
tượng nhân dân là ông đã đứng trên lập trường nhân dân, đánh giá đúng vai trò của nhân
dân trong tiến trình lịch sử, nhân dân chính là lịch sử và lịch sử là sự kết hợp hàng triệu
ý chí của quần chúng. Chính vì vậy ông được V.Lênin đánh giá là “tấm gương phản
chiếu cách mạng Nga”. Chiến tranh và hòa bình đã mang ý đồ sáng tạo của nhà văn là:
“sức mạnh ở trong nhân dân chứ không phải ở trong chúng ta” (chúng ta ở đây là giai
cấp quý tộc). Đây chính là điểm cống hiến mới mẻ của L.Tônxtôi vào lịch sử văn học
Nga và thế giới mà hàng ngàn năm về trước chưa hề có một ai đạt tới đỉnh cao như vậy.
Tuy nhiên ở Chiến tranh và hòa bình tính nhân dân chỉ dừng lại ở phạm trù dân tộc mà
chưa thể vươn tới phạm trù giai cấp được.
2.3. Nhân dân - cội nguồn của con đường đi tìm lý tưởng của các nhân vật đỉnh cao
qua chiến trận Bôrôđinô lịch sử
Bộ tiểu thuyết sử thi L.Tônxtôi viết về hành trình đi tìm lý tưởng đầy gian khó
của các nhân vật Anđrây Bônkônxki, Pie Bêdukhôp, Pêchia, Natasa Rôxtôva… Con
đường tìm về với cội nguồn, với nhân dân của hai nhân vật trung tâm Anđrây, Pie chằng
chịt những chông gai thử thách chỉ có thể đạt được khi họ thực sự cùng với nhân dân
trực tiếp chiến đấu tiêu diệt kẻ thù xâm lược. Trên con đường đó do tính cách và hoàn
cảnh không giống nhau, họ trải qua những khó khăn khác nhau nhưng cuối cùng vẫn là
sự tìm về cội nguồn nhân dân, mà đỉnh cao là cuộc hội ngộ ở Bôrôđinô.
Lớp người như Pie và Anđrây có rất nhiều đặc điểm chung. Họ đều khinh ghét
xã hội thượng lưu, bất bình với thực tại xung quanh. Họ cũng không bằng lòng với
chính họ, luôn băn khoăn đi tìm lẽ sống chân chính và sứ mạng thật sự của con người.
Trong con người họ diễn ra cuộc đấu tranh, giằng co quyết liệt giữa hệ tư tưởng quý tộc
và lý tưởng tiên tiến của thời đại. Và họ chỉ hiểu được chân lý của cuộc sống khi tiếp
xúc với nhân dân. Họ càng ngày càng nhận thức được vai trò của những con người bình
thường, những người lính, những người nông dân Nga.
Cuộc chiến tranh ái quốc năm 1812 đã thức tỉnh Pie và rọi ánh sáng vào mớ tư
tưởng rối bời của Pie, giúp chàng thấy được đâu là chân lý. Pie đã tận mắt thấy tinh thần
chiến đấu gạn dạ của những người lính Nga ở Bôrôđinô, đã cùng ăn bữa ăn tầm thường
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010
54
của người lính. Chàng khâm phục họ những con người bình thường. Chàng ao ước
“phải đem hết con người mình thâm nhập vào cuộc sống này, phải thấm nhuần những
cái gì đã làm cho họ trở nên như thế”. Thực tiễn lớn lao năm 1812 đã thay đổi cách
sống của Pie khiến cho “nụ cười vui sướng luôn nở trên môi chàng”. Pie lao vào cải
cách nông nô và cũng chỉ nhận được sự lường gạt. Những suy nghĩ luôn xoáy vào đầu
mọi nơi mọi lúc là “Cái gì là tốt ? Cái gì là xấu? Nên yêu cái gì ? Sống để làm gì…?”
Đúng là triết lý “tồn tại hay không tồn tại” luôn là nỗi day dứt đớn đau trong tâm hồn
những người thanh niên quý tộc như Pie và Anđrây. Cả hai đều là những mảnh vỡ tâm
hồn, những mảnh vỡ của nhân cách của L.Tônxtôi. Hai con người, hai tính cách, nhà
văn dường như phân thân theo hai nhân vật: một cảm tính, một lý tính. Một người cho
rằng có thể thay đổi thế giới bằng giấc mộng Tulông và cải cách pháp quyền. Một người
tưởng rằng có thể cải tạo xã hội bằng học thuyết nhân ái, bình đẳng và tình thương. Cả
hai đều thất bại đau đớn.
Nhưng con đường đi tìm chân lý của Anđrây, Pie không dừng lại ở đó. Cuộc
chiến của dân tộc mà đỉnh cao là điểm hội tụ lịch sử Bôrôđinô đã như ngọn gió thời đại
lại một lần nữa đưa Pie, Anđrây về với cội nguồn nhân dân qua trận Bôrôđinô Anđrây
đã hiểu rõ mình hơn và từ đây anh hiểu rõ mình chiến đấu vì cái gì. Có thể nói Anđrây
là người sẵn sàng chiến đấu và hi sinh cho những gì yêu thương nhất. Anh có thể hi sinh
cho Tổ quốc, cho nhân dân. Chính sức mạnh của quần chúng đã thức tỉnh Anđrây sống
chiến đấu và hi sinh bằng danh dự, bằng chủ nghĩa anh hùng nhân dân.
Trong cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1812, trên bầu trời nước Nga chúng ta có
thể nhìn thấy những ngôi sao sáng chói. Pie là một trong số đó. Những con đường tìm
về với cuội nguồn sức mạnh của Pie, lại trải qua nhiều bước gian truân và lưu lạc từ
Môgiai đến Bôrôđinô. Đây là một bước tiến từ một thế giới giả dối xảo trá đến thế giới
chân thực đầy niềm vui và niềm tin cuộc sống. Trên mỗi bước đi khiến Pie “thâm nhập
sâu hơn cuộc sống chiến đấu của họ, tâm trí chàng bị thu hút hết vào ngọn lửa kia đang
bùng cháy càng ngày càng mãnh liệt và cảm thấy nó hừng hực ngay trong lòng
mình”[T.III, tr. 329]. Ngọn lửa nhiệt huyết của các chiến sĩ pháo binh đã thổi vào tâm
hồn Pie khiến chàng làm một cái việc mà mình không bao giờ ngờ
đến: chạy đi lấy hòm
đạn pháo cho đơn vị pháo binh, bị chấn động và bất tỉnh. Chính sự giản dị, chân thật
mạnh mẽ của bao lớp người đã in sâu trong lòng Pie, thôi thúc chàng quyết tâm hành
động. Giờ đây nhân dân đối với Pie là cội nguồn của sức mạnh. Có thể nói con đường
tìm lí tưởng của Pie là con đường đi qua bằng đôi chân đất như hàng triệu con người
thời bấy giờ.
3. K
ết luận
Với ngòi bút thần kì, L.Tônxtôi đã miêu tả thành công trong “Chiến tranh và hòa
bình” tinh thần yêu nước của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc đồng
thời phê phán cuộc sống hưởng lạc của giới quí tộc Nga. Tác phẩm có vị trí quan trọng
trong lịch sử văn học thế giới. Với cảm hứng chủ đạo là cảm hứng về nhân dân, cuốn
tiểu thuyết này là bộ tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh thành công nhất của văn học
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010
55
Nga. Đây là bản anh hùng ca bất hủ về chủ nghĩa yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Tác
phẩm đề cập hầu hết các vấn đề lịch sử xã hội. Các nhà văn Nga sau này đều coi
L.Tônxtôi là bậc thầy văn học, coi tác phẩm Chiến tranh và hòa bình là đỉnh cao của nền
văn học cận đại Nga.
Với chủ đề nhân dân, “Chiến tranh và hòa bình” đã làm sống lại thời kì “toàn
thể nhân dân và dân tộc gặp nhau trên chiến trường”, nhân dân là nhân vật trung tâm
của toàn bộ tiểu thuyết này. Qua đó L.Tônxtôi muốn làm nổi bật tính chất nhân dân anh
hùng quyết định vận mệnh lịch sử của dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Cao Xuân Hạo dịch (1981), Chiến tranh và hòa bình, 4 tập, NXB Văn học, Hà Nội.
[2] Đỗ Hồng Chung (chủ biên), Lịch sử văn học Nga, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[3] Nguyễn Hải Hà (1978), Lịch sử văn học Nga, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[4] Nguyễn Hải Hà (2006), Thi pháp tiểu thuyết L.Tônxtôi, NXB Giáo dục, Hà Nội
[5] Vương Trí Nhàn (2000), Chân dung văn học, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
[6] Nguyễn Văn Khả (2004), L.Tônxtôi đỉnh cao hùng vĩ của văn học Nga, NXB Trẻ
Tp HCM.
[7] Trần Vĩnh Phúc (2004), Nét đẹp Nga trong thơ văn và ngôn ngữ, NXB ĐHSP Hà
Nội.
[8] Vũ Anh Tuấn (2006), 101 vẻ đẹp văn chương, NXB Văn hoá - Thông tin, Hà Nội.
[9] Từ Đức Thịnh (1994), Văn học nước ngoài, phần III, NXB Đại học Vinh.