XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN CỦA
DÂN, DO DÂN VÀ VÌ DÂN
Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân trong hệ
thống chính trị của đất nước. Hệ thống chính trị của nước ta bao gồm Đảng Cộng
sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức
chính trị – xã hội. Mỗi thành phần trong hệ thống chính trị có vai trò riêng của
mình trong sự nghiệp cách mạng.
Với tư cách là đội tiên phong của giai cấp công nhân, là đại biểu trung thành với
lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc, Đảng Cộng
sản Việt Nam là chủ thể lãnh đạo toàn bộ quá trình cách mạng Việt Nam. Nhà
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bộ máy quyền lực của nhân dân, có
chức năng định ra luật pháp và tổ chức quản lý mọi lĩnh vực của đời sống đất nước
bằng luật pháp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp các tổ chức chính trị của nhân
dân, đại diện cho lợi ích và vị trí của từng cộng đồng xã hội khác nhau, tham gia
vào công việc bảo vệ lợi ích thiết thực của người lao động và động viên cộng đồng
nỗ lực trong cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lấy
liên minh công nông với đội ngũ trí thức làm nền tảng và là cơ sở chính trị của
chính quyền nhà nước. Giữa các bộ phận của hệ thống chính trị có mối quan hệ
gắn bó chặt chẽ với nhau, và mỗi bộ phận có vai trò riêng của mình. Vai trò đó thể
hiện ở chức năng của từng bộ phận: Đảng lãnh đạo – Nhà nước quản lý – Nhân
dân làm chủ.
Nhân dân là người chủ của đất nước. Nhân dân lập ra bộ máy nhà nước thay mặt
mình xây dựng pháp luật và quản lý đất nước thực hiện quyền làm chủ và bảo vệ
lợi ích của nhân dân. Vì vậy, Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Đảng lãnh đạo là vấn đề cốt tử để Nhà nước có thể thực hiện và phát huy chức
năng quản lý xã hội của mình. Đảng không làm thay công việc cụ thể của Nhà
nước trong công cuộc quản lý đất nước, quản lý xã hội. Đảng chỉ lãnh đạo Nhà
nước và sự lãnh đạo đó được thực hiện thông qua đường lối, cương lĩnh, chiến
lược, các định hướng… Sự lãnh đạo của Đảng không hề đối lập với việc tăng
cường hiệu quả quản lý của Nhà nước và chính sự lãnh đạo đó là cội nguồn của
sức mạnh và hiệu quả hoạt động quản lý của Nhà nước. Và Nhà nước ta cũng chỉ
có thể làm được chức năng của mình một khi có mối liên hệ gắn bó với nhân dân,
biết dựa vào dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát
của nhân dân.
Bộ máy của Nhà nước ta gồm có: Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân các cấp, Tòa án nhân dân các cấp và Viện kiểm sát nhân dân các
cấp. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan duy nhất có
quyền lập pháp, cử ra cơ quan hành pháp, tư pháp và thực hiện việc giám sát theo
đúng pháp luật.
Nhà nước tư sản lấy phân chia quyền lực của ba cơ quan: nghị viện, chính phủ, tòa
án – lấy tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp, tư pháp) làm nguyên tắc tổ
chức bộ máy nhà nước. Các lý luận gia tư sản hết lời ca tụng nguyên tắc tổ chức
này và coi đó là biểu hiện ưu việt của nền dân chủ tư sản… Đây chỉ là điều bịa đặt
để lừa mị quần chúng nhân dân vì thực chất cách tổ chức này là lấy quyền lực để
hạn chế quyền lực nhằm chống lại quyền lực độc đoán, tùy tiện trong bộ máy nhà
nước mà thực chất là để chế ngự lẫn nhau và bảo vệ quyền lợi của những phe cánh
khác nhau của giai cấp tư sản trong bộ máy nhà nước.
Quan điểm của chúng ta cho rằng, vấn đề bản chất của Nhà nước là nhà nước của
ai, do ai và vì ai. Và từ đó mà lựa chọn cách tổ chức. Nhà nước ta thực hiện sự
thống nhất ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp, và có sự phân công rành
mạch giữa ba quyền đó. Cách tổ chức này bảo đảm cho việc nâng cao tính hiệu
quả quản lý, tăng cường pháp quyền, xây dựng một hệ thống hành pháp và quản lý
hành chính thông suốt từ Trung ương đến cơ sở có đủ năng lực và quyền lực để
quản lý có hiệu quả mọi lĩnh vực của đời sống đất nước.
Nhà nước ta được xây dựng trên nguyên tắc tập trung dân chủ. Không nhận thức
đúng đắn nguyên tắc này thì không thể xây dựng được Nhà nước ta. Vì vậy, để
xây dựng bộ máy nhà nước và quản lý có hiệu quả công cuộc xây dựng xã hội mới
cần nhận rõ mối quan hệ giữa dân chủ xã hội chủ nghĩa với kỷ cương, luật pháp xã
hội chủ nghĩa. Những yếu tố này chẳng những không loại trừ nhau mà còn làm
tiền đề cho nhau hợp thành một chỉnh thể thống nhất và là một tất yếu khách quan
của đời sống xã hội.
Không có dân chủ thì không có chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là chế độ xã
hội trong đó người dân làm chủ xã hội, làm chủ đất nước. Quyền làm chủ đó được
thực hiện thông qua bộ máy nhà nước do dân cử ra. Vì vậy, bộ máy này phải lấy
dân làm gốc, phải biết dựa vào dân, trung thành với lợi ích của nhân dân, biết phát
huy trí tuệ của nhân dân, biết tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu
sự giám sát của nhân dân. Dân chủ là bản chất của các mối quan hệ trong xã hội xã
hội chủ nghĩa.
Đồng thời, cũng phải thấy rằng, không có kỷ cương, luật pháp thì cũng không có
chủ nghĩa xã hội. Không có kỷ cương, luật pháp thì cũng không có nhà nước pháp
quyền, không có xã hội ổn định, xã hội trở thành vô chính phủ. Chỉ có dân chủ mà
không có luật pháp thì không sao chống được tệ quan liêu cửa quyền, độc đoán,
tham nhũng và từ đó làm sao có được nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, và làm sao
giải quyết được mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi, giữa con người với con
người, con người với cộng đồng, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa lợi ích cá nhân
với lợi ích tập thể, lợi ích xã hội và bảo vệ được tính công bằng xã hội.
Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa phải đi đôi với luật pháp xã hội chủ nghĩa. Xã hội
xã hội chủ nghĩa là một xã hội được tổ chức trên cơ sở luật pháp. Pháp luật là cái
thể hiện và là cái bảo đảm cho quyền làm chủ của nhân dân lao động và là công cụ
để quản lý xã hội. Thiếu pháp luật sẽ không có dân chủ và một xã hội càng dân
chủ bao nhiêu thì lại càng phải có luật pháp, kỷ cương và trật tự bấy nhiêu.
Rõ ràng, nguyên tắc tập trung dân chủ định hướng cho sự phát triển của Nhà nước
ta và xã hội ta. Nó còn là yếu tố để hình thành nhân cách của con người xã hội chủ
nghĩa, hình thành bầu không khí chính trị đạo đức xã hội chủ nghĩa là dân chủ và
kỷ luật.
Trong những năm đổi mới vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và qua rèn luyện
trong thực tiễn quản lý sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhà nước ta đã
trưởng thành về nhiều mặt, đã thể hiện rõ bản chất của một Nhà nước pháp quyền
của dân, do dân và vì dân. Nổi bật nhất là những thành tựu về xây dựng hệ thống
pháp luật để quản lý đất nước, về xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhất là
dân chủ ở cơ sở. Hoạt động của Nhà nước thể hiện được tư tưởng lấy dân làm gốc,
biết dựa vào dân, thực hiện việc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Nhà
nước cũng đã tích cực đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, xử lý nghiêm minh
những vụ việc tiêu cực, tham nhũng.
Những thành tựu, những tiến bộ trên đây đã tạo nền tảng cho công tác quản lý đất
nước. Nhờ vậy, đất nước được ổn định và về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội có
bước phát triển tốt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ
rệt, định hướng xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Tuy vậy, vẫn còn hai vấn đề cơ
bản sau đây cần được tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng lên một trình độ
mới để đáp ứng kịp thời yêu cầu của sự phát triển của cách mạng trong tình hình
mới: tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng giáo dục và quản
lý việc thực hiện pháp luật; chăm lo bồi dưỡng phẩm chất và năng lực của đội ngũ
cán bộ, viên chức nhà nước.
1 – Sự nghiệp cách mạng hiện nay đang đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh
để làm cơ sở cho sự thống nhất quản lý của nhà nước và hành vi của công dân.
Việc xây dựng luật pháp vừa qua tuy đã có nhiều cố gắng nhưng luật pháp vẫn
chưa bao trùm hết các lĩnh vực hoạt động của xã hội.
Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, nhiều lĩnh vực của sản xuất,
kinh doanh ngày càng được chia nhỏ và toàn cầu hóa đưa lại việc mở rộng giao
lưu kinh tế, văn hóa, xã hội thì luật pháp cũng phải được mở rộng để làm cơ sở
cho quá trình quản lý xã hội. Hơn thế, sự nghiệp cách mạng không ngừng biến đổi
và phát triển. Những biến đổi và phát triển đó cũng đòi hỏi những sửa đổi, bổ sung
những quy định của luật pháp đã bị thực tiễn vượt qua. Vì thế, bên cạnh việc tiếp
tục xây dựng luật pháp thì sửa đổi, hoàn thiện luật pháp là công việc thường xuyên
của Nhà nước. Điều đó đòi hỏi phải xây dựng một đội ngũ cán bộ có phẩm chất và
năng lực thường xuyên bám sát đời sống của từng đạo luật đã ban hành trong xã
hội, thường xuyên rút kinh nghiệm và đề xuất những sửa đổi, hoàn thiện pháp luật
trước những biến đổi của tình hình.
Điều cơ bản nhất trong xây dựng pháp luật là, phải thể hiện đúng chủ trương,
đường lối của Đảng, phải hướng vào việc bảo đảm cho việc thực hiện mục tiêu của
cách mạng là: độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội vì dân giàu, nước mạnh, xã
hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Để làm được điều đó thì luật pháp phải bảo đảm cho việc chống lại các nguy cơ
mà Đảng ta đã xác định: tụt hậu xa hơn về kinh tế, chệch hướng xã hội chủ nghĩa,
"diễn biến hòa bình", quan liêu, tham nhũng. Ví dụ: chúng ta đang thực hiện nền
kinh tế nhiều thành phần nhằm phát triển lực lượng sản xuất, phát triển nền sản
xuất xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Nhưng vai trò của các thành phần
kinh tế lại khác nhau trong nền kinh tế quốc dân trong quá trình xây dựng chủ
nghĩa xã hội. Kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân và
là lực lượng vật chất, là công cụ để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền
kinh tế quốc dân. Kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là nền tảng của nền kinh tế
quốc dân. Tùy theo từng chặng đường phát triển của cách mạng mà những điều đó
phải được thể hiện trong Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Hợp tác xã. Bỏ quên,
xa rời điều đó thì không thể nói tới con đường xã hội chủ nghĩa.
Để luật pháp thực sự là cơ sở pháp lý cho quản lý của Nhà nước và hành vi của
công dân thì phải giáo dục rộng rãi luật pháp cho toàn dân. Cần sử dụng có hiệu
quả các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến và giáo dục
pháp luật cho nhân dân. Đặc biệt, cần tùy theo đối tượng mà lựa chọn luật pháp để
đưa vào giáo dục trong các nhà trường, các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội,
các đơn vị sản xuất kinh doanh, các sinh hoạt chính trị của nhân dân.
Việc quản lý thực hiện pháp luật phải chặt, xử lý các vi phạm phải nghiêm. Chúng
ta không ảo tưởng có thể xây dựng một xã hội hoàn toàn trong sạch, loại trừ hoàn
toàn mọi tiêu cực một khi các điều kiện kinh tế – xã hội khách quan với tư cách là
nguồn gốc sinh ra tiêu cực còn tồn tại. Tuy nhiên, việc ngăn chặn các tệ nạn xã hội
kém hiệu quả lại chính là do thiếu sót chủ quan của bộ máy nhà nước. Đó là do
luật pháp chưa đầy đủ, cơ chế có nhiều sơ hở, ngay cả những vấn đề đã có luật
pháp nhưng quản lý việc thi hành luật pháp không chặt chẽ và xử lý những vụ vi
phạm luật pháp không nghiêm, thậm chí, còn có cả tiêu cực trong việc xử lý các vi
phạm luật pháp.
2 – Vấn đề cơ bản nhất để xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và
vì dân là phải ra sức xây dựng một đội ngũ cán bộ viên chức nhà nước có đầy đủ
phẩm chất và năng lực.
Trong công cuộc xây dựng đất nước, chúng ta đang thực hiện một nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường chứa đựng cả mặt tích
cực và tiêu cực. Kinh tế thị trường thúc đẩy chủ nghĩa cá nhân phát triển, thúc đẩy
xu hướng "thương mại hóa" các quan hệ xã hội, thúc đẩy con người chạy theo
đồng tiền bằng mọi giá.
Chủ nghĩa cá nhân, như Hồ Chí Minh đã chỉ rõ là "bệnh mẹ" đẻ ra muôn vàn bệnh
tật khác. Một khi con người rơi vào chủ nghĩa cá nhân thì đặt lợi ích cá nhân lên
trên lợi ích tập thể, cộng đồng, xa rời phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công
vô tư, lâm vào tham ô, hối lộ, xa dân, dối trá, lời nói không đi đôi với việc làm,
phá vỡ đoàn kết, phá hoại kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Trong môi trường kinh tế – xã hội hiện nay, chủ nghĩa cá nhân trong hàng ngũ cán
bộ, viên chức nhà nước đang có cơ hội phát triển. Tình trạng tham nhũng trong bộ
máy Đảng, Nhà nước đang trở nên bức xúc. Tham nhũng đã được Đảng đánh giá
là quốc nạn. Nó lại gắn liền với quan liêu cửa quyền, hách dịch, lãng phí… Nhiều
hiện tượng sa sút phẩm chất, chạy theo quyền lực bằng mọi cách như xu nịnh, tạo
phe cánh để ngoi lên, lừa đảo về bằng cấp, chứng chỉ, thành tích… thậm chí có cả
việc đút lót, mua quan bán tước cũng đã diễn ra.
Thực trạng này đang phá hoại nghiêm trọng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà
nước với nhân dân. Vì nhân dân gắn bó máu thịt với Đảng không phải chỉ bằng
đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng mà bằng cả tấm gương đạo đức, lối
sống trong sáng hàng ngày của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Vấn đề xây dựng đạo đức đang trở thành vấn đề hàng đầu của công cuộc xây dựng
bộ máy nhà nước. Trong công cuộc xây dựng này, việc chống chủ nghĩa cá nhân,
xây dựng tinh thần tập thể, cộng đồng phải là phương hướng cơ bản của công tác
tư tưởng. Chống chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là chà đạp lên cá nhân con
người, phủ nhận vai trò to lớn của cá nhân trong đời sống xã hội mà là chống cái
ác, cái xấu của chủ nghĩa cá nhân, làm cho cá nhân con người phát triển lành mạnh
luôn luôn hành động vì lợi ích của tập thể, của cộng đồng và của bản thân. Phải
hết sức coi trọng giáo dục đạo đức nhưng cũng không biến quá trình giáo dục
thành một quá trình đạo đức đơn thuần mà đi đôi với giáo dục phải xử lý nghiêm
minh mọi sự vi phạm luật pháp của bất cứ ai.
Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một việc làm mới mẻ. Mô hình cũ của chủ nghĩa xã
hội đã sụp đổ, mô hình mới đang được khai phá, thử nghiệm và chưa phải mọi vấn
đề đã sáng tỏ.
Kẻ thù đang ra sức xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, con
đường cách mạng xã hội chủ nghĩa và đang thực hiện âm mưu "diễn biến hòa
bình", gây bạo loạn lật đổ.
Sự phát triển của khoa học và công nghệ đã đưa lại sự xuất hiện kinh tế tri thức và
"chính phủ điện tử". Để việc quản lý kinh tế tri thức cũng như các lĩnh vực khác
của đời sống xã hội trong thời đại ngày nay được nhạy bén, kịp thời và thực sự
khoa học thì sự quản lý đó phải được thực hiện với năng lực, trí tuệ cao và phương
tiện kỹ thuật hiện đại.
Việc thực hiện nhiệm vụ từng bước phát triển kinh tế tri thức như Đại hội IX của
Đảng đã đề ra cũng như việc chống lại các nguy cơ nêu trên, đòi hỏi đội ngũ cán
bộ, viên chức nhà nước có một tầm cao về năng lực trí tuệ, phẩm chất tư duy và
năng lực nghiệp vụ.
Chúng ta hiểu quản lý một cách khoa học công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước
là sự tác động có ý thức, có mục đích, có kế hoạch đối với xã hội nói chung cũng
như đối với từng lĩnh vực riêng lẻ của đời sống xã hội trên cơ sở nhận thức và vận
dụng các quy luật khách quan và các xu thế tiến bộ của sự phát triển xã hội vì lợi
ích của quần chúng nhân dân lao động.
Từ những vấn đề trên đây của công tác quản lý cũng như những đặc điểm của tình
hình đất nước và đội ngũ cán bộ, viên chức nhà nước hiện nay, công tác đào tạo,
bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, viên chức nhà nước phải được hướng vào quán triệt các
vấn đề sau: bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, kế hoạch xây dựng đất nước trên
từng lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng… và quán triệt tính quy luật
phổ biến của quản lý là hướng một cách tự giác sự phát triển của tất cả các lĩnh
vực của đời sống xã hội vào quỹ đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá
độ. Đặc biệt là, phải quán triệt tính giai cấp công nhân của công tác quản lý. Công
tác quản lý có hai mặt, một mặt, nó đáp ứng nhu cầu khách quan của sản xuất, của
đời sống xã hội; mặt khác, nó biểu hiện lợi ích giai cấp của giai cấp đang quản lý
đất nước. Điểm này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong khi học tập kinh nghiệm
quản lý của các nước tư bản. Nghĩa là, phải phân định và tỉnh táo cái gì nên học và
cái gì không nên học.
Công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên phải hướng vào việc chống
các hiện tượng tiêu cực của bản thân người cán bộ, tiêu cực trong xã hội; phải xây
dựng dân chủ và kỷ luật làm hai yếu tố cơ bản để hình thành nhân cách con người;
hình thành bầu không khí chính trị đạo đức xã hội chủ nghĩa và đặc biệt là xây
dựng tính gương mẫu về đạo đức của người cán bộ, viên chức nhà nước.
GS. LÊ XUÂN LỰU