Jean Jacques Rousseau
Jean-Jacques Rousseau, phiên âm tiếng Việt là Giăng Giắc Rút-xô (1712 – 1778),
sinh tại Geneva, là một nhà triết học thuộc trào lưu Khai sáng có ảnh hưởng lớn tới
Cách mạng Pháp 1789, sự phát triển của lý thuyết xã hội, và sự phát triển của chủ
nghĩa dân tộc. Rousseau cũng có nhiều đóng góp cho âm nhạc cả trên phương diện
lý luận và sáng tác. Ông cũng là người sáng tạo nên cách viết tiểu sử kiểu hiện đại
với trọng tâm được đặt vào tính chủ thể. Ông cũng viết tiểu thuyết và đóng góp
quan trọng cho trào lưu lãng mạn trong văn học.
Rouseau rời Geneva năm 1728 sau nhiều năm học việc nghề thư ký và tới thủ đô
Paris năm 1742. Là thư ký cho Đại sứ Pháp tại Venezia từ 1743-1744. Sau đó ông
về Pháp và có năm con với Thérèse Levasseur nhưng ông đều bỏ cho trại trẻ mồ
côi nuôi. Trong thời gian này ông làm bạn với Diderot và có đóng góp cho tập
Bách khoa thư với các bài về âm nhạc và quan trọng nhất là bài về kinh tế chính trị
viết năm 1755.
Năm 1754, Rousseau quay về Geneva và bắt đầu cho ra đời tác phẩm Đối thoại về
Nguồn gốc và Cơ sở của Sự Bất bình đẳng của Con người năm 1755. Do viết
nhiều tiểu thuyết đả kích tôn giáo, ông buộc phải rời sang Bern và Môtiers (Thụy
Sĩ), nơi ông viết Đề án Hiến Pháp cho đảo Corse và tiếp tục phải tị nạn với nhà
triết học David Hume tại Anh Quốc. Ông về Pháp năm 1767 và cưới Thérèse năm
1768, đến 1770 ông trở về thủ đô Paris. Ông tiếp tục viết nhưng các tác phẩm chỉ
được xuất bản sau khi ông qua đời vì xuất huyết não vào ngày 2 tháng 7 năm
1778.
Rousseau nhận thấy có sự phân chia về bản chất giữa xã hội và bản chất tự nhiên
của con người. Ông cho rằng loài người là tốt về bản chất nếu sống ở trạng thái tự
nhiên và rằng con người bị tha hóa bởi chính xã hội. Ông cho xã hội là nhân tạo và
sự phát triển phụ thuộc lẫn nhau trong xã hội là cản trở đối với chất lượng cuộc
sống của loài người.
Trong "Đối thoại giữa Khoa học và Nghệ thuật", Rousseau tranh luận rằng cả khoa
học và nghệ thuật đều không bổ ích cho con người. Tiếp theo, trong Bàn về Bất
bình đẳng, ông tiếp tục theo vết tiến trình tha hóa của loài người từ trạng thái tự
nhiên nguyên thủy lên xã hội hiện đại. Khi loài người buộc phải gắn kết với nhau
chặt chẽ hơn, cũng là khi loài người trải qua quá trình ngày càng phụ thuộc lẫn
nhau do phân chia lao động và dẫn đến bất bình đẳng, và do vậy cần phải có khế
ước xã hội.
Rousseau có ảnh hưởng lớn đến cuộc Cách mạng Pháp, mặc dù ý tưởng chủ quyền
thuộc về toàn thể nhân dân được thực hiện qua hình thức đại diện thay vì trực tiếp.
Ông cũng là một trong những tác giả đầu tiên phê phán thể chế tư hữu và được
xem là bậc tiền bối của chủ nghĩa xã hội hiện đại và chủ nghĩa cộng sản khoa học.
Ông cũng là người sớm đặt câu hỏi liệu ý chí nguyện vọng của đa số liệu có phải
lúc nào cũng đúng và mục tiêu của chính quyền theo ông là phải đảm bảo tự do,
bình đẳng và công bằng cho tất cả cho dù có phải là ý chí của đa số hay không. So
với các nhà khai sáng đương thời như Voltaire và Montesquieu, tư tưởng chính trị
của Rousseau cấp tiến hơn.
Ông cũng cho rằng nguyên tắc cơ bản của triết học chính trị là chính trị và đạo đức
không được tách rời. Khi nhà nước không thực hiện đúng theo giá trị đạo đức thì
cũng không thể thực hiện đúng các chức năng của mình và cũng không thể có
quyền lực đối với một cá nhân được nữa. Nguyên tắc quan trọng thứ hai là tự do
mà nhà nước được lập ra để gìn giữ.
Quan niệm về giáo dục của Rousseau mà trong đó đối tượng của giáo dục chính là
những đứa trẻ mạnh khỏe cả về thể chất và tinh thần, cũng như việc ông không
xem trọng sự cần thiết của giáo dục qua sách vở, cũng như việc ông nhấn mạnh sự
cần thiết phải giáo dục cảm xúc cho trẻ em trước khi giáo dục lý tính đã là tiền đề
cho lý thuyết giáo dục hiện đại đặt trẻ em làm trung tâm.
Các tác phẩm của Rousseau đều thể hiện rằng thiên nhiên giúp con người hình
thành nên bản chất của mình, giúp con người thống nhất để vượt qua sự tù đày và
giam cầm của xã hội. Chính vì vậy, ông khẳng định sự cần thiết của việc con
người về với tự nhiên, sự cần thiết đặt con người ở nơi nằm ngoài những ràng
buộc của xã hội và những định kiến của văn minh. Và như vậy, ý tưởng của ông
chính là Chủ nghĩa Lãng mạn, mặc dầu chính bản thân ông xem mình là người của
phong trào Khai sáng.