Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

Tác động của lý luận văn học nước ngoài đối với lý luận văn học Việt Nam pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (217.28 KB, 12 trang )

Tác động của lý luận văn
h
ọc nước ngoài đối với lý luận
văn học Việt Nam
ho tới nay, dù ở mức độ nhiều hay ít, cách diễn đạt thể hiện có
khác nhau, có lẽ không ai phủ nhận vai trò tích cực đáng kể của lý luận văn
học nước ngoài đối với lý luận văn học Việt Nam.
Điều đó có thể thấy rõ từ trong lịch sử văn học Việt Nam suốt thế kỉ
XX đến những năm đầu của thế kỉ này. Nửa đầu thế kỉ XX, trong một hoàn
cảnh éo le của số phận, trong cuộc tiếp xúc đớn đau, nhọc nhằn (không thể
có giao lưu, đối thoại) với văn học nước ngoài (chủ yếu là văn học Pháp và
văn học các nước phương Tây thông qua tiếng Pháp), văn học Việt Nam
hiện đại và nền lý luận văn học Việt Nam hiện đại đã ra đời và phát triển,
cùng lúc tham khảo học tập và tiếp thu tinh hoa, rút kinh nghiệm cho mình
từ thực tế của mấy thế kỉ văn chương Pháp, cũng như văn học Pháp
đương đại. Việc tiếp nhận những kiến thức từ lý luận văn học nước ngoài
không phải là dễ dàng, nhưng thực tế có thể thấy dấu ấn khắp nơi: từ cách
giới thiệu những tri thức mới, đến phương pháp giải quyết một vấn đề,
tham khảo tư liệu cho các công trình, tiếp thu ý tưởng để thực hiện trong
các cuộc tranh luận
Ngay từ năm 1904, từ những dòng đầu tiên trong bài Văn minh tân
học sách, để nói rõ ý của mình, nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục đã viện dẫn
đến một câu nói của nhà học giả phương Tây: “Văn minh không phải là có
thể mua bằng giá trị mà thôi, mà còn phải mua bằng đau khổ nữa”. Trên cơ
sở tham khảo các kinh nghiệm của “người Âu” trên nhiều lĩnh vực các tác
giả đã tìm ra bốn “nguyên nhân khởi điểm” dẫn đến sự trì trệ của nước
nhà, trong đó, ba nguyên nhân đầu tiên có thể gợi ý cho chúng ta nhiều
điều trong hoàn cảnh tiếp nhận những tri thức hiện đại nước ngoài hiện
nay: “Một là khởi ở cái điểm nội hạ, ngoại di, không thèm hỏi đến chính
thuật và kĩ năng của các nước khác. Hai là khởi ở cái điểm quý đạo vương,
khinh đạo bá, không thèm giảng đến cái học phú cường cơ xảo của nước


ngoài. Ba là khởi ở điểm cho xưa là phải, nay là quấy, không chịu xem xét
kiến thức và những sự suy nghĩ bàn luận của người sau (chúng tôi nhấn
mạnh, L.P.T)”. Tiếp theo là một kết luận rất đáng được lưu tâm: “Thành thử
mấy nghìn năm nay, văn minh tiến hóa của ta mới có cái tính tĩnh mãi mà
không có cái tính động mãi. Thiệt cũng đáng ngậm ngùi buồn bã vậy!”(1).
Hướng về những kinh nghiệm học thuật ở nước ngoài để học hỏi,
tham khảo, từ những năm đầu thế kỉ XX, trên các báo, tạp chí đã xuất hiện
nhiều bài giới thiệu thành tựu của triết học, mỹ học, lý luận văn học phương
Tây nói chung, nước Pháp nói riêng để rồi từ đó liên hệ tới Việt Nam. Đó có
thể là các bài viết hoặc bài dịch trên tạp chí Nam Phong: Bàn về văn minh
học thuật nước Pháp (số 1, 7-1917), Về nghệ thuật bi kịch (Sur l’art
dramatique), (số 6, 12-1917), loạt bài Mấy nhời bàn về mỹ học I, II, III (số 6,
7-1917; số 8, 2-1918), loạt bài Triết học nước Pháp I, II, III, IV, V, VI các số
từ tháng 2 đến tháng 8-1918, Lịch sử nghề diễn kịch ở Pháp (số 35, 5-
1920), Nghề phê bình văn học ở nước Anh (số 51, 9-1921), loạt bài Chúng
ta cần phải làm gì để khuyến khích các nhà thơ và các nghệ sĩ trau dồi cái
đẹp (nguyên văn: Que devons – nous faire pour encourager les poètes et
les artistes à cultiver le beau) (số 60, 7-1922; số 61, 7-1922, số 62, 8-
1922), Suy nghĩ về nghệ thuật viết và nền văn học anamit mới (nguyên văn:
Réfléxion sur l’art d’écrire et la nouvelle littérature annamite) (số 72, 6-
1923), Trách nhiệm của nhà văn (nguyên văn: La responsabilité de
l’écrivain), (số 90, 12-1924) , trên tạp chí Thanh Nghị: Nghệ thuật phê bình
(số 16, 1.8.1942), Danh văn ngoại quốc: Tư tưởng về nghệ thuật (nhiều kì,
từ số 25, 16.11.1942), Văn chương phê bình và văn học sử (số 106,
10.3.1945) ; trên tạp chí Tri tân: Phê bình văn học (số 28, 19.12.1941)
v.v
Vào những năm 30 của thế kỉ XX đã xảy ra cuộc tranh luận sôi nổi
giữa hai phái “nghệ thuật vị nhân sinh” và “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Đó là
một cuộc tranh luận lí thú, nêu lên nhiều vấn đề quan trọng của lý luận văn
học nước nhà, kéo dài trong nhiều năm. Chủ soái của hai phái là Hải Triều

và Hoài Thanh, các trí thức “Tây học”, đã khai thác trong vốn tri thức phong
phú của nước ngoài những điều cần cho mình, dùng cho cuộc tranh luận
nói riêng, cho sự nghiệp lý luận nói chung.
Bản lĩnh ngòi bút Hải Triều với tư cách là người chiến sĩ cách mạng
được thể hiện rõ trong việc tiếp xúc với văn học, văn hóa Pháp, vào thời kì
nước ta còn đang dưới ách thực dân Pháp, tiếng Pháp bị coi là tiếng của
“Tây”, văn học Pháp, trước tiên, cũng thường bị xếp vào “phía bên kia”. Thế
nhưng, Hải Triều đã khai thác triệt để và khéo léo những kiến thức từ nền
văn học, văn hóa Pháp: từ những khái niệm, các thuật ngữ được ông cẩn
thận để nguyên xuất xứ “chữ Tây”, đến tên gọi các trường phái còn rất xa lạ
lúc bấy giờ như “duy tâm luận”, “chủ nghĩa duy mỹ”, “chủ nghĩa cấm dục”
“tả thực xã hội” v.v Đặc biệt là những quan niệm cơ bản dùng trong các
cuộc tranh luận: “nghệ thuật vị nghệ thuật”, “nghệ thuật vị nhân sinh”, “nghệ
thuật là một cái sản vật của sự sinh hoạt xã hội”, “triết học là khoa học của
những khoa học” v.v Nhiều quan điểm của các nhà văn Pháp như
Diderot, Rousseau, Voltaire, Montesquieu, Balzac, Hugo, Taine đã được
Hải Triều nêu lên để bổ sung hay giải thích cho các ý tưởng của mình.
Những vấn đề bức thiết liên quan đến một nền “nghệ thuật vị nhân sinh”,
nền văn học cách mạng đã được Hải Triều nêu lên trên cơ sở tham khảo
kinh nghiệm không chỉ từ văn học Pháp, mà còn từ văn học Nga, không chỉ
vốn kiến thức từ văn học mấy trăm năm của nước ngoài, mà cả từ nền văn
học đương đại. Trong bài viết về H.Barbusse khi nghe tin nhà văn Pháp từ
trần tại Matxcơva năm 1935, Hải Triều đã khẳng định sự bất tử của nhà văn
chiến sĩ gắn sự nghiệp văn chương với sự nghiệp cách mạng, với nhân loại
cần lao trên thế giới, đồng thời nhắc lại nhiệm vụ của người nghệ sĩ trước
thời cuộc phải đem hết tài năng của mình tham gia vào cuộc đấu tranh giải
phóng cho cả nhân loại đang khổ sở cần lao. Còn trong bài viết về nhà văn
R.Rolland (cả hai bài trong cuốn Về văn học nghệ thuật) Hải Triều đã ngợi
ca Rolland, đánh giá cao sự kiện Rolland “đã đem cái đầu tóc hoa râm với
một bầu máu nóng gia nhập vào chiến tuyến của bình dân”, coi đó là một

tiêu chuẩn quan trọng đánh giá sự nghiệp của nhà nghệ sĩ, đồng thời nêu
cao gương sáng cho “các ông văn sĩ ở nước mình”.
Năm 1936, nhóm tác giả Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lư
đã xuất bản Văn chương và hành động(2). Cuốn sách nhỏ, chưa đầy 100
trang, nhưng chứa đựng nhiều thông tin thú vị. Ngay dưới tít sách có dòng
chữ Thay lời tuyên ngôn của văn phái phương Đông, sách do Nhà xuất bản
phương Đông ấn hành. Những nội dung trong “lời tuyên ngôn” đó đã có chỗ
dựa chắc chắn, đó là tri thức của cả phương Đông và phương Tây. Các tác
giả nhắc đến đạo Phật, thơ Đường, thơ Tống, đến nhà thơ Lí Bạch, một thi
sĩ ấn Độ, Truyện Kiều và Nguyễn Du. Đồng thời họ đã “mượn nhời” của các
tác giả phương Tây để “bàn luận về văn chương”. Trước hết, đó là lời đề từ
của Pierre Abraham, “người đứng chủ trương hai tập XVI và XVII nói về
Nghệ thuật và Văn chương trong bộ Encyclopédie francaise: “Loài người đã
có lúc không cần đến chính quyền, không cần đến buôn bán, cày bừa, chăn
nuôi, giao thông hay nghiên cứu về khoa học. Nhưng loài người chưa khi
nào không cần ca hát hay nghe ca hát, kể chuyện hay nghe kể chuyện,
nhảy múa hay xem nhảy múa”. Theo giòng các ý tưởng của cuốn sách,
người đọc có dịp được tiếp xúc với kinh nghiệm từ xã hội và văn chương
của các nước Đức, Nga, Pháp, với những tên tuổi nhà tư tưởng, nhà văn
nổi tiếng như Pasteur, Einstein, Alfred de Vigny, Goethe. Rõ ràng những tri
thức rút ra từ thực tế của nước ngoài đã giúp các tác giả của cuốn sách nói
lên được ý mình, diễn giải và chứng minh, chia sẻ với bạn đọc những điều
cần bàn luận. Phần Phụ lục của cuốn Văn chương và hành động chiếm non
nửa phần cuốn sách bao gồm hai bài: trích dịch Tựa quyển Lá thu của
Victor Hugo (do Lưu Trọng Lư dịch), bài diễn văn của André Gide đọc ngày
22.6.1935 tại Hội nghị quốc tế các nhà văn (do Hoài Thanh dịch và viết lời
bình). Cả hai bài dịch đều có mục đích rõ ràng, bài Tựa tập Lá thu là để
“chứng” cho quan niệm về “một nhà văn xã hội” theo kiểu Hugo, còn bài
Diễn văn của André Gide là “để trả lời những người đã trách Hoài Thanh
trích văn Gide mà không thể theo bản ý của toàn văn”. Nói một cách khác,

hai nhà văn Pháp, một người của thế kỉ XIX, người kia là đương thời, vô
tình đã được kéo vào cuộc tranh luận kéo dài nổi tiếng ở đầu thế kỉ XX ở
Việt Nam, liên quan đến những vấn đề sống còn trong lý luận văn học(3).
Cho đến trước thời điểm năm 1945, đã có hàng loạt công trình
nghiên cứu, lý luận văn học ra đời. Trải qua hơn một nửa thế kỷ, cho đến
nay các cuốn sách đó vẫn là những tư liệu quý báu cho những ai theo đòi
sự nghiệp văn chương nói chung, sự nghiệp nghiên cứu lý luận văn học nói
riêng: Thi nhân Việt Nam (1942), Nhà văn hiện đại (1942-1943), Việt Nam
Văn học sử yếu (1944), Văn học khái luận (1944). Nghiên cứu tiểu sử tác
giả của các cuốn sách ấy chúng ta được biết họ đều giống nhau một điểm:
họ đều là trí thức “tây học” (Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan đỗ “tú tài tây”,
còn Dương Quảng Hàm và Đặng Thai Mai tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư
phạm). Điều đáng chú ý ở đây là họ đều xuất thân từ gia đình nho học. Đó
chính là điều kiện thuận lợi để họ có thể tiếp thu khối tri thức khổng lồ từ
phương Tây tràn qua, chọn lọc những gì hợp với tạng của mình, nhu cầu
của mình (của cá nhân và xã hội đương thời) để viết thành những cuốn
sách “để đời”. Các nhà lý luận phê bình cùng thế hệ của các ông đã mỗi
người một cách, góp sức mình vào công việc hiện đại hóa văn học Việt
Nam nửa đầu thế kỉ XX bằng những cố gắng phi thường, lòng yêu mến văn
chương dân tộc và bằng “lưng vốn” Đông Tây kết hợp một cách nhuần nhị.
Những nỗ lực nhằm du nhập và tham khảo lý luận văn học nước
ngoài của lý luận văn học Việt Nam đã được tiếp tục suốt nửa sau của thế
kỉ XX. Cùng với những biến đổi trọng đại của đất nước trên bình diện chính
trị xã hội, lịch sử và những yêu cầu cấp thiết của một đất nước liên tục có
chiến tranh, việc tiếp nhận các thành tựu lý luận văn học nước ngoài đã
chuyển sang một kênh khác. Trong khoảng vài thập kỷ, chúng ta chỉ có thể
chọn lựa về cơ bản là những tác phẩm lý luận của Liên Xô và một số nước
trong phe xã hội chủ nghĩa. Từ hệ thống sách giáo khoa cho các trường Đại
học đến các tác phẩm nghiên cứu, phê bình, lý luận, chúng ta đều lấy
khuôn mẫu từ Liên bang Xô viết. Rõ nhất qua mảng sách dịch. Hàng loạt

sách lý luận của Liên Xô và theo quan điểm các nhà lý luận Xô viết đã được
dịch sang tiếng Việt, được công bố tại nhiều nhà xuất bản khác nhau.
Chúng thực sự đóng vai trò “kim chỉ nam” cho lý luận văn học của nước
nhà. J. Fréville: Marx, Engels, Lênin và văn học nghệ thuật, Nxb. Sự thật,
1962; Nguyên lý mỹ học Mác – Lênin, Nxb. Sự thật, 1963; M. Gorki và văn
học nghệ thuật, Nxb. Văn học, 1965; K. Marx, F. Engels, V. Lenin: Về văn
học nghệ thuật, Nxb. Sự thật, 1977; V. Lenin: Bàn về văn hóa văn học, Nxb.
Văn học, 1977; M. Khrapchenko: Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát
triển văn học, Nxb. KHXH, 1978; M. Arnaudov: Tâm lý học sáng tạo văn
học, Nxb. Văn học, 1978; M. Gulaiev: Lý luận văn học, Nxb. Đại học và
trung học chuyên nghiệp, 1982; B. Suskov: Số phận lịch sử của chủ nghĩa
hiện thực (2 tập), Nxb. Tác phẩm mới, 1980-1982; L. Vưgotski: Tâm lý học
nghệ thuật, Nxb. KHXH, 1981; G. Pospelov (chủ biên): Dẫn luận nghiên cứu
văn học (2 tập), Nxb. Giáo dục, 1985; A. Botsarov: Cuộc tìm tòi vô tận, Nxb.
Tác phẩm mới, 1988 v.v
Không thể phủ nhận được những tác động tích cực từ khối tri thức đồ
sộ của các thế hệ những nhà lý luận văn học Xô viết đối với nền lý luận
văn học Việt Nam. Đội ngũ các nhà lý luận văn học ngày càng phát triển từ
nguồn đào tạo trực tiếp từ Liên Xô (bậc Đại học, bậc sau Đại học: Phó Tiến
sĩ và Tiến sĩ khoa học), các thực tập sinh. Kể cả những người không có
điều kiện học tập tại Liên Xô cũng vượt qua bao khó khăn để tự đào tạo
trong nước, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nền lý luận văn học
nước nhà.
Cùng với những thay đổi có tính chất cách mạng ở Việt Nam vào thời
kỳ Đổi mới và tiếp theo là sự sụp đổ của Liên xô và các nước Đông Âu, một
lần nữa đời sống học thuật nước nhà bước vào một giai đoạn mới: cởi mở
hơn, tầm nhìn được mở rộng hơn. Trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX,
ngoài các bài giới thiệu hoặc dịch trên các báo và tạp chí chuyên ngành
như Văn nghệ, Nhà văn, Tạp chí Văn học, Tạp chí thông tin KHXH (Viện
Thông tin KHXH), đặc biệt trên Văn học nước ngoài, bạn đọc còn có dịp

tiếp xúc với nhiều kênh thông tin khác nhau về các trường phái, trào lưu lý
luận văn học nước ngoài. Mảng sách nghiên cứu có Các vấn đề khoa học
của văn học (Trương Đăng Dung chủ biên, 1990); Từ kí hiệu học đến thi
pháp học của Hoàng Trinh (1992); Triết học và mỹ học phương Tây hiện
đại (Nguyễn Hào Hải chủ biên, 1992); Tìm hiểu lý luận văn học phương Tây
hiện đại (1995) và Mười trường phái lý luận văn học phương Tây đương
đại (1998) của Phương Lựu; Từ văn bản đến tác phẩm văn học của Trương
Đăng Dung (1998); Nghiên cứu văn học, lý luận, lý luận và ứng dụng của
Nguyễn Văn Dân(1998) v.v Song song với các sách nghiên cứu là mảng
sách dịch lý luận văn học với mục đích giới thiệu nguyên gốc các thành tựu
lý luận văn học nước ngoài. Nếu như ở mấy thập kỉ 60, 70, 80 hầu như chỉ
có sách lý luận văn học Xô viết được dịch ra tiếng Việt thì vào những năm
90 khối lượng thông tin được “quét” trên nhiều bình diện khác: Alain
Robbe – Grillet và sự đổi mới tiểu thuyết (Lê Phong Tuyết giới thiệu và dịch,
1993); Phê bình văn học Pháp thế kỉ XX (Lộc Phương Thủy chủ biên,
1995); Phê bình, bình luận văn học London, Twain, Hemingway (Vũ Tiến
Quỳnh, 1995); Octavio Paz: Thơ văn và tiểu luận (Nguyễn Trung Đức dịch,
1998); M. Kundera: Nghệ thuật tiểu thuyết (Nguyên Ngọc dịch, 1998), J. P.
Sartre: Văn học là gì (Nguyên Ngọc dịch, 1999) v.v
Chỉ trong vài năm đầu thế kỉ XXI, số sách nghiên cứu giới thiệu các
thành tựu lý luận văn học nước ngoài tăng mạnh: Văn học so sánh, lý luận
và ứng dụng (Lưu Văn Bổng chủ biên, 2000), Lý luận phê bình văn học
phương Tây thế kỉ XX (Phương Lựu, 2001); Chủ nghĩa cấu trúc và thuyết
hiện sinh (Trần Thiện Đạo, 2001) v.v Mảng sách biên soạn đã thực sự là
các tư liệu bổ ích cho các nhà lý luận. Tác giả biên soạn Đỗ Lai Thúy đã
cho xuất bản hàng loạt sách: Phân tâm học và văn học nghệ
thuật (2000), Nghệ thuật như là thủ pháp (2000), Phân tâm học và văn hóa
tâm linh (2002), Phân tâm học và tình yêu (2003), Sự đỏng đảnh của
phương pháp (2004), Nhiều tác giả: Văn học hậu hiện đại thế giới – Những
vấn đề lý thuyết (2003) v.v ; đặc biệt sách dịch: M. Kundera: Tiểu

luận (Nguyên Ngọc dịch, 2000); Văn học phi lí (Nguyễn Văn Dân giới thiệu
và dịch cùng người khác, 2001); Chủ nghĩa cấu trúc và văn học (Trịnh Bá
Đĩnh giới thiệu và dịch, 2002); Phê bình lý luận văn học Anh – Mỹ (Lê Huy
Bắc chủ biên, 2002), Plin và Tzurganova: Các khái niệm và thuật ngữ của
các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu – Hoa Kỳ thế kỉ XX (Đào
Tuấn ảnh, Trần Hồng Vân và Lại Nguyên Ân dịch, 2003); Văn học so sánh,
nghiên cứu và dịch thuật (Khoa ngữ văn, và báo chí thành phố Hồ Chí
Minh, 2003); Iu.M. Lotman: Cấu trúc văn bản nghệ thuật (Trần Ngọc
Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch), Nxb. ĐHQG, 2004; Kate
Hamburger: Logic học về các thể loại văn học (Trần Ngọc Vương và Vũ
Hoàng Địch dịch), Nxb. ĐHQG, 2004; v.v Bạn đọc ngày càng quan tâm
đến những tư liệu gốc, muốn trực tiếp tiếp cận những quan niệm, các cách
đặt vấn đề và giải quyết vấn đề để tham khảo, xem xét, thậm chí để phê
phán và rút ra bài học.
Vậy là tác động của tư tưởng, học thuật nước ngoài nói chung, của lý
luận văn học nước ngoài nói riêng đã thực sự hiện hữu ở Việt Nam trong
suốt cả trăm năm, tuy lúc đậm lúc nhạt có khác nhau. Đã có những bài viết,
những cuốn sách đề cập đến sự hiện diện của lý luận văn học nước ngoài
ở Việt Nam và vai trò của nó. Đó có thể là các nghiên cứu dưới góc độ của
văn học so sánh hoặc tiếp nhận văn học. Quan điểm và cách tiếp cận của
từng tác giả có khác nhau, thậm chí có thể dẫn đến tranh luận. Nhưng xét
trên toàn cục, chúng ta nhận thấy, nếu như ở nửa đầu thế kỉ XX, việc tiếp
nhận những tri thức cần cho nền lý luận văn học Việt Nam non trẻ mang
tính chất đơn phương (như ở trên chúng tôi đã nói, khó có thể nói đến sự
giao lưu trong thời kỳ này, mặc dù ở một số trường hợp đơn lẻ vẫn diễn ra
mối quan hệ giữa “đối tác” nào đó của Việt Nam và “đối tác” nước ngoài, về
cơ bản là Pháp) thì đến nửa sau của thế kỷ XX, đã có thể đề cập tới giao
lưu xét về một phương diện nào đó (mặc dù từ “giao lưu” được dùng rộng
rãi với đúng nghĩa của nó trên nhiều lĩnh vực chỉ trong thời gian mới đây).
Sự hạn chế của giao lưu ở nửa sau thế kỉ XX thể hiện ở chỗ chủ yếu chúng

ta là “người nhận” chứ ít khi (hoặc hầu như không) đóng vai trò “người
cho”. Đặc biệt, trong hoàn cảnh chiến tranh liên miên, hàng mấy chục năm
sống trong nghèo khó, chúng ta chỉ có thể nhận viện trợ từ Liên Xô, từ vật
chất đến tinh thần, đương nhiên cả thành quả trong lĩnh vực lý luận văn
học. Trong những hoàn cảnh ấy, rõ ràng là chúng ta ở trong thế bị động.
Chúng ta chỉ có thể được nhận tri thức gần như từ một nguồn duy nhất. Dù
cho đó là những tri thức rất cần thiết, nhưng vì chỉ từ một hướng nên khó
có thể gọi là đầy đủ, (nhất là bây giờ khi chúng ta đang có một khoảng “nhìn
lại”). Đó là chưa kể đến những nỗi thiệt thòi là nhiều di sản quý báu từ một
kho tàng ấy chúng ta không có cơ hội tiếp cận do những quan điểm đánh
giá của một thời lịch sử. Vậy là sự thiếu hụt được (bị!) nhân đôi.
Như chúng ta thấy, trong chục năm cuối thế kỉ XX và vài năm đầu thế
kỉ XXI, đã có một sự chuyển mình đáng khích lệ trong lý luận văn học ở Việt
Nam mà một trong những nguyên nhân có tính chất đóng góp tích cực là
việc giới thiệu các thành quả lý luận văn học nước ngoài. Nhưng chỉ hơn
chục năm, so với thời gian, trăm năm của một thế kỉ quả là rất ngắn. Sự cố
gắng bước đầu ấy chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhiều lúc, nhiều
nơi, bằng các cách diễn đạt khác nhau, mọi người kêu ca về tình trạng lý
luận văn học hiện nay: lạc hậu, chậm chạp, bất cập v.v và v.v Tóm lại,
chúng ta chưa hài lòng. Và thật đáng mừng vì đã có nhiều thái độ không hài
lòng đó.
Để góp phần mình vào sự nghiệp chung, bất kỳ ai yêu mến lý luận
văn học, tâm huyết với ngành chuyên môn vất vả cực nhọc này đều thấy
yêu cầu đổi mới là vô cùng cấp thiết, và phải rất khẩn trương vì chúng ta
đang chậm trễ trên nhiều lĩnh vực.
Trước hết, một cách rất truyền thống, tiếp bước cha ông, chúng ta
cần mở rộng tầm nhìn, hướng về những chân trời khác. Freud và thuyết
phân tâm của ông trong thời gian qua đã được giới thiệu khá nhiều ở Việt
Nam, bức rào cấm kị một thời gian dài đã được dỡ bỏ. Nhưng thực ra, công
việc đó, từ những năm đầu của thập kỷ 40, Thạch Lam đã nhắc tới: “Nhà

tâm lý học Freud, khi giảng rõ cái quan trọng của phần “vô giác” trong sự
sống của người đã mở một cách gián tiếp, một cái bờ cõi không ngờ cho
văn chương. Nhà nghệ sĩ giỏi là nhà nghệ sĩ tạo ra những nhân vật thật và
hoạt động, ngoài những tính cách và đặc điểm của cái địa vị xã hội, tìm đến
được cái bí mật không tả được ở trong mỗi người” (Theo giòng). Cùng trong
tập Theo giòng, Thạch Lam đã đề cập đến vai trò quan trọng của người
đọc, loại người đọc “rất hiếm”, “là mực thước đo trình độ văn chương”:
“Hạng này là những người không lười trí, họ ưa suy nghĩ, tư tưởng và tìm
tòi. Họ thờ phụng và theo đuổi cái đẹp, cái hoàn toàn. Họ biết thưởng thức
một câu văn hay, một ý tưởng sâu sắc, và cảm thấy một cái thú vô song khi
sắp bước vào tâm hồn của một nhân vật nào”. Giờ đây, chúng ta chỉ cần
học lớp người đi trước, quan tâm đến những vấn đề quan trọng trong lý
luận văn học đã từ rất lâu, không ngại và không sợ cái mới.
A. Gide trong bài Về ảnh hưởng trong văn học (bài tham gia Hội thảo
Bỉ năm 1900) đã khẳng định “con người không thể tránh khỏi các loại ảnh
hưởng”. Ông nhấn mạnh “kiểu ảnh hưởng có lựa chọn” và so sánh tác
động của ảnh hưởng như “chàng hoàng tử trong kịch của Maeterlinck đến
đánh thức các công chúa”. Đúng là phải có những “nàng công chúa đang
ngủ” và “một sự thuận lòng”. Nếu không, chàng hoàng tử “ảnh hưởng” kia
biết đánh thức ai đây, và liệu họ có được chờ đón, có được thuận lòng?
Phải có những điều kiện thuận lợi, thậm chí một sự chờ đón (phải chăng đó
là “tầm đón nhận” mà tiếp nhận văn học đề cập tới?) một sự chuẩn bị trước.
ở phần đầu của bài này, chúng tôi đã nêu trường hợp của học giả Đặng
Thai Mai, Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh. Chắc chắn
những kiến thức tiếp thu được từ một gia đình trí thức nho học đã góp phần
không nhỏ, giúp các ông có được “lưng vốn” cần thiết khi tiếp xúc với các
kiến thức của phương Tây, biết chọn lọc những gì cần cho mình, cần cho
đất nước. Liên hệ tới ngày nay, chúng ta thấy có một điều đơn giản là nếu
bản thân chúng ta chỉ thụ động, không năng động để tìm đón thì khó có thể
nói đến việc “tiếp thu tinh hoa văn học thế giới”, vừa là quan điểm của Đảng

ta, vừa là công việc chúng ta đã và đang thực hiện, nhưng trong thực tế
chưa đạt được các kết quả mong muốn.
Trong thực tế, xác định “tinh hoa” cụ thể là gì thật không phải dễ.
Trước đây, trong mấy thập kỷ lý luận văn học của Việt Nam chịu sự tác
động duy nhất và trực tiếp của Liên Xô thì “tinh hoa” là gì đương nhiên là
quá rõ ràng. Nhưng tình hình như hiện nay, hiểu những gì được gọi là “tinh
hoa” thật khó khăn. Bởi, hiện nay, việc giới thiệu nghiên cứu tư tưởng học
thuật nước ngoài tuy đã có khởi sắc, đã có những gợi ý phần nào cho lý
luận phê bình nước nhà, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Chỉ cần
so sánh với nước láng giềng Trung Quốc chúng ta có thể thấy rõ điều đó.
“Trong một thời gian ngắn, hầu hết các tác phẩm nổi tiếng, các nhà văn lớn,
các trào lưu sáng tác, trường phái lý luận, trào lưu triết học lớn của phương
Tây gần 100 năm qua đều được dịch và giới thiệu ở Trung Quốc”(4). Giáo
sư Hồng Tử Thành (Đại học Bắc Kinh) trong bài Hoàn cảnh văn học những
năm 80 cũng đã cung cấp thông tin về những cuốn sách được xuất bản một
cách có hệ thống như: Tùng thư văn học nước ngoài thế kỉ XX, Tùng thư
văn học nổi tiếng nước ngoài, Tư liệu nghiên cứu văn học nước ngoài,
Chuyên tập về các trường phái v.v Hầu như các quan điểm học thuật của
nước ngoài đều được giới thiệu: Phân tâm học Freud, Hiện tượng học, Chủ
nghĩa hình thức Nga, Chủ nghĩa cấu trúc, Phê bình Mới, Ký hiệu học, Phê
bình hiện sinh, Chủ nghĩa hậu cấu trúc Đặc biệt, giáo sư cho biết: “bộ
Dịch thuật lý luận văn nghệ hiện đại nước ngoài và Kho văn học thuật do
Tam liên thư điếm Bắc Kinh xuất bản là bộ tùng thư phiên dịch học thuật có
ảnh hưởng nhất đối với giới văn học những năm 80-90”(5).
Như thế để thấy việc giới thiệu, dịch thuật các tác phẩm học thuật
nước ngoài ở Việt Nam còn chưa được bao nhiêu. Cần phải mở nhiều ô
cửa ra thế giới, tham khảo kinh nghiệm, cùng lúc của nhiều nguồn, phải có
rất nhiều tư liệu, chúng ta mới có thể lựa chọn, xem những gì là “tinh hoa”
đích thực để tham khảo học tập và tránh những thất bại không đáng có.
Chúng ta đã từng nuôi tham vọng phê phán những học thuyết, những tư

tưởng chưa đúng. Nhưng trước hết phải đọc, phải hiểu rõ ngọn ngành rồi
mới phê phán, như vậy cả người phê và bị phê mới “tâm phục khẩu phục”./.

×