Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Về một vài chức năng của văn học docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (201.79 KB, 7 trang )

Về một vài chức năng
của văn học
Chuyện kể rằng, và nếu không thực thì cũng đã từng được lưu truyền,
một hôm Staline hỏi: “Thưa đức giáo hoàng, có bao nhiêu sư đoàn?”. Phần
tiếp của các sự kiện đã chứng tỏ rằng trong một vài trường hợp các sư
đoàn có vai trò quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Tồn tại những
quyền lực phi vật thể, không có ý nghĩa về mặt trọng lượng nhưng lại luôn
có sức nặng.
Chúng ta bị bao quanh bởi những quyền lực vô hình giống như một
học thuyết tôn giáo, những quyền lực không giới hạn ở cái mà chúng ta vẫn
gọi là giá trị tinh thần. Đó chính là một thứ quyền lực phi vật thể như của
những con số căn, mà quy luật của nó vượt qua hàng thế kỷ, qua các sắc
lệnh của Staline hay Giáo hoàng. Trong số những quy luật đó, đối với tôi
quan trọng hơn cả là quy luật của truyền thống văn học, nghĩa là tổng thể
các văn bản được loài người tạo ra không vì những mục đích thực dụng
(như ghi sổ kế toán, ghi chép các quy luật và công thức khoa học, ghi chép
các biên bản hội nghị hay cung cấp bảng giờ tàu chạy của ngành đường
sắt), mà đúng hơn là gratia sui (bởi tình yêu đối với văn bản văn học - tiếng
latin-ND.), bởi bản thân tình yêu của chính họ - người ta còn đọc vì thú vui,
vì nuôi dưỡng tinh thần, để mở rộng kiến văn, thậm chí là để giải sầu, mà
không phải là bắt buộc (ngoại trừ vì những lý do bắt buộc mang tính trường
quy).
Nói tóm lại, các đối tượng của văn học chỉ là phi vật thể một nửa, vì
chúng hoá thân thành các phương tiện thường được làm từ giấy. Nhưng
xưa kia, chúng hoá thân vào giọng kể của người kể lại truyền thuyết truyền
miệng, hay trên các tảng đá, và ngày nay chúng ta tranh cãi về tương lai
của những cuốn sách điện tử, những thứ có thể cho phép chúng ta đọc như
một thứ truyện danh ngôn (truyện vui) kiểu như Thần Khúc trên một màn
hình tinh thể lỏng. Tôi thích nói ngay rằng tôi không hề có ý định nói
về vexata quaestio (vấn đề rắc rối-tiếng latin- ND) của cuốn sách điện tử.
Tất nhiên tôi thuộc vào số những người thích đọc một cuốn tiểu thuyết hay


một bài thơ bằng tập giấy, mà tôi nhớ từng chút một và những quyẻn sách
có gấp góc, nhưng người ta nói với tôi rằng có một thế hệ những hacker (kẻ
tấn công máy tính-ND), những kẻ không bao giờ đọc một quyển sách trong
cuộc đời của mình, nay nhờ có sách điện tử (e-book) cũng lần đầu tiên đọc
và yêu thích Don Quichotte. Nhận được bao nhiêu cho trí tuệ của họ thì
cũng mất đi chừng ấy cho cái nhìn của họ. Nếu các thế hệ tương lai có
được một mối quan hệ tốt (cả tâm lý và thể chất) với sách điện tử, thì quyền
năng của Don Quichotte sẽ không thay đổi.
Vậy thứ của cải phi vật thể vốn là văn học có vai trò gì? Có lẽ chỉ cần
đáp, giống như tôi đã làm, rằng đó là một thứ của cải được tiêu thụ gratia
sui (bởi tình yêu đối với văn bản văn học - ND), và do đó mà nó chẳng phục
vụ gì cả. Nhưng một cái nhìn coi nhẹ sự thích thú văn chương có nguy cơ
biến văn học trở thành trò chạy bộ (jogging) hay trò chơi các ô chữ - cả hai
vốn đều phục vụ cho cái gì đó, sức khoẻ thân thể, hay giáo dục từ vựng.
Hôm nay, đieù tôi muốn là nói có một loạt các chức năng của văn học đối
với đời sống cá nhân của chúng ta và đời sống xã hội.
Văn học duy trì sự hoạt động của ngôn ngữ
Trước tiên văn học duy trì sự hoạt động của ngôn ngữ như một thứ di
sản tập thể. Ngôn ngữ, theo định nghĩa, đi tới nơi mà nó muốn, không một
sắc lệnh nào từ bên trên, của chính trị, từ Viện Hàn lâm có thể làm nó dừng
bước, và làm nó lệch hướng về những tình huống được coi là tối ưu.
Ngôn ngữ đi tới nơi mà nó muốn, song nó cũng nhạy cảm với những
gợi ý của văn học. Không có Dante, sẽ không có một ngôn ngữ Italia thống
nhất. Trong De vulgari eloquentia (Những bài hùng biện tầm thường - ND.),
ông phân tích và kết án các phương ngữ Italia khác nhau, và dự định tạo
nên một ngôn ngữ bình dân mới có tính thống nhất. Có lẽ không ai đánh
cược với một hành động kiêu ngạo như vậy, tuy nhiên với Thần khúc thì
ông đã giành được chiến thắng. Quả là để trở thành thứ ngôn ngữ được sử
dụng khắp nơi, cần tới vài thế kỷ cho ngôn ngữ bình dân của Dante, nhưng
nó đã tới đích bởi vì cộng đồng của những người tin vào văn học đã tiếp tục

theo mẫu hình này. Và nếu không có mẫu hình này, ý tưởng về một sự
thống nhất về chính trị có thể sẽ không bao giờ vạch ra được con đường
của mình. Chắc vì điều này mà Bossi
(1)
không nói một thứ tiếng nói phổ
thông quen thuộc.
Văn học, trong khi đóng góp vào việc tạo dựng ngôn ngữ đã tạo nên
một bản sắc và một cộng đồng. Tôi đã nói về Dante, nhưng sao không thử
nghĩ tới chuyện nền văn minh Hy lạp không có Homère, bản sắc Đức không
có việc dịch Kinh Thánh của Luther
(2)
, ngôn ngữ Nga không có Puskin, và
văn minh Ấn Độ không có những bản sử thi khởi đầu của mình.
Nhưng việc thực hành văn học cũng duy trì sự hoạt động ngôn ngữ
cá nhân của chúng ta. Hiện nay, nhiều người thấy chẳng hay ho gì sự xuất
hiện của một thứ ngôn ngữ tân-điện báo (néo-télégraphique) trong thư điện
tử và các văn bản mẫu của các máy tính xách tay, ở đó người ta tiến tới
viết anh yêu em với một chữ viết tắt (sigle); nhưng không bao giờ được
quên rằng bản thân những thanh niên trẻ này, người gửi những thông điệp
trong hình thức đánh máy mới, ít nhất phần nào, cũng chính là những
người chen chúc trong các giáo đường mới này của sách như các cửa
hàng sách mégastore(?). Ngay cả nếu như chỉ cho lật qua mà không mua,
thì họ cũng bước vào giao tiếp với những phong cách văn chương trí tuệ và
tinh luyện, mà cha ông của họ chắc chắn chưa bao giờ tiếp xúc.
Việc đọc các tác phẩm văn học buộc chúng ta thực hiện trung
thành và tôn trọng đối với sự tự do trong việc cắt nghĩa tác phẩm
Có một lối phê bình tà thuyết đầy hiểm nguy, tiêu biểu cho thời đại
của chúng ta, theo đó người ta có thể làm điều họ muốn từ một tác phẩm
văn chương, và đọc được ở đó mọi thứ mà xung năng không thể kiểm soát
nổi của chúng ta gợi ra. Không đúng. Các tác phẩm văn chương cho phép

ta tự do trong cắt nghĩa, bởi vì chúng giới thiệu cho chúng ta một diễn ngôn
nhiều mức độ đọc, và đặt chúng ta đối mặt trước sự mơ hồ của ngôn ngữ
và đời sống. Nhưng để đi xa hơn trong trò chơi này, theo đó mỗi thế hệ đọc
các tác phẩm văn chương theo cách khác nhau, cần phải được thúc đẩy
bởi một sự tôn trọng sâu sắc đối với điều mà ở nơi khác tôi gọi là ý định của
văn bản.
Một mặt, chúng ta có cảm tưởng rằng thế giới là một cuốn sách “đóng
kín” chỉ cho phép một cách đọc duy nhất, bởi vì nếu có một quy luật chi phối
lực hấp dẫn thiên thể, thì hoặc là quy luật đó chính xác, hoặc là nó sai;
tương tự như thế thì vũ trụ của một cuốn sách đối với chúng ta như một thế
giới mở. Nhưng hãy thử tiếp cận, một cách khách quan, một tác phẩm tự
sự và đối chiếu các giả thiết mà chúng ta có thể nói về tác phẩm ấy với
những giả thiết mà chúng ta phát biểu về thế giới. Về thế giới, chúng ta nói
rằng các quy luật của lực hấp dẫn vũ trụ là các quy luật được Newton phát
biểu, hoặc quả thực là Napoléon chết ở đảo Saint-Hélène ngày 5.5.1821.
Tuy nhiên, nếu có một trí tuệ mở, chúng ta vẫn luôn sẵn sàng xem xét lại
niềm tin của mình, vào cái ngày mà khoa học sẽ phát biểu một công thức
khác với các quy luật vũ trụ quan trọng, hay vào lúc mà một nhà sử học sẽ
tìm ra các tài liệu chưa công bố chứng minh rằng Napoléon chết trên một
con tầu của phái Bonaparte trong khi đang chạy trốn. Ngược lại, so với thế
giới của những quyển sách, các giả thuyết kiểu như Sherlock Holmes độc
thân, Cô bé quàng khăn đỏ bị sói ăn thịt nhưng lại được bác thợ săn cứu
thoát, Anna Karénina tự vẫn sẽ luôn là đúng đắn và sẽ không một ai có thể
bác bỏ. Không ai chối bỏ rằng Giê-su là con của Chúa Trời, một vài người
nghi ngờ sự tồn tại có tính lịch sử của ông ta, số khác ủng hộ niềm tin rằng
ông ta là Con đường, Sự thật, Cuộc sống, số khác nữa cuối cùng nghĩ rằng
Lễ Mixa còn cần diễn ra và dù ý kiến của chúng ta như thế nào đi nữa thì
cũng phải xử sự tôn trọng với những quan điểm này. Nhưng không ai sẽ xử
sự một cách tôn trọng với người khẳng định rằng Hamlet đã cưới Ophelia
hay Siêu nhân (Superman) không phải là Clark Kent

(3)
.
Các văn bản văn chương nói với chúng ta một cách rõ ràng những
điều mà chúng ta không bao giờ có thể đặt lại vấn đề lần nữa, nhưng khác
với thế giới bên ngoài, các văn bản ấy với một sự đảm bảo tuyệt đối báo
cho chúng ta biết, trong bản thân chúng, điều cần được coi là quan trọng và
điều mà chúng ta không thể coi như điểm xuất phát cho những cách cắt
nghĩa tự do.
Cuối chương 35 của Đỏ và Đen, chúng ta biết Julien Sorel tới Nhà
thờ, bắn vào bà de Rénal. Sau khi quan sát thấy tay của nhân vật run rẩy,
Stendhal cho chúng ta biết rằng Julien bắn phát đầu tiên và bắn trượt, rồi
anh ta bắn phát thứ hai và bà ta ngã xuống. Giờ hãy tưởng tượng người ta
khẳng định rằng cánh tay run rẩy, cũng như việc phát súng đầu tiên bắn
trượt vào không khí, chứng tỏ rằng Julien không tới Nhà thờ với một ý định
ban đầu giết người rõ ràng nhưng bị thúc đẩy bởi một xung năng mãnh liệt
không kiểm soát nổi. Theo cách cắt nghĩa này, người ta có thể tưởng tượng
một điều khác, Julien ngay từ đầu đã có ý định giết người nhưng đó là một
kẻ hèn nhát. Văn bản cho phép hai cách hiểu.
Hãy giả thiết rằng có ai đó tự hỏi xem viên đạn đầu tiên kết thúc ở
đâu. Câu hỏi thú vị cho những ai ưa thích Stendhal. Cũng tương tự như ai
ưa thích Joyce tới Dublin để tìm hiểu hiệu thuốc mà Bloom có lẽ đã mua
một chiếc bánh xà phòng nho nhỏ như một quả chanh (và để làm hài lòng
những người yêu thích này, hiệu thuốc đó quả là có tồn tại và đã lại bắt đầu
sản xuất những bánh xà phòng nho nhỏ), người ta có thể tưởng tượng rằng
những người hâm mộ Stendhal, tìm cách khám phá trong thế giới đó ngôi
nhà thờ Verrière, còn khảo sát tỉ mỉ từng cây cột để khám phá ra điểm
chạm của viên đạn. Có lẽ đó là một chương fanship(?) khá thú vị. Nhưng
bây giờ hãy giả thiết rằng một nhà phê bình muốn thiết lập ra một cách cắt
nghĩa của mình về số phận viên đạn bị lạc trong tác phẩm. Thời gian trôi đi,
đúng là không như thực, rồi cũng có thể ai đó căn cứ vào vị trí của bức thư

so với ống khói mà đọc Bức thư bị đánh cắp của Poe. Nhưng nếu Poe chỉ
một cách rõ ràng vị trí thích đáng của bức thư, thì Stendhal lại không quan
tâm tới viên đạn đầu tiên đó, và do vậy ông loại trừ nó ra khỏi số lượng các
thực thể hư cấu. Nếu bám sát văn bản của Stendhal, thì viên đạn này lạc
mất hẳn, và việc biết nó đi đâu hoàn toàn không quan trọng về mặt kể
chuyện. Ngược lại, cái điều không được nói ra của nhân vật Armance
(4)
về
chứng bất lực rất có thể của nhân vật chính lại thúc đẩy độc giả tới những
giả thiết đầy mãnh liệt để hoàn chỉnh câu chuyện không được kể ra, và
trongNhững vị hôn phu, một câu như “cô gái bất hạnh trả lời” không có
nghĩa tới mức là Gertrude gây ra tội lỗi của mình với Egidio, nhưng cái
quầng tối của các giả thiết ứng với độc giả đã tham gia vào sự hấp dẫn của
trang giấy có sự tỉnh lược đầy e lệ đó.
Trong phần đầu của Ba người lính ngự lâm, rõ ràng là D’Artagnan tới
Meung trên một con ngựa gầy gò xấu xí mười bốn tuổi, vào ngày thứ hai
đầu tiên của tháng tư 1625. Với một người đọc ưa tư duy logic, có thể xác
lập ngay đó là ngày 7.4. Một nét tinh tế cho trivia games (những trò chơi
tầm phào) giữa những điểm tinh tế tuyệt đối kiểu Dumas. Liệu người ta có
thể lập ra trên dữ liệu đó một siêu cắt nghĩa (sur-interpretation) của tiểu
thuyết? Tôi có thể nói là không, vì rằng các trang tiếp theo không hề cho
thấy sự quan trọng của dữ liệu này. Diễn biến của tiểu thuyết không coi
trọng việc D’Artagan tới nơi có đúng vào ngày thứ hai hay không, trong khi
đó quan trọng chính là phải vào tháng tư (hãy nhớ rằng để không chứng tỏ
cái dây đeo súng rực rỡ được thêu lên phía trước, Porthos đã mặc một
chiếc áo khoác dài bằng nhung màu đỏ sẫm dù thời tiết không đòi hỏi phải
như thế - sao cho người lính ngự lâm cần phải làm ra vẻ như bị sổ mũi).
Điều đó có thể xuất hiện ở nhiều chuyện hiển nhiên, những chuyện đó
(lại thường bị lãng quên) nói với chúng ta rằng thế giới của văn học cho
phép có các giả thiết không được nghi ngờ, và do vậy cung cấp cho ta một

mẫu hình, sự tưởng tượng nếu chúng ta muốn, về sự thật. Sự thật văn học
đó được phản ánh theo cái mà chúng ta nói là D’Artagnan bị thúc đẩy bởi
một tham vọng đồng tính luyến ái đối với Porthos, rằng Kẻ vô danh bị dẫn
dắt tới điều xấu xa bởi một mặc cảm Oeudipe không cưỡng lại nổi, hay
Panurge hành động như vậy là bởi sự căm thù việc chủ nghĩa tư bản đang
hình thành, chúng ta luôn đáp rằng, trong các văn bản được đối chiếu,
không thể tìm thấy bất cứ một sự khẳng định, một gợi ý, một lời bóng gió
cho phép chúng ta nhượng bộ cho các thử thách cắt nghĩa đó. Thế giới văn
học là một thế giới trong đó có thể làm các thử nghiệm để xác lập xem một
người đọc có khiếu hiện thực hay anh ta là miếng mồi cho chính những ảo
tưởng của mình.

×