Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975 ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (215.59 KB, 7 trang )

Yếu tố kì ảo trong truyện
ngắn Việt Nam sau 1975
1. Chung quanh khái niệm "Kỳ ảo"
Trong những năm gần đây, các nhà xuất bản liên tục in nhiều tuyển tập
truyện ngắn được lựa chọn dựa trên một tiêu chí chung là có sử dụng yếu tố ảo
trong sáng tác Truyện kỳ ảo thế giới (Nxb. Văn hóa, Hà Nội 1999), Truyện ngắn
kinh dị (Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1997), Truyện dị thường (Nxb. Văn hóa Thông
tin, 2002)
Bên cạnh thuật ngữ "Văn học kỳ ảo", chúng ta còn gặp các thuật ngữ như
"Truyện kinh dị", "Truyện quái dị", "Truyện ma", "Truyện ma quái", "Truyện
huyễn tưởng" và nhiều khi chúng chưa được phân biệt một cách rạch ròi. Ngô
Tự Lập trong bài giới thiệu tuyển tập Truyện kỳ ảo thế giới đã cho rằng những
thuật ngữ trên Nếu nghiên cứu kỹ sẽ thấy ít nhiều gần gũi với một thuật ngữ tiếng
Pháp là "Litérature fantasticque". Về phương diện từ ngữ, "fantasticque" có
nguồn gốc từ từ "fantasie", chỉ những tác phẩm mang tính phóng túng, không tuân
theo quy luật. Các nhà lãng mạn chủ nghĩa đã mở rộng nghĩa của từ này là "ảo, kỳ
ảo, tưởng tượng". Trong giới nghiên cứu văn học của Việt Nam cũng đã xuất hiện
một số thuật ngữ hay được sử dụng như "cái huyễn tưởng", "cái truyền kỳ" và
phần lớn đã thống nhất cách dịch "cái kỳ ảo" cho từ "fantasicque" và đi liền với nó
là khái niệm "văn học kỳ ảo".
Hầu như trong nền văn học của bất kỳ dân tộc nào cũng đều có một dòng
truyện kỳ ảo xuất hiện khá sớm, bắt nguồn từ những ảnh hưởng của nền văn học,
tín ngưỡng chung và riêng trong khu vực và cả những truyền thống folklore lâu
đời của đất nước mình. Ở Việt Nam, các câu chuyện có sử dụng yếu tố kỳ ảo từ
xưa đã trở thành niềm say mê của người đọc nhiều thế hệ. Nhà văn kể chuyện lạ,
dùng cái kỳ ảo, khác thường như những biện pháp nghệ thuật để phúng dụ răn đời
và cũng để hấp dẫn, lôi cuốn người đọc Không chỉ là những người dân lao động
lưu truyền trong dân gian những câu chuyện lạ hay chuyện ma đầy huyễn hoặc mà
các nhà trí thức thuộc tầng lớp trên cũng bị lôi cuốn vào việc sáng tác những tác
phẩm đầy hư ảo. Lê Thánh Tông với Bài ký một giấc mộng, Tinh chuột, Phạm
Đình Hổ với Mẹ ranh càn sát, Người nông phu ở An Mô, Sông Dùng, Lê Quý Đôn


vớiLong Uyên Đại Vương; Nguyễn Thượng Hiền với Minh hôn và đặc biệt là
Nguyễn Dữ với Truyền kỳ mạn lục
Trong những năm 1930-1945, những câu chuyện truyền kỳ của Nguyễn Dữ,
những câu chuyện ma, chuyện kỳ lạ của các nhà nho lại được các nhà văn hiện đại
tiếp nối. Các nhà văn ở các trường phái văn học khác nhau đều tham gia sáng tác
nhiều tác phẩm đậm yếu tố kỳ ảo. Một cây bút mơ màng như Thế Lữ cũng có Trại
Bồ Tùng Linh, Vàng và máu, lãng mạn "Tây học" như Nhất Linh cũng có Lan
rừng, Bóng người trong sương mù, trữ tình như Thanh Tịnh cũng có Am culi
xe, Làng Những cây bút hiện thực như Nam Cao cũng có truyện ngắn Nửa đêm,
Bùi Hiển có Chiều sương Các nhà văn ở thời kỳ này một mặt kế thừa truyền
thống từ những truyện truyền kỳ trong quá khứ nhưng mặt khác, bắt đầu tiếp xúc
với không khí của văn học kỳ ảo trên thế giới, đặc biệt là văn học phương Tây.
Đến nay, chung quanh khái niệm "kỳ ảo" và "văn học kỳ ảo" vẫn còn tồn tại
nhiều vấn đề gây tranh luận vì chính bản thân khái niệm này. Nhưng rõ ràng, trong
văn học Việt Namsau 1975, yếu tố kỳ ảo xuất hiện ngày càng nhiều và ở hầu hết
các thể loại nhưng nổi bật nhất ở truyện ngắn. Là một thể loại quan trọng, truyện
ngắn 1975-2000 thể hiện khả năng xông xáo, nhạy bén trước cuộc sống và đã đạt
được nhiều thành tựu quan trọng. Truyện ngắn là nơi có thể phát huy cao độ trí
tưởng tượng, dồn nén các sự kiện, nhanh chóng đi đến kết cục. Mạch truyện đưa
đến nhiều hấp dẫn, bất ngờ, thậm chí kinh ngạc cho người đọc. Với những mặt
mạnh đó, truyện ngắn viết theo lối kỳ ảo, sử dụng yếu tố ảo đã có những đóng góp
nhất định cho sự hưng thịnh của thể loại này trong hơn hai thập niên vừa qua. Bởi,
yếu tố kỳ ảo đã chi phối đến các thành tố khác của kết cấu tác phẩm như không
gian, thời gian nghệ thuật, nhân vật, tình huống truyện Trong khuôn khổ bài viết
nhỏ này, chúng tôi muốn được trình bày vai trò quan trọng của yếu tố kỳ ảo đối
với việc xây dựng tình huống truyện ngắn.
2. Yếu tố kỳ ảo trong mối quan hệ với tình huống truyện
Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng nhấn mạnh: "Tình huống, đó là sự tác
động qua lại giữa con người và hoàn cảnh. Những nhà văn có tài là những người
giỏi tạo ra những tình thế xảy ra truyện vừa rất cá biệt, vừa mang tính phổ biến

hoặc tượng trưng ".
Có thể nói, sáng tạo tình huống (hay còn gọi là tình thế - situation) luôn
được coi là khâu then chốt của sáng tác truyện ngắn. Từ người nghiên cứu đến
người sáng tác đều thừa nhận vai trò quan trọng của tình huống đối với sự thành
công của truyện ngắn. Tình huống là những thời khắc tiêu biểu (có người gọi là
khoảnh khắc, chốc lát ) trong cuộc sống của con người. Tại thời khắc đó, nó đã
bộc lộ cái bản chất trong quan hệ giữa các tính cách, giữa nhân vật với hoàn cảnh
và thể hiện sâu sắc chủ đề của tác phẩm.
Trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975, sự xuất hiện của yếu tố kỳ ảo đã góp
phần tạo ra những phương diện mới trong tình huống truyện: tình huống kỳ lạ, ma
quái; tình huống ngẫu nhiên, đột biến; tình huống căng thẳng, kịch tính
Tính chất kỳ lạ, ma quái là một trong những đặc điểm khá nổi bật của tình
huống trong các truyện kỳ ảo. Ở nhiều tác phẩm, tình huống truyện rất khác
thường. Một người đàn ông choàng tỉnh lúc nửa đêm về sáng, thấy bông hoa đại
trắng trên tờ lịch "Ai đó tặng vào chiều tất niên" đã biến mất, "Chỉ còn lại hình hài
của nó đen mờ hư ảo" (Hoa đại trắng- Đức Ban). Sự biến mất lạ lùng của bông
hoa đại đã đánh thức quá khứ mà người đàn ông bội bạc với vợ để chạy theo một
cô gái trẻ đẹp. Thời khắc anh ta nhận ra sự biến mất ấy cũng là lúc người vợ cũ lên
cõi Niết Bàn. Hoa đại trắng thể hiện sự lặng thầm và nghiêm khắc để nhân vật
phải tự nhìn nhận lại chính bản thân mình với tất cả sự ăn năn sám hối. Tình
huống trong truyện Hoa lạ của Nguyễn Đình Bổn lại là sự xuất hiện của một giò
lan, với hương thơm ngào ngạt quyến rũ. Cành hoa đó là sự hiện thân của cô thư
ký bất hạnh nhập hồn vào đó để trả thù ông chủ, kẻ đã giết mình. Truyện ngắn Tim
vỡ của nhà văn Võ Thị Hảo, kể về sự tích về một loài hoa "Bé nhỏ, màu hồng,
mang hình trái tim vỡ". Nhà văn đã dựng nên một tình huống khác lạ: bức tượng
gỗ biến thành người đẹp. Cả ba người đàn ông tạo nên người đẹp đều muốn có
được nàng và liên tục đòi quyền sở hữu của họ. Nhưng khi cô gái tự hủy hoại nhan
sắc lộng lẫy của mình, tất cả đều quay lưng và lìa bỏ cô.
Khai thác yếu tố kỳ lạ và hư ảo, nhiều nhà văn đã sử dụng những giấc mơ
trong tạo dựng tình huống truyện. Tác giả Lã Thanh Tùng trong Giấc mộng tâm

giao đã để cho nhân vật Tiệm bước vào một giấc mơ và có buổi trò chuyện với
một người lạ mặt. Nhưng sau này, anh ta biết rằng người đó đã chết. Truyện như
là một cuộc tranh luận về ý nghĩa của thời gian trong sự sinh tồn của con người từ
những chỗ đứng và thân phận khác nhau. Nhân vật trong Chuyến tàu tuổi
thơ (Nguyễn Thị Châu Giang) đã gặp gỡ chú bé "bán vé đi tuổi thơ" trong khi ngủ
thiếp đi ở ga tàu. Giấc mơ chính là hành trình nhân vật trở về thời thơ ấu của
mình. Trên chuyến tàu ấy, những trang đời của anh ta được lần giở lại với những
trò chơi thuở nhỏ, những khung cảnh thanh bình, những người thân đã mất, gia
đình, niềm vui và nỗi bất hạnh Cũng trên chuyến tàu này, nhân vật tìm được câu
trả lời cho cảnh ngộ lang thang, đơn độc của mình trong hiện tại.
Tính chất kỳ lạ hư ảo của tình huống truyện nhiều khi được các nhà văn tô
đậm đến mức ma quái, dị kỳ. Những cuộc gặp gỡ giữa người và ma là tình huống
của khá nhiều tác phẩm. Cô gái lạ xuất hiện trong đêm cuối tiết thanh minh để trò
chuyện và đàm đạo thơ văn với chàng nho sinh nghèo Ngô Hoàng, chính là hiện
thân của con bướm trắng (Bướm trắng - Ngô Văn Phú). Con người không chỉ gặp
và trò chuyện mà còn có tình yêu sâu nặng với ma (Cặp bồ với ma - Ngô Văn
Phú). Cũng có lúc, câu chuyện đã xảy ra ở cõi âm. Đó là chuyện hai con ma trò
chuyện với nhau trong Đối thoại (Trần Trung Hiệp)
Nhập vào các tình huống truyện kỳ lạ ấy, người đọc rất khó khăn trong việc
giải thích thực hư. Đốm lửa trong đêm tối trên kênh rạch và giấc mơ lạ lùng hay
hồn thiêng của anh bộ đội đã dẫn giắt cứu hai cô du kích khỏi vòng vây của giặc?
(Đốm lửa - Nguyễn Thị Minh Thúy).
Chúng tôi cho rằng trong văn học đương đại Việt Nam, Nguyễn Huy Thiệp
là nhà văn đã có nhiều thành công trong sự sáng tạo "cái kỳ ảo" qua một loạt
truyện ngắn xuất sắc của ông. Chính nhà văn khẳng định: ''Văn học là một thế giới
hoang tưởng của người viết Trong văn học, thế giới hoang tưởng nhà văn dựng
nên có thể như thực, giống thực, khác thực, siêu thực"
(1)
.
Khi tiếp cận truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi nhận thấy, "cái kỳ

ảo" được nhà văn sử dụng để tái tạo hiện thực có liên quan đến khái niệm "gián
cách nghệ thuật". "Gián cách nghệ thuật" là một phương pháp do nhà soạn kịch
Đức Bertolt Brecht sáng tạo ra. Cốt lõi của phương pháp này là biến sự vật quen
thuộc, thông thường thành xa lạ, kỳ quái để người ta hiểu rõ sự vật ấy hơn.
Nếu có thể nói thì "cái kỳ ảo" trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có
những "xiêm áo" sặc sỡ từ huyền thoại, truyền kỳ, giả cổ tích. Có loại huyền thoại
hiện đại như Huyền thoại phố phường, Tướng về hưu, Con gái thủy thần. Có loại
"giả cổ tích" như Những ngọn gió Hua - Tát (gồm mười truyện: Trái tim hổ, Con
thú lớn nhất, Nàng Bua, Tiệc xòe vui nhất, Sói trả thù, Đất quen, Chiếc tù và bị bỏ
quên, Sạ, Nạn dịch, Nàng Sinh). Ngay những truyện được viết gần đây nhất của
Nguyễn Huy Thiệp cũng mang tính chất "huyền thoại hiện đại" - như Quan Âm chỉ
lộ (2005).
Nhà văn tạo ra một tình huống truyện rất bình thường - pho tượng Quan Âm
chỉ lộ bị đánh cắp, rồi tìm lại được. "Tôi cẩn thận đặt bức tượng lên trên bàn thờ.
Trên khuôn mặt Quan Thế Âm Bồ Tát hình như có một giọt nước mắt trong veo lăn
xuống khóc cho số phận trớ trêu của mỗi con người".
Trong truyện Sang sông, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra một tình huống có ý
nghĩa tượng trưng, đậm chất kỳ ảo. "Chú bé đút tay vào trong miệng bình. Thiếu
phụ hốt hoảng.
- Này con! Khéo không rút tay được ra thì khốn!
Có lẽ lời nhắc nhủ của thiếu phụ chính là lời của tạo hóa, ở đấy chứa cả nỗi
căm uất quá khứ
Chú bé loay hoay. Hình như miệng của chiếc bình bé lại. Chú bé mếu máo
( ). Mọi người trong đò rối rít cả lên. Chú bé không sao rút tay ra được miệng
bình". Kết truyện này, chỉ có một người không "sang sông" - đó là nhà sư vì
"Không sao! Muốn đi là được. Ngày xưa đức Bồ Đề Lạt Ma còn sang sông trên cả
một cọng cỏ cơ mà".
Sang sông, có thể nói là truyện tiêu biểu của Nguyễn Huy Thiệp đã đưa "cái
kỳ ảo" trở thành như một phương thức tái hiện đời sống trong dạng "khác thực",
"siêu thực".

"Cái kỳ ảo" trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, theo chúng tôi, có liên
quan đến cái chất, cái "tạng" nhà văn. Mặc dù, nhà phê bình Vương Trí Nhàn
trong bài Tưởng tượng về Nguyễn Huy Thiệp nghĩ rằng, nhà văn này có một vẻ
“nhàu nát" (nhàu nát, tê dại để rồi trở nên hung hãn, táo tợn). Nhưng bắt được cái
thần "Nguyễn Huy Thiệp" lại chính là nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu khi viết Đi
tìm Nguyễn Huy Thiệp (Tên bài viết này được dùng làm tên một cuốn sách do nhà
phê bình Phạm Xuân Nguyên biên soạn)
(2)
: "Anh Thiệp tiếp chúng tôi dưới tượng
Phật. Vẫn nụ cười hiền lành. Đôi khi, con mắt anh lóng lánh sáng và sắc hẳn lên,
như có một ngọn gió Hua Tát thổi qua, hoang vắng và man rợ, và đầy tình người.
Tôi nghĩ đến những dòng sông huyền thoại, đến bến Cóc, bến Tầm Xuân thơ ca
và bí ẩn".
Hãy để ý đến: "dưới tượng Phật", "ngọn gió Hua Tát thổi qua", "hoang vắng
và man rợ", "dòng sông huyền thoại", "thơ ca và bí ẩn" Tất cả những thành tố đó
tạo nên cái "tạng" văn Nguyễn Huy Thiệp, làm cho người đọc nửa tin nửa ngờ vào
những câu chuyện mà nhà văn tạo dựng. Nhà văn khi viết, dường như đã có ý đồ
"các bạn đọc tin thì tin, không tin thì thôi".
Những câu hỏi luôn đặt ra với người đọc khi tình huống truyện tạo ra hoàn
toàn mang tính chất ngẫu nhiên, đột biến. Trong truyện Người con gái thủy thần,
mẹ Cả đến và đi vào những thời gian và địa điểm khác nhau, trong rất nhiều hình
hài. Khi dưới dạng cô bé 12 tuổi trên bãi mía ven sông trong một đêm trăng sáng,
lúc trong hình ảnh người con gái của ông trùm xứ đạo Thiên Chúa, khi là cô thiếu
nữ Mường Hòa Bình ở chốn thị thành Một người đàn ông từ lúc bé thơ đến lúc
trưởng thành, từ hồn nhiên đến ngây thơ già cỗi, mệt mỏi, luôn ao ước tìm được
"người con gái thủy thần" nhưng chỉ gặp được những mảnh của nàng vào những
thời khắc ít ngờ tới nhất.
Sự xuất hiện bất ngờ của cái "ảo" trong một thế giới được điều hành bởi các
quy luật của hiện thực cũng sẽ tạo nên tính chất căng thẳng, kịch tính trong tình
huống truyện. Khi người con trai đem về nhà một bộ xương lính Tây đen, điều gì

sẽ đến với cái gia đình luôn thèm khát đồng tiền? Kết cục nào xứng đáng cho
những kẻ vì tiền mà dẫm đạp lên đạo lý, tình người? (Anh lính Tony Đ - Lê Minh
Khuê). Phát hiện ra manh mối của con chuột chúa, nguyên nhân gây nên mùa
màng thất bát, liệu ông Lẫm Cùi có tiêu diệt được nó? (Con chuột lông vàng -
Nguyễn Quang Thiều)? Cô bé nhỏ làm vật tế thần rừng có chiến thắng được
những "ông hổ" để trở về với cuộc đời không? (Con hổ mun - Đặng Thư Cưu).
Người đọc tò mò, cuốn theo những tình thế gay cấn của câu chuyện, chờ đợi,
mong biết kết cục cuối cùng.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, trong nhiều truyện ngắn đương đại, cái
kỳ ảo đóng vai trò như một tình huống quan trọng đối với sự chuyển biến của cốt
truyện. Nó gắn kết các nhân vật cùng tham gia một sự kiện, biến cố có ý nghĩa nào
đó, góp phần bộc lộ quan hệ và tính cách các nhân vật hoặc thể hiện chủ đề tư
tưởng của tác phẩm. Qua những khảo sát sơ bộ ở trên đã phần nào cho thấy sức
hấp dẫn từ các tình huống truyện kỳ ảo hiện đại, do vậy, không hề thua kém những
tác phẩm truyền kỳ hay tiểu thuyết chương hồi trung đại. Và một điều không kém
phần quan trọng nữa là cái kỳ ảo đã xây dựng được những tình huống truyện mang
hơi thở của những tác phẩm dân gian, nhờ thế đã tạo nên sự gần gũi với tập quán
thưởng thức văn học nghệ thuật của người Việt Nam

×