Thơ ca Tày hiện đại qua một
số gương mặt tiêu biểu
Đất nước Việt Nam bao gồm 54 dân tộc, hài hòa đan xen như những sợi
chỉ màu trên một tấm dệt thổ cẩm. Ở đó có hàng ngàn, hàng vạn thành tố văn hóa
của mỗi dân tộc, đó là lịch sử, ngôn ngữ, hoạt động kinh tế, các phong tục tập
quán về ăn, ở, trang phục, quan hệ xã hội, tục lệ cưới xin, ma chay, thờ cúng, văn
nghệ, trò chơi… Các tộc người Việt Nam đều có chung một cơ tầng văn hóa cổ
đại, nói như nhà nghiên cứu Tô Ngọc Thanh thì “dẫu cho văn hóa không thể vạch
thành ranh giới như lãnh thổ hành chính, thì vẫn cứ phải nói đến một miền đất cụ
thể, nơi con người sinh sống và sáng tạo”
(1)
.
Dân tộc Tày có dòng văn học bác học xuất hiện từ rất sớm, tiêu biểu hơn
cả là tác giả Lê Thế Khanh (389-460), bên cạnh những sáng tác bằng chữ Hán,
ông đã tiếp tục chỉnh sửa âm chữ Nôm Tày đã có từ trước đó cho hoàn hảo hơn.
Ngoài ra, người Tày còn tự hào vì nhiều tên tuổi khác như Nông Quỳnh Vân
(1565-1640), Bế Hữu Cung (1757-1820), Hoàng Ích Viêng (1890-1945) Văn
học Tày đã vượt qua dân gian truyền khẩu từ rất lâu, thể hiện rõ ý thức về dân
tộc của giới trí thức Tày xưa Tính đa dạng của văn hóa Việt Nam bắt nguồn từ
cơ cấu đa tộc người và đa nguồn văn hóa. Những điều kiện lịch sử xã hội trong
suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước là cơ sở cho quá trình vận động nội
sinh của văn hóa các tộc người Việt Nam. Từ đầu thế kỷ XX, văn học Tày một
mặt phát huy truyền thống, mặt khác chịu ảnh hưởng của văn học miền xuôi, đã
dần ghi dấu sự trưởng thành của nhiều gương mặt như: Hoàng Văn Thụ (1906-
1944), Nông Quốc Chấn (1923-2002), Nông Minh Châu (1924-1979), tiếp theo
đó là Triều Ân, Vi Thị Kim Bình, Ma Trường Nguyên, Y Phương, Mai Liễu,
Triệu Lam Châu, Đoàn Ngọc Minh, Triệu Thị Mai, Đoàn Lư, Dương Thuấn,
Nông Thị Ngọc Hòa, Vi Thùy Linh… Điểm qua một số gương mặt tiêu biểu của
từng giai đoạn để thấy quá trình tiến triển của văn học Tày, những thành tựu
cũng như sự ảnh hưởng, tác động tới văn học các dân tộc khác.
Tiêu biểu cho văn học Tày thời kỳ chống Pháp phải kể đến nhà thơ Nông
Quốc Chấn (1923-2002). Ông đã từng tham gia Mặt trận Việt Minh và tham
gia du kích và giải phóng quân trước tháng 8 năm 1945. Sau khi Cách mạng
tháng Tám thành công, ông vẫn tiếp tục hoạt động trong Mặt trận Việt Minh bắt
đầu hoạt động văn hóa văn nghệ.
Là người dân tộc thiểu số đầu tiên "mang hơi thở núi rừng Tây Bắc vào thi
ca", Nông Quốc Chấn được xem là “cánh chim đầu đàn của những người làm văn
học cách mạng của các dân tộc thiểu số” (Tô Hoài). Ông cũng là một trong số ít
người dịch thơ văn từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc (tác phẩm Mười điều kháng
chiến). Các tác phẩm của ông có thể kể đến: thơ tiếng Việt (4 tập): Tiếng ca
người Việt Bắc (1959), Dòng Thác, Bài thơ Pác Bó (1971), Suối và
biển (1984); thơ tiếng Tày (6 tập): Việt Bắc đánh giặc, Dọn về làng, Đi Berlin
về, Tiếng lượn cần Việt Bắc, Cần Phja Bjoóc, Dám kha Pác Bó (Bước chân Pác
Bó) và 3 tập tiểu luận - phê bình có giá trị cao.
Nhắc đến Nông Quốc Chấn, người đọc sẽ nhớ ngay đến hai bài thơ Bộ đội
Ông Cụ và Dọn về làng (được giải thưởng ở Ðại hội Thanh niên, sinh viên thế
giới Berlin 1951). Thơ Nông Quốc Chấn đã đặt một dấu mốc lịch sử quan trọng,
đưa thơ ca dân tộc Tày sang một giai đoạn mới, bước vào quỹ đạo hiện đại của
nền thơ Việt Nam. Cuộc sống bề bộn, lớn lao và những tháng ngày chiến đấu
gian khổ, hào hùng mà bình dị đã bồi đắp, nuôi dưỡng cho hồn thơ ông đậm chất
núi rừng, niềm tự hào và thiết tha yêu cuộc sống. Nó giản dị, ấm áp, hồn nhiên
như chính những câu chuyện của người Tày: Kỳ lưng cho nhau, nói chuyện thơ,
trăng lên gọi hai người hay âm điệu bay bổng, tinh tế: Khi nghe gió thổi qua
Phja Bjoóc/ Em biết mùa thu đã hết rồi…
Thơ Nông Quốc Chấn thiên về tự sự nhưng qua các chi tiết của câu chuyện
thơ lại toát lên tính trữ tình đằm thắm. Ông viết giản dị mà sâu sắc, nhẹ nhàng
mà sôi nổi, nồng nàn. Qua thơ Nông Quốc Chấn, độc giả phát hiện ra những điều
thú vị, thấy cái nhìn ngạc nhiên trước những sự vật, sự việc thân thuộc. Đặc điểm
này của thơ Nông Quốc Chấn được nhà thơ Lò Ngân Sủn (dân tộc Giáy) tiếp thu
ở giai đoạn sau. Nông Quốc Chấn biết phát hiện những yếu tố mới lạ bằng một
cái nhìn lạ hóa mang vẻ hồn nhiên, khỏe khoắn, vui tươi của người miền núi, của
dân tộc Tày quê ông:
Hôm nay Cao Bắc Lạng cười vang
Dọn lán, rời rừng, người xuống làng
Người nói cỏ lay trong ruộng rậm
Con cày mẹ phát ruộng ta quang ".
Những biến đổi lớn lao của bản làng và con người quê hương đã có những
ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và tình cảm của ông. Trong bài thơ Nhớ (năm 1967,
đã được phổ nhạc), Nông Quốc Chấn khẳng định một quyết tâm, tin tưởng hết
sức chân thành:
Ai nhớ cứ nhớ
Ai đi cứ đi
Chiến trường súng nổ
Hết giặc lại về.
Bên cạnh việc giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, Nông Quốc Chấn luôn
tìm tòi và học theo những đổi mới thơ miền xuôi. Ông say mê nghiên cứu, luôn
trăn trở với vấn đề sáng tác của văn học dân tộc thiểu số. Từ những năm 60 trở
đi, thơ Nông Quốc Chấn có nhiều thay đổi nhưng điều quan trọng là ông ý thức
rất rõ rằng bản sắc dân tộc không mâu thuẫn với việc mở rộng đề tài, chủ đề, thủ
pháp diễn đạt Và thực sự Nông Quốc Chấn không chỉ là nhà thơ của đồng bào
Tày, Việt Bắc mà cả nước đã biết đến và yêu mến thơ ông.Nông Quốc Chấn là
người mở đường, là người để lại dấu ấn sâu đậm khó thể quên, không chỉ với văn
học các dân tộc thiểu số hiện đại nói riêng mà có vị trí vững chắc trong tiến trình
văn học cách mạng Việt Nam. Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 2 - năm 2000) là
một ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của Nông Quốc Chấn.
Bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, gương mặt thơ Tày tiêu biểu
phải kể đến là Y Phương (sinh năm 1948) với các tác phẩm: Người núi
Hoa (kịch nói, 1982), Tiếng hát tháng Giêng (thơ, 1986), Lửa hồng một góc
trời (thơ in chung, 1987), Lời chúc (thơ, 1991), Đàn then (thơ, 1996), Chín
tháng (trường ca, 2000), Thơ Y Phương (tuyển tập thơ, 2002). Thơ Y Phương có
sự từng trải trong cuộc sống, với cách diễn tả hồn nhiên mà sâu lắng, các đề tài
rộng mở, “có đồng bằng và biển, có phố phường sầm uất thị thành” nhưng đậm
nhất, nhiều nhất và hay nhất vẫn là hình ảnh cuộc chiến đấu anh dũng và cuộc
sống vùng cao bình dị. Thơ Y Phương nặng lòng với đất nước, quê hương. Đó là
điểm xuất phát để ra đi, cũng là điểm tìm về, sống hết mình và khẳng định giá trị
nhân cách con người: Bàn chân từng đạp bằng đá sắc/ Trở về làng bập bẹ bước
đầu tiên.
Y Phương bắt đầu tuổi trẻ mình bằng cuộc đời một người lính và bắt đầu
đời thơ của mình bằng những bài thơ đánh giặc dung dị. Càng về giai đoạn sau,
sáng tác của ông càng thể hiện chiều sâu và sự chín chắn hiếm có. Đọc thơ Y
Phương, người đọc thấy được ý thức rất rõ về từng chặng đường đã đi qua, đã
sống, đã yêu thương và trang trải những món nợ với quê hương mình, ông bộc
bạch những trải nghiệm gan ruột của mình với đứa con:
Ta như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh không kêu cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương…
Thơ ông đã chạm đến nhiều vấn đề, đó là những xúc cảm, những suy tư,
nhiều nỗi buồn, cuối cùng vẫn là mơ ước: Bao giờ yên như hồ/ Tĩnh lặng như hồ/
Đầy đặn như hồ/ Ăn ở như hồ… Y Phương rất tinh tế trong việc diễn tả những
tình cảm giản dị mà qua đó bộc lộ chiều sâu nhân bản, cũng với một cách viết
hiện đại, thông minh. Cả khi ông nói về tình mẫu tử hay tình yêu, nó cũng gắn
với quê hương, đất nước, bộc lộ cái bề sâu và tầm nhìn nhân loại. Ông viết rất
hay về hình ảnh người phụ nữ, đậm chất vùng cao và qua đó chứa đựng những
ưu ái đặc biệt. Thơ Y Phương thường bắt đầu là kể, kể bằng giọng rất nhẹ, nỗi
buồn tưởng thoáng qua hay mơ hồ, nhưng ẩn sau đó là những gửi gắm sâu xa.
Trong những bài thơ về tình yêu như Phố xưa, Lá vàng bay lại bay, Ngọn đèn
đường mùa đông, Nón mùa thu, Người dưng, Mùa hoa, Mát rượi cây đàn, Mùa
hè, Em - cơn mưa rào - ngọn lửa, Tên em dòng sông, Người đi không mang áo
bông… có những câu rất hay, tinh tế và thể hiện phong cách tư duy gợi hình của
Y Phương rõ nét: Hiu hiu gió rồi/ Tôi lại nhớ một người/ Ngày ấy/ Tóc đuôi sam/
Vắt dài/ Trời ngát xanh/ Rừng ngát thơm/ Con đường bỗng dưng quanh/ Bỗng
dưng quành/ Bỗng dưng co mình trên núi vắng… Nhà thơ lấy vẻ đẹp của người
con gái, của mái tóc dài làm tâm điểm, mái tóc ấy rất dài, dài đến nỗi khiến trời
bỗng dưng xanh, rừng bỗng dưng thơm, “con đường bỗng dưng quanh”… Vẻ đẹp
đã “cảm hoá”, tác động và làm thay đổi cả đất trời, tạo vật, và để cho con người,
dù đã bao thăng trầm biến đổi vẫn nguyên những cảm xúc buổi đầu gặp gỡ.
Y Phương của những ngày đầu làm thơ mộc mạc và đậm chất miền núi hồn
nhiên. Những giai đoạn sau này, thơ Y Phương ngày càng chứng tỏ sự điêu luyện
trong bút pháp, tầm triết luận sâu sắc trong nhận thức, trong từng vấn đề thể
hiện. Cái chất miền núi, chất Tày không mất đi mà kết hợp hài hòa với lối tư duy
hiện đại. Có lẽ Y Phương là nhà thơ đặc biệt giỏi sử dụng từ láy, cách viết rất tài
tình của ông: Cỏ lấp lánh/ Khe khẽ ướt…; Nơi có mặt trăng mặt trời nhịp
nhàng rơi; Mỗi khi hát đầm đìa nước mắt/ Thương cho dân tộc mình lao đao bốn
mặt/ Những phương trời lửa tắt lại bùng lên… Đặc biệt, Y Phương có những vần
thơ lục bát được viết một cách chững chạc, thuần thục: Dòng sông khi trắng khi
xanh/ Tên em là bến cho anh gọi đò/ Tên em trĩu một câu hò/ Cất lên lại lắng
chẳng dò được đâu…
Thơ Y Phương bình dị, chân chất, hồn nhiên, lặng lẽ, cứ “nhẩn nha” mà
bùng nổ, mà đắm say, nhiệt thành như chính cuộc đời ông, con người ông. Với Y
Phương, cái chất trí tuệ và thấm đẫm chất triết lý làm cho thơ ông có một giọng
điệu riêng, đó là cách nói của những trầm tư, suy ngẫm, trải nghiệm: Đất nước/
Sinh ra từ ngực người đàn bà/ Sau đó sinh ra làng quê xóm mạc/ Sinh ra tình yêu
sinh ra bi kịch/ Sinh ra trí khôn đánh giặc chống trời/ Sinh ra Khan/ Khắp/ Cọi
Với hai mảng đề tài là tình yêu quê hương và chiến tranh, cùng cách viết
với ngôn từ tạo hình gây bất ngờ, lối nói giàu nhạc điệu - thứ âm thanh của núi
rừng, bản nhạc cất lên từ tình yêu cuộc sống và niềm tự hào tha thiết, Y Phương
khẳng định một giọng điệu riêng, hài hòa lối nghĩ, lối nói của dân tộc Tày với
khả năng biểu cảm của tiếng Việt. Và có lẽ, “cái chất thơ ngọt ngào chắt ra từ
tâm hồn Y Phương, đúng hơn là nó tự trào ra khỏi tâm hồn ông, lại được nấu từ
thứ men đắng của cuộc đời ông”
(2)
để làm nên những vần thơ mát lành “như sông
như suối”…
Trong đội ngũ những nhà thơ dân tộc thế hệ thứ ba, một gương mặt đã và
đang hứa hẹn những thành công, đó là Dương Thuấn (sinh năm 1959). Các tác
phẩm của anh gồm: 12 tập thơ tiếng Việt: Cưỡi ngựa đi săn (1991), Đi tìm bóng
núi (1993), Đi ngược mặt trời (1995), Bà lão và chích chòe (1997), Hát với sông
Năng (2001), Mười bảy khúc đảo ca (2002), Đêm bên sông yên lặng (2004), Thơ
với tuổi thơ (2005), Chia trứng công (2006) và ba tập thơ tiếng Tày: Lục pjạ hết
lúa (1995), Trăng Mã Pí lèng (2002),Slíp nhỉ tua khoăn (2002). Dương Thuấn
từng nói: “Người nghệ sĩ sẽ có tội lớn với dân tộc mình nếu không nắm bắt được
hồn của dân tộc mình, đem bó đuốc của hồn dân tộc mình góp phần thắp sáng
thêm hồn nhân loại”
(3)
. Có lẽ vì thế mà trong thơ của anh luôn thấy được thái độ
trân trọng, sự nâng niu, bảo tồn truyền thống. Là người con của xứ Tày - Bắc
Kạn, những vần thơ của nhà thơ Dương Thuấn luôn mang đậm hơi thở cuộc sống
vùng cao từ khung cảnh thiên nhiên, đời sống sinh hoạt đến tâm hồn, nếp suy
nghĩ của con người qua giọng thơ bình dị, đầy sức lôi cuốn, đặc biệt ở cách sử
dụng ngôn từ ví von, so sánh đầy tính trực cảm và rất giàu biểu tượng - nét đặc
trưng trong tư duy người dân tộc thiểu số.
Những bài thơ của Dương Thuấn tựa như những khúc ca, những chất liệu
để có thể hát thành lượn cọi, lượn nàng ới, hay theo điệu phong slư. Dù hạ sơn
về phố từ lâu nhưng Dương Thuấn vẫn không đánh mất chất Tày, chất núi rừng
trong con người mình, anh vẫn là chàng trai của núi, “hát những lời cho quả sai”,
vẫn khát khao đi tìm bóng núi, vẫn mơ ước một chân trời. Anh đến với hiện đại
từ truyền thống, từ bản sắc Tày, chất Tày đã ngấm vào anh và trở thành máu thịt.
Nhà ta ở trên núi
Nhà có đông anh em
Nay rời về thành phố
Lắm người lạ không quen
Em ơi ta ở đâu
Là bản ta ở đó.
Từ miền quê Bắc Kạn đãi cát lấy vàng/Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh, anh
hát những bài ca về lao động, về vẻ đẹp thiên nhiên, con người, phong tục, hội
hè, về tình yêu gái trai, tình yêu làng bản, quê hương, đất nước. Vũ Nho cho
rằng: “Thơ Dương Thuấn đã phản ánh, đã lưu giữ những nét đẹp trong đời sống
văn hóa, tinh thần của dân tộc Tày, của những dân tộc anh em trên vùng cao Việt
Bắc”
(4)
.
Ở mảng thơ dành cho thiếu nhi, người đọc luôn bất ngờ vì cách viết rất
trong sáng, đáng yêu, vừa ngồ ngộ, vui vui, được diễn đạt bằng cách nói rất dân
tộc, độc đáo. Bài Tiếng chim mở đầu bằng việc ngợi ca tiếng chim: Tiếng chim
hót trong veo/ Làm xanh biếc da trời nhưng đến hai câu sau: Con chim đã uống
nước/ Hồ Ba Bể đấy thôi, đó lại là ngợi ca quê hương, đất nước. Thơ Dương
Thuấn thường có giọng thủ thỉ tâm tình khi kể chuyện, anh cứ lặng lẽ, nhỏ nhẹ.
Những từ ngữ giản dị, tưởng chừng rất quen thuộc nhưng qua thơ anh lại thấy
giàu xúc cảm, mang đến những biểu hiện tươi mới, sinh động, thú vị, tạo nên
những ẩn ngữ, những hàm nghĩa mới. Thơ anh còn có bóng dáng của những hồi
ức, thường là sự ngoái lại để nghĩ suy. Ngay đầu tập Đi tìm bóng núi, Dương
Thuấn đã nhắc đến chuyện đi: “Sớm mai anh xuống núi”. Đến cuối tập thơ, anh
đã trải nghiệm được một điều: Ta đi bốn phương trời/ Không phương nào để
ngỏ nhưng vẫn một khẳng định và tâm niệm: Ta đi bộ từ núi xuống đồng bằng/
Ta chỉ biết nói lời cho quả sai. Người đọc nhiều khi bắt gặp tâm trạng buồn, có
lúc đơn côi, nhưng vẫn là cái buồn, cái đơn côi kiêu hãnh, kiêu sang: Đêm nay đô
thành ta đạp đổ/ Ta là chàng trai núi khinh đời/ Ta chẳng cần đô thành em đã
biết chưa/ Chẳng cần biết em qua bao ngôi nhà bị đổ… Thơ anh có buồn, có sầu
nhưng là cái buồn của đại ngàn, của những dòng sông quanh năm chảy xiết:
Ơi con sông dài như giấc ngủ của rừng
Bao khúc uốn quanh co ghềnh thác ì ầm
Có chỗ lặng lờ cho bản nhà sàn soi bóng
Chị đi lấy chồng nơi khác vẫn nhớ dòng sông
Dương Thuấn là nhà thơ của những phong tục, tập quán, của những nét
văn hóa độc đáo ngàn đời của người dân Tày, anh tìm ra phong cách cho riêng
mình như từng ấp ủ:Người sinh ra trên núi/ Cầm dao tự phát lối cho riêng
mình… Đọc những bài thơ của anh, người đọc sẽ hình dung Dương Thuấn như
một kẻ độc hành, lúc nào cũng khát khao trở về nguồn cội, với tất cả sự chân
thành và quyết tâm: “mai ta về lại núi”.
Được xếp vào thế hệ trẻ nhất - đương đại của thơ dân tộc thiểu số cũng
như thơ Việt Nam hiện đại, đó là nhà thơ nữ Vi Thùy Linh (sinh năm 1980) với
các tác phẩm: Khát(Nxb. Hội Nhà văn, 1999), Linh (Nxb. Thanh niên,
2000), Đồng tử (Nxb. Văn học, 2006); ngoài ra còn một số truyện ngắn, tiểu
luận, tuỳ bút đã in báo, tạp chí trong và ngoài nước. Vi Thùy Linh là tác giả trẻ
nhất được giới thiệu và in thơ trên Tạp chí Europe số tháng 4.2002 của Pháp; và
là đại biểu Việt Nam dự Liên hoan Thơ Quốc tế VII tại Pháp (2003).
Chỉ trong một thời gian ngắn, với sự ra đời của hai tập thơ: Khát (1999)
và Linh (2000), Vi Thùy Linh đã trở thành một “hiện tượng”, đã ghi tên mình
một cách ấn tượng trong làng thơ trẻ và trong lòng công chúng yêu thơ. Tuy
nhiên, cũng chính bởi sự ra đời hai tập thơ ấy, Vi Thùy Linh cũng trở thành một
chủ đề gây xôn xao dư luận, đến nỗi, một thời gian dài, bất cứ ở đâu, hễ nhắc đến
sự khác lạ, sự phá cách trong thơ ca là người ta dẫn Vi Thùy Linh như một điển
hình tiêu biểu nhất. Vi Thùy Linh có cách viết thẳng thắn, mạnh bạo, không e dè,
ngại ngần, ngay cả với những vấn đề người ta hay nói tránh, kiêng kị. Trong lời
bạt tập Khát, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có nói về chị - “nữ sĩ trẻ tuổi trên con
ngựa chữ dậy thì, đã độc mã phi thẳng vào rừng rậm thi ca”. Điểm đầu tiên có
thể thấy trong thơ chị là một cái Tôi đàn bà dữ dội đa đoan. Vi Thùy Linh tự nói
về mình:
Em,
Người sống hết mình từ tế bào nhỏ nhất
Người đã yêu dữ dội bằng sức mạnh của phái yếu
Ta bắt gặp trong thơ Vi Thùy Linh hình ảnh một người đàn bà với những
khát vọng nhiệt thành và kỳ lạ về những điều đã qua và cả những gì chưa tới,
khát vọng được sống hết mình, được đam mê, được yêu cuồng điên, ào tung ký
ức… Chị không che giấu những xúc cảm của tình yêu nhục thể. Chị đã “làm rạn
nứt lớp băng mỏng về tình yêu kiểu bảo thủ trong làng thơ bấy lâu”. Một thời
gian dài, nhắc đến Vi Thùy Linh, người ta không quên nhắc đến những dòng thơ
như: Khỏa thân trong chăn/ Thèm chồng. Thèm có chồng ở bên. Chỉ cần anh gối
lên đùi/ Mình ôm lấy anh ôm mình/ Biết sự bình yên của mặt đất. Đọc thơ Vi
Thùy Linh, dễ có ấn tượng về hình ảnh một người đàn bà trẻ trung, tràn đầy sức
xuân và nồng nàn, mê đắm trong tình yêu, không né tránh mà luôn hết mình cho
tình yêu đến mức lúc nào cũng có thể bùng vỡ: Anh ở đâu/ Mắt anh ngủ nơi nào/
Có yêu nhau có thương nhau thì vượt đêm mà về/ Có nhớ nhau có khát nhau hãy
cuộn tung thác nguồn/ Cuộn lửa tình mà cháy. Chính bởi những khát khao,
những mê say ấy mà chị đa đoan, mà chị không thanh thản với những xúc cảm
tràn đầy.
Chị khắc họa chân dung mình: Đời mình bi hay vai hài, tôi không biết/ Tôi
là tôi/ Một bản thể đầy mâu thuẫn. Thơ chị xuất hiện nhiều đối thoại, với anh,
với con, với gương, thậm chí với chính mình của những khát khao, của nỗi
đau: Ở thế kỷ XXI, một bé trai hỏi mẹ/ - Mẹ ơi, trái đất rộng lớn bằng nào?/
Bằng ước mơ của mẹ về con/ - Còn cha của con?/ Người là một thế giới.
Khi đã đi qua những chặng đường của khát khao, của đảo tung và phá
cách, Vi Thùy Linh xuất hiện với một phong cách có đôi chút khác biệt. Ấy là
sự đằm thắm, chững chạc hơn trong cách viết. Vi Thùy Linh bộc bạch mình:
“Trước tôi hăm hở đơn thuần, giống như một con ngựa liều lĩnh mơ mộng đang
phi trên những cánh đồng bao la, có thể phía trước tôi là bẫy, chông, vực thẳm…
nhưng tôi vẫn lao đi. Có những lúc đêm tối mịt mù, có khi là trăng sao. Để giờ
tôi biết thận trọng hơn, dù thế nào con ngựa ấy luôn đầy sức sống. Tôi sẽ cố gắng
giữ gìn hơi thơ có sức sống và lửa ấy”
(5)
. Đó cũng phần nào thể hiện một quan
niệm, một cách sống nhiệt thành, hết mình, thẳng thắn - cách sống, cách ứng xử
của con người miền núi.
Văn học là sản phẩm của một quá trình văn hoá, nó phản ánh đời sống xã
hội, cải tạo cuộc sống con người và lưu giữ, lưu truyền văn hoá ngàn đời. Ba nhà
thơ Nông Quốc Chấn, Y Phương, Dương Thuấn sinh ra và lớn lên được nuôi
dưỡng trong mạch nguồn của suối nguồn, đại ngàn, tắm gội trong bầu không gian
văn hoá miền núi. Khám phá, phân tích những nội dung, đề tài, đặc trưng nghệ
thuật biểu hiện sẽ lý giải được nguyên nhân, hiểu thấu đáo về những thành tựu
của họ. Riêng Vi Thùy Linh, điểm đáng lưu ý ở con người thơ Vi Thùy Linh ấy
là, dù làm thơ hiện đại, rất tân kỳ, nhưng chị không phủ nhận truyền thống, và
hơn cả là thái độ đặc biệt đề cao sự chân thành, sức sáng tạo trong sáng tác thơ
ca.
Nhìn lại quá trình phát triển văn học Tày có thể thấy, văn học Tày xuất
hiện rất sớm, mỗi giai đoạn đều có những thành tựu chung, đều ghi dấu ấn độc
đáo của từng gương mặt. Văn học Tày ngày một vững vàng đi lên, khẳng định
một diện mạo riêng, “nhan sắc” riêng. Với những tác phẩm của mình, các thế hệ
nhà thơ dân tộc Tày tạo được một phong cách chung, thống nhất trong đa dạng.
Thời gian gần đây, thơ ca dân tộc Tày phát triển cả về lực lượng sáng tác, số
lượng tác phẩm và chất lượng cũng có những thay đổi đáng kể, hình thành nhiều
phong cách và giọng điệu mới đáng được chú ý. Thơ họ mang hơi thở của dân
tộc, thời đại, soi bóng những biến động và đổi thay của cuộc sống, lịch sử, con
người Tày; nó bắt rễ sâu trong mạch nguồn văn hóa, thể hiện tính dân tộc, có sức
lay động không chỉ con người Tày mà là tất cả các độc giả Việt Nam.
Thơ của họ như một “tấm gương phản chiếu” một cách sinh động hình ảnh
cuộc sống của miền núi vùng cao với những con người, phong cảnh thiên nhiên,
tập tục sinh hoạt Những vần thơ ấy luôn gắn với sinh mệnh dân tộc, tâm thức
dân tộc dù nhiều khi thuần nói về tình yêu, gia đình, bè bạn… thậm chí là cả
những khi tưởng như là những triết lý “một mình mình biết, một mình mình
hay”… nhưng luôn ẩn sau đó những ý nghĩa khái quát sâu sắc. Ở đó, những
mảng đề tài cũ vẫn xuất hiện nhưng bằng một cách viết khá hiện đại và đậm chất
miền núi. Có thể thấy sự độc đáo ấy qua từng tác giả, từng bài thơ và thậm chí
qua từng hình ảnh, câu chữ. Thơ họ bắt kịp với những đổi thay trong cuộc sống
người miền núi, do có sự gắn bó sâu nặng, thiết tha, sự yêu thương, trân trọng.
Từ miền quê của mình mà nhìn xa hơn tới mọi miền Tổ quốc bằng tình cảm chân
thành và những suy nghĩ sâu lắng. Họ chủ yếu viết bằng hai cảm xúc, thứ nhất là
tình cảm của con người luôn gắn bó, hòa nhập với thiên nhiên, ở ngay trên chính
mảnh đất ấy mà trân trọng, ngợi ca, tự hào. Cảm xúc thứ hai là sự hồi tưởng, nhớ
nhung trong sự xa xôi, cách trở, ngoái nhìn về quê hương, làng bản với biết bao
kỷ niệm sâu lắng, với những con người, những sinh hoạt, những ký ức không
quên.
Một trong những điểm khác biệt của văn học dân tộc thiểu số với văn học
miền xuôi đầu tiên phải kể đến là ngôn ngữ. Mỗi dân tộc đều sử dụng thứ ngôn
ngữ của riêng mình để sáng tác thơ văn. Trong thơ Nông Quốc Chấn, Y Phương,
Dương Thuấn, Vi Thùy Linh, tuy phần nhiều những sáng tác đó là tiếng Việt,
chất liệu mà các tác giả người Kinh vẫn dùng, nhưng cái làm nên nét riêng độc
đáo của họ chính là những cách nói chỉ dân tộc Tày mới có. Họ có ý thức rất rõ
trong việc sáng tác bằng tiếng dân tộc, tuy hiện nay những tập thơ đó chưa nhiều,
nhưng đang trở thành một xu hướng phát triển đầy hứa hẹn lâu dài. Hầu như
người đọc không bắt gặp tình trạng của những sáo ngữ, công thức, khuôn sáo
trong ngôn từ biểu đạt. Họ đưa vào thơ những ngôn từ của đời sống còn mang
tính nguyên sơ, sắp đặt theo trật tự của cảm xúc, không tuân theo những quy
phạm chặt chẽ. Bên cạnh những câu thơ mộc mạc, thô sơ là những câu, những
bài dù không dụng công về từ ngữ nhưng vẫn có những ý nghĩa sâu xa; bên cạnh
những ngôn từ dung dị của đời thường còn có những ngôn ngữ có bóng dáng của
sự “gia công” khá kỹ lưỡng: Y Phương viết một cách hàm súc mà bay bổng: Cỏ
lấp lánh/Khe khẽ ướt; Nơi có mặt trăng mặt trời nhịp nhàng rơi, Đất nước dài
mắt người thiếu phụ… Dương Thuấn có cách tạo dựng hình ảnh bằng những hình
dung rất lạ: Tuổi thơ ta ngày ấy đứng lưng đèo ; Hát câu ca trăng ướt đầm
đìa… Vi Thùy Linh sử dụng những đối lập khác lạ: Tôi đi như nốt nhạc say giữa
những con phố song song khuông nhạc… Càng về sau, ngôn ngữ thơ của các nhà
thơ dân tộc càng mang tính hướng nội nhiều hơn, tuy nhiên, cái cốt lõi vẫn là
ngôn ngữ kể, dung dị, đằm thắm về chính cuộc sống sinh hoạt, đời sống tinh thần
của họ, của đồng bào họ.
Điểm độc đáo thứ hai phải kể đến là giọng điệu. Có thể nhận thấy ba giọng
điệu chính: đầu tiên phải kể đến là giọng kể, tả của những lời ăn tiếng nói hàng
ngày, đơn giản, thô sơ nhưng qua đó thấy được cách tư duy, cách nghĩ và tâm
hồn con người miền núi. Giọng điệu thứ hai cũng không kém phần độc đáo đó là
những âm điệu thiết tha, đằm thắm kiểu tâm tình: ru, than, ngọt ngào, xuất hiện
đặc biệt trong những bài thơ có chất độc thoại, nói với chính mình nhưng cũng là
để nói với cuộc sống và con người xung quanh bằng âm điệu nhẹ nhàng, tình
cảm. Giọng điệu thứ ba đặc sắc và thu hút được sự chú ý của người đọc hơn hết,
đó là sự khỏe khoắn, vui tươi, mạnh mẽ, đúng như tính cách con người miền núi.
Thơ ca chỉ tồn tại và có được thành tựu khi nó thực sự gắn bó với dân tộc
của mình, gắn bó với truyền thống dân tộc, với những nét đẹp ngàn đời và kế
thừa những tinh hoa. Nói như cách của Inrasara: “Truyền thống không phải là cái
gì để chúng ta tìm tới khai thác trục lợi, mà là một sinh thể sống động luôn luôn
mời gọi chúng ta tiếp cận. Chỉ khi nào chúng ta nghiêm túc học hỏi và đối thoại
với hàng ngàn thế hệ con người đã chết, chúng ta mới có đủ lông cánh nói đến
sáng tạo. Chứ không phải thái độ học lỏm qua vài chuyến điền dã hay đọc qua
loa các “công trình khoa học” lớt phớt ở vành ngoài”
(6)
.
Cùng kế thừa, tiếp thu mạch nguồn văn hóa dân tộc Tày, mỗi nhà thơ lại
khẳng định theo một cách riêng, Nông Quốc Chấn dung dị, chân phương, sinh
động; Y Phương suy tư, phóng khoáng mà góc cạnh; Dương Thuấn trầm tư, thủ
thỉ, tâm tình; Vi Thùy Linh táo bạo, cuồng nhiệt… điều đó là do “cái tạng”, cái
hồn, khí chất của mỗi nhà thơ. Và khi nói đến thơ ca Tày hiện đại, chúng ta cũng
không thể bỏ qua những tên tuổi như: Nông Viết Toại gần gũi và khỏe khoắn;
Mai Liễu nhẹ nhàng, sâu sắc; Triệu Lam Châu tinh tế, trong trẻo; Đoàn Lư hồn
nhiên, mộc mạc; Ma Trường Nguyên cụ thể mà khái quát; Triệu Kim Văn tỉ mỉ,
nhiều suy tưởng; Hoàng Kim Dung mơ hồ, nữ tính; Nông Thị Ngọc Hòa thiết
tha, đằm thắm…
Bản sắc, truyền thống không phải là nhìn ngược, đi giật lùi về quá khứ mà
chính là cái đang chuyển động hình thành chứ không phải những gì đã đóng
băng. Mỗi nhà thơ như một sợi dây của cây đàn, từng dây có một cung bậc riêng,
âm điệu riêng, nhưng khi hợp lại với nhau sẽ làm nên một hòa âm đa thanh, độc
đáo; và điều quan trọng là những sáng tác ấy đã “mang tiếng nói của dân tộc này
đến dân tộc khác, của thế hệ trước đến thế hệ sau; nó khắc phục những khoảng
cách về thời gian và không gian, đem lại sự giao tiếp nhiều chiều, làm cho con
người gần gũi nhau hơn và ngày một phong phú hơn”
(7)
. Các nhà thơ dân tộc đã
lấy bản sắc nghệ thuật truyền thống làm nền tảng nhưng đã được hiện đại hóa,
“kinh hóa” phần nào tùy từng ngòi bút. Ngôn ngữ dân tộc được nhào nặn trong
một khuôn pháp mới mẻ, vì bắt rễ sâu trong nền văn hóa dân tộc nên những vần
thơ ấy tốt tươi và đơm hoa kết trái, nó có đủ sức mạnh để vươn cao và vươn xa,
hứa hẹn những thành tựu và bước phát triển mới, nhiều triển vọng