Tải bản đầy đủ (.pdf) (17 trang)

Những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của truyện cười kết chuỗi Mường doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (316.05 KB, 17 trang )

Những đặc điểm về nội dung và nghệ
thuật của truyện cười kết chuỗi Mường
Trải qua lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, dân tộc Mường đã
sáng tạo nên một kho tàng văn học dân gian giàu có với sự hiện diện của
nhiều thể loại và nhiều tác phẩm khác nhau. Việc sưu tầm, giới thiệu và
nghiên cứu văn học dân gian Mường đã được tiến hành khá sớm ở hầu
khắp các tác phẩm tiêu biểu thuộc các thể loại: sử thi, truyền thuyết, cổ tích,
truyện thơ, dân ca Tuy nhiên còn một thể loại có nhiều tác phẩm đặc sắc
nhưng lại chưa được giới thiệu và nghiên cứu đầy đủ, đó là truyện cười.
Truyện cười dân gian Mường có lượng tác phẩm dồi dào. Ngoài
những truyện tiếu lâm được sáng tạo và vận dụng linh hoạt thì có một bộ
phận truyện cười được sáng tạo xoay quanh một số nhân vật làm thành các
hệ thống truyện riêng. Những hệ thống truyện này được các nhà nghiên
cứu văn học dân gian gọi với khái niệm truyện cười kết chuỗi. Người
Mường có nhiều truyện cười kết chuỗi và đó cũng là bộ phận truyện cười
tiêu biểu nhất của họ.
Truyện cười kết chuỗi Mường gồm nhiều chuỗi truyện và mỗi chuỗi
được hợp thành từ nhiều truyện khác nhau. Các truyện trong mỗi chuỗi vốn
có khả năng tồn tại độc lập, nhưng chúng liên kết lại với nhau nhờ những
điểm tương đồng về nội dung và hình thức nghệ thuật. Mỗi truyện là một nụ
cười riêng, còn khi liên kết với nhau chúng hình thành nên những “chuỗi
cười liên hoàn” làm cho sắc độ điệu cười trở nên phong phú hơn, ý nghĩa
tiếng cười được thể hiện sâu sắc hơn và sự lôi cuốn, hấp dẫn cũng vì thế
mà được tăng cường.
Truyện cười kết chuỗi Mường được biết đến khá sớm và được một số
nhà nghiên cứu văn hóa sưu tầm, giới thiệu từ những năm 60 của thế kỷ
XX. Tổng hợp kết quả sưu tầm từ đó cho đến nay đã thấy có 5 chuỗi truyện
với 67 truyện lẻ đã được giới thiệu
1
. Cụ thể như sau:
1. Chuỗi truyện về Cuội: 35 truyện


2. Chuỗi truyện về Cu: 15 truyện
3. Chuỗi truyện về Hơm: 9 truyện
4. Chuỗi truyện về Ót È: 4 truyện
5. Chuỗi truyện về Cả Ngạt: 4 truyện
Số lượng truyện được sưu tầm và giới thiệu như trên chắc chắn chưa
đầy đủ
2
nhưng như thế cũng đã là phong phú. Nếu đem so sánh với kiểu
truyện cùng loại của một số dân tộc khác, như truyện Trạng Quỳnh, truyện
Trạng Lợn của người Kinh, truyện Lục Pịa của người Tày, truyện Ý Thổi
của người Nùng, truyện Quậy của người Hrê, truyện Thơ Mênh Chây của
người Khmer, truyện Khun Hón của người Thái, truyện Lật Đời của người
Chăm thì thấy rằng, người Mường là một dân tộc “hay cười”. Người
Mường đã có thể hệ thống hóa tiếng cười của mình thành các tác phẩm
nghệ thuật có tính ổn định cao.
Đến mường nào của người Mường, người ta cũng đều được nghe
truyện cười. Thường thì các truyện về Cuội và Cu được kể phổ biến nhất.
Ngoài ra, một số mường còn có những chuỗi truyện cười riêng của mình,
chẳng hạn các chuỗi truyện về Hơm, Ót È, Cả Ngạt là thuộc trường hợp
này. Việc phát hiện các chuỗi truyện cười riêng của từng mường còn ít do
công việc sưu tầm chưa được tiến hành sâu rộng. Khả năng vẫn có những
chuỗi truyện cười riêng của các mường mà chúng ta chưa được biết tới.
Nhìn chung các chuỗi truyện Cuội, Cu, Hơm, Cả Ngạt, Ót È đều là
những chuỗi truyện cười đặc sắc của người Mường. Các chuỗi truyện này
vừa có những nét riêng vừa có những đặc điểm chung thống nhất về nội
dung và hình thức nghệ thuật. Dưới đây là một số đặc điểm cơ bản của
kiểu loại truyện cười kết chuỗi Mường:
1. Những đặc điểm về nội dung của truyện cười kết chuỗi
Mường:
Nội dung của truyện cười nói chung và truyện cười kết chuỗi nói

riêng chủ yếu phản ánh các vấn đề xã hội. Truyện cười nói về con người
trong các mối quan hệ và cách hành sử giải quyết các mối quan hệ ấy. Mỗi
một truyện cười chứa đựng một tình huống và cách giải quyết các tình
huống bằng lời nói và hành động của nhân vật. Tiếng cười xuất hiện do
những mâu thuẫn làm xuất hiện khả năng khám phá ra bản chất của đối
tượng. Sau tiếng cười là giá trị nhận thức và thái độ của con người trước
những hiện tượng đời sống.
Truyện cười kết chuỗi Mường chứa đựng nội dung phản ánh mối
quan hệ con người trong xã hội Mường xưa. Đặc điểm xã hội nổi bật trong
truyện cười kết chuỗi Mường là chế độlang đạo, một hình thức tổ chức xã
hội theo thể chế quân chủ phong kiến. Quan hệ trung tâm của xã hội này là
giữa người nông dân với lang, ậu
3
. Đây cũng chính là mối quan hệ xã hội
được phản ánh nhiều nhất trong nội dung của các truyện cười kết chuỗi
Mường.
Bởi là tiếng cười của người bình dân, nên việc nói về quan
hệ lang - dân trong nội dung của các truyện cười kết chuỗi Mường đều
được thể hiện từ góc nhìn, thái độ của dân. Dân không chấp nhận
việc lang, ậu tự cho mình quyền cai trị dân, bóc lột người dân bằng lao dịch
(xâu, nõ), thu tô hiện vật, cướp của dân trắng trợn Dân căm ghét lang,
ậu độc ác (Lang đến nhà như ma đến cửa - Tục ngữ Mường), tham lam,
ngu dốt, hợm mình Vì lẽ ấy, người dân lao động Mường đã đưa lang,
ậu vào trong nội dung các truyện cười và biến chúng thành đối tượng châm
biếm. Đằng sau những nụ cười trào phúng là vấn đề ý thức hệ, là thái độ
phản kháng của người dân lao động với giai cấp thống trị.
Đại biểu cho lực lượng của nhân dân trong cuộc đối đầu với thế
lực lang, ậu là Cuội, Hơm, Cả Ngạt, Ót È. Các nhân vật này xuất thân đều
là những người lao động bình thường, thậm chí hèn kém, nhưng bằng tài trí
của mình, họ đã chủ động tạo ra các tình huống, ứng sử, hành động để lừa,

trêu, đánh trả bọn lang, ậu. Cuội, Hơm, Cả Ngạt, Ót È đã bằng các mẹo lừa
để thu lấy gia sản của lang, lấy được vợ con lang, làm cho lang phải chịu
nhục ê chề, thậm chí làm cho lang chết Sau mỗi trận đánh của Cuội,
Hơm, Cả Ngạt, Ót È, những tiếng cười được cất lên hả hê và đó thật sự là
những cú “đá ngược” đích đáng, thể hiện ý nghĩa đấu tranh xã hội sắc bén
và mãnh liệt của truyện cười kết chuỗi Mường.
Ngoài quan hệ lang - dân, nội dung truyện cười kết chuỗi Mường
còn đề cập tới nhiều mối quan hệ xã hội khác. Đầu tiên phải nói tới việc tiếp
xúc của người Mường với các nhà buôn người Kinh (Đáo). Các lái buôn
vốn là loại người đặt mục đích lợi nhuận lên trên mọi quan hệ nên không có
được nhiều thiện cảm đối với người Mường. Loại người này đã được người
Mường đưa vào trong nội dung những câu chuyện cười để phê phán thói
hám tiền, hám của của chúng. Người Mường đưa Cuội ra để dụ mấy anh
lái buôn vào tròng, dùng mẹo lừa cho mất sạch gánh hàng, thậm chí mất
hết cả quần áo, trần như nhộng Người ta cả cười trước cái điệu bộ đau
đớn của anh lái buôn mất của và khoái trá với các mẹo lừa cao cường của
Cuội đã trừng trị đích đáng loại người ít quan tâm đến nghĩa tình.
Các mối quan hệ của đời sống sinh hoạt như gia đình, làng xóm
cũng được thể hiện phong phú trong nhiều truyện cười kết chuỗi Mường.
Ta gặp Cuội bằng sự láu cá của mình đã nhiều lần lừa người làng để thu về
những giỏ cá đầy chấm hom. Ta còn gặp Cuội đã từng làm cho người thân
của mình phải nếm trải thấm thía cảnh khóc dở mếu dở khi chưa biết thế
nào là cuội hoặc không phục tài Cuội, như bị Cuội lừa cho ăn phải thức ăn
chưa chín mà đau bụng té le, bị Cuội lừa cho đứng làm cột chống sàn phơi
thóc cả ngày, bị Cuội lừa cho chạy vội đâm sầm vào nhau tối tăm mặt mũi
Cái cười ở đây hướng về các hiện tượng trớ trêu, hài hước xuất hiện trong
những cái quen thuộc song lại dễ sơ hở, dễ bị lừa. Nụ cười như một sự
thức tỉnh các bậc phụ huynh, nhưng hẳn không mang nặng vấn đề “đạo
đức” như một số nhà nghiên cứu đã từng đánh giá về nhân vật Cuội. Người
Mường mượn Cuội để cười với tất cả mọi người, thậm chí với cả chính

mình, vì họ nhận thấy bản thân mình cũng có vô vàn cái đáng cười.
Ta gặp nhân vật Cu vì ngốc nghếch mà tạo ra vô số lời nói và
hành động đáng cười. Nào là Cu yêu “của quí” của vợ mà dẫn đến những
việc làm khác thường, thậm chí phi thường - trở thành anh hùng đại phá
quân xâm lược, được lên làm vua(!). Cu ngốc đến nỗi không nhớ nổi tên
làng của vợ, không nhận ra cái bóng của mình dưới nước, không biết làm
thế nào để lấy được nải chuối treo trên ngọn giáo Truyện Cu hướng cái
cười vào chính nhân vật Cu, vào cái ngờ nghệch, ngốc nghếch. Tuy vậy, ý
nghĩa của tiếng cười lại không nhằm đả kích, chì chiết sự ngốc nghếch mà
đơn giản chỉ là để tạo ra tiếng cười vui vẻ nở rộ mang mục đích giải trí mà
thôi. Mặt khác, nếu xét một cách kỹ lưỡng thì cái ngốc của Cu nhiều lúc
chứa đầy “lý sáng”. Có những cách hiểu, ứng sử, hành động của Cu nhiều
khi chỉ mang cái vẻ ngốc nghếch chứ thực ra thì đã nằm trong địa hạt của
sự mẫn tiệp, tinh quái. Chẳng thế mà Cu biết bày cách để sờ được “của
quí” của cô út, buộc cô chấp nhận làm vợ ; tưởng là ngốc, nhưng lại là cái
cớ chính đáng để Cu túm lấy “của quí” của cô hàng xóm ; cái ngốc “ăn
người” của Cu với chỉ bằng hai câu trả lời về sự thăm hỏi sức khỏe của bố
mẹ vợ thì Cu cũng có thể được ăn, được uống những gì mình thích Tất
cả điều đó hàm chứa một ẩn ý sâu xa trong cách nhìn rất linh hoạt về cái
ngốc, sự ngốc. Có lẽ vì thế mà tiếng cười ở truyện Cu dù được xuất hiện
trên nền của cái ngốc song lại không phải là phê phán hay dè bỉu sự ngốc.
Người ta nhận được sau tiếng cười từ chuỗi truyện Cu một sự thả lỏng
hoàn toàn của sự vui vẻ, thư giãn.
Ngoài nội dung xã hội như trên, truyện cười kết chuỗi Mường còn
phản ánh một mối quan hệ khác, ít thấy trong chức năng thể loại truyện
cười, đó là quan hệ con người với tự nhiên. Tự nhiên không phải chỉ được
miêu tả trong vai trò là một chi tiết hỗ trợ gây cười như ở truyện Ba Phi,
truyện Ông Ó của người Kinh, mà tự nhiên được đặt trong mối quan hệ đối
đầu với con người. Con người đã dùng tài, trí để đánh trả, cười nhạo lại các
lực lượng tự nhiên.

Chúng ta gặp nhân vật Cuội đối đầu với Vua Giời, Cuội Giời, hổ.
Trong cuộc đấu không cân sức ấy, con người đã biết tận dụng sức mạnh
của trí tuệ để lừa, đánh trả, hủy diệt các đối tượng siêu nhiên, thiên nhiên
để khẳng định sức mạnh của mình. Cuội lừa hổ, chúa tể của rừng xanh,
nhiều keo rất ngoạn mục, như: bắt hổ khiêng bằng đòn có gai đâm thấu
xương mà vẫn phải vừa đi vừa hát, lừa hổ ăn củ nâu đắng tê lưỡi mà vẫn
phải vui, lừa hổ đập tổ ong khiến ong đốt cho sưng hết mặt mũi mà không
có cách nào trả thù, rồi thì bị đốt trụi lông, bị giết hại mà vẫn còn phải sợ
đến truyền kiếp
Với lực lượng siêu nhiên tối thượng đầy uy linh như là Vua Giời và
Cuội Giời, người Mường cũng cười cợt không tha. Người Mường đưa Cuội
ra để đấu tài, đấu trí với người nhà trời và Cuội đều là người chiến thắng:
Vua Giời bị Cuội lừa cho phải chịu một mẻ tắm biển bất đắc dĩ, Cuội Giời bị
Cuội dùng mẹo “gậy ông đập lưng ông” làm cho Cuội Giời vừa phải ngửi no
rắm của chính mình, uống no rượu cám mà còn phải phục lăn tài của
Cuội
Nội dung về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên có thể xem là
dấu vết của thể loại truyện cổ tích còn dư tồn đậm nét trong truyện cười kết
chuỗi Mường. Nhờ nội dung này, người ta nhận được những giá trị nhận
thức của người Mường về tự nhiên từ rất xa xưa, nhưng đồng thời người ta
còn nhận ra một tư thế mới của người Mường trước tự nhiên. Người
Mường đã phải có khả năng khẳng định sức mạnh của mình trước tự
nhiên, làm chủ tự nhiên thì mới có được những nụ cười hào sảng như vậy.
Trong vai trò của một thể loại văn học dân gian chủ yếu thực hiện
chức năng xã hội, nội dung truyện cười kết chuỗi Mường phản ánh về các
vấn đề xã hội một cách nổi trội. Người ta nhận ra hiện thực đời sống xã hội
Mường phong phú từ trong vấn đề đời tư, sinh hoạt gia đình, phong tục tập
quán, cho đến quan hệ làng xã, mâu thuẫn giai cấp Kết hợp cả yếu tố
nhận thức và giải trí, truyện cười kết chuỗi Mường đã đem cái nghiêm túc
thể hiện trên nền của cái cười cợt làm hình thành khả năng chiếm lĩnh hiện

thực một cách sâu sắc nhưng lại được diễn trình dưới dạng sản phẩm văn
nghệ nhẹ nhàng, vui vẻ.
Nội dung của tiếng cười phong phú dẫn đến sắc độ điệu cười trong
các truyện cười kết chuỗi Mường cũng thật đa dạng. Cái cười có khi là sự
lên án, phê phán, hạ bệ hay hủy diệt các thế lực xã hội, các lực lượng thiên
nhiên, siêu nhiên, thể hiện vấn đề ý thức hệ, quan điểm giai cấp, nhận thức
về hiện thực khách quan. Cái cười cũng có khi chỉ là để nhạo cái ngờ
ngệch, ngốc nghếch vẫn diễn ra đâu đó trong đời sống hàng ngày và đơn
giản chỉ nhằm để giải trí, vui vẻ. Các sự kiện, tình huống, chi tiết được sử
dụng nhiều khi có sự tính toán chặt chẽ thể hiện sự mẫn tiệp, tinh quái
trong lô gíc trí tuệ, nhưng có khi chỉ là những hiện tượng ứng sử vô tình,
bột phát được cóp nhặt từ cuộc sống. Tất cả những yếu tố nội dung đó đã
làm cho truyện cười kết chuỗi Mường trở nên hấp dẫn và được yêu thích
đặc biệt từ bao đời nay.
2. Đặc điểm nghệ thuật của truyện cười kết chuỗi Mường
2.1. Liên kết chuỗi truyện:
Một chuỗi truyện cười Mường có từ vài truyện (chuỗi truyện Hơm,
chuỗi truyện Cả Ngạt, chuỗi truyện Ót È) đến hàng chục truyện (chuỗi
truyện Cuội, chuỗi truyện Cu). Mỗi truyện thể hiện một chủ đề, nhưng do có
một số điểm thống nhất về nội dung và hình thức nghệ thuật mà các truyện
đã liên kết với nhau tạo thành chuỗi. Qui mô và mức độ liên kết của các
chuỗi khác nhau nhưng nhìn chung chúng đều liên quan đến yếu tố đề tài,
xung đột, nhân vật hay cốt truyện.
Đề tài truyện cười kết chuỗi Mường bao gồm những hiện thực đời
sống của xã hội Mường xưa có chứa đựng các mâu thuẫn quan hệ. Do
chức năng thể loại qui định, phạm vi phản ánh của các truyện tập trung chủ
yếu vào các lĩnh vực mường nước, gia đình, tự nhiên và đó cũng chính là
những đề tài cơ bản của kiểu loại truyện cười kết chuỗi Mường. Số lượng
đề tài không thật nhiều và những bình diện xã hội được phản ánh khá thống
nhất nên các truyện đã được tập hợp lại với nhau, liên kết với nhau hình

thành chuỗi.
Xung đột trong nội dung các truyện cười kết chuỗi Mường hoặc là
giữa con người với con người hoặc là giữa con người với lực lượng tự
nhiên. Những xung đột này không chỉ diễn ra một lần mà nhiều lần trong nội
dung nhiều truyện, làm xuất hiện các nhóm xung đột. Các nhóm xung đột
xuất hiện nhiều, như: dân với lang, ậu (Cuội, Hơm, Cả Ngạt, Ót È - lang,
ậu), người trần với người trời (Cuội - Vua trời, Cuội trời), con người với lực
lượng thiên nhiên (Cuội - hổ), người trong mường với người ngoài mường
(Cuội, Cu - lái buôn người Kinh), thành viên làng (Cuội) với người làng,
những người trong gia đình với nhau (Cuội, Cu - mẹ, cô, chú, vợ) Các
truyện cùng phản ánh một nhóm xung đột đương nhiên được tập hợp, kết
nối với nhau vào trong một hệ thống.
Nhân vật Cuội, Cu, Hơm, Cả Ngạt, Ót È vừa đóng vai trò là nhân
vật trung tâm trong nội dung mỗi truyện, nhưng đồng thời cũng là yếu tố kết
nối các truyện lại với nhau. Nhân vật trung tâm với những đặc điểm tính
cách tiêu biểu đã trở thành căn cứ để qui tụ các truyện vào trong một hệ
thống. Nhờ nhân vật trung tâm mà kể cả các truyện không nằm trong nhóm
quan hệ xung đột nào vẫn được tập hợp vào trong chuỗi truyện. Trường
hợp một số truyện trong chuỗi truyện Cuội (Voi bay, Mẹ chết đi xin lửa,
Mười hai cô gái, Bọ hung đổ thuế ) và hầu hết các truyện trong chuỗi
truyện Hơm, chuỗi truyện Cả Ngạt, chuỗi truyện Ót È là nằm trong kiểu kết
nối theo nhân vật trung tâm.
Các truyện cười còn liên kết được với nhau nhờ phương thức liên kết
cốt truyện với dụng công nghệ thuật được tính toán chặt chẽ do chính các
tác giả dân gian Mường tạo ra. Đó là việc sắp đặt các sự kiện, hành động
một cách hợp lý để tạo ra sự lưu chuyển liên hoàn giữa các truyện với
nhau. Nội dung của truyện này phải khớp với nội dung của truyện khác
trong mạch trần thuật theo chuỗi phát triển thống nhất về hành động và tiến
trình các sự việc, các biến cố. Nội dung của truyện trước mở tình huống
cho nội dung của truyện sau được trình bày tiếp theo. Hầu hết các truyện

trong chuỗi truyện Cu và một số truyện trong chuỗi truyện Cuội là được liên
kết theo phương thức này. Chẳng hạn, có thể tóm lược lại hệ thống 15 cốt
truyện trong chuỗi truyện Cu như sau:
Cu tìm cách sờ được “của quí” của cô út và lấy được cô út làm vợ / Có
vợ thì suốt ngày Cu ôm và sờ “cuả quí”của vợ. Vợ bực mình giả vờ vứt “của
quí” xuống ao. Cu hò tát ao và có dịp giành giật “của quí” của cô hàng
xóm. Vợ phải cho Cu thấy “của quí” của mình vẫn còn nguyên thì Cu mới
thôi / Cu lại chứng nào tật ấy không chịu đi làm, vợ nịnh mãi thì Cu đi phát
nương “rộng bằng mai cua đá” / Vợ bày cách treo bánh chưng khắp rừng
khiến cho Cu phá được nương rất rộng / Nương rộng thì làm cho phượng
hoàng bay mỏi cánh mà rơi xuống! Cu bắt lấy chim và treo vào chân nó một
đoạn cây chuối rồi bảo chim tự bay về nhà Cu cho vợ Cu thịt ra nấu canh.
Cu về tới nhà thấy nước luộc quần áo thì tưởng canh chim phượng hoàng
nên húp lấy húp để / Hôm sau vợ bảo đi đốt nương thì Cu đốt vào chân,
lông chân cháy, bị nóng, chạy vào bụi lau, bụi lau cháy lan ra cả khu rừng,
làm hoãng chết cháy / Cu mang hoãng về làm thịt bên bờ sông, thấy có một
“thằng dưới sông” đòi ăn, Cu vứt tất cả thịt cho nó, chỉ còn phổi là nổi lên thì
tưởng nó đã ăn no không muốn ăn nữa nên vớt đem về cho vợ, vợ bắt Cu
ra mò thịt hoãng về / Vợ bảo Cu đem thịt hoãng biếu bố mẹ vợ. Cu không
nhớ tên làng nên vợ phải bày cho cách mang theo con gà mái, mỗi khi quên
thì đánh vào lưng nó để nó kêu mà nhớ ra / Đến nhà vợ, mẹ vợ hỏi thăm,
Cu trả lời nhưng cũng là đòi ăn đòi uống luôn / Mẹ vợ trèo lên gác bếp lấy
chuối cho Cu, hớ hênh ra làm Cu thấy “của quí” tưởng là mẹ vợ bị đứt rìu,
về bảo vợ, vợ cuống cuồng đi thăm
Nội dung chính của các truyện trong chuỗi truyện Cu khi lược thuật
lại được diễn theo mạch lô gíc có nghĩa. Thực chất đây chính là hiện tượng
liên thông cốt truyện tạo ra một trường hành động rộng lớn cho nhân vật,
hình thành một khuôn khổ thống nhất cho mâu thuẫn được tăng cường, tạo
dựng một cơ chế rộng mở cho sắc độ điệu cười được thể hiện phong phú
và giá trị biểu đạt của tiếng cười trở nên sâu sắc. Nhờ sự liên thông cốt

truyện mà các truyện trong chuỗi truyện Cu và một số truyện trong chuỗi
truyện Cuội đã liên kết với nhau chặt chẽ. Đó là chưa kể đến việc nhớ, kể,
hiểu về các chuỗi truyện là rất có hiệu quả từ sự liên thông cốt truyện đem
lại.
2.2. Cốt truyện của truyện cười kết chuỗi Mường:
Mỗi truyện cười đều thể hiện hoàn chỉnh một chủ đề, nhưng việc xây
dựng cốt truyện lại được thực hiện với qui mô khác nhau. Cốt truyện được
xây dựng có khi chỉ là một sự kiện đơn giản, ít tình tiết, nhưng cũng có thể
là những sự kiện phức tạp, nhiều tình tiết. Ở loại cốt truyện một sự kiện,
cấu tạo nội dung thường có một lớp mâu thuẫn và tiến trình vận động mâu
thuẫn thường chóng vánh nên cái cười nở nhanh và tập trung. Với những
cốt truyện sử dụng nhiều sự kiện thì có thể có nhiều nhân vật, nhiều tình tiết
và các lớp mâu thuẫn được chồng xếp lên nhau tạo nên cái cười kéo dài
không dứt cho tới khi mâu thuẫn được đẩy lên đến đỉnh điểm thì tiếng cười
cũng nổ vang và ý nghĩa của tiếng cười được bộc lộ rõ nhất. Chẳng hạn, ở
truyện “Làm cuội cho mà xem”, chỉ có duy nhất một sự kiện là bắt bà cô
đứng làm cột chống sàn phơi thóc, còn ở truyện “Sụt sịt mà thịt chát” thì kết
hợp nhiều sự kiện, như lừa hổ cách đặt bẫy, lừa hổ dử mắt to bằng quả
cau, lừa hổ khiêng đòn có gai, lừa hổ đi xin lửa, lừa hổ ăn “đống thịt” củ
nâu
Việc xây dựng cốt truyện trong một số truyện cười kết chuỗi Mường
còn được tác giả dân gian khai thác và sử dụng khá hiệu quả yếu tố mô típ.
Mô típ có thể được sử dụng lặp đi lặp lại ngay trong một chuỗi truyện nhằm
tăng cường sự liên kết, như mô típ “bỏ rọ trôi sông” được sử dụng tới ba
lần trong chuỗi truyện Cuội. Một mô típ nhưng được vận dụng trong nhiều
chuỗi truyện khác nhau tạo nên những nét tương đồng về nội dung, như mô
típ “cắm đuôi trâu (hoặc lợn) xuống đất” được lặp lại trong chuỗi truyện Cu
và truyện Cuội, mô típ “ong đốt” cũng được lặp lại trong chuỗi truyện Cuội,
Hơm, Cả Ngạt. Đặc biệt hơn là việc sử dụng các mô típ để phát triển thành
cốt truyện mới hoàn chỉnh, chẳng hạn từ các mô típ “thay mèo bắt chuột”,

“bắn mõm chó”, “làm chó giữ nhà” trong chuỗi truyện Cuội đã được sử dụng
để xây dựng thành các cốt truyện độc lập trong chuỗi truyện Hơm.
Nhìn chung việc xây dựng cốt truyện của các truyện cười kết chuỗi
Mường khá đa dạng. Cốt truyện có thể là các sự kiện hiện thực, nhưng có
khi là các mô típ được phát triển nhờ vào sự vận dụng linh hoạt các giá trị
sáng tạo có sẵn trong vốn truyện cổ truyền thống. Kết cấu cốt truyện có khi
chặt chẽ bằng việc sử dụng ít sự kiện, nhưng cũng có khi khá tự do và dễ
dãi do sử dụng nhiều sự kiện, tình tiết làm cho chúng có thể dễ dàng bị tháo
dỡ khỏi cốt truyện để tạo thành một cốt truyện khác độc lập. Bất luận qui
mô và đặc điểm như thế nào đi chăng nữa thì các cốt truyện của truyện
cười kết chuỗi Mường đều thể hiện trọn vẹn một nụ cười, phản ánh hoàn
chỉnh một chủ đề.
2.3. Nhân vật trong truyện cười kết chuỗi Mường:
Do đặc điểm thể loại qui định, cách xây dựng nhân vật trong truyện
cười kết chuỗi Mường nhìn chung khá đơn giản. Nhân vật xuất hiện chủ
yếu thực hiện chức năng hành sử trong một tình huống cười nhất định.
Thực hiện xong chức năng đó, nhân vật cũng đã được xây dựng xong.
Nhân vật trong truyện cười kết chuỗi Mường là loại nhân vật chức năng.
Gắn với chức năng gây cười, nhân vật của truyện cười kết chuỗi
Mường gồm có hai loại: nhân vật là chủ thể gây cười và nhân vật là đối
tượng bị cười. Trong đề tài về mường nước với chủ đề đấu tranh giai cấp,
nhân vật được xây dựng nhằm chở tải vấn đề ý thức hệ nên nhân vật chủ
thể gây cười cũng chính là nhân vật chính diện (Cuội, Hơm, Cả Ngạt, Ót È)
còn nhân vật bị cười là nhân vật phản diện (lang, ậu). Ở đề tài tự nhiên và
đề tài gia đình, nhân vật chỉ xác lập bằng hai chức năng: gây cười và bị
cười. Chủ thể gây cười là Cuội, Hơm, Cả Ngạt, Ót È còn đối tượng bị cười
là Vua Giời, Cuội Giời, hổ, mẹ, cô, chú, người làng
Dù là nhân vật gây cười hay nhân vật bị cười thì các nhân vật
trong truyện cười kết chuỗi Mường đều được xây dựng trên những đặc
điểm chung thống nhất về mặt tính cách - chức năng (nhân vật mang loại

tính cách chứ không phải là nhân vật cá tính - điển hình). Vì vậy có thể
nhận diện các nhân vật một cách dễ dàng vì sự nhất quán về tính cách,
như: Cuội, Hơm, Cả Ngạt, Ót È mang phẩm chất thông minh, trí sảo, luôn
chủ động thực hiện hành động lừa, đánh trả ; lang, ậu, Vua Giời, Cuội Giời,
hổ, mẹ, cô, chú là loại nhân vật ngờ nghệch, bị động chịu trận.
Trong truyện cười kết chuỗi Mường, nhân vật không có số phận và
người ta cũng không quan tâm đến phần đời tư của nhân vật. Nhân vật
được đề cập đến các thông tin lý lịch như địa vị, nghề nghiệp, tâm lý, thái
độ nhưng đó không phải là các tình tiết quyết định đến chức năng của
nhân vật. Các thông tin đó chỉ có tính chất phù trợ cho sự xuất hiện của
nhân vật và làm cho tiến trình giải quyết mâu thuẫn trở nên hấp dẫn hơn
mà thôi. Nhân vật xuất hiện chủ yếu thực hiện chức năng biểu lộ hành vi
ứng sử trong một tình huống nào đó và thực hiện xong thì nó cũng đã được
xây dựng hoàn chỉnh.
Riêng chuỗi truyện Cu có cách xây dựng nhân vật khá đặc biệt.
Truyện Cu không phân tuyến nhân vật theo quan hệ đối lập mà khai thác
chính phẩm chất của nhân vật để tạo tiếng cười. Truyện Cu là hệ thống
truyện cười kết chuỗi đề cập đến kiểu nhân vật ngốc nghếch. Ý nghĩa của
tiếng cười là hài hước, giải trí. Truyện Cu không đặt ra vấn đề đấu tranh
giai cấp, không nói đến vấn đề đạo lý mà đơn giản chỉ là để cười với những
sự kiện, tình huống oái oăm, khó sử đâu đó đã từng xảy ra. Tiếng cười
trong truyện Cu thực sự mang chức năng giải trí.
2.4. Phương thức tạo dựng yếu tố hài của truyện cười kết chuỗi
Mường:
Nhìn chung tiếng cười trong chuỗi truyện Cuội, Cu, Hơm, Cả Ngạt,
Ót È là nhằm ca ngợi cái cao thượng, phỉ báng cái hèn hạ ; tôn vinh cái tốt,
phê phán cái xấu ; khẳng định cái đúng, phủ nhận cái sai ; bênh vực cái yếu
hèn, lên án quyền lực thống trị ; tôn vinh cái mẫn tiệp, cười cợt cái ngốc
nghếch Ý nghĩa đó không chỉ được thể hiện qua việc xây dựng nội dung
truyện với bao gồm các yếu tố nhân vật, mâu thuẫn, sự kiện, tình tiết mà

còn được hỗ trợ rất hiệu quả từ việc sử dụng phương thức tạo dựng yếu tố
hài. Phương thức tạo dựng yếu tố hài là phương pháp gây cười có tác
dụng kích nổ khối mâu thuẫn quan hệ làm bung ra tiếng cười, lái tiếng cười
đi đến đích của nó. Phương thức tạo dựng yếu tố hài trong các truyện cười
kết chuỗi Mường là đa dạng và độc đáo.
Phương thức tạo dựng yếu tố hài được sử dụng nhiều hơn cả
trong các truyện cười kết chuỗi Mường là phương thức cái thật và cái giả
lẫn lộn. Cái giả được đem đánh lộn với cái thật. Cái giả được phô ra còn
cái thật ẩn tàng. Khi cái thật hiện nguyên hình thì cũng là lúc đối tượng bị
sập bẫy. Tiếng cười nổ vang sau một hồi nín thở chờ đợi. Kẻ cười thật hả
hê còn kẻ bị cười thì đau đớn, ê chề. Các truyện có sử dụng phương thức
này, như: Cứt chó mật, Bán vịt trời, Túi chữa bệnh mù mắt, Chống cùn,
Mười hai ông cai nà hồn hà hổn hển
Một phương thức khác cũng được sử dụng nhiều lần trong các
truyện cười kết chuỗi Mường là phương thức lý ngay giải quyết việc gian.
Lý ngay do nhân vật gây cười chủ động đặt ra với nhân vật bị cười, nhưng
đó lại là một cái cớ để lợi dụng giải quyết việc gian. Tiến trình vận động sự
việc diễn ra đúng như giao ước đã thống nhất, chỉ có điều nhân vật gây
cười đã chủ động làm một việc gian mà kẻ bị cười đáng thương kia không
biết. Kết cục là kẻ chủ động đã có được những gì mình muốn và nở nụ
cười mãn nguyện, còn kẻ bị động thì nhận lấy thất bại, thậm chí lâm vào thế
khốn cùng. Các truyện được xây dựng theo phương thức này, như: Cuội
trời ngửi rắm, Ỉa đùn thì mất gánh, Nứa sống bỗng thành nứa chết
Trong chuỗi truyện Cuội, có một phương thức tạo yếu tố hài rất
công hiệu như gắn với đặc điểm tính cách của nhân vật này, đó là phương
thức việc gian lừa lòng ngay. Việc gian được tính toán, sắp đặt để cho nó
diễn ra tự nhiên khiến cho đối tượng bị cười mắc bẫy. Kẻ làm việc gian
hoàn toàn chủ động còn kẻ chịu trận thì vốn ngay lòng không phòng bị gì
nên đến khi nhận thức ra thì đã quá muộn và đã nếm đủ đòn lừa. Các
truyện được xây dựng theo phương thức này, như: Làm Cuội cho mà xem,

Lang đến nhà, Mẹ chết đi xin lửa, Thím sắp đẻ - chú bị trâu húc thủng
bụng
Một phương thức tạo dựng yếu tố hài khá độc đáo khác được sử
dụng trong một số truyện cười mang đậm dấu ấn cổ tích là phương
thức phi lý (cái phi lý này thực hiện một cái phi lý khác). Yếu tố phi lý được
sử dụng để dẫn dắt sự kiện đi đến đích cần đạt mà không cần quan tâm
đến tính hiện thực. Tuy vậy diễn trình câu chuyện vẫn được chấp nhận và
tiếng cười vẫn nổ vang vì yếu tố phi lý dẫn người ta theo cái lô gíc mâu
thuẫn chứ không vì lô gíc hiện thực khách quan. Phương thức này được sử
dụng rất hiệu quả trong các truyện: Voi bay, Bè bưởi chìm - bè đá nổi
Phương thức được sử dụng phổ biến nhất trong chuỗi truyện Cu là
phương thức ngốc nghếch. Nhân vật gây cười cũng chính là nhân vật bị
cười do ngốc nghếch. Vì ngốc nghếch mà hiểu sai, nhìn sai, cảm sai, nói
sai, làm sai mà thành ra đáng cười. Phần lớn các truyện về Cu được xây
dựng theo phương thức này.
Một phương thức khác cũng được sử dụng thành công trong một
số truyện Cu là phương thức cái mẫn tiệp trong cái vỏ ngốc nghếch.
Hiện tượng mang vẻ ngốc nghếch nhưng đằng sau nó là sự tinh quái, mưu
mô tính toán. Người ta bật cười nhờ phương thức này đã không chỉ lừa
được chính đối tượng bị cười trong truyện mà nhiều khi còn lừa được chính
cả người nghe truyện. Các truyện về Cu có sử dụng phương thức này
như: Cu lấy vợ, Hủn hải như nải chuối, hủn hiểng như kiểng rượu
Để thực hiện các phương thức tạo dựng yếu tố hài như trên, tác
giả dân gian Mường đã phải sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật trợ giúp để
làm cho cái hài nảy sinh và phát huy hiệu quả một cách tối ưu. Các thủ
pháp đó có thể là sự đối lập giữa cái thông minh và cái ngu dốt, cái láu cá
và cái thật thà, cái chủ động và cái bị động Thủ pháp đó cũng có thể là sự
phóng đại, cường điệu làm cho hiện tượng vượt ra ngoài lô gíc khách quan
làm cho cái cười trở nên vui vẻ, vô tư. Ngoài ra, thủ pháp bí mật, bất ngờ
cũng được sử dụng rất hiệu quả trong nhiều truyện như một cách gây cười

tự nhiên. Cuối cùng phải nói đến một thủ pháp đặc biệt trong truyện cười
Mường là thủ pháp sử dụng yếu tố tục trong một số truyện Cuội và đặc biệt
là hầu như trong toàn bộ truyện Cu để tạo ra cái cười dân giã mà cũng rất
trẻ trung, tươi mát. Mỗi truyện sử dụng một thủ pháp nhưng cũng có thể sử
dụng nhiều thủ pháp để hỗ trợ và tăng cường sự biến hóa trong việc giải
quyết các mâu thuẫn cười, làm cho tiếng cười được cất lên tự nhiên và ý
nghĩa tiếng cười thể hiện sâu sắc hơn.
Kết luận: Qua tìm hiểu về truyện cười kết chuỗi Mường, chúng tôi
đã thấy được những đặc điểm cơ bản về nội dung và hình thức nghệ thuật
của một kiểu loại truyện cười đặc sắc của người Mường. Truyện cười kết
chuỗi Mường thể hiện một cách sinh động nhận thức, thái độ và cách ứng
xử của người Mường trước hiện thực cuộc sống chứa những mâu thuẫn,
xung đột liên quan đến mối quan hệ của con người với con người và con
người với tự nhiên. Đằng sau tiếng cười là hiện thực cuộc sống quá khứ
của người Mường được hiện hình, là phẩm chất người Mường được bộc
lộ. Những tiếng cười trong các chuỗi truyện cười Mường đem lại cho người
nghe sự thích thú đặc biệt bao nhiêu thì cũng khiến cho họ cảm mến bấy
nhiêu với một dân tộc đã sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc
và độc đáo này. Người nghe sẽ không khỏi ngạc nhiên nếu biết một dân tộc
vốn “thật thà, niềm nở, hiền lành” như người Mường lại có phẩm chất “biết
cười” và “hay cười” đặc biệt đến như vậy. Thật chí lí khi đọc những dòng
nhận xét của nhà nghiên cứu dân tộc học người Pháp, bà Cuisinier khi nói
về người Mường: “họ ít thông minh nhưng lại có nhiều nét sắc sảo, họ tuy
thô kệch, khiêm tốn, nhẫn nhịn, khuất phục song họ khẳng định những
tính ham mê bằng những hành động mãnh liệt, đặc biệt cách mạng”
4
.
Truyện cười kết chuỗi Mường có thể xem là một sản phẩm sáng tạo tinh
thần thể hiện rõ nét phẩm chất “đặc biệt cách mạng” của người Mường.
Chúng ta thích thú thưởng thức truyện cười kết chuỗi Mường và không

quên dành cho chủ thể sáng tạo ra chúng những tình cảm yêu mến, kính
trọng.

×