Tải bản đầy đủ (.docx) (8 trang)

Giá trị nổi bật của dòng thơ Làng quê trong phong trào Thơ Mới 1932-1945 pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (115.48 KB, 8 trang )

Giá trị nổi bật của dòng thơ
Làng quê trong phong trào
Thơ Mới 1932-1945
Trong lịch sử thi ca Việt Nam, làng quê là một nguồn cảm hứng lớn. Ca
dao, thơ trung đại đã có nhiều bài xuất sắc về đề tài này. Ở mỗi thời kỳ, đề tài làng
quê đều có tác giả, tác phẩm đặc sắc. Nhưng có thể nói, chỉ đến Thơ mới trở đi, thơ
làng quê mới thực sự phong phú như chưa từng có. Mảng sáng tác này có một khối
lượng tác phẩm khá lớn. Theo thống kê của chúng tôi (dựa vào bộ tuyển tập: Thơ
mới 1932 - 1945, Tác giả và tác phẩm do Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn,
NXB Hội nhà văn, H, 1999 - đây là công trình được coi là tập hợp đầy đủ và nghiêm
túc nhất về Thơ mới hiện nay) thì số bài viết về làng quê là 426/ 1075 chiếm
39,62%. Con số này chỉ có giá trị tương đối song có thể tham khảo và cho phép
chúng ta hình dung về số lượng tương đối lớn của mảng sáng tác này. Trong số đó,
không ít bài được xem như kiệt tác. Đây là bộ phận thi ca qui tụ được một đội ngũ
tác giả đông đảo. Hầu như không có thi sĩ Thơ mới nào không viết một đôi bài, một
đôi câu, thường vào loại hay nhất của mình về làng quê. Trong đội ngũ sáng tác
đông đảo ấy, có nhóm tả chân chuyên về đề tài này: Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Đoàn
Văn Cừ Nguyễn Bính - một trong những tên tuổi lớn nhất của Thơ mới - được coi
là nhà thơ “chân quê”, với hồn thơ “quê mùa”. Một số nhà thơ khác tuy không
chuyên hẳn về làng quê nhưng cảm hứng quê hương có vị trí quan trọng trong sự
nghiệp của họ. Mỗi người đều có một chùm thơ làng quê rất đặc sắc: Hàn Mặc Tử,
Huy Cận, Tế Hanh Sự phong phú của mảng sáng tác này còn được thể hiện cả về
nội dung cụ thể, về các khuynh hướng thẩm mỹ, các phong cách, bút pháp thơ
Với sự phong phú, đa dạng ấy, mảng thơ làng quê giữ một vị trí quan trọng
đặc biệt trong Thơ mới. Là một bộ phận của Thơ mới, thơ làng quê mang đặc điểm,
giá trị chung của cả phong trào. Tuy nhiên, là một mảng sáng tác có đối tượng thẩm
mỹ riêng, quan niệm mỹ học cũng có những nét riêng, thơ làng quê còn có đặc điểm,
giá trị riêng.
Nếu giờ đây, không ai còn nghi ngờ Thơ mới là một phong trào thi ca mang
đậm tính nhân văn thì có thể nói, tính nhân văn đó được thể hiện khá tập trung và
phong phú ở mảng thơ làng quê.


Cùng với tình yêu, thiên nhiên là một trong những nguồn cảm hứng lớn nhất
của chủ nghĩa lãng mạn. Vì thế, hầu hết nghệ sĩ lãng mạn đều say sưa kiếm tìm vẻ
đẹp ở thiên nhiên. Thiên nhiên như một khoảng trời trong trẻo, thanh sạch ru dịu
những tâm hồn lãng mạn đang bất hòa sâu sắc với cuộc sống ngột ngạt, tù túng chốn
đô thành: “Ở đây mây núi cây rừng - Nước non thanh sạch cách chừng phồn hoa”
(Thế Lữ). Thơ mới có những cảnh thiên nhiên hùng vĩ trong thơ Huy Thông, mộng
ảo trong thơ Lưu Trọng Lư, có thiên nhiên mơ huyền nơi tiên giới ở thơ Thế Lữ
song không nhiều. Với các thi sĩ Thơ mới, tìm đến thiên nhiên, họ đặc biệt say sưa
với vẻ đẹp của phong cảnh làng quê. Điều này không phải là một ngẫu nhiên. Nó bắt
nguồn từ đặc điểm của cái Tôi Thơ mới. Phong cảnh làng quê Việt Nam từ bao đời
nay vốn rất gần gũi, thân quen với vẻ đẹp đơn sơ, bình dị. Vẻ đẹp đó rất phù hợp với
“gu” thẩm mỹ của người Việt Nam. Hầu hết thi sĩ Thơ mới đều sinh ra và lớn lên ở
làng quê. Hình ảnh làng quê mà trước hết là phong cảnh đã ngấm vào máu thịt, ăn
sâu trog tâm thức mỗi người. Với tình cảm gắn bó tự nhiên, sâu nặng ấy, họ rất thiết
tha với phong cảnh làng quê.
Có một thời, không ít người cho rằng những sáng tác về nông thôn trước cách
mạng chỉ thực sự có giá trị khi đi sâu phản ánh hiện thực đen tối của nông thôn
đương thời. Với quan niệm ấy thì việc các thi sĩ Thơ mới chỉ say sưa với vẻ đẹp, cái
thi vị của phong cảnh làng quê bị kết án là “thoát ly”, “tiêu cực”.
Tuy nhiên, vấn đề cần được nhìn nhận theo nhiều chiều cạnh thấu đáo hơn.
Rõ ràng, không thể nói đơn giản, một chiều rằng nếu hiện thực nông thôn đương
thời là tăm tối như đêm đen “Tắt đèn” thì những bài thơ, áng văn chỉ nói về vẻ đẹp
thi vị của làng quê đều đáng bị phê phán. Mở rộng thêm vấn đề chút nữa, ta thấy
không nên và không thể đòi hỏi toàn bộ nền văn học đương thời đều phải là văn học
hiện thực phê phán, văn học cách mạng. Đó đều là những bộ phận văn học có giá trị
lớn. Song phản ánh hiện thực không phải là giá trị duy nhất của văn chương. Mỗi
trào lưu, mỗi khuynh hướng, mỗi bộ phận văn học đều có giá trị đặc biệt riêng nếu
đó thực sự là “văn học” với ý nghĩa là “nhân học”, tức là đều có chất nhân văn, góp
phần nhân đạo hóa con người. Những sáng tác về làng quê trong Thơ mới tuy không
nhằm phản ánh hiện thực đen tối đương thời, không nhằm mục đích tố cáo hay cổ vũ

tinh thần chiến đấu nhưng như vậy không có nghĩa là nó không có ý nghĩa tích cực,
không có khả năng thúc đẩy con người vươn tới những điều cao đẹp.
Tìm đến phong cảnh thiên nhiên làng quê, thi sĩ Thơ mới thường rung cảm và
thấm thía vẻ đẹp thi vị tiềm ẩn trong những cảnh thật đơn sơ, bình dị: “Tia nắng tía
nháy hoài trong ruộng lúa” (Đoàn Văn Cừ), “Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng. Lũ
bướm vàng lơ đãng lướt bay qua” (Anh Thơ), “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay.
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” (Nguyễn Bính), “Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”
(Hàn Mặc Tử)
Biết rung cảm một cách sâu sắc, biết thưởng thức nâng niu, trân trọng vẻ đẹp
của thiên nhiên, đặc biệt là những cảnh vốn rất bình dị là một biểu hiện của nhân
cách văn hóa trong con người. Hành trang mà con người mang theo trong quá trình
tự hoàn thiện nhân cách của mình sẽ không thể thiếu vắng những trang văn, dòng
thơ giàu thẩm mỹ trước vẻ đẹp muôn màu của tạo hóa. Thạch Lam có một quan
niệm sâu sắc, tiến bộ và khá toàn diện về văn chương. Nhà văn khẳng định văn
chương phải là “thứ khí giới thanh cao và đắc lực”. Khí giới ấy phải nhằm “tố cáo
và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác”. Nhưng nó còn phải gánh vác một sứ
mệnh thiêng liêng và cao cả khác “làm cho lòng người trong sạch và phong phú
hơn”, có nghĩa là con người trở nên người hơn, nhân văn hơn. Đó là một tư tưởng
lớn, đẹp, rất sâu sắc.
Có thể nói, những câu thơ, bài thơ viết về phong cảnh thiên nhiên làng quê ở
Thơ mới tuy không mang nội dung xã hội, thường chỉ là những rung động, cảm xúc
trước cái đẹp đơn sơ, bình dị của thiên nhiên nhưng đã góp phần đặc biệt quan trọng
trong việc “làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn” như mong mỏi của
Thạch Lam.
Ở mảng thơ làng quê, lòng thương đời của thi sĩ được thể hiện sâu đậm hơn
bất cứ mảng thơ sáng tác nào khác của Thơ mới. Mạch tình cảm nhân đạo rất đáng
trân trọng đó được thể hiện nổi bật trong không ít bài thơ rất đỗi hiện thực viết về
muôn nỗi thống khổ của cuộc sống dân quê.
Là một hồn thơ đầy lãng mạn nhưng Tế Hanh đã viết về làng quê với cảm
hứng hiện thực khá sâu sắc. Ông thực sự đau xót khi chứng kiến cảnh làng quê điêu

tàn bởi “Hàng ngoại hóa giết dần hàng nội hóa”. Câu thơ giản dị, mộc mạc như văn
xuôi nhưng trĩu nặng nỗi xót thương của đứa con quê hương vùng biển. Văn Cao là
tác giả của những ca khúc lãng mạn tuyệt vời, bất hủ song cũng là thi sĩ của một bài
thơ rất hiện thực viết về một xóm chài nghèo đói: Bến Ngự trên thương cảng. Ở
nơi đó, bao ngư dân sống lắt lay trong cảnh không ánh sáng ngày mai, “Không đóm
lửa chỉ chập chờn trăng chiếu”. Trong cùng cực, họ đã mạo hiểm, liều mình ra khơi,
đánh đổi cả mạng sống của mình vì miếng cơm, manh áo. Và nhiều người đã không
bao giờ trở lại. Sống trong tăm tối đói nghèo. Chết trong cơ cực thảm thương. Vậy
mà “trời vẫn xanh”. Xanh đến tàn nhẫn và vô tình. Thấm thía bao nỗi cơ khổ âm
thầm mà trĩu nặng ấy, Văn Cao có những vần thơ đầy thương cảm: “Những toán
người đời quên - Cúi đầu đi trong nắng”. Đau lòng trước nạn đói tràn lan, Mộng
Tuyết làm luôn mười bài thơ liên hoàn kêu gọi cứu đói. Anh Thơ đâu chỉ điềm
nhiên, khách quan về những “bức tranh quê” mà còn có cả một chùm thơ đầy
thương xót trước bao nỗi khổ nơi làng mạc bởi: Lụt, Giông tố, Đại hạn
Nhắc đến Đoàn Văn Cừ, nhiều người vẫn thường chỉ nhớ đến Chợ Tết, Đám
Hội, Đám cưới mùa xuân tươi vui, rực rỡ sắc màu mà ít ai biết rằng nhà thơ còn có
một loạt thi phẩm mang nỗi đau trước bao tai ương, khốn khổ của dân quê. Ông thực
sự tri âm với những kẻ cùng khổ, cả đời chỉ sống với một chuỗi lo toan không có
điểm dừng: lo “bão tố”, “kè vỡ”, “cháy nhà”, “cướp đêm” Đặc biệt, Đoàn Văn Cừ
còn nhận thấy dân quê đói khổ không chỉ vì thiên tai, địch họa mà còn do chế độ sưu
thuế bất công lúc bấy giờ: “Đêm thuế đèn dây thắp sáng choang - Đình ra tiếng vọt,
tiếng kêu oan - Trát về truyền lan hai ngày nữa - Trống mõ canh khuya rợn xóm
làng”. Thật bất ngờ, trong Thơ mới lại xuất hiện những vần thơ tả chân một hiện
thực nhức nhối của cuộc sống nông thôn lúc bấy giờ như vậy. Những vần thơ ấy
dõng dạc vang lên lời kết tội cả một chế độ sưu thuế dã man gây ra bao thảm cảnh
điêu đứng cho người dân quê. Đằng sau những bài thơ, những câu thơ rất “hiện
thực phê phán” ấy là một tấm lòng xót thương vô hạn của người làm thơ.
Những bài thơ mang niềm cảm thương, xót xa cho cuộc sống đói khổ của
người dân quê trong Thơ mới không nhiều lắm song cũng không quá ít và không
phải không sâu sắc. Tình cảm ấy không chỉ có ở mảng thơ làng quê. Nhưng trong

Thơ mới chỉ ở mảng thơ này, tình cảm nhân đạo đó mới được thể hiện nổi bật, thấm
thía hơn cả. Ở những bài thơ đậm đà cảm hứng hiện thực ấy, cái Tôi Thơ mới
thường có xu hướng hướng ngoại. Nó hướng đến cuộc sống tăm tối ở nông thôn với
cảm hứng hiện thực thấm đượm tinh thần nhân đạo, nhiều khi thật sâu sắc.
Lòng thương đời ấy còn thể hiện trong sự cảm thông, nâng niu trân trọng
những khát khao yêu đương, khát vọng hạnh phúc lứa đôi âm thầm mà mãnh liệt của
những chàng trai, cô gái thôn quê. Đặc biệt, thi sĩ Thơ mới còn đồng cảm với rung
động tình yêu đầu đời, nỗi tương tư da diết, nhất là nỗi đau bởi duyên phận lỡ làng
của bao cô gái quê. Mưa xuân vàLỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính có thể coi là
những tác phẩm xuất sắc về phương diện này. Không phải quá lời nếu nói rằng,
trong thi ca đương thời, Nguyễn Bính là người tri âm số một với thân phận của bao
cô gái quê. Và vì thế, thơ ông có sức lay cảm đặc biệt, có khả năng lan truyền rộng
rãi và có nhiều lớp độc giả của nhiều thời ở nông thôn.
Với những biểu hiện đa dạng, sâu đậm như trên, rõ ràng, thơ làng quê trong
Thơ mới là mảng sáng tác giàu giá trị nhân văn. Ở bộ phận thi ca này, giá trị nhân
văn ấy vừa có sự kế thừa truyền thống, vừa có những khía cạnh mới mẻ, chủ yếu do
gắn với sự thức tỉnh ý thức cá nhân trong thời đại chữ Tôi. Như vậy, thơ làng quê đã
góp phần làm giàu có, sâu sắc thêm tinh thần nhân văn của phong trào Thơ mới nói
riêng và của văn học dân tộc nói chung.
Cùng với giá trị nhân văn, Thơ mới còn được đánh giá cao bởi tinh thần dân
tộc. Ở mỗi mảng sáng tác, tinh thần dân tộc ấy có những biểu hiện cụ thể khác nhau.
Tuy có những biểu hiện đa dạng song cội gốc của nó vẫn là tấm lòng gắn bó với quê
hương, đất nước của người làm thơ. Trong phong trào Thơ mới, thơ làng quê luôn
được nhiều nhà nghiên cứu coi là mảng sáng tác thể hiện đầy đủ nhất, đậm đà nhất
tinh thần dân tộc ấy.
Cũng như giá trị nhân văn, biểu hiện của tinh thần dân tộc ở mảng thơ làng
quê của Thơ mới cũng rất phong phú.
Thi ca Việt Nam trước đó đã bao lần miêu tả vẻ đẹp của phong cảnh làng quê.
Song về cơ bản, hầu hết những bức tranh quê trong thơ cổ điển nặng tính ước lệ nên
màu sắc dân tộc còn nhòe nhạt. Ngay cả Nguyễn Khuyến được Xuân Diệu coi là

“nhà thơ của làng cảnh Việt Nam” thì màu sắc dân tộc trong những bức tranh quê
của ông cũng chưa thật đậm đà, rõ nét. Phải đến Thơ mới, phong cảnh làng quê mới
thực sự “rất đậm đà phong vị quê hương” - chữ dùng của Hoài Thanh. Con đường
làng trong thơ Huy Cận không còn xa lạ với “dặm liễu sương sa”, “ngàn mai gió
cuốn” mà gần gũi, thân thiết như bất cứ con đường nào của mỗi làng quê Việt Nam:
“Đường trong làng hoa dại với mùi rơm”. Dòng sông của Anh Thơ không ngập một
màu tuyết trắng của Đường thi mà đúng là sông quê Việt Nam với “Mưa đổ bụi êm
êm trên bến vắng Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng - Bên chòm xoan hoa
tím rụng tơi bời”. Những sớm bình minh làng quê trong Thơ mới cũng thơm hương
đồng đất Việt Nam: “Sáng hôm nay sương biếc tỏa mờ mờ - Như hương khói đượm
đầu cau mái rạ” (Thế Lữ). Đặc biệt Việt Nam là cảnh quê trong thơ Nguyễn Bính.
Màu sắc dân tộc cứ bàng bạc trong từng hình ảnh sơ sài, giản đơn: Những hàng cau,
những giàn trầu, giàn đỗ ván, dậu mồng tơi, mảnh vườn dâu, cây đa, bến nước, con
đò
Tuy nhiên, màu sắc Việt Nam trong những bức tranh quê của Thơ mới không
chỉ thể hiện ở những gì nghe được, nhìn thấy, mà còn ở những cái không thể nhìn ra,
chỉ có thể cảm được: không khí, thần thái, linh hồn của quê hương, làng mạc. Bàng
Bá Lân, Tế Hanh, Huy Cận đều có những câu thơ, bài thơ làng quê đặc sắc, gợi
được không khí cái “hồn quê” ấy. Đặc biệt là Nguyễn Bính. Cho dù ông miêu tả
cảnh quê hay mượn cảnh để ký thác một nỗi niềm, một tâm trạng thì thơ ông đều có
khả năng thức dậy, ngân vang một hồn quê xưa cũ: “Lợn không nuôi đặc ao bèo -
Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn - Giếng thơi mưa ngập nước tràn - Ba
gian đầy cả ba gian nắng chiều”.
Tình cảm dân tộc của thi sĩ Thơ mới còn được thể hiện sâu sắc trong việc
khám phá vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất của người dân quê, nhất là vẻ đẹp truyền thống
ở những người phụ nữ nơi làng quê. Họ là điểm hội tụ, kết tinh cho bao nét đẹp
truyền thống của người Việt Nam. Nét đẹp quan trọng và nổi bật hơn cả ở người phụ
nữ nông thôn là phẩm chất chịu thương chịu khó, tần tảo đảm đang, vị tha hết mình.
Với họ, hạnh phúc, ý nghĩa của cuộc sống là được yêu thương, được hy sinh quên
mình vì gia đình, chồng con: “Tần tảo sớm khuya quên sương gió - Quên cả đời

riêng một suối xuân” (Cẩm Lai); “Vì tằm tôi phải chạy dâu - Vì chồng tôi phải qua
cầu đắng cay”; “Mẹ tôi tóc bạc da mồi - Thắt lưng buộc bụng một thời nuôi con”
(Nguyễn Bính)
Bài thơ Đường về quê mẹ của Đoàn Văn Cừ rất thành công khi khắc họa vẻ
đẹp của người phụ nữ nơi làng quê ở một phương diện khác. Hình ảnh “u tôi” mang
nét đẹp truyền thống từ trang phục “Thúng cắp bên hông nón đội đầu. Khuyên vàng
yếm thắm áo the nâu” đến phẩm chất “thảo hiền” khiến “ai cũng khen” u. Tần tảo
sớm khuya tận hiến cho chồng con nhưng u vẫn không quên dạy con phải biết giữ
gìn thuần phong mỹ tục từ bao đời. Mỗi độ xuân về, u “Lại dẫn chúng tôi về nhận
họ - Bên miền quê ngoại của hai thân”. Với “u tôi” và nhiều người phụ nữ truyền
thống Việt Nam thì “Dẫu phải theo chồng thân phận gái - Đường về quê mẹ vẫn
không quên”.
Vẻ đẹp tâm hồn người dân quê, nhất là vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ
đã góp phần làm cho vẻ đẹp Việt Nam, tính cách Việt Nam tỏa sáng trong Thơ mới.
Nặng tình với dân tộc, thi sĩ Thơ mới còn đặc biệt thiết tha, trân trọng vẻ đẹp
trong sinh hoạt văn hóa làng quê. Thơ mới có hẳn một không gian văn hóa làng quê.
Các thi sĩ say sưa viết và viết đầy gợi cảm về ngày “hội làng”, “hội chèo”, “hội
chùa”, những Đám cưới mùa xuân rồi cảnh ngày Tết mồng năm, Rằm tháng tám,
“lễ vào hè”, “cúng ra hè” Nhất là ngày Tết nguyên đán. Đây là dịp vẻ đẹp văn hóa
nơi làng quê phô diễn mọi vẻ đẹp cổ truyền của mình. Thơ mới có hẳn một chùm
thơ phong phú về đề tài này: Chợ Tết, Năm mới, Tết, Tết quê bà (Đoàn Văn
Cừ), Chiều ba mươi Tết, Đêm ba mươi Tết, Ngày Tết (Anh Thơ), Xuân tha hương,
Tết của tôi (Nguyễn Bính)
Với bao phong tục cổ truyền đẹp đẽ ấy, Tết với người dân quê thực sự là một
sự kiện trọng đại, thiêng liêng. Vì thế, nếu phải xa quê khi Tết đến, xuân về, mỗi
người Việt Namluôn khắc khoải sống với tâm trạng hoài nhớ da diết: “Lênh đênh
tóc rối cỏ bồng - Chiều ba mươi Tết ai không nhớ nhà”.
Có thể nói chưa bao giờ trong thi ca Việt Nam trước đó, vẻ đẹp của văn hóa
làng, của phong tục tập quán cha ông lại được miêu tả chân thực, sống động, phong
phú và hấp dẫn như trong Thơ mới.

Không phải ngẫu nhiên mà thi sĩ Thơ mới lại thiết tha với vẻ đẹp văn hóa làng
quê đến vậy. Điều này vốn bắt nguồn từ tâm thế của cái Tôi Thơ mới. Chứng kiến
cuộc sống đầy biến động dữ dội theo xu hướng Âu hóa lúc bấy giờ, những thi sĩ Thơ
mới tuy xuất thân Tây học chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa phương Tây, song
hầu hết họ đều là những đứa con của làng quê Việt Nam theo cả nghĩa đen và nghĩa
bóng. Hơn ai hết, họ thấm thía nỗi đau khi chứng kiến nhiều giá trị văn hóa truyền
thống đẹp đẽ của dân tộc đang bị băng hoại trước làn sóng Âu hóa với mặt trái của
nó. Vì vậy, họ càng khao khát tìm về để níu giữ vẻ đẹp thuần phác của làng quê xưa
với tâm thế: “Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa”.
Đây là mảng sáng tác in đậm tinh thần dân tộc nhất của Thơ mới.
Với những giá trị tư tưởng đặc sắc, nổi bật trên đây, thơ làng quê đã kế thừa
và phát huy hai truyền thống lớn nhất của văn học Việt Nam: giá trị nhân văn và tinh
thần dân tộc. Ở mảng thơ làng quê, cả hai giá trị này đều được thể hiện tập trung,
nổi bật, đồng thời có những khía cạnh sâu sắc, mới mẻ. Bên cạnh đó, thơ làng quê
còn có đóng góp rất quan trọng vào việc cách tân thơ ca theo hướng hiện đại hóa
trên nhiều phương diện. Về ngôn ngữ, ở Thơ mới, Nguyễn Bính có một trường từ
ngữ riêng, rất đặc sắc, không thể lầm lẫn với bất cứ một thi sĩ nào. Về thể thơ, Huy
Cận và Nguyễn Bính vừa kế thừa vừa phát huy thể lục bát truyền thống theo hai
hướng: ca dao và cổ điển và đều có đóng góp vào việc cách tân thể loại này trong
thời đại mới. Ở thơ làng quê trong Thơ mới còn có cả hệ thống thi liệu đời thường
với những hình ảnh thơ đầy sáng tạo, dư ba. Đây là mảng sáng tác còn có sự đa dạng
về các khuynh hướng thẩm mỹ, phong cách, bút pháp thơ
Rõ ràng, với những giá trị quan trọng, nổi bật trên cả hai phương diện tư
tưởng và nghệ thuật, thơ làng quê giữ một vị trí quan trọng đặc biệt trong Thơ mới.
Mảng sáng tác này có những đóng góp riêng vào thành tựu chung của “một cuộc
cách mạng trong thi ca” mà Thơ mới tiến hành

×