Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Bi kịch hóa trần thuật - Một phương thức tự sự (Trên cứ liệu "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư) ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (173.26 KB, 8 trang )

Bi kịch hóa trần thuật - Một
phương thức tự sự (Trên cứ liệu
"Cánh đồng bất tận" của Nguyễn
Ngọc Tư)




Văn xuôi Việt Nam thời gian gần đây thiên về tìm tòi đổi mới cách kể. Hứng
thú của các nhà văn cũng như các nhà nghiên cứu phê bình là vấn đề cách kể như
thế nào hơn là vấn đề kể cái gì. Đây cũng là điều hợp quy luật, nó đẩy cách sáng
tạo, cách hiểu, cách tiếp nhận về gần hơn với đặc trưng thẩm mỹ của văn học. Một
trong những cách kể được nhiều người quan tâm và đã có những vận dụng thành
công nhất định là bi kịch hoá trần thuật. Ở bài viết này chúng tôi xin đi tìm hiểu
cách kể này dựa trên cứ liệu hai tác phẩm được giải thưởng Hội Nhà văn: Cánh
đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư (Giải thưởng năm 2006) vàVà khi tro bụi của
Đoàn Minh Phượng (Giải thưởng năm 2007).
Lý thuyết tự sự trước nay ghi nhận hai hình thức trần thuật cơ bản: trần thuật
ở ngôi thứ ba (khách quan hoá) và trần thuật ở ngôi thứ nhất (chủ quan hoá). Cách
phân biệt này mới chỉ dừng ở hình thức bề ngoài chứ chưa đi sâu vào phương thức
tự sự bên trong. Điều này cũng chứng tỏ người ta chưa xem người kể đứng gần hay
xa các sự kiện, nhân vật trong truyện một cách cụ thể. Chúng tôi đặt vấn đề bi kịch
hoá trần thuật, cụ thể hơn là bi kịch hoá nhân vật người kể chuyện để tìm hiểu sâu
hơn một bước cụ thể hoá hình thức trần thuật ở ngôi thứ nhất. Theo chúng tôi khi
người kể được nhân vật hoá sẽ thoả mãn hai chức năng: chức năng miêu tả hoàn
cảnh, không gian, thời gian, các biến cố sự kiện và chức năng phát hiện ra thế giới
bên trong của nhân vật người kể chuyện. Người kể không chỉ kể mà còn đóng vai
là một nhân vật, do vậy tất yếu phải biểu hiện những quan niệm, suy nghĩ, tình
cảm với ngôn ngữ, giọng điệu của một con người cụ thể. Vì thế câu chuyện không
chỉ lôi cuốn sự chú ý của người đọc theo dòng các sự kiện mà còn lôi cuốn người
đọc vào cả lời kể, cách kể. Nhờ thế đã tạo ra hai hiệu quả: tạo ra ảo giác ở độc giả


về tính khách quan của nội dung câu chuyện và thể hiện đậm nét dấu ấn chủ quan
của người kể chuyện. Điều này đã được hai nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và Đoàn
Minh Phượng vận dụng khá thành công trong tác phẩm của mình.
1. Bi kịch hoá tình huống
Chúng ta đều cho rằng để tạo ra được một truyện hay người viết phải sáng
tạo ra được một tình huống hấp dẫn. Ở cả hai truyện Cánh đồng bất tận và Và khi
tro bụi đều tạo ra một tình huống bi kịch. Ở Cánh đồng bất tận là bi kịch gia đình
tan vỡ bắt đầu từ chuyện ngoại tình của người mẹ. Hận đời, hận tình người cha
phóng lửa đốt nhà rồi đưa hai con lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ làm nghề chăn
vịt, nay đây mai đó kiếm sống. Ở Và khi tro bụi là bi kịch của một người vợ có
người chồng chết "bất đắc kỳ tử" vì tai nạn giao thông. Không chịu nổi nỗi đau,
nỗi cô đơn, người vợ cũng đi tìm cái chết bằng cách lên một chuyến xe lửa định
đến một nơi bất kỳ và sẽ tự vẫn trên cuộc hành trình bằng cách uống thuốc ngủ.
Những tình huống này không mới. Chúng đều là những tình huống bi kịch mang
tính giải thoát. Người cha đưa hai con lên một chiếc thuyền cũng là một cách giải
thoát khỏi bi kịch gia đình bị tan vỡ, bi kịch bị phản bội. Hành động phóng lửa đốt
nhà của người cha (Cánh đồng bất tận), hành động rũ bỏ không thương tiếc nhà
cửa, của cải, kỉ niệm của người vợ (Và khi tro bụi) là những hành động cự tuyệt
tuyệt đối với hiện tại. Đó là những hành động tiêu cực. Xét dưới góc độ cấu trúc
thể loại, những tình huống này tăng cường tính bi kịch cho câu chuyện, lôi cuốn sự
chú ý dõi theo những sự kiện tiếp theo. Không ngẫu nhiên, hai tác giả đều để cho
nhân vật của mình "giải thoát” bằng cách di chuyển trong một không gian vô định.
"Cánh đồng" có thể là không gian xác định nhưng"cánh đồng bất tận" lại là không
xác định, không giới hạn, không phương hướng. Xét dưới góc độ ý nghĩa, nó khơi
gợi lòng cảm thương, xót xa cho số phận con người, nhất là đối với người phụ nữ
bơ vơ "tứ cố vô thân" nơi đất khách (Và khi tro bụi), với trẻ em nghèo không được
sự chăm sóc đầy đủ của cha mẹ (Cánh đồng bất tận).
2. Bi kịch hoá không - thời gian
Chọn người kể chuyện là một cô gái mới lớn (Nương) thất học chưa từng trải
còn ngỡ ngàng trước những sóng gió va đập của cuộc đời, hồn nhiên kể lại chuyện

của gia đình mình và của chính mình đã góp phần tạo ra một đặc điểm dễ thấy
ở Cánh đồng bất tận là sự hồn nhiên. Chính điều này đã nói rõ mặt mạnh, mặt yếu
(mà chúng tôi sẽ bàn dưới đây) ở cây bút trẻ tài năng Nguyễn Ngọc Tư thể hiện
trong một truyện vừa gây xôn xao văn đàn, người khen rất nhiều, người chê cũng
không ít. Mô hình kết cấu của Cánh đồng bất tận ảnh hưởng rõ kết cấu trong Chí
Phèo của Nam Cao, nghĩa là điểm nhìn trần thuật được di chuyển trên trục thời
gian bắt đầu từ một thời điểm hiện tại rồi ngược về quá khứ sau đó lại tiếp tục ở
thời tương lai. Mở đầu là cảnh một cô gái điếm bị đám đông đánh đập sau đó
ngược về quá khứ nói về nguyên nhân gây tan vỡ gia đình rồi lại kể tiếp những
chuyện trả hận đàn bà của người cha và cảnh người con gái (Nương) bị cưỡng hiếp
trên cánh đồng. Câu chuyện được mở đầu nói về một hiện tượng xã hội nhức nhối
(tệ nạn gái điếm) đã gây sự chú ý theo dõi ở người đọc: đây là câu chuyện về sex,
về bạo lực hay về số phận một con người đầy bi kịch nào đó… Rồi người kể cứ lái
dần câu chuyện vào nội dung chính bằng cách để cho người kể kể lại chuyện của
gia đình "tôi" và của chính "tôi", bằng cách kể này đã tạo ra ở truyện một hiệu quả
nghệ thuật lưỡng tính. Một là, câu chuyện hồn nhiên như cuộc đời vậy, "tôi" là
một cô gái quê mùa chân chất, mộc mạc cứ thật thà kể, hồn nhiên kể, vì thế mà
người đọc hầu như không thấy dấu vết của sự hư cấu. Hai là, thời điểm xảy ra câu
chuyện và thời điểm kể rất gần nhau nên tính thời sự của câu chuyện còn tươi
nguyên, nóng hổi như là câu chuyện của ngày hôm nay vậy. Mà đã có tính thời sự,
thì bao giờ cũng mang một độ nhạy cảm chính trị nhất định, nếu cứ hồn nhiên kể,
thậm chí quá đà sẽ gây ra một hiệu ứng tức thời ở bạn đọc. Thí dụ chuyện dịch
cúm gia cầm là chuyện nhạy cảm, nhà văn lại khoét sâu vào chuyện này thì thật
không cần thiết. Có chi tiết phản hiện thực như nhà văn để cho người nuôi vịt tự
vẫn vì đàn vịt của mình bị tiêu huỷ. Trên thực tế việc chính quyền ra lệnh phải
ngăn chặn nạn dịch là đúng và bao giờ cũng có một sự đền bù, tất nhiên không thể
thoả đáng nhưng không đến nỗi đẩy người lao động vào bước đường cùng mất hết
gia sản, đến mức phải tự tử. Điều này tạo ra sự phản ứng của một bộ phận bạn đọc
là có lý của họ. Một kinh nghiệm rút ra, trong sáng tạo nghệ thuật sự hồn nhiên là
rất quý nhưng nhà văn không thể ngây thơ về thời cuộc, ngoài tài năng, tâm huyết

nhà văn còn phải luôn trau dồi vốn chính trị, nếu không sẽ dễ bị hiểu lầm hoặc sẽ
bị kẻ xấu lợi dụng để bịa đặt, tuyên truyền gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận
bạn đọc.
Một đặc điểm trong cấu trúc nhân vật ở Cánh đồng bất tận là nhân vật không
hề tĩnh tại mà luôn vận động. Ba cha con Nương làm nghề chăn vịt nên phải lênh
đênh sông nước nay đây mai đó, chỗ nào vịt có thức ăn thì đến, rồi lại phải tiếp tục
ra đi. Rõ ràng nhân vật đã bị đẩy vào một tình huống mâu thuẫn: càng tiếp xúc đến
mức tối đa không gian vật lý thì lại càng hạn chế đến mức tối thiểu không gian tâm
thức vì ít được tiếp xúc với cộng đồng. Nhân vật dường như chỉ sống với chính
mình và độc giả bị kéo vào câu chuyện đi theo bước chân nhân vật để tìm hiểu
cảnh đất trời sông nước miền cực nam Nam Bộ, nhưng chủ yếu là đi theo dòng hồi
tưởng miên man của nhân vật. Vì người kể chuyện và nhân vật là một nên truyện
vẫn chỉ có một điểm nhìn. Cách kể truyền thống thường chỉ sử dụng một điểm
nhìn dẫn đến lời văn một giọng đơn điệu. Nguyễn Ngọc Tư đã vượt qua thách thức
của cách kể chuyện truyền thống, vẫn một điểm nhìn nhưng là điểm nhìn của "tôi"
- ngôi thứ nhất, điểm nhìn này luôn di chuyển trên trục thời gian gấp khúc (hiện tại
- quá khứ - tương lai) soi chiếu trên một toạ độ không gian rộng nên đã tạo ra ở lời
văn mang tính chất nhiều giọng, lời văn hồn nhiên, tươi non mà nhiều cảm xúc.
“Tôi” trong Và khi tro bụi hành trình trên chuyến xe lửa để tìm cái chết thì
ngẫu nhiên được đọc những dòng nhật ký trong một quyển sổ ghi chép của một
chàng trai trực đêm ở khách sạn. Lại là một cái chết oan uổng khác: một người
chồng giết vợ, đứa con 5 tuổi nhìn thấy, sợ quá mà bỏ trốn vào rừng. Người anh
(Michael) lớn lên cùng một ý chí mãnh liệt tìm em (Marcus) và trả thù cho mẹ
(Anita). “Tôi” (AnMi) từ bỏ ý nghĩ tự vẫn mà tự nguyện dấn mình truy tìm cho ra
người em Marcus và làm rõ nguyên nhân cái chết của người mẹ Anita.
Câu chuyện bắt đầu hấp dẫn trước hết bởi cái chất “điều tra hình sự” của nó.
Tiểu thuyết (cứ tạm gọi trước như vậy) có kết cấu truyện nọ lồng trong truyện kia
với năm sáu lớp truyện mà “tôi” vừa là người kể chuyện vừa là nhân vật cứ bước
hết từ lớp truyện này sang lớp truyện khác cho đến khi “vụ án” được làm sáng tỏ.
“Vụ án” kết thúc không trùng với kết thúc của tiểu thuyết mà lại tạo ra một kết

thúc bất ngờ khác cho chính “tôi”. Tính chất “ly kì” của câu chuyện điều tra thể
hiện ở những sự bất ngờ từ các nhân vật với các mối quan hệ mới, các lời phủ định
hay tự thú. Chàng trai Michael phủ nhận nội dung nhật ký của chính mình. Ông bố
Kempt tự thú đã giết vợ. Đứa em Marcus bị mất trí nhớ. Cô giáo Sophie (có thể
coi là một nhân chứng trong vụ án) có những lời ngụy biện che giấu sự thật bằng
cách phân tích tâm lý trẻ em rất có sức thuyết phục. Sophie là tình nhân của người
cha (Kempt) rồi trở thành nhân tình của người con trai (Michael).
Tập sách chỉ dày 185 trang không đề tên thể loại. Có lẽ ý định của tác giả là
để cho bạn đọc tuỳ coi đó là truyện vừa hay tiểu thuyết. Theo tôi tập sách có một
cách kể rất tiểu thuyết thể hiện ở sự pha trộn nhiều dạng tiểu thuyết: tiểu thuyết
đời tư, tiểu thuyết tâm lý; tiểu thuyết hình sự, kết hợp nhiều cách kể: dòng ý thức,
đồng hiện, đảo trật tự thời gian… và tận dụng triệt để hiểu biết của người kể
về hội hoạ và âm nhạc, có những trang miêu tả rất hay đạt đến độ tinh tế và sâu
sắc hai lĩnh vực nghệ thuật này. Có hai tuyến truyện song hành xuyên qua các lớp
truyện lồng nhau là chuyện của “tôi” và chuyện “vụ án”. Chọn điểm nhìn trần
thuật là cái “tôi” trong tình trạng cô đơn đến tuyệt vọng đang đi tìm cái chết nên
không hề sợ chết mà do vậy cứ “dấn thân” điều tra các chứng cứ, truy tìm các tình
tiết rối rắm phức tạp của “vụ án”. Sự “dấn thân” này còn cắt nghĩa ở sự đồng cảm
giữa “tôi” và nhân vật, nhất là với nhân vật Marcus. Nếu “tôi” nhìn thấy cảnh mẹ
bị chết bom thì Marcus chứng kiến cảnh mẹ bị giết. “Tôi” và Marcus cùng có một
tuổi thơ trong trại mồ côi. Đây là cách chọn điểm nhìn tối ưu. Điểm nhìn này lại
luôn được di động trên hai trục không gian với các cảnh sống, phong tục, con
người ở Đức và quê hương sinh ra “tôi”; trên hai trục thời gian quá khứ và hiện tại
của “tôi” và của các nhân vật, đã tạo ra sự đa dạng về bức tranh văn hoá đa sắc
màu được thể hiện trong tác phẩm.
3. Bi kịch hoá hoàn cảnh, tâm lý, tính cách nhân vật
Nếu coi Cánh đồng bất tận mang một chủ đề báo ứng như có người đã hiểu
thì câu chuyện chỉ là chuyện của một vài người, của một vài đời người. Có lẽ cao
hơn thế nữa, lấy chủ đề báo ứng làm điểm tựa, câu chuyện hướng về mọi người,
trở thành chuyện của nhiều người, của xã hội. Theo tôi truyện đặt ra một vấn đề xã

hội mang tính khẩn thiết về thân phận người phụ nữ nghèo trong xã hội hôm nay.
Đó là những kiếp người mòn mỏi sống tù túng nghèo nàn, không yêu thương,
không hi vọng, sống cùng tiếng thở dài buồn não ruột: “Má tôi thở dài khi nghe
cha ghé bến… Má tôi thở dài khi tắm… Mỗi lần ghe vải ghé trước bến, má cũng
thở dài, tay bối rối nắm vào hai túi áo mỏng lẹp kép. Thở dài cả khi thằng Điền
bảo cho con xin tiền mua kẹo ”. Đó là những kiếp người phải sống ở vùng khí
hậu khắc nghiệt đến mức ước sao trước lúc chết “được tắm một bữa đã đời”. Đó là
những phụ nữ quê mùa lam lũ bị những ông chồng vũ phu hành hạ coi như là con
ở, là nô lệ tình dục. Đó là thân phận hèn hạ của những cô gái điếm. Đặc biệt là
thân phận trẻ em nữ như Nương (nhân vật - người kể chuyện), vì chuyện người lớn
mà phải hứng chịu bao nỗi khổ đau vất vả, phải làm người lớn quá sớm. Ý nghĩa
phổ quát toát ra từ những hiện tượng này lên tiếng kêu gọi toàn xã hội phải quan
tâm hơn nữa, phải có những hành động thiết thực, cụ thể hơn nữa để giúp đỡ
những mảnh đời vất vả khổ sở ấy. Trong khi đó chính những mảnh đời khốn khổ
ấy trong sâu thẳm tâm hồn lại mang một vẻ đẹp nhân hậu thiết tha, yêu say đắm,
yêu hết mình, quên mình và luôn ý thức về phẩm hạnh người phụ nữ. Như cô gái
điếm kia vì kiếm sống mà phải bán thân nhưng vẫn ý thức được giá trị của con
người, khi bị thiên hạ đánh cũng biết ngậm ngùi: “Ăn trên mồ hôi nước mắt của
người ta nên lâu lâu bị đánh cũng đáng đời…”. Nhân vật - người kể chuyện phải
hứng chịu tội lỗi của người lớn, bị cưỡng hiếp nhưng vẫn không hận đời, hận tình
như người lớn mà trái lại đầy niềm tin: “Đứa bé đó, nhất định nó sẽ tên là Thương,
là Nhớ, là Dịu, Xuyến, Hường… Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến
trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi
nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”. Đây là những dòng kết của truyện tạo cho
truyện một kết cấu mở, gieo vào người đọc một niềm hi vọng: con người dù có
phải sống trong bi kịch nhưng vẫn ấp ủ một khát khao tin vào lẽ đời, tin vào tình
người. Truyện không hề bi quan.
Chương 17, trong Và khi tro bụi là chương quan trọng nhất quyết định ý
nghĩa chủ đề tiểu thuyết, giả sử cắt chương này thì đây chỉ là một câu chuyện vụ
án bình thường. Chương 17 cắt hẳn với mạch chuyện vụ án và nối vào với chuyện

của "tôi". "Tôi" đã tìm ra sự thật của vụ án và cực kỳ thất vọng về chàng trai
Michael đã phản bội chính mình. "Tôi" lại tiếp tục đi tìm và đã rất gần với cái chết
thì ý thức đưa "tôi" về quá khứ cùng một ấn tượng tuổi thơ kinh hoàng khắc sâu
trong đáy tim giờ đây sống lại: "Tôi" một đứa trẻ bảy tuổi đang ôm xác mẹ thì
bỗng nghe tiếng gọi từ đâu đó, tiếng gọi của đứa em gái ba tuổi kêu chị chạy đi.
Thế là người chị ấy vùng chạy đi để lại xác mẹ và đứa em ấy đến nay đã 25 năm.
Một chủ đề chống chiến tranh, tố cáo chiến tranh toát lên day dứt người đọc. Tại
sao hình ảnh này cho đến khi "tôi" "một nửa bước vào cái chết" mới hiện ra? Điều
này không khó cắt nghĩa. Một là câu chuyện của "vụ án", nhất là các tình tiết về
Marcus một đứa trẻ năm tuổi khi thấy mẹ bị giết sợ quá mà chạy vào rừng trong
cái rét dưới âm nhiều độ dẫn đến mất trí nhớ đã ám ảnh tới "tôi" sâu sắc. Như vậy,
tuy là hai câu chuyện nhưng lại có mối liên hệ với nhau rất chặt như mạch chìm
của tiểu thuyết. Mạch chìm ấy là tình thương, là sự đồng cảm của hai bi kịch, hai
số phận dù trong những tình cảnh khác nhau. Hai là, khi gần cái chết người ta
thường nghĩ về nơi sinh ra, dĩ nhiên là suy nghĩ ấy thường neo lại nơi những ấn
tượng không bao giờ quên, nhất là ấn tượng tuổi thơ. "Lá rụng về cội". Một chủ đề
chính của tác phẩm rộng hơn nhiều chủ đề tố cáo chiến tranh, chủ đề chạy trốn sự
cô đơn hay bi kịch về sự phản bội chính mình…, đó là chủ đề Quê hương cứu vớt
con người. "Tôi" quyết định không chết nữa mà phải sống để quay trở về quê
hương tìm lại đứa em ba tuổi ngày trước. Cái kết này ứng với câu thơ của Henry
Vaughan được tác giả lấy làm đề từ, nguyên văn tiếng Anh là: And when this dust
falls to the urn/ In that state I came, return. Có nghĩa là Và khi tro bụi rơi về/
Trong lúc đó tôi sẽ quay trở lại, được tác giả dịch thơ: Và khi tro bụi rơi về/ Trong
thinh lặng đó, cận kề quê hương. Đây cũng chính là tâm trạng của hàng triệu
người Việt xa xứ vì chiến tranh đang mong ngóng từng ngày trở về Đất Mẹ. Tiểu
thuyết đã góp một tiếng nói làm xích lại gần hơn những đứa con xa quê xa đất
nước.
Như vậy, cách kể bi kịch hoá trần thuật đã góp phần làm nên thành công
của Cánh đồng bất tận và Và khi tro bụi. Một cách kể mang đậm dấu ấn của "tôi",
nhân vật - người kể chuyện. Ứng với cái "tôi" này, lời văn trong Cánh đồng bất

tận đầy khẩu ngữ, đậm đà phong vị dân gian Nam bộ chân chất, hồn nhiên. Còn lời
văn trong Và khi tro bụi lại hiện đại với lối văn phân tích sắc sảo, không kể lại sự
việc mà là phân tích sự việc, không miêu tả trạng thái tâm lý mà là phân tích tâm
lý. Phép liên tưởng và trùng điệp được sử dụng rất hiệu quả. Các câu văn cứ nối
vào nhau, móc vào nhau để biểu hiện các liên tưởng, các hồi ức của nhân vật cũng
là của người kể xưng "tôi". Giả sử đặt hai câu chuyện này sang một ngôi kể khác,
cách kể khác, hiển nhiên truyện sẽ có một điểm nhìn khác, các sự kiện sẽ được
phản ánh, phân tích dưới một hệ quy chiếu khác, do vậy tác phẩm sẽ có một hình
thức khác, một nội dung khác


×