Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Tinh thần cổ súy đạo lý Nho giáo và đạo lí của nhân dân trong văn xuôi những năm đầu thế kỉ XX pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (173.02 KB, 8 trang )

Tinh thần cổ súy đạo lý Nho
giáo và đạo lí của nhân dân
trong văn xuôi những năm đầu
thế kỉ XX





Nho giáo khi du nhập vào nước ta đã ít nhiều được cải biến cho phù hợp với thể chế
chính trị, cơ cấu xã hội, tâm lí và tính cách người Việt Nam nên ăn sâu vào trong tư tưởng
của người dân qua nhiều thế hệ. Có nhiều quan niệm trở thành thứ luật bất thành văn trong xã
hội, nhất là ở các làng xã như "lệ làng, phép nước" và các thiết chế đạo đức phong kiến như
"tam cương ngũ thường", "tam tòng tứ đức". Tư tưởng "trung quân ái quốc", lí tưởng "kinh
bang tế thế" đã trở thành lí tưởng là ý chí và mục đích phấn đầu suốt đời của các nhà Nho.
Như đã nói ở trên, tác giả của văn học thời kì này chủ yếu vẫn là các nhà Nho, vì thế, tinh
thần cổ suý cho đạo đức Nho giáo là một trong những nội dung cơ bản, được phản ánh khá
đậm nét trong văn học.
Một trong những cảm hứng mạnh mẽ và chủ đạo của văn xuôi những năm đầu thế kỉ
XX là sự ca ngợi một cách nhiệt thành, mãnh liệt tư tưởng vì nghĩa và thái độ phê phán, tố
cáo, căm thù, chế giễu, mỉa mai các hiện tượng phi nghĩa. Nghĩa là một khái niệm của Nho
giáo, nằm trong cặp phạm trù đạo đức nhân - nghĩa đã có từ ngàn đời nay. Nghĩa thường
được biểu hiện bằng hành động và vì thế, nhà văn rất chú trọng đến việc xây dựng những tình
huống để nhân vật thể hiện tư tưởng vì nghĩa. "Nghĩa" được thể hiện ở tình cảm của người
chồng thương xót người vợ mới cưới đã từng phải chịu những vất vả, cực nhọc khi đi làm ở
nhà máy sợi và bị tai nạn thảm thương (Câu chuyện một tối của người tân hôn - Nguyễn Bá
Học). Đó là ý thức trách nhiệm và sự hi sinh bản thân mình vì hạnh phúc của các con của
Trần Văn Sửu (Cha con nghĩa nặng - Hồ Biểu Chánh). Đó là sự hào hiệp, rộng rãi và tinh
thần xả thân cứu vớt người khốn khổ của Thủ Nghĩa (Chúa tầu Kim Quy - Hồ Biểu Chánh).
Đó là hành động "giữa đường thấy việc bất bằng mà tha" của Ngươn Kiệt (Một đôi hiệp
khách - Nguyễn Chánh Sắt), v.v


Với cái nhìn đạo đức, các nhà văn xuất thân Nho học thể hiện sự lo lắng, ưu tư, trăn trở
trước sự tha hoá của con người trong sự đổi thay nhanh chóng của xã hội dưới chế độ thực
dân. Xã hội càng biến đổi thì những giá trị đạo đức truyền thống càng bị lung lay. Vì vậy, họ
rất chú ý tuyên truyền, cổ động cho đạo lí của Nho giáo trong tác phẩm.
Hồ Biểu Chánh là một trong những nhà văn xuất thân từ Nho học. Mặc dù có những
tư tưởng chịu ảnh hưởng phương Tây, nhưng cái gốc trong tư tưởng của ông vẫn là tinh thần
bảo vệ nền luân lí của Nho giáo. Vì thế, trước sự thay đổi của xã hội, hơn ai hết, ông cảm
nhận được sự lung lay của nền luân lí truyền thống, và đau xót trước sự biến đổi của đạo đức,
của lễ giáo. Trong tác phẩm Đoạn tình, ông viết: "Cái làn sóng vô luân lí, vô giáo dục này nó
càng lên mạnh thêm hoài, nếu không đi tìm phương mà ngăn cản, thì nó sẽ tràn ngập khắp
trong nước rồi cái xã hội Việt Nam khi xưa tôn trọng đạo đức nên được cứng cỏi, sẽ thành ra
một xã hội hỗn độn tham lam nên phải thấp hèn yếu ớt"
(1)
. Sự lo lắng này đã khiến ông miêu
tả nhiều số phận, nhiều cuộc đời bị hư hỏng do sự xui khiến của "thị dục" thấp hèn như
những tấm gương xấu để nhắc nhở mọi người. Ông đặc biệt quan tâm đến số phận của người
phụ nữ và coi sự hư hỏng của phụ nữ là biểu hiện cao nhất của sự đồi bại về luân lí. Chúng ta
gặp một loạt nhân vật phụ nữ ngoại tình và thông dâm trong tác phẩm của ông: Như Hoa
ngoại tình với Xã Xù (Thầy thông ngôn), Thị Lựu ngoại tình với hương hào Hội (Cha con
nghĩa nặng), vợ hương hào Điều thông dâm với Vĩnh Thái (Khóc thầm), người em con dì
thông dâm với Trường Xuân (Tỉnh mộng), vv Dưới cái nhìn của ông, đó là sự băng hoại rõ
nét nhất của luân lí và đạo đức, là kết quả tất yếu sẽ nảy sinh trong cái xã hội "vô luân lí, vô
giáo dục" ấy.
Trên bình diện xã hội, đạo đức Nho gia thể hiện ở tư tưởng "trung quân ái quốc" và
bổn phận của kẻ nam nhi, của người quân tử. Một số nhà văn đã viết những bài luận đề cao
tinh thần trung quân ái quốc và nêu gương những sĩ phu yêu nước, khích lệ lòng tự hào dân
tộc. Trong Minh tân tiểu thuyết của Trần Chánh Chiếu (viết năm1907) đã khuyên đồng bào
hãy "minh minh đức" (làm sáng đức sáng) và "tác tân dân" (làm mới dân). Một số tác giả
thông qua các truyện về đề tài lịch sử Việt Nam đã cổ động cho tư tưởng trung quân ái quốc
của Nho giáo như Trương Duy Toản (Phan yên ngoại sử tiết phụ gian truân), Tân Dân Tử

(Giọt máu chung tình). Trong tác phẩm Giọt máu chung tình nhân vật Võ Tánh ứng mộng trở
về dạy bảo Ðông Sơ hy sinh vì nước: "Con ôi! Con hãy coi theo cha mà tận trung báo quốc,
cho rõ tấm nhiệt thành. Chẳng nên ràng buộc theo đám nhi nữ thường tình mà làm cho tiêu
ma cái chí khí của con nhà trung thần hiếu tử. Con phải lấy giang san quê vức mà gánh vác
ở đầu vai, phải lấy phẩm giá nhơn tài mà đúc rèn lòng thiết thạch "
(2)
. Tác phẩm không
thành công về văn chương nhưng đã gây tiếng vang thời đó nhờ ở nội dung đề cao trung hiếu
tiết nghĩa. Cái chết của đôi tình nhân Bạch Thu Hà và Võ Ðông Sơ vào cuối truyện là sự thể
hiện sâu sắc và rõ nét tư tưởng trung quân ái quốc của tác giả.
Trên bình diện gia đình, đạo đức Nho giáo thể hiện trong các mối quan hệ cha - con, vợ
- chồng. Nhiều tác phẩm thông qua việc khắc hoạ những số phận, những hoàn cảnh cụ thể của
từng cá nhân và gia đình đã phản ánh sự tha hoá của con người và sự băng hoại về đạo đức
trong từng gia đình và rộng hơn là cả xã hội.
Do sự chi phối của tư tưởng Nho giáo một số nhà văn đã không đồng tình với quan
niệm tự do yêu đương, tự do tìm hạnh phúc của lớp thanh niên lúc bấy giờ. Họ coi khát vọng
đó là sự thiếu chín chắn, thiếu suy nghĩ của những người trẻ tuổi, chưa hiểu được luân lí, lễ
nghĩa. Nhiều nhân vật trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh là những người khao khát được tự
do yêu đương, tự do quyết định hôn nhân, nhưng rồi cuối cùng đều nhận ra rằng trở về với
quan niệm sống trước kia của cha ông thì mới tìm được hạnh phúc đích thực, trọn vẹn. Hiển
Vinh và Thu Vân (Chút phận linh đinh) tự do kết hôn mà không cần được sự đồng ý của cha
mẹ. Đó là một việc làm hoàn toàn mới và khá mạnh bạo. Nhưng hậu quả của việc làm đó vô
cùng tai hại. Hiển Vinh bị cha từ bỏ, Thu Vân không được công nhận là con dâu. Cả hai
người phải trải qua nhiều sóng gió, tưởng chừng cuộc đời đi vào ngõ cụt. Cuối cùng họ đã
nhận ra sai lầm, thấy việc làm của mình là quá đáng, là vượt quyền cha mẹ và hối cải (Hiển
Vinh sửa sai bằng cách đi học để chuộc lỗi). Nhờ có sự hối cải đó mà cuối cùng họ mới được
gia đình chấp thuận để rồi được sống hạnh phúc. Rõ ràng là Hồ Biểu Chánh đã dựa và quan
niệm về chữ "hiếu" của nhà Nho để xử lí mối quan hệ đó. Trong sự mâu thuẫn giữa "tình" và
"hiếu" cuối cùng phần thắng bao giờ cũng thuộc về "hiếu", bởi vì với ông, "hiếu" là cái gốc
trong mối quan hệ gia đình. Trong tác phẩm Một chữ tình Hồ Biểu Chánh nói về hai người có

quan điểm khác nhau về hôn nhân là Quảng Giao và Bác Ái. Bác Ái là người đề cao quan
niệm tự do trong tình yêu và hạnh phúc, còn Quảng Giao thì ngược lại. Quảng Giao dù không
có tình yêu trước hôn nhân nhưng đã xây dựng được một gia đình êm ấm, sau đó tình yêu
giữa hai vợ chồng nẩy nở và họ rất hạnh phúc. Bác Ái thì chỉ đeo đuổi mãi một mối tình vô
vọng, cuối cùng phải sống trong cô đơn, buồn tủi và chán chường. Phản ánh số phận của hai
nhân vật trong sự đối lập như vậy, Hồ Biểu Chánh đã muốn chứng minh một luận điểm:
Cuộc sống mới có sức hấp dẫn ghê gớm và rất hào nhoáng, tự do cá nhân, nhất là trong tình
yêu và hạnh phúc là xu thế của xã hội tư sản và về lí thuyết là rất tốt đẹp, nhưng thực hiện
được thì không phải là chuyện dễ dàng. Vì vậy, con người nên quay về với lối sống, với quan
niệm cũ, bởi vì nó dễ chịu hơn và khả thi hơn. Xin hãy không bàn đến vấn đề tư tưởng đó là
lạc hậu hay không, mà cần thấy đó là biểu hiện của khát vọng bảo vệ nền luân lí, đạo đức của
Nho giáo của một nhà Nho đang day dứt, thậm chí đau đớn trước sự biến đổi của con người
trong một xã hội đang loay hoay tìm cách để thay đổi nên xuất hiện đầy cảnh trớ trêu và
ngang trái. Đặt vào hoàn cảnh ấy, thấu hiểu được tâm trạng ấy ta mới thấy cảm thông và nhận
ra được khát vọng lớn lao, đẹp đẽ và ý thức trách nhiệm cao trước xã hội, trước dân tộc của
nhà văn.
Mặt khác, chúng ta cũng thấy Hồ Biểu Chánh là một nhà Nho nhưng không quá bảo
thủ. Trái lại, ông là người có cái nhìn khá mới, thể hiện những quan niệm mới mẻ, gần gũi
với quan niệm của người lao động. Việc để cho gia đình chấp nhận cuộc hôn nhân trái lễ giáo
đó sau khi Hiển Vinh và Thu Vân đã hối cải cũng đã thể hiện sự tiến bộ trong tư tưởng của
Hồ Biểu Chánh. Đó là lòng vị tha, là triết lí "đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại" của
nhân dân.
Trong văn học trung đại, do bị chi phối của những đặc trưng thi pháp nghiêm ngặt,
người nông dân không phải là đối tượng mà các nhà văn chú ý khắc hoạ. Vì thế, Văn tế nghĩa
sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu là một hiện tượng hiếm có khi lần đầu tiên, người
nông dân được khắc hoạ trong vẻ đẹp hào hùng mà bi thương. Tuy nhiên, đó là vẻ đẹp toát
lên từ hình ảnh người nông dân trong chiến đấu, trong sự xả thân vì nghĩa lớn, nên thực chất
họ đã là người nghĩa sĩ. Vào những năm đầu của thế kỉ XX thì tình hình đã khác. Những con
người bình thường trong xã hội, đặc biệt là người nông dân, trở thành đối tượng miêu tả,
phản ánh của văn học và đã có những hình tượng được xây dựng khá thành công. Khi đối

tượng phản ánh là nhân dân lao động thì dĩ nhiên, tư tưởng thể hiện trong tác phẩm phải là
của nhân dân. Do vậy, nhiều tác phẩm văn học của ba mươi năm đầu thế kỉ XX đã thể hiện
khá sâu sắc những quan điểm về đạo đức của nhân dân lao động. Đây là một đặc điểm nổi
bật, là bước chuyển mình mạnh mẽ rất đáng ghi nhận của văn học.
Đạo lí của nhân dân được thể hiện tập trung trong quan niệm về nghĩa. Vốn là một khái
niệm của Nho giáo, nghĩa đã trở thành một quan niệm gắn với đời sống tinh thần của người
dân lao động. Nội hàm của khái niệm này đã không còn bị bó hẹp trong một số lĩnh vực của số
ít người mà được mở rộng hơn, gắn với tính cách, hành động của những con người bình
thường chiếm số đông trong xã hội. Lúc này, người có nghĩa khí không chỉ là những trang hào
kiệt, những bậc quân tử mà là người lao động bình thường, trong cuộc sống thường nhật với
những lo toan, suy nghĩ, trăn trở, những hành động, ham muốn, đam mê cũng rất đời thường.
Họ dám xả thân không phải là vì lí tưởng, vì quốc gia, hay những gì to tát, mà chỉ là vì cha,
con, vợ, chồng, bè bạn, hàng xóm láng giềng, thậm chí vì những người không quen biết nhưng
cùng cảnh ngộ. Họ là những anh hùng của cuộc sống bình thường, với suy nhĩ và hành động
mộc mạc, giản dị và vô tư. Xây dựng được những hình tượng đó là một bước tiến trong quan
niệm về con người của văn học.
Đạo lí của nhân dân lao động trong tác phẩm văn học thời kì này rất phong phú về nội
dung và đa dạng về cách thể hiện, nhưng đều hướng về việc bênh vực người lao động và
khẳng định sự chiến thắng của cái thiện với cái ác.
Trong Con nhà nghèo, Hồ Biểu Chánh đã phản ánh cuộc sống vất vả, cực nhọc của
những người nông dân hiền lành, chất phác và cả tin. Họ bị bọn nhà giầu bóc lột tàn tệ, bị
hãm hại, bị lợi dụng cả về vật chất và tình cảm. Cái giá phải trả cho sự cả tin vào giọng lưỡi
bọn nhà giầu bất nhân của Tư Lựu và gia đình anh chị mình là vô cùng nặng nề. Họ bị đẩy
đến đường cùng khi mà Tư Lựu thì bị bỏ rơi với đứa con không được cha nó thừa nhận và cái
gia đình khốn khổ ấy bị chính mẹ con, vợ chồng Hai Nghĩa thu lại ruộng đất, đuổi ra khỏi
làng để rũ bỏ trách nhiệm. Hành động đó của Hai Nghĩa, kẻ đã phá hại cuộc đời của Tư Lựu,
là tột cùng của sự bất nhân. Nhưng cuối cùng, cái thiện và lẽ phải đã thắng, những người hiền
lành, lương thiện thì sẽ được hưởng hạnh phúc và những kẻ bất nhân thì sẽ bị trừng trị.
Dưới cái nhìn của các nhà văn đương thời, bọn quan lại là những kẻ xấu xa, tàn ác và
vô trách nhiệm. Viên quan phụ mẫu, người chịu trách nhiệm trước sự an nguy của dân chúng

trong Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn là một kẻ như vậy. Khi mà dân chúng phải vật
lộn với mưa, gió để bảo vệ con đê mong manh trong cơn cuồng nộ của thuỷ thần thì quan phụ
mẫu ngồi trên chiếu bạc để mặc sức sát phạt bọn tay chân. Và khi đê vỡ, khi những người dân
khốn khổ trước sự tàn phá ghê gớm của lũ lụt thì vị phụ mẫu của dân đang khoái chí vì ù
được một ván bài "thông tôm chi chi nảy". Phản ánh hai cảnh tượng trái ngược nhau giữa một
bên là cuộc vật lộn tuyệt vọng của người dân với nước lũ và một bên là sự an nhàn, say sưa
với ván bạc, phó mặc mọi chuyện của quan phụ mẫu, nhà văn đã thể hiện thái độ phê phán
quyết liệt đối với kẻ được gọi là cha mẹ dân. Lời bình cuối tác phẩm là sự lên án mạnh mẽ
thái độ vô trách nhiệm đó: "Ấy, trong khi quan lớn ù ván bài to như thế, thì khắp mọi nơi
miền đó, nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết, kẻ
sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh
thảm sầu, kể sao cho xiết!"
(3)
.
Là nhà văn luôn bênh vực những người nghèo khổ nên Hồ Biểu Chánh đã tập trung đả
kích bọn địa chủ, cường hào ở nông thôn. Ông phát hiện và mạnh dạn tố cáo những việc làm
xấu xa bỉ ổi, vạch trần bản chất tham lam, sự bóc lột tàn tệ của chúng đối với nông dân.
Nhà văn cũng miêu tả bọn cường hào, ác bá ở nông thôn như những kẻ vô đạo
đức và đầy dục vọng thấp hèn. Chúng cậy có quyền và có tiền để lừa gạt bao người và
đẩy bao gia đình vào cảnh khốn cùng. Vĩnh Thái quan hệ bất chính với vợ hương hào
Điều (Khóc thầm), Hai Nghĩa dùng thế lực và những lời ngon ngọt để dụ dỗ Tư Lựu rồi
bỏ rơi, đầy ải để cô phải sinh con trong tủi nhục, đau yếu và nghèo đói (Con nhà nghèo),
hương hào Hội thông dâm với Thị Lựu tạo nên bi kịch gia đình của Trần Văn Sửu (Cha
con nghĩa nặng), v.v
Đạo lí của nhân dân cũng ảnh hưởng tích cực đến tư tưởng của một số nhà văn. Là
một nhà Nho, một viên quan của triều đình, nhưng Hồ Biểu Chánh đã có những quan niệm
rất mới về những người dám nổi dậy chống lại cường quyền. Lê Văn Khôi, một người nổi
loạn chống lại triều đình và bị coi là giặc cỏ, nhưng nhà văn lại gọi ông ta là "giặc anh hùng
vì ân nghĩa, vì phẩm giá mà nổi lên". Nhà văn tỏ thái độ đồng tình với lí do "làm giặc" của
Vương Thế Phụng: "Tôi làm giặc đây là tính giết cho sạch những kẻ vô tâm ác đạo, phi

nghĩa bạc ân đặng lập cho đời mới, cho nhân dân hưởng mùi đạo nghĩa"
(4)
. Thái độ đó của
Hồ Biểu Chánh khiến ta liên tưởng tới sự ưu ái mà Nguyễn Du giành cho nhân vật Từ Hải
trong tác phẩm Truyện Kiều. Sự giống nhau trong quan điểm của hai nhà văn cách nhau hàng
thế kỉ phải chăng là do tư tưởng của các ông đều xuất phát từ một điểm chung: sự đồng tình
với quan niệm đạo đức của nhân dân. Đó là biểu hiện rõ nét tư tưởng nhân đạo sâu sắc của
các nhà văn.
Đạo lí của nhân dân còn được biểu hiện trong việc đề cao vai trò của phụ nữ. Đây là
điểm khác biệt rõ rệt với tư tưởng Nho giáo. Nhiều nhân vật nữ trong sáng tác của các nhà
văn lúc bấy giờ là những người có tài có sắc và có chí khí chẳng kém nam nhi. Họ là người
có tri thức, được học hành như Ðoàn Thu Hà trong Khóc thầm, Xuân Hương trong Một đời
tài sắc; hoặc tích cực xông xáo như Bạch Tuyết trong Ai làm được, hoặc có khả năng tự lập,
có những tư tưởng tiến bộ, những quyết định, những hành động mạnh bạo vượt qua quan
niệm của thời đại như Hai Tân trong Tân phong nữ sĩ, v.v
Đạo lí của nhân dân đã chi phối cả cách kết cấu tác phẩm. Nhiều tác giả do nhiệt tình
với việc khẳng định đạo lí của người lao động đã tạo nên kiểu kết thúc có hậu thể hiện triết lí
"ở hiền, gặp lành", “ác giả, ác báo”. Những chi tiết, những biến cố bất ngờ và những yếu tố kì
diệu cũng được các tác giả sử dụng để giải quyết các mâu thuẫn, xung đột theo chủ quan của
mình. Vì vậy, không ít tác phẩm của thời kì này là những câu chuyện mang âm hưởng của
truyện truyền kì, truyện cổ tích.
Đạo lí của nhân dân còn được thể hiện trong việc khắc hoạ nội tâm của các nhân vật.
Những suy nghĩ, hành động của nhân vật đều được nhà văn phân tích và đưa ra ý kiến đánh
giá đúng - sai, phải - trái, hay - dở một cách trực tiếp. Vì thế trong tác phẩm, người kể chuyện
thường hay nói "xen vào" và thể hiện thái độ, quan điểm của mình. Cách giải quyết có lí, có
tình và có ý nghĩa khuyên răn, giáo dục nhiều hơn là trừng phạt. Đối với những kẻ độc ác thì
sự trừng phạt cũng ở mức vừa phải để nhân vật ăn năn, hối cải và hướng thiện. Đây là một
nét đẹp trong truyền thống đạo lí của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay.
Sự đồng tình với những quan niệm về đạo lí của nhân dân của các nhà văn xuất thân
Nho học là một đặc điểm nổi bật trong văn học đầu thế kỉ XX. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ,

khi những tư tưởng, quan niệm của Nho giáo vẫn đang chi phối và chiếm ưu thế nhất định
trong xã hội, thì thái độ đó là một sự thay đổi rất cơ bản trong tư tưởng của họ. Điều đó
chứng minh sự gặp nhau trong tư tưởng của các nhà Nho tiến bộ với nhân dân, một hiện
tượng chỉ xuất hiện rất ít lần trong văn học. Đó chính là động lực thúc đẩy văn học tiến nhanh
vào con đường hiện đại hoá

×