Sự thống nhất những đối cực
trong phong cách nghệ thuật
Nguyễn Công Trứ
“Hành” hay “tàng”, “vô vi” hay chủ động theo đuổi chí nhàn dật - hành lạc? Hay có thể
lựa chọn song hành cùng lúc nhiều hướng ứng xử? Quyết định hướng nào là do sự lựa chọn của
từng người, bởi điểm tựa tinh thần lớn nhất của nhà nho lúc này chỉ có thể là bản lĩnh, cá tính và
tài năng cá nhân. Có thể thấy tâm sự và cũng là lời thách của Đặng Trần Thường - Ai công hầu,
ai khanh tướng, giữa trần ai, ai dễ biết ai (?), một mặt có thể bộc lộ ý thức cơ hội cá nhân, nhưng
mặt khác - đây mới là điều đáng nói - cho thấy sự phi chuẩn, mất chuẩn của thời đại bấy giờ
trong con mắt nhà nho. Không phải ngẫu nhiên mà Cao Bá Quát tuyên bố:
Nằm khểnh ngâm thơ cho vợ ngủ
Ngồi rù uống rượu với con chơi
Mô phạm dăm ba đứa mũi chưa chùi
Tiêu khiển mấy cô đào mới nỏi
Ngoài tai ấy tha hồ ai gọi
Rằng ngựa trâu, vâng, cũng ngựa trâu
Nào đâu đã hẳn hơn đâu?
(May rủi)
Còn Nguyễn Công Trứ:
Đã chắc rằng ai nhục với ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ ?
(Chí khí anh hùng)
“Giữa trần ai ai dễ biết ai?”, “Nào đâu đã hẳn hơn đâu?”, “Đã chắc rằng ai nhục, ai
vinh?”, “Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ?” , cả một lớp nhà nho từ Ngô Thì Nhậm (1746-
1803), Đặng Trần Thường (1759-1816), Hồ Xuân Hương (1772-1822)
(11)
đến Cao Bá Quát
(1809-1855), Nguyễn Công Trứ (1778-1859), v.v , tuy quan điểm chính trị có khác nhau
nhưng họ rất gặp nhau trong cái nhìn về một thời đại giông bão, phức tạp và dường như mất
“chuẩn” bấy giờ. Phần lớn, họ tự xác định mọi định chuẩn cho mình dựa trên bản lĩnh và tài năng
cá nhân. Có phải đây là một đặc điểm của người “anh hùng thời loạn”?
Có thể nói tiền đề xã hội cho mọi hướng ứng xử hành đạo, hành lạc, ẩn dật, “vô vi” ở
thời đại Nguyễn Công Trứ đã có thể cho phép nhà nho rộng đường trong sự lựa chọn. Nếu như
kiểu nhà nho chính thống vẫn còn băn khoăn với nhiều lẽ “xuất”, “xử”, “hành”, “tàng”, “minh”,
“u”, “khôn”, “dại” , thì lớp nhà nho tài tử vừa mới xuất hiện lại không mấy bận tâm với những
điều này. Điều quan trọng đối với họ là cơ hội để bộc lộ tài năng, trên cơ sở đó mà ngạo
nghễ tuyên bố “Nhân sinh quý thích chí” “Hành” hay “tàng” theo quan niệm của họ thực ra
cũng chẳng khác gì nhau: Hành tàng bất nhị kỳ quan (Nguyễn Công Trứ). “Hiền”, “ngu”,
“khôn”, “dại” khó mà xác định. Vì thế Cao Bá Quát bất cần:
Hiền ngu thiên tải tri thuỳ mị,
Phú quý bách niên năng kỷ hà?
(Ngàn năm biết ai là hiền là ngu,
Trăm năm phú quý được mấy nỗi)
Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát đã không theo lối “tàng”, không cần phải ẩn mình. Họ
chọn lối “hành”, xuất hiện một cách ngạo nghễ, đường hoàng trên cả hai hướng hành
đạo và hành lạc. Đặc biệt đối với Nguyễn Công Trứ, hành đạo hayhành lạc, tất cả đều chỉ là một
cuộc chơi:
- Tang bồng là nợ
Làm tài trai chi sợ áng công danh
Chơi cho phỉ chí tang bồng
(Quân tử cố cùng)
- Nợ tang bồng hẹn khách thiếu niên,
Cuộc hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí.
(Cầm kỳ thi tửu)
Hành đạo và hành lạc với Nguyễn Công Trứ như là hai mặt của một vấn đề, hai cực của
một cuộc chơi. Cả hai đều là nơi gửi gắm cái chí của người anh hùng, tạo nên một sự giải toả cần
thiết cho người tài tử trong ông ở thời đại bấy giờ. Chính vì thế mà thơ ngôn chí hay thơ hành
lạc đều cùng một khẩu khí ngang tàng, bất cần, phóng túng. Con người hành đạo hầu như luôn
cùng song hành với con người hành lạc trong nhà nho Nguyễn Công Trứ đã có thể bộc lộ sở
trường đa năng của mình trên tất cả mọi hướng:
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng,
Trong lăng miếu ra tài lương đống.
Ngoài biên thuỳ rạch mũi can tương,
Sĩ làm cho bách thế lưu phương
Đồ thích chí chất đầy trong một túi.
Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi,
Gẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc, thanh,
Này này sĩ mới hoàn danh.
(Luận kẻ sĩ)
Có thể xem Luận kẻ sĩ như một tuyên ngôn về lẽ sống đồng thời cũng như là tuyên ngôn
về nghệ thuật đầy chân thành, xúc động và cũng rất mực rõ ràng của Nguyễn Công Trứ. Tuy có
hơi ồn ào nhưng nhìn chung ông là người xác định rất đúng về bản thân mình, không hề và
không cần che giấu một điều gì:
Được mất dương dương người thái thượng,
Khen chê phơi phới ngọn đông phong.
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,
Không Phật, không Tiên, không vướng tục
(Bài ca ngất ngưởng)
Sự hội tụ và thống nhất những đặc điểm chính yếu của hai mẫu hình nhà nho hành
đạo và tài tử, hai loại thơ ngôn chí vàhành lạc ở Nguyễn Công Trứ quả là một hiện tượng độc
đáo nhưng hợp quy luật, mang tính xu thế của thời đại. Dĩ nhiên sự lựa chọn này cũng phải đòi
hỏi rất cao bản lĩnh cá nhân. Phải là con người hành động, dám vượt ra ngoài vòng cương toả,
dám dấn thân và phải có thực tài thì mới có thể làm được. Con đường dẫn đến phong cách
Nguyễn Công Trứ cái chính cũng là bắt nguồn từ đây.
3. Một nhà văn lớn không thể không có tư tưởng nghệ thuật với cái nhìn riêng độc đáo về
con người và thế giới - yếu tố tiên quyết trong sự cấu thành phong cách. Từ trước đến nay trong
tìm hiểu Nguyễn Công Trứ, giới nghiên cứu cũng đã từng bàn đến tư tưởng của ông nhưng chủ
yếu người ta xét nó dưới góc độ tâm lý, xã hội học hoặc đạo đức học. Có thể chiết ra chỗ này là
tư tưởng Nho giáo, chỗ kia là tư tưởng Lão - Trang, chỗ kia là tư tưởng thị dân đòi hưởng lạc,
v.v và dễ thấy chúng cùng tồn tại đầy mâu thuẫn trong con người và thơ văn Nguyễn Công Trứ
! Hướng tìm tòi này đành rằng không phải không có những phát hiện và luận giải đáng chú ý,
nhưng thực tình khó có thể xác định được đâu là tư tưởng sáng tạo chủ đạo hay là tư tưởng nghệ
thuật cơ bản của tác giả - tức thứ tư tưởng thể hiện qua toàn bộ sáng tác, sống bằng hình tượng,
được nghệ thuật hoá và mang tính thống nhất chỉnh thể của nhà văn… Trong sáng tác của một
nhà văn, có thể có sự tham gia của nhiều loại tư tưởng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau (chính trị,
triết học, đạo đức, v.v ), nhưng tất cả những tư tưởng này đều thống nhất trong tư tưởng sáng
tạo chủ đạo, tâm đắc, mang ý nghĩa xã hội - thẩm mĩ mới mẻ, sâu sắc (tức tư tưởng nghệ thuật)
của tác giả. Một nhà văn có phong cách phải là nhà văn có tư tưởng như thế. Nếu thiếu nó, dẫu
kỹ thuật ngôn từ của nhà văn có tinh xảo đến đâu thì tác phẩm cũng chỉ là một sự xếp chữ mờ
mịt, có được gọi là phong cách thì cũng chỉ là phong cách giả tạo như khuyến cáo của G.W.
Hêghen mà thôi.
Toàn bộ sáng tác của Nguyễn Công Trứ cho thấy, tư tưởng sáng tạo chủ đạo (hay tư
tưởng nghệ thuật cơ bản) của ông xoay quanh mệnh đề Nam nhi chí với bao nhiêu món nợ phải
trả: nợ cầm thư, nợ công danh, nợ tang bồng, nợ đời, nợ trần hoàn, nợ nhà, nợ tình, nợ duyên, nợ
thơ, nợ phong lưu Con người này hết sức rạch ròi, dứt khoát. Sống là nợ. Mà nợ thì phải trả.
Trả bằng được, trả triệt để, để rồi “trang trắng vỗ tay reo”. Thế mới hoàn danh. Có thể nói hành
trình cuộc đời cũng như hành trình sáng tác của Nguyễn Công Trứ là hành trình trả những món
nợ độc đáo ấy. Người trả nợ không ai khác là đấng nam nhi “hữu chí” anh hùng và tài tử.