Địa hình với sự phát triển
kinh tế - xã hội
1. Đặc điểm chung:
Địa hình đồi núi chiếm 3/4 diện tích đất đai, làm cho thiên nhiên VN có
đặc điểm chung là thiên nhiên của đất nước nhiều đồi núi. Đồi núi thấp
chiếm ưu thế với > 60% diện tích cả nước, núi cao > 2000m chỉ chiếm
1,0%. Đồng bằng chiếm 1/4 diện tích, tạo thành một dải hẹp ở Trung Bộ
và mở rộng ở Bắc Bộ và Nam Bộ.
Hướng tây bắc-đông nam là hướng nghiêng chung của địa hình, đồng
thời là hướng chính của các dãy núi vùng Tây Bắc, Bắc Trường Sơn và
các hệ thống sông lớn. Hướng vòng cung là hướng của các dãy núi, các
sông ở vùng Đông Bắc và hướng của địa hình Nam Trường Sơn
2.Tính đa dạng của địa hình.
a. Khu vực đồi núi. Địa hình núi chia thành 4 vùng:
- Vùng núi Đông Bắc: nằm ở tả ngạn sông Hồng với 4 cánh cung lớn,
đầu chụm ở Tam Đảo và mở ra về phía bắc và phía đông (cánh cung
sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều), núi thấp chiếm phần lớn
diện tích. Theo hướng các dãy núi là hướng vòng cung của các dòng
chảy sông Cầu, Thương, Lục Nam (thuộc hệ thống sông Thái Bình). Địa
hình vùng Đông Bắc cũng có hướng nghiêng chung là tây bắc-đông
nam. Những đỉnh núi cao trên 2000m nằm ở thượng nguồn sông Chảy.
Giáp biên giới Việt-Trung (Hà Giang, Cao Bằng) là các khối núi đá vôi
độ cao trên 1000m. Trung tâm là vùng đồi núi thấp 500-600m.
- Vùng núi Tây Bắc: nằm giữa sông Hông và sông Cả, có địa hình cao
nhất nước ta với 3 dãy núi lớn hướng tây bắc-đông nam. Phía đông là
dãy Hoàng Liên Sơn: giới hạn từ biên giới Việt-Trung (thuộc tỉnh Lào
Cai) tới khủyu sông Đà, có đỉnh phanxipăng (3143m) cao nhất nước ta;
phía tây là địa hình trung bình của dãy sông Mã chạy dọc biên giới Việt-
Lào từ Khoan La San đến sông Cả; ở giữa thấp hơn là các dãy núi xen
kẽ các cao - sơn nguyên đá vôi từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Mộc Châu
(Sơn La), tiếp nối là những đồi núi đá vôi ở Ninh Bình - Thanh Hóa.
Kẹp giữa các dãy núi là các thung lũng sông cùng hướng (sông Đà, sông
Mã, sông Chu)
- Vùng núi Trường Sơn Bắc (thuộc Bắc Trung Bộ) giới hạn từ phía nam
sông Cả tới dãy Bạch Mã, gồm các dãy núi song song và so le theo
hướng tây bắc-đông nam. Địa hình Bắc Trường Sơn thấp và hẹp ngang,
chỉ nâng cao ở 2 đầu: phía bắc là vùng núi Tây Nghệ An và phía nam là
vùng núi Tây Thừa Thiên-Huế, mạch núi cuối cùng là dãy Bạch Mã -
ranh giới với vùng núi Nam Trường Sơn và cũng là bức chắn ngăn cản
các khối khí lạnh tràn xuống phương Nam
- Vùng Nam Trường Sơn: gồm các khối núi và cao nguyên. Khối núi
Kon Tum và khối núi cực Nam trung bộ được nâng cao, đồ sộ. Có
những đỉnh cao > 2000m nghiêng dần về phía đông, tạo nên thế chênh
vênh của đường bờ biển có sườn dốc và dải đồng bằng nhỏ hẹp ở ven
biển. Tương phản với địa hình vùng núi phía đông là các bề mặt cao
nguyên khá bằng phẳng, làm thành các bề mặt cao nguyên 500 - 800 -
1000m tạo nên sự bất đối xứng rõ nét giưa 2 sườn Đông - Tây của địa
hình Nam Trường Sơn
b. Địa hình bán bình nguyên và đồi trung du:
Nằm chuyển tiếp giữa miền núi - đồng bằng là các bề mặt bán bình
nguyên hoặc các đồi trung du. Bán bình nguyên thể hiện rõ ở Đông Nam
Bộ với bậc thềm phù sa cổ ở độ cao ~ 100m và bề mặt phủ ba dan ở độ
cao ~ 200m. Địa hình đồi trung du phần nhiều là do tác động của dòng
chảy chia cắt các thềm phù sa cổ, đồi trung du rộng lớn nhất ở rìa Đồng
bằng sông Hồng và thu hẹp ở rìa đồng bằng ven biển miền Trung
c.Khu vực đồng bằng
- Hai đồng bằng châu thổ lớn: Đồng bằng sông Cửu Long rộng trên
40.000 km2, Đồng bằng sông Hồng 15.000 km2. Hai đồng bằng này
hình thành trên các vùng sụt lún ở hạ lưu sông, có bờ biển phẳng, vịnh
biển nông, thêm lục địa rộng. Đồng bằng sông Cửu Long thấp, phẳng,
không có đê, mạng lưới kênh rạch chằng chịt, mùa lũ nước ngập sâu ở
các vùng trũng, mùa khô nước triều lấn mạnh làm cho 2/3 diện tích đồng
bằng bị nhiễm mặn. Đồng bằng sông Hồng cao và chia cắt hơn, do có hệ
thống đê ven sông ngăn lũ nên vùng trong đê không được bồi đắp phù sa
hàng năm, tạo thành các bậc ruộng cao bạc màu và các ô trũng ngập
nước, vùng ngoài đê thường xuyên được phù sa bồi đắp. Do địa hình khá
bằng phẳng, đất phù sa màu mỡ, hai đồng bằng này đã trở thành vùng
trọng điểm lương thực – thực phẩm lớn của cả nước. Ngoài ra, ở ven
biển có các bãi triều, vũng vịnh, đầm phá có tiềm năng lớn cho nuôi
trồng thủy sản.
- Các đồng bằng ven biển miền Trung, diện tích ~ 15.000 km2, hẹp
ngang và bị chia cắt thành nhiều đồng bằng nhỏ. Chỉ có một vài đồng
bằng được mở rộng ở cửa sông lớn như đồng bằng Thanh Hóa (cửa sông
Mã), Nghệ An (cửa sông Cả), Quảng Nam (cửa sông Thu Bồn) và Phú
Yên (cửa sông Ba). Ở nhiều đồng bằng có sự phân chia thành 3 dải (giáp
biển là cồn cát, đầm phá; giữa là vùng thấp trũng; trong cùng đã được
bồi tụ thành đồng bằng). Trong sự hình thành đồng bằng, thì biển đóng
vai trò chủ yếu. Đất có đặc tính là nghèo, ít phù sa. Các nhánh núi lan ra
sát biển khiến cho nhiều đoạn địa hình bờ biển khúc khủyu, lắm mũi đất,
nhiều đèo.
3. Ảnh hưởng của địa hình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội
* Ở vùng núi: Khoáng sản: khu vực đồi núi tập trung nhiều loại khoáng
sản có nguồn gốc nội sinh (đồng, chì, thiếc, sắt, pyrit, niken, crôm, vàng,
vonfram, antimoan ) và các khoáng sản ngoại sinh (bôxit, apatit, đá vôi,
than đá); đó là nguyên liệu, nhiên liệu cho nhiều ngành công nghiệp.
Rừng và đất trồng: tạo cơ sở cho phát triển nông - lâm nhiệt đới; Rừng
giàu có về thành phần loài động - thực vật (trong đó có nhiều loài quí
hiếm tiêu biểu cho sinh vật rừng nhiệt đới). Miền núi còn có các cao
nguyên và thung lũng tạo thuận lợi cho việc hình thành các vùng chuyên
canh cây công nghiệp, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi gia súc. Ở các
vùng núi cao có thể nuôi - trồng được các loài động - thực vật cận nhiệt
và ôn đới. Địa hình bán bình nguyên và đồi trung du thích hợp để trồng
cây công nghiệp, cây ăn quả và cả cây lương thực. Nguồn thủy năng: các
sông lớn có tiềm năng thủy điện lớn. Tiềm năng du lịch: miền núi có
nhiều điều kiện phát triển nhiều loại hình du lịch (tham quan, nghỉ
dưỡng ) nhất là du lịch sinh thái
* Ở vùng đồng bằng: Là cơ sở để phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới,
đa dạng các loại nông sản; Cung cấp các nguồn lợi thiên nhiên khác
nhau (khoáng sản, thủy sản và lâm sản). Là điều kiện thuận lợi để tập
trung các thành phố, các khu công nghiệp, các trung tâm thương mại.
* Khai thác những thế mạnh: Vùng núi, phương thức canh tác thích
hợp nhất là nông-lâm kết hợp (canh tác trên đất dốc). Tiềm năng chính ở
đây là lâm sản, cây công nghiệp , cây ăn quả, chăn nuôi gia súc lớn, khai
thác khoáng sản và thủy điện. Riêng với công nghiệp, có khả năng phát
triển các ngành công nghiệp "thượng du" (khai thác trực tiếp từ các
nguồn tài nguyên thiên nhiên). Vùng trung du, với vị trí địa lý đặc biệt
(địa hình là những vùng đồi, địa chất công trình lý tưởng), có khả năng
lớn để phát triển cây công nghiệp; công nghiệp cơ bản (năng lượng và
công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng). Vùng đồng bằng, nơi hội tụ
nhiều điều kiện thuận lợi; là nơi tập trung các ngành công nghiệp "hạ
du" (các ngành chế biến, sản xuất các thành phẩm cuối cùng). Nông
nghiệp ở đây là thâm canh cây lương thực - thực phẩm; chăn nuôi gia
súc nhỏ, gia cầm; thủy sản và các ngành dịch vụ.
● Những mặt hạn chế
- Vùng đồi núi: Chủ yếu là đồi núi thấp nhưng địa hình bị chia cắt mạnh,
tạo nên nhiều sông suối, hẻm vực, sườn dốc gây trở ngại cho giao thông
vận tải, cho việc khai thác tài nguyên và giao lưu giữa các vùng. Do mưa
nhiều, sườn dốc mạnh, miền núi còn là nơi xảy ra nhiều thiên tai như lũ
nguồn, lũ quét, xói mòn, trượt lở đất; Tại các đứt gãy sâu có nguy cơ
phát sinh động đất; Nơi khô nóng thường xảy ra nạn cháy rừng; Miền
núi đá vôi và vùng đất đỏ ba dan thường thiếu nước trong mùa khô;
Vùng núi cao địa hình hiểm trở cuộc sống của người dân càng gặp nhiều
khó khăn. Do vậy, việc khai thác và sử dụng hợp lý miền đồi núi không
chỉ giúp cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở các miền này, mà còn có ý
nghĩa cho việc bảo vệ môi trường sinh thái chung của cả nước.
- Vùng đồng bằng: có mối quan hệ chặt chẽ với địa hình miền núi. Các
sông lớn mang vật liệu phù sa từ miền đồi núi bồi đắp mở rộng các đồng
bằng châu thổ. Nhưng do tài nguyên rừng đang bị khai thác quá mức,
diện tích đất trống đồi núi trọc tăng lên kèm theo với nó là cường độ xói
mòn đất vào mùa mưa diễn ra ngày càng mạnh đã gây hậu quả rất lớn,
làm giảm tuổi thọ các công trình thủy điện, thủy lợi, phù sa lắng đọng ở
các vùng cửa sông ven biển cản trở cho giao thông vận tải đường thủy.
Thiên tai (bão, lụt, hạn hán) thường xuyên xảy ra gây thiệt hại lớn về
người và tài sản