Thiên nhiên - Thế giới tinh
thần của con người trong văn xuôi
Hoàng Phủ Ngọc Tường
Trong bức tranh văn chương đẹp đẽ của Hoàng Phủ Ngọc Tường (HPNT),
thiên nhiên là một mảng màu đầy ý nghĩa. Nó trầm lắng và tỏa sáng bằng sự hòa tan của
những sắc màu văn hóa. Tất cả đất, trời, sông, núi, bãi biển, con đèo, rừng cây, khí hậu
đều hiện tỏa sức sống cùng khả năng nuôi dưỡng, tái sinh văn hóa của chúng.
Khám phá tác phẩm văn học từ góc độ văn hóa trên cơ sở nhận thức mối quan hệ
giữa văn hóa và văn học, có thể thấythiên nhiên trong văn xuôi của HPNT đã được xây
dựng thành những thế giới tinh thần của con người. Ở đó, cái nhìn về thiên nhiên trong
tư duy văn hóa phương Đông đã kết hợp với ý niệm bình đẳng, dân chủ của văn hóa
phương Tây, khối tri thức uyên bác về khoa học, nghệ thuật, triết học, cái tôi nghệ sĩ và
tài năng nghệ thuật của HPNT, tạo thành một sự hòa điệu tuyệt vời giữa thiên nhiên và
con người trong tác phẩm của nhà văn.
Thiên nhiên là nơi HPNT khao khát tìm về để có thể được sống sâu, sống thực
cuộc đời mình. Nhưng nếu ở Nguyễn Tuân, thiên nhiên được nhìn nhận, đánh giá trong
sự phấn khích của con người khi phát hiện ý nghĩa to lớn của cái tôi trong cuộc đời thìở
HPNT, thiên nhiên lại được cảm nhận bằng sự hòa điệu tuyệt vời của tâm hồn con người
trong ý thức sâu sắc của chính họ về tầm quan trọng của nó với sự tồn tại của con người
cả về khía cạnh vật chất lẫn tinh thần. Bởi khi nhịp sống hiện đại gấp gáp đã tạo ra sức
ép lớn, làm biến động thế giới tâm hồn của con người thì nỗi khao khát được giao hòa
với thiên nhiên, mong tìm thấy ở thiên nhiên sự đồng điệu nhằm giải tỏa bớt những nặng
nề, u tạp của con người càng trở nên đậm nét. Do đó, với HPNT, thiên nhiên là ảnh hình
của một không gian có thực, đang hiện tồn cùng với con người làm thành một thế giới
sống đầy ý nghĩa. Và ông đã viết về thiên nhiên trong khát vọng được khám phá, hòa
hợp để thanh lọc tinh thần và được cảm nhận cuộc sống đang diễn ra xung quanh (Ngọn
núi ảo ảnh, Ai đã đặt tên cho dòng sông, Côn Sơn, Mùa xuân thay áo trên cây…).
Thiên nhiên trong cái nhìn của HPNT được thể hiện nhất quán trong suốt hành
trình sáng tác của ông. HPNT đã quan sát, khám phá, thể hiện nó bằng sự quan tâm đặc
biệt của một con người khao khát hòa mình vào thiên nhiên không phải đề trốn đời mà
để được sống và hòa điệu hồn mình cùng với nó.
Thiên nhiên trong văn xuôi của HPNT thường được cảm nhận bằng những suy tư
chiêm nghiệm, bằng những rung động từ chiều sâu tâm thức. Điều này có căn nguyên
của nó. Bởi trong tâm thức văn hóa phương Đông, thiên nhiên đã trở thành một bộ phận
hữu cơ gắn bó mật thiết với con người. Nó thể hiện tần số rung động của tâm hồn con
người trong sự chan hòa linh diệu giữa con người - thiên nhiên - vũ trụ. Đó là thế giới
siêu việt, vùng tâm linh vĩnh hằng để tâm hồn con người có thể nương náu mà vượt lên
trên cõi tầm thường. Vận dụng triết lý “nhân dữ thiên địa tương tham” (người và trời đất
chen dự vào nhau), trong suốt hành trình sống của mình, người Việt Nam đã nỗ lực tìm
cách tổ chức lại thiên nhiên thành một giá trị văn hóa để cùng tham dự vào cuộc sống
nhân văn thay vì thô bạo chế ngự nó.
HPNT không miêu tả thiên nhiên như một cách để hưởng thụ mà đã sống cùng
với nó bằng tâm niệm “thiên nhân hòa hợp”, bằng ý thức văn hóa luôn khát khao truyền
hơi thở của mình qua từng mạch gỗ, thớ cây, để được cắm đời mình bền sâu trong
đất. Với ông, thiên nhiên là một người bạn vô cùng quan trọng, là đầu mối nhận thức của
con người. Mỗi dáng hình, mỗi động cựa của thiên nhiên đều có khả năng “chạm thấu
từng tế bào của trí nhớ” và đánh thức trong tâm hồn “nhiều điều như đã quên trong đời”.
Tâm hồn ông đã hòa nhập với thiên nhiên, gắn bó và tìm thấy ở thiên nhiên những niềm
vui hồn hậu. Chính môi trường thiên nhiên núi sông diễm lệ của Huế, lối sống thanh tao,
gần gũi với thiên nhiên của người Huế đã tác động mạnh mẽ đến tâm hồn HPNT. Chúng
tạo nên trong ông những tình cảm rất đỗi đặc biệt với thiên nhiên để rồi được ông cụ thể
hóa một cách sinh động trong tác phẩm của mình. Tri thức văn hóa dân gian, kiến thức
triết học Nho giáo, cái nhìn tĩnh mà động của Thiền học hòa quyện với tâm thức văn hóa
- lịch sử trong HPNT đã thực sự làm sáng lên cái tinh thần hòa hợp, màu sắc triết lý cho
cảnh sắc thiên nhiên trong tác phẩm của ông.
Một cách hết sức tự nhiên, ý niệm về thiên nhiên đã thấm vào tâm hồn thanh khiết
và nhạy cảm của HPNT bằng chính cuộc chuyển vận mùa màng kỳ ảo của nó, để mãi
mãi trở thành một dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm hồn ông. Qua năm tháng
cuộc đời, dấu ấn ấy đã được di dưỡng, thăng hoa thành tình cảm gắn bó, hòa hợp tuyệt
vời, “tình bạn không thể thiếu” mỗi khi HPNT nghĩ suy về một vùng đất đai nào đó.
Trong tác phẩm của HPNT, thiên nhiên nói chung, thiên nhiên Huế nói riêng
được quán chiếu trong mối quan hệ tổng hòa với kiến trúc, hội hoạ, âm nhạc, ẩm thực
mang sắc màu triết học, hòa hợp với con người một cách tuyệt vời. Trầm cả hồn mình
vào văn hóa Huế, HPNT cảm nhận nét đa tình mà chung thủy của núi sông, cảnh vật,
con người nơi đây. Ông nhận ra trong những đường cánh cung cong mềm của dòng sông
Hương đẹp như cổ thi, huyền sử, qua bao tháng năm chỉ chảy có một dòng kia một “một
chút lẳng lơ kín đáo” của tình yêu trong khoảnh khắc chia tay “dõi xa ngoài mười dặm
trường đình”. HPNT đã viết về sông Hương bằng một tình yêu thiết tha, đầy ngưỡng
mộ, tự hào trong sự dẫn dắt của “văn hóa sông ngòi” trong tâm thức người Việt (Ai đã
đặt tên cho dòng sông, Hoa trái quanh tôi ). Ông tìm thấy vẻ đẹp “bình dị nhưng không
tầm thường, trầm mặc nhưng không ủy mị, dịu dàng nhưng vẫn tiềm ẩn khí mạnh của
đất đai” của “dòng sông đời người” của Huế trong mối liên kết kỳ diệu các cấu trúc địa
lý của Huế. Do chảy qua một địa hình có độ nghiêng rất nhẹ nên mặt nước sông Hương
thường có độ phẳng lặng, êm đềm như mặt nước hồ. Những kiến thức về cơ tầng địa
chất, dòng chảy, kết hợp cùng độ nhạy bén trong quan sát, suy ngẫm, và cách lý giải của
HPNT đã khiến sông Hương được vẽ lại trên bản đồ tâm hồn thật sắc nét. HPNT đã để
tâm hồn mình dõi theo bước chuyển hóa của dòng sông từ thế giới huyền thoại của rừng
già đến với thế giới kinh kỳ, rất xa mà rất gần với tiền thân A pàng của nó. Mỗi đoạn
chuyển dòng, mỗi khúc quanh đột ngột của con sông, dưới mắt ông đều hiện lên một giá
trị văn hóa như “một cuộc tìm kiếm có ý thức” để con sông tìm về và biểu hiện sống
động tính cách cư dân sống cùng với nó. Sông Hương không chỉ trầm buồn, lặng lẽ như
triết lý, như cổ thi mà còn đẹp, vẻ đẹp mạch nguồn văn hóa sâu thẳm, thiết tha và đầy
quyến rũ. Sông Hương chính là cái nôi văn hóa Huế.
Để tâm quan sát, tìm hiểu các khu vườn Huế, HPNT đã khám phá “tính tổng hợp
đặc biệt của môi trường sinh thái riêng” của vùng văn hóa đặc sắc này. Vườn Huế,
trong sự khám phá văn hóa của HPNT, là “nơi cư ngụ của tâm hồn” con người giữa thế
gian. Như một triết gia mơ mộng, HPNT trân trọng giở từng trang hoa lá cỏ cây trong
“cuốn tự truyện” được “viết bằng nét chữ của cây cỏ”, nghiền ngẫm và khám phá từng
chi tiết, sự kiện, từng rung động, nghĩ suy của cuộc đời cỏ cây, hoa lá. Ông phóng
chiếu cái nhìn của mình về phía thiên nhiên, thức nhận những giá trị vô giá của đời
người đang âm ỉ trong những vỉa ngầm văn hóa. Ông trân trọng, lắng nghe “tiếng nói
vô ngôn” của cây cỏ, tìm thấy nét văn hóa “thật là Huế” trong tổng hợp và đa dạng của
văn hóa đất nước từ khu vườn An Hiên nổi tiếng (Ai đã đặt tên cho dòng sông, Hoa
trái quanh tôi ). Và đặc trưng văn hóa đẹp đẽ, đầy tính nhân văn của những khu vườn
Huế thực sự là một phát hiện mới mẻ, đầy giá trị văn hóa của HPNT. Từ cái cổng có
mái che rộng với vài cây ăn quả phía trước đến cái “ngõ hạnh” nối dài vào sân hay
ngôi nhà kín đáo cuối vườn đều ẩn tàng những giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc. Với
HPNT, cái cổng vườn là lẽ nhân hậu của con người, cái “ngõ hạnh” là lối kiến trúc đầy
trí tuệ mang đến cho con người “một món quà tâm hồn nửa thực nửa ảo rất khó tả, một
chút hương đăng đắng của rừng mùa thu, một mảnh nhỏ xa xôi của biển”, làm xao
xuyến tâm hồn người. Và cả khu vườn là tổng hòa của tri thức nông nghiệp, kiến trúc,
hội hoạ Tất cả đều tỏa sáng một thần thái yên tĩnh và khoáng đạt. Chúng đem đến
cho con người “sự tự do nội tâm” cùng niềm hạnh phúc được sống đến tận cùng thiên
nhiên, sự sống.
Nếu vẻ đẹp của thiên nhiên trong tác phẩm của Nguyễn Tuân được tạo tác từ một
cái tôi độc đáo luôn nồng nhiệt nỗi khát thèm sống và thể hiện mình thì vẻ đẹp thiên
nhiên trong tác phẩm của HPNT lại được khám phá từ một góc nhìn khác. Bằng sự điềm
tĩnh, thâm sâu của một nhà triết học đã trải nghiệm cuộc đời mình cùng cỏ cây, núi sông
diễm lệ, HPNT đã khám phá, phát hiện từ thiên nhiên những nét văn hóa truyền thống
của dân tộc cùng những triết lý đẹp đẽ, sâu sắc về vũ trụ, con người. Thiên nhiên trong
tác phẩm của HPNT mang đậm chất triết lý.