Những khuynh hướng mới trong
nghiên cứu Gogol ở Nga: Quan điểm,
vấn đề, bài học kinh nghiệm
Vào dịp kỷ niệm 150 năm ngày mất của văn hào N.V. Gogol (2002), ở Nga đã xuất
hiện nhiều công trình in dấu những quan điểm mới, mang lại ý nghĩa thời sự cho ngành Gogol
học.
Thời kỳ Xô viết trước đây, những công trình nghiên cứu về Gogol, tuy sắc thái có
khác nhau nhưng chủ yếu tiếp cận từ góc độ tư tưởng - xã hội học, coi sáng tác của ông có
ý nghĩa xã hội to lớn, với đặc điểm nổi bật là sự châm biếm sâu cay những thói tật và tập
tục thịnh hành trong thời đại nông nô chuyên chế. Nhưng thời gian đã chứng tỏ cách lý
giải các tác phẩm của Gogol như thế là phiến diện và có nhiều bất cập, không phản ánh
đúng toàn bộ bản chất sâu xa của chúng. Ngay khi Gogol còn sống, cách tiếp cận xã hội
học dung tục đã khiến ông có dự định giải thích cho độc giả và giới phê bình biết rõ quan
điểm của mình với mong muốn giảm nhẹ ấn tượng nặng nề sau khi đọc các tác phẩm của
ông. Đây chính là nguyên nhân để ông viết “Phần kết” củaQuan thanh tra, Trích thư từ
gửi bạn hữu và thực hiện ý tưởng về phần 2 của Những linh hồn chết, trong đó ngoài
Chichikov còn có thêm cả những nhân vật tích cực.
Giờ đây, việc công bố những thư tịch mới trước nay không được tiếp xúc – những ghi
chép trích lục tác phẩm của các cha cố và các thầy trợ tế,… nằm “chết dí” hàng thập kỷ ở các
kho lưu trữ Moskva, Kiev và Saint Peterburg, đã tạo điều kiện phát triển nhiều cách tiếp cận
mới đối với sáng tác của Gogol. Tập di cảo này lần đầu tiên được xuất bản vào năm 1994 cho
thấy cuộc sống của Gogol ở phương diện mới khiến giới nghiên cứu phải xem xét lại nhiều
quan niệm truyền thống về diện mạo tinh thần của nhà văn.
Nhưng trước khi tìm hiểu những quan điểm hiện đại về sáng tác của Gogol, chúng ta
cần nhìn lại một cách tổng quát các quan điểm của giới nghiên cứu từ nửa cuối thế kỷ XIX đến
cuối kỷ XX.
Cội nguồn của quan điểm truyền thống xem Gogol như là một nhà văn hiện thực trào
phúng có từ thời V. Belinsky. Tuy nhiên, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, triết gia tôn giáo N.
Berdyaev (1874-1948) cũng đã nhận thấy sự phiến diện của cách lý giải này: “Không thể quy
sự sáng tạo kỳ lạ và đầy bí ẩn của Gogol vào kiểu châm biếm xã hội, vạch trần những thói tật
tạm bợ và phù phiếm của xã hội Nga đang trong quá trình cải cách Sáng tác của Gogol là sự
khám phá nghệ thuật về cái ác như là nhân tố bên trong, siêu hình chứ không phải cái ác ở bên
ngoài xã hội gắn với tình trạng vô văn hoá và trì trệ về mặt chính trị”
(1)
. Đối với một nhà tư
tưởng khác là V. Rozanov (1856-1919), sáng tác của Gogol vẫn còn là một điều bí ẩn khiến
ông trăn trởcho đến tận những ngày cuối cùng. Chỉ có điều Rozanov xem lại cách nhìn quen
thuộc đối với sáng tác của Gogol bằng việc thâm nhập vào lao động sáng tạo của nhà văn, phân
tích quá trình Gogol xây dựng các nhân vật đáng thương hoặc kỳ quặc, “lũ người đần độn, trơ
trẽn thảm hại”, xuất hiện nhan nhản các tác phẩm của ông. Theo Rozanov, tài năng của Gogol
thể hiện ở khả năng phi thường đâu đâu cũng phát hiện ra cái ác. Song dưới ngòi bút của nhà
văn cái ác mang những hình thức hết sức nghịch dị. Bản thân Gogol cũng từng thú nhận ông
đích thị tạo dựng nên các nhân vật của mình chứ không phải sao chép từ nguyên mẫu: “Thế
nhưng những con người hèn mạt này tuyệt nhiên không phải là chân dung của những kẻ ti tiện,
ngược lại, trong chúng có sự tập hợp nhiều đặc điểm của những kẻ tự coi mình tốt hơn những
người khác Ở đó, ngoài những nét tính cách của riêng tôi thậm chí còn có những đặc điểm
các bạn bè của tôi Từ tất cả những con người hoàn hảo mà tôi biết, tôi những muốn chắt lọc
mọi điều xấu xa ghê tởm mà họ vô tình mang theo”
(2)
. Theo Rozanov, khi xem Gogol như là
nghệ sĩ của cái ác siêu hình, dĩ nhiên độc giả đã không đúng ở chỗ nếu như trong tác phẩm của
nhà văn, kẻ thị dân bị gán cho những nét tiêu cực nào đó, thì tất cả hoặc đa số thị dân thời kỳ đó
cũng mang những đặc điểm đã được miêu tả ấy. Hơn nữa, độc giả không có lý do dựa trên
sáng tác của Gogol để tạo cho mình hình ảnh nước Nga như là cái nơi trú ngụ của Khlestakov,
Plyushkin, Nozdrev, Sobakievich, Tính siêu hình của cái ác có nghĩa là nó được phản ánh
dưới dạng súc tích, thông qua lăng kính khuyếch đại trong phương pháp sáng tác của nhà văn.
Cái ác mang tính siêu hình không nhất thiết phải gắn với một vai trò xã hội, đặc tính dân tộc,
thiết chế xã hội nào đó. Nó có thể bộc lộ trong những hoàn cảnh hết sức đa dạng, trong bất kỳ
giới hạn thời gian và không gian địa lý nào. “Ngay Gogol nếu như không hơn gì một người tố
cáo chế độ chuyên chế và những thiết chế gắn liền với nó thì làm sao có thể giải thích được vì
sao một trong số những vở kịch mà Nga hoàng Nikolai II rất thích và thường xem đi xem lại
làQuan thanh tra”. Đôi khi đọc Rozanov có cảm giác ông đau đớn bởi Gogol và trong hình
dung của ông, Gogol đau đớn bởi toàn bộ nước Nga. Thế nên thoát khỏi Gogol đối với chính
Rozanov không chỉ có ý nghĩa cá nhân mà còn mang ý nghĩa xã hội nữa. Ông ví Gogol như là
Alexander Macedone, không chỉ với ý nghĩa vĩ đại về chiến quả, mà còn với ý nghĩa như một
kẻ xâm lược, bạo lực - một nhân vật ít gây thiện cảm. Trong các bài tiểu luận của mình,
Rozanov đã bác bỏ A.Grigorev vì ông này viết rằng “toàn bộ nền văn học hiện đại của ta đều
xuất phát từ Gogol” và đưa ra một luận điểm hoàn toàn ngược lại: “nền văn học hiện đại của
Nga, trong sự thống nhất toàn vẹn của nó, là sự phủ nhận lại Gogol, là sự đấu tranh chống lại
ông”. Văn học Nga bị quy vào việc các độc giả Nga không hiểu được “sự dối lừa”: họ
hiểu Những linh hồn chết như là sự phản ánh hiện thực tính cách xã hội của cả một thế hệ - thế
hệ “những xác chết đang đi đi lại lại” - và căm thù chúng. Theo Rozanov, do “sự phỉ báng thiên
tài và tội lỗi” của mình, Gogol đã bị trừng phạt xứng đáng (kết cục cuộc đời ông) và tác động
sáng tác của Gogol đối với sự phát triển xã hội Nga là tiêu cực. “Chính là bắt đầu từ Gogol,
trong xã hội ta đã mất đi cảm quan thực tế, cũng giống như khởi đầu từ ông thái độ ghê tởm đối
với hiện thực”
(3)
.
Sự giải thích Gogol thuần túy chỉ như một nhà văn châm biếm và hiện thực cũng làm
giảm thiểu ý nghĩa sáng tác của ông, thu hẹp sáng tác của ông vào khuôn khổ của riêng nước
Nga. Với tư cách là nghệ sĩ của cái ác siêu hình, cái ác không chỉ siêu thời gian mà cả siêu
không gian nữa, Gogol có thể còn hấp dẫn đối với cả người Trung Hoa lẫn người Anh. Tính
chất bách khoa trong sáng tác của ông cũng như sáng tác của nhiều nhà văn cổ điển Nga khác
là ở chỗ đó.
Cuốn sách Lược khảo phân tích sáng tác của N.V. Gogol (1923) của I. Ermakov đã
được viết dưới góc độ phân tâm học của Freund, được V. Vinogradov, V. Pereverzev, A.
Belyi, P. Bitsilli, K. Mochulsky tán thành.
A. Belyi (1880-1934) hiểu Gogol thông qua trực giác dưới cái nhìn của nhà văn tượng
trưng. Cũng như nhiều nhà nghiên cứu sáng tác của Gogol thuộc phái tượng trưng (V.
Bryusovb, I. Annensky), A. Belyi muốn nhấn mạnh và đi sâu vào vấn đề chung về Gogol như
ẩn dụ, tượng trưng, ấn tượng chủ nghĩa. Trong bài báo Gogol, dựa trên thi pháp của chủ nghĩa
tượng trưng, A. Belyi cho rằng ở Gogol đất “không phải là đất”, rằng ở nhà văn có hai thế giới
- một thế giới “siêu nhân loại” được phủ bằng “một tấm voan lãng mạn dệt từ ánh mặt trời”, từ
những hình ảnh “bất khả thể” hỗn hợp, “nơi trộn lẫn màu sắc, hương vị, âm thanh”, và một thế
giới “tiền nhân loại” của những “muông thú”, “cỏ cây” được tạo nên từ biểu tượng của muông
thú và đồ vật. Mặt khác, khi chuyển sang kỹ thuật diễn ngôn, ông khẳng định rằng “tấm mạng”
ngôn ngữ của Gogol là một loạt tiêu điểm kỹ thuật. Phân tích những hình thức nghệ thuật này,
Belyi lý giải cá tính và sáng tạo của Gogol dưới góc độ tâm lý-siêu hình.
Trong bài phát biểu Người bị đốt cháy, xuất phát từ suy niệm của Gogol về sự xoay vần
của những hiện tượng, sự vật, Valerii Bryusov (1873-1924) chứng minh rằng khi bài trí chất
liệu ngôn từ, Gogol tuân theo nguyên tắc ngoa dụ (về vấn đề này trước đây Potebnya, sau đó là
Mandelshtam đã nói rất rõ). Nhưng Bryusov không đi sâu phân tích phong cách ngoa dụ trong
các tác phẩm của Gogol mà tập trung chứng minh tính phi hiện thực, sự khác lạ của thế giới
nghệ thuật của nhà văn và đặt nó trong mối liên hệ với thiên hướng khuyếch đại, tiêu biểu cho
tâm lý của Gogol.