Cao Bá Quát và Nguyễn Công
Trứ - Hai cốt cách và thân phận
Nho sĩ vào mở đầu triều Nguyễn
Tây Sơn là một cuộc khởi nghĩa nông dân, rất hiếm hoi, và có lẽ là duy nhất trong
lịch sử, nhờ cơ hội và nhờ tài ba thao lược của Nguyễn Huệ mà thực hiện được một sứ
mệnh lịch sử lớn là đánh tan 29 vạn quân Thanh, trong một cuộc tiến quân thần tốc ra Bắc,
sau khi tiêu diệt tất cả các tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh ở phía Bắc và Nguyễn ở phía
Nam, mà tạo lập nên một vương triều chỉ trong 14 năm, trong đó Quang Trung chỉ ở ngôi
được 4 năm (1788-1792) rồi mất ở tuổi 40. Sự qua đời quá sớm của Quang Trung với
những người kế nghiệp sức yểu tài hèn đã khiến cho cơ đồ của Tây Sơn dễ dàng rơi vào tay
Nguyễn Phúc Ánh vào năm 1802 kết thúc tình trạng rời rã, phân tranh suốt gần ba thế kỷ -
kể từ khi Mạc Đăng Dung tiếm quyền nhà Lê vào năm 1527. Ba thế kỷ tao loạn, đến bây
giờ mới có cơ yên bình, nhất thống. Một nhất thống được ao ước từ Ngô gia văn phái
trong Hoàng Lê nhất thống chí, nhưng phải đến nhà Nguyễn mới thực hiện được, với một
lãnh thổ rộng nhất, từ Lạng Sơn đến Hà Tiên, với số thần dân đông nhất so với tất cả mọi
vương triều trước đó.
Nhà Nguyễn bắt đầu từ ngôi Gia Long (1802-1820) và kéo dài sự trị vì của vương
triều suốt 143 năm, qua 13 đời vua, cho đến 1945. Ngược về trước, nếu tính từ thời Nguyễn
Hoàng nghe lời Trạng Trình xin vào lập nghiệp ở Thuận Hóa từ năm 1558 để tránh mưu
mô trừ diệt của người anh rể Trịnh Kiểm, qua 10 đời chúa, thì lịch sử trị vì của vua-chúa
Nguyễn ở Đằng Trong - bên kia “Hoành Sơn nhất đái ” là 387 năm, dài hơn thời Lê. Thế
nhưng công tích mà nó đóng góp cho đời lại không phải là một vinh quang mở nước, hoặc
dẹp ngoại xâm mà nên. Công tích của nó cũng không phải ở những chiến công dẹp tập đoàn
Lê-Trịnh; việc đó phong trào Tây Sơn đã làm gọn, sau 2 lần Nguyễn Huệ hành quân ra Bắc.
Công tích của triều Nguyễn chỉ là ở việc tiêu diệt phong trào Tây Sơn, khi những người kế
nghiệp Nguyễn Huệ, non yểu và bất lực, đã hết cả vượng khí và chẳng còn được lòng dân
Cần nhớ: sau khi lên ngôi, việc đầu tiên của Gia Long là tận diệt Tây Sơn - “vì 9 đời
mà trả thù”, bằng tất cả các thủ đoạn tàn bạo trung cổ. Diệt cho không còn rễ; diệt tất cả
đám quần thần, bề tôi, bất kể là phụ nữ hoặc trẻ con Và thường trực trong lo lắng nhằm
tập trung mọi quyền lực để giữ ngôi. Là việc lập bộ luật Gia Long để củng cố chính quyền,
ngăn chặn mọi hiểm họa đến từ nhiều phía. Là thần phục nhà Thanh, để có một mô hình
chuyên chính, nhằm bảo vệ ngai vàng cho giòng họ và cho mỗi ngôi vị. Chống nông dân
khởi nghĩa, hàng trăm cuộc. Thời Gia Long là 50 cuộc, Minh Mệnh là 200 cuộc, Thiệu Trị
là 50 cuộc Thời Tự Đức, đó là giặc Chìa Vôi và khởi nghĩa Đoàn Trưng - “Vạn niên là
Vạn niên nào. Thành xây xương lính, hào đào máu dân” Nếu không có nạn Tây dương
xâm lược thì hẳn chắc làn sóng khởi nghĩa nông dân còn tiếp tục dâng cao và chưa chừng sẽ
đưa đất nước vào một thời kỳ mới. Gây ra những vụ án lớn để trấn áp mọi sự phản kháng
như vụ án các công thần Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt. Nghị kỵ, không tin cậy người
tài trong các giới trí thức - nhất là Bắc Hà. Nghi kỵ ngay cả người trong giòng họ, đưa tới
những vụ giết hại bi thảm giữa anh em ruột thịt. Sợ giặc Tây dương, nhưng lại tự kiêu vô
lối, không chấp nhận bất cứ ánh sáng văn minh nào, trong chủ trương bế quan tỏa cảng và
khẩu hiệu: Bình Tây sát tả
Đến hết đời Tự Đức, với Hiệp ước Patenôtre năm Giáp Thân 1884 thì Việt Nam hết
quyền tự chủ, chuyển dần sự cai trị sang chính quyền thực dân, theo hai phương thức: trực
trị ở Nam Kỳ, và bảo hộ ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ. 35 năm triều Tự Đức đó là tình thế lùi bước
và thất bại từng phần, rồi toàn bộ trước sức ép của Tây dương; là mất 3 tỉnh miền Đông, rồi
3 tỉnh miền Tây Nam Bộ; là 2 lần Hà Nội thất thủ; là 2 phe chủ chiến và chủ hòa đánh nhau
ở trong triều; là cả nước trong phong trào văn thân nổi lên ở khắp nơi, cuộc này gọi cuộc
kia, nhưng “súng hỏa mai” và “rơm con cúi” thì làm sao mà địch được với thuốc súng và
chiến thuyền. Kể từ Dục Đức, Hiệp Hòa, rồi Hàm Nghi, Đồng Khánh vua chỉ còn là con
rối, là bù nhìn, chịu sự cai quản của Phủ Toàn quyền, chịu sự giám sát của Tòa Khâm. Triều
thần năm bè bảy mối, đục nước béo cò, tranh nhau trục lợi và giết hại lẫn nhau. Ai còn chút
lòng yêu nước thì đến với dân trong các cuộc khởi nghĩa, và ái quốc lúc này là ngược nghĩa
với trung quân. Sau 82 năm ở ngôi, nhà Nguyễn đã chấm hết vai trò lịch sử từ 1884. Cuối
cùng, sau thất bại của phong trào Cần vương Phan Đình Phùng, năm 1887, thực dân Pháp
căn bản đặt được ách thống trị của chúng lên toàn cõi Đông Dương, và Việt Namchuyển từ
xã hội phong kiến sang bán phong kiến- thuộc địa
Một trang sử bi thảm của đất nước, sau ngót 900 năm giữ được quyền tự chủ, và
không khuất phục trước họa xâm lược phía Bắc. Ai chịu trách nhiệm trước thảm họa
này? Về phía chủ quan không thể không thấy trách nhiệm chính là vương triều Nguyễn
với những tội lỗi mà nó gây ra cho khối đoàn kết toàn dân; với sự thiển cận chính trị, và
sự phản động trong phép trị nước của nó.
Xét cả công và tội, thì theo tôi, tội là nặng hơn. Tất nhiên đó là điều vẫn nên tiếp tục
bàn luận; bởi nhà Nguyễn ở giai đoạn đầu, từ Gia Long đến Tự Đức, dẫu có chịu ơn thực
dân Pháp, cả 4 triều vua đều có ý thức rứt ra khỏi những hệ lụy với chúng, để có tinh thần
phản kháng ít nhiều. Và giai đoạn sau khi nước mất, còn có được 3 ông vua yêu nước - là
Hàm Nghi 13 tuổi, ở ngôi 2 năm (1884-1885), Thành Thái 8 tuổi, ở ngôi 8 năm (1889-
1907) và Duy Tân 8 tuổi, ở ngôi 9 năm (1907-1916), tất cả đều chỉ mới trưởng thành ở tuổi
15 đến 17; cả ba rồi bị thực dân bắt đày biệt xứ. Nhưng đây là tình yêu nước gắn với lợi ích
của một vương triều, và trong dẫy dụa của những con chim trong lồng. Nhìn tổng thể, sự trị
vì của nhà Nguyễn trong 143 năm, kể cả trước và sau Tự Đức, là không tránh được cái tội
làm mất nước, nếu xét trong bối cảnh phương Đông đương thời, Nhật Bản đã có cách thức
tự cường mà đuổi kịp phương Tây. Và nhiều nước ở Đông Á và Đông Nam Á có số phận
khác ta.
Điều đáng lưu ý là mặc dầu sự bối rối, bạc nhược của vua quan triều Nguyễn, nhân
dân ta đã nổi dậy, với vai trò lãnh đạo của các Nho sĩ yêu nước, mà tiến hành một cuộc
chiến dài gần nửa thế kỷ; một cuộc chiến dẫu thất bại là khó tránh, nhưng trong hào khí và
danh dự.
Thế kỷ XIX trong “nhất thống” của vương triều Nguyễn như vậy là được chia ra hai
phần, trước và sau 1858, cho đến 1884, khi triều Tự Đức kết thúc vào năm 1883, để chuyển
sang triều Dục Đức chỉ ở ngôi 3 ngày rồi bị giết, và chuyển sang Hiệp Hòa, chỉ ở ngôi trong
6 tháng, lại bị giết Nhưng đó là chuyện của nửa sau thế kỷ XIX khi nước đã mất, chứ
không còn là chuyện của Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát - người của nửa đầu thế kỷ
XIX, khi vương triều Nguyễn mới lên ngôi.
*
Cả Nguyễn và Cao đều vào đường cử nghiệp và lập công danh trong khởi đầu của
triều Nguyễn. Những rối loạn thời Lê-Mạc và Lê-Trịnh, cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn, rồi
phong trào Tây Sơn với cuộc chiến lừng lẫy đánh tan đại quân Thanh, rồi sự truy diệt tàn
bạo của Gia Long đối với Quang Toản và đám quần thần của Quang Trung đã trở thành quá
khứ. Bây giờ là một sự “nhất thống” mới với một chính quyền khôi phục triệt để mô hình
phong kiến Trung Hoa; với bộ luật Gia Long và sự thần phục nhà Thanh; với sự xóa bỏ các
trấn-thành để thay bằng tỉnh, phủ, huyện; với việc tổ chức và khôi phục lại hệ thống thi cử,
để cứ 3 năm một kỳ thi Hương, chọn Giải nguyên; rồi có tiếp thi Hội, thi Đình nhằm xây
dựng bộ máy nhà nước quan liêu
Đất nước sau bao rối ren, tao loạn đang mong một cuộc sống yên bình, khỏi nạn binh
đao. Một triều đại mới, tuy giành được thế thắng tuyệt đối, nhưng luôn lo lắng vì sự bất an
của nó, vì sự đe dọa của rất nhiều hiểm họa. Đó là các cuộc nông dân khởi nghĩa lớn nhỏ
đến hàng trăm, vì đời sống nông dân quá khổ do nạn mất đất, thuế khóa, cường hào; do
thiên tai, đê vỡ, dịch bệnh. Là không thu phục được nhân tâm nên nuôi lòng nghi kỵ Kẻ Sỹ.
Là xây dựng quyền uy tuyệt đối cho nhà vua bằng chủ trương 4 không: không Tể tướng,
không Trạng nguyên, không Hoàng hậu, không tước Vương cho người ngoại tộc Là sự
đối phó với ngay cả trong hoàng tộc, không cần nghĩ gì đến tình anh em máu mủ. Là lo sợ
nạn Tây dương
Nhưng dẫu sao thì đất nước cũng đã có hòa bình, các thế hệ Kẻ Sỹ đã có thể nuôi
hy vọng lập thân. Và con đường lập thân - chỉ có một, như độc đạo - đó là việc dùi mài
kinh sử, qua cho được các kỳ thi, để có thể lọt vào thế giới quan trường, để “tiến vi
quan”; và nếu không được, hoặc chưa được, thì “thối vi sư”. “Quan” hoặc “sư” - là để
thoát kiếp nông dân, là để vượt lên một đẳng cấp khác, được gọi chung là Kẻ Sỹ. Mà
muốn lọt vào thế giới quan trường là phải dấn vào con đường văn chương- cử nghiệp; là
phải khởi nghiệp bằng văn chương. Ở đây văn chương không phải là một trong nhiều
nghề như cách hiểu của chúng ta bây giờ, có khởi đầu từ Tản Đà, và vẫn còn xa lạ với
Tú Xương. Bởi văn chương là tất cả. Nó là kinh điển Nho gia, là Tứ Thư, Ngũ Kinh để
cho Kẻ Sỹ dùi mài. Hãy nghe Nguyễn Đức Đạt (1823-1887) - nhà Nho xứ Nghệ, bậc
thầy của Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Cao Xuân Dục, Ngô Đức Kế nói về Ngũ
Kinh như sau: “Tóm hết sự biến trong thiên hạ, thông suốt tình hình trong thiên hạ,
không sách nào rõ bằng Kinh Dịch. Nêu lên chế độ cho thiên hạ, bồi thực cội gốc cho
thiên hạ không sách nào bằng Kinh Thư. Thu thập trí tuệ của thiên hạ, giúp đỡ việc trị an
cho thiên hạ không sách nào rõ bằng Kinh Thi. Chấn chỉnh quyền bính trong thiên hạ,
không sách nào rõ bằng Kinh Xuân Thu.