Trường Sơn - Đường
khát vọng
Chấp hành Nghị quyết của Trung ương Đảng và Nghị quyết của
Tổng Quân ủy Trung ương, cùng với việc đẩy mạnh công cuộc xây
dựng quân đội cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại trên miền
Bắc, việc chuẩn bị lực lượng và vật chất chi viện cho miền Nam được
xúc tiến. Sư đoàn 338 bộ đội miền Nam tập kết và một số trung đoàn
bộ binh chuyển thành cán đoàn huấn luyện cán bộ, chiến sĩ làm
nhiệm vụ ở miền Nam. Từ Vĩnh Linh - giới tuyến quân sự tạm thời đến
biên cương phía Bắc, các đơn vị trong toàn quân đều tổ chức cho bộ
đội học tập, rèn luyện, sẵn sàng vào Nam chiến đấu.
Thực hiện chủ trương chi viện lực lượng vật chất cho miền Nam, Bộ
Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự trên bộ và
trên biển.
Ngày 5 tháng 5 năm 1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh - ủy viên
Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm ủy ban
Thống nhất Trung ương thừa lệnh Bộ Chính trị trực tiếp giao cho
thượng tá Võ Bẩm - nguyên Cục phó Cục Nông trường tổ chức "Đoàn
công tác quân sự đặc biệt" làm nhiệm vụ mở đường, vận chuyển hàng
quân sự vào miền Nam; tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ; chuyển công
văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc.
Quyết định thành lập tuyến vận tải quân sự Trường Sơn là một sáng
tạo về chiến lược, thể hiện quyết tâm sắt đá giải phóng miền Nam,
thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta
Cơ quan chỉ đạo, tổ chức mọi hoạt động của Đoàn khi mới thành
lập là Ban Cán sự Đảng, gồm ba người, do đồng chí Võ Bẩm làm Đoàn
trưởng kiêm Bí thư.
Tiếp đó, trung tá Nguyễn Thạnh - nguyên Giám đốc nông trường quân
đội Đồng Giao, Ninh Bình, được điều về làm Đoàn phó. Đại úy Nguyễn
Chương là ủy viên Ban Cán sự kiêm trợ lý bảo vệ.
Trợ lý cơ quan Đoàn ban đầu có: thượng úy Lê Trọng Tâm - bí thư
Đoàn trưởng, thượng úy Huỳnh Chuẩn - trợ lý quân nhu, thượng úy
Huỳnh Thường - trợ lý tài vụ, trung úy Nguyễn Ngọc Linh - trợ lý quân
giới, Phạm Công Chuyên - trợ lý xây dựng đều là những cán bộ đã
từng chiến đấu trên chiến trường Trị - Thiên và Khu 5 trong kháng
chiến chống Pháp.
Thời gian mới thành lập, cơ quan "Đoàn công tác quân sự đặc biệt”
làm việc tại các nhà số 61, 63 và 83 phố Lý Nam Đế, Hà Nội. Những
vị trí này xen giữa khu dân cư, gần cơ quan Bộ Quốc phòng, vừa tiện
liên hệ với cấp trên và cán bộ miền Nam ra công tác, vừa bảo đảm bí
mật.
Ngày 19 tháng 5 năm 1959, Thường trực Tổng Quân ủy triệu tập Ban
Cán sự, chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn mở đường Trường Sơn chi
viện cho chiến trường miền Nam. Trong năm 1959, Đoàn có nhiệm vụ
soi đường bảo đảm giao thông liên lạc từ miền Bắc vào miền Nam,
vận chuyển gấp một số hàng quân sự theo yêu cầu của Liên khu 5
(gồm 7.000 súng bộ binh), tổ chức bảo đảm cho 500 cán bộ hành
quân vào chiến trường làm nòng cốt xây dựng lực lượng chủ lực.
Trong điều kiện bình thường, với biên chế và thời gian cho phép, khối
lượng công việc trên giao không có gì khó khăn. Nhưng đối với "Đoàn
công tác quân sự đặc biệt” lúc này là một thử thách lớn, đòi hỏi phải
cố gắng vượt bậc mới có thể vượt qua. Bởi lẽ đối với Đoàn, tất cả đều
là bước khởi đầu. Mọi công việc từ tổ chức lực lượng, chuẩn bị vật
chất, soi đường mở tuyến giao liên vận chuyển bí mật về Nam đều
còn ở phía trước. Đặc biệt toàn bộ hoạt động của Đoàn phải bảo đảm
bí mật tuyệt đối cả khi chuẩn bị trên đất Bắc và khi thực hành trên
tuyến
Với ý đồ chiến lược bí mật chủ động tiến công, Bộ Chính trị, Tổng
Quân ủy yêu cầu Đoàn tuyệt đối không để đối phương biết được sự chi
viện của miền Bắc đối với miền Nam - dù chi là một hoạt động nhỏ lẻ.
Đây là vấn đề có tính nguyên tắc.
Để hoàn thành nhiệm vụ, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng quyết định
biên chế bước đầu của Đoàn là 500 cán bộ chiến sĩ. Ngoài Đoàn bộ,
Đoàn sẽ tổ chức tiểu đoàn vận tải bộ 301 và các bộ phận: xây dựng
kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm. Chỉ trong
một thời gian ngắn, Đoàn 559 đã định hình về tổ chức, nhiệm vụ và
phương thức hoạt động.
Ra đời tháng 5 năm 1 959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559.
Ngày 1 9/5- ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày Bộ Chính trị và
Thường trực Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ mở tuyến chiến lược Trường
Sơn được xác định là ngày truyền thống của Đoàn 559 - Bộ đội
Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
Ngày 20 tháng 5 năm 1 959 - một ngày sau khi chính thức nhận
nhiệm vụ. tại nhà số 25A phố Phan Đình Phùng - Hà Nội, Ban Cán sự
họp phiên đầu tiên quán triệt chỉ thị của Tổng Quân ủy và bàn biện
pháp tổ chức thực hiện.
Nhận rõ bước phát triển mới của cách mạng miền Nam, nơi đang ngày
đêm trông đợi người và vũ khí từ miền Bắc, Ban Cán sự Đảng, các cán
bộ, chiến sĩ đầu tiên của Đoàn 559 gấp rút lao vào mặt trận mới,
thầm lặng và vô cùng khẩn trương.
Một kế hoạch tổng thể về tổ chức các mối quan hệ công tác giữa Đoàn
559 với các cơ quan Bộ Quốc phòng và các đơn vị tuyển quân, mở
đường, chuẩn bị cơ sở vật chất nhanh chóng hoàn thành để thông
qua đồng chí Chủ nhiệm ủy ban Thống nhất Trung ương và trình Bộ
Chính trị. Sau khi được Bộ Chính trị phê duyệt, một số cán bộ chủ trì
cơ quan Bộ Quốc phòng như Cục phó Cục Cán bộ, Cục trưởng Cục
Quân giới, Cục phó Cục Tài vụ được giao nhiệm vụ trực tiếp giúp
Đoàn 559 tuyển chọn cán bộ, chiến sĩ bảo đảm trang bị và tài
chính
Những ngày cuối tháng 5 năm 1959, chiếc xe Gát 69A của Đoàn gần
như lăn bánh suốt ngày đêm đưa các đồng chí trong Ban Cán sự đến
các tập đoàn sản xuất miền Nam, các Sư đoàn 324, 325, 305
tuyển nhận quân. Lực lượng vận tái bộ (sau này là tiểu đoàn vận tải
bộ 301) chủ yếu được tuyển ở Sư đoàn 305 bộ đội Liên khu 5 tập kết.
Thời gian này, tình hình tư tưởng bộ đội Sư đoàn 305 đang có những
diễn biến khá phức tạp. Phần đông cán bộ, chiến sĩ đã chuyển ra công
tác tại các cơ sở kinh tế thuộc Khu công nghiệp Việt Trì, Nhà máy
supe phốt phát Lâm Thao, Nông trường Việt Lâm, Nông trường Đồn
Vàng , vừa được huy động trở lại xây dựng quân đội.