Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

quá trình xây dựng Hiến pháp Mỹ - Ba mô hình chính quyền: các Phương án Virginia pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (129.38 KB, 6 trang )

quá trình xây dựng Hiến pháp Mỹ - Ba
mô hình chính quyền: các Phương án
Virginia, New Jersey và Hamilton


Sáng thứ Ba, ngày 29 tháng Năm, Edmund Randolph, Thống đốc bang
Virginia, mở đầu cuộc tranh luận với bài phát biểu dài, phê phán những
điều tồi tệ xảy ra đối với nước Mỹ do những yếu kém của Các điều
khoản Hợp bang. Ông nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tạo dựng một
chính quyền quốc gia mạnh.

Sau đó, Randolph đề xuất những nét chính về phương án cải tổ bao gồm
15 điểm, thường được biết dưới cái tên Những giải pháp Randolph,
nhưng tên chính thức là Phương án Virginia do ông và những đồng
nghiệp cùng tiểu bang, sau những kỳ họp dài tại quán rượu Indian
Queen, thống nhất quan điểm trước ngày diễn ra Hội nghị.

Nền tảng của mô hình chính quyền này, chủ yếu do James Madison thiết
kế, gồm ba nhánh: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mỗi nhánh được cấu
trúc để kiểm soát quyền lực của các nhánh kia. Với quyền lực được tập
trung cao độ, chính quyền theo mô hình này có thể phủ quyết mọi bộ
luật do cơ quan lập pháp tiểu bang ban hành. Về phương án này,
Randolph đã thú nhận "[đó] là một liên minh thống nhất, trong đó ý kiến
[riêng] của các tiểu bang gần như không được đếm xỉa đến".

Việc đề xuất Phương án Virginia tại thời điểm mở đầu Hội nghị là hành
động táo bạo nhưng cực kỳ khôn ngoan và làm nhiều người sửng sốt.
Những đại biểu của Virginia hiểu rằng bản kế hoạch đệ trình lên đầu tiên
sẽ giành được lợi thế hơn bất kỳ kế hoạch nào sau đó. Những người
Virginia đã buộc các cuộc tranh luận phải tiến hành theo các điểm trong
mô hình do họ đề ra và theo các khái niệm của họ.



Trong hai tuần tiếp theo, Hội nghị tiến hành thảo luận và sửa chữa các
điểm đề xuất trong Phương án Virginia. Ngày 13 tháng Sáu, văn bản sửa
đổi được đệ trình lên Hội nghị để tất cả các đại biểu thảo luận. 15 đề
xuất ban đầu trong Phương án Virginia đã trở thành nền tảng cho bản
báo cáo 19 điểm về mô hình chính quyền quốc gia, bao gồm ba nhánh.
Nhánh lập pháp, tức Quốc hội Liên bang, sẽ bao gồm hai viện được
chọn theo qui mô dân số.

Việc thiết lập hai viện là nhằm đại diện cho những lợi ích khác nhau và
để quá trình làm luật tỉ mỉ và kỹ lưỡng hơn. Hạ nghị viện do người dân
trực tiếp bầu, còn các thành viên của Thượng nghị viện lại được chính
Hạ nghị viện lựa chọn. Nhánh hành pháp, tức là Tổng thống, sẽ được cả
hai viện bầu chọn. Mô hình bộ máy tư pháp quốc gia cũng được phác
thảo, bao gồm Tòa án Tối cao và tòa án các cấp sẽ do hai cơ quan lập
pháp bầu chọn.

Có một giai thoại rất thú vị kể rằng sau khi Hội nghị Lập hiến kết thúc,
khi Thomas Jefferson từ Pháp trở về, trong một bữa ăn tối đã hỏi
Washington là tại sao ông bằng lòng có một viện thứ hai trong Quốc hội,
tức là Thượng viện. Khi đó, thấy Thomas Jefferson đang rót cà phê từ
chiếc tách vào đĩa, Washington liền hỏi: "Thế tại sao Ngài lại đổ cà phê
vào đĩa như vậy?"; Jefferson trả lời: "Để làm cho cà phê nguội đi".
Washington mỉm cười "Điều đó cũng giống như việc chúng ta đổ cơ
quan lập pháp ấy vào chiếc đĩa Thượng viện để nó nguội bớt đi!".

Vấn đề mấu chốt nhất được Gouverneur Morris trình bày rất súc tích
ngày 30 tháng Năm là sự khác biệt giữa mô hình chính quyền của một
liên bang và chính quyền của một quốc gia mà "chính quyền liên bang
chỉ thuần túy như một hiệp ước được thiết lập dựa trên sự cam kết tốt

đẹp của các bên. Còn chính quyền quốc gia điều hành một cách toàn
diện và mang tính cưỡng ép". Morris ủng hộ mô hình chính quyền quốc
gia với một quyền lực tuyệt đối, có khả năng thực thi mọi thẩm quyền
cần thiết chứ không chỉ cái thứ chính quyền mờ nhạt, phân rã và thiếu
hiệu quả như chính quyền Hợp bang đương thời.

Quan điểm quốc gia chủ nghĩa này đã làm điên đầu nhiều đại biểu khác.
Họ e sợ về khả năng một chính quyền trung ương mạnh sẽ nuốt chửng
chủ quyền của các tiểu bang, đặc biệt là các bang nhỏ. Ngày 14 tháng
Sáu, đại biểu tiểu bang New Jersey là William Paterson đã yêu cầu Hội
nghị dừng họp một ngày vì ông và các đại biểu từ những bang nhỏ muốn
có thêm thời gian để hoàn thành kế hoạch của họ về một mô hình chính
quyền khác với Phương án Virginia. Ngày hôm sau, Các giải pháp của
Paterson, hay còn được gọi là Phương án New Jersey, được đặt lên bàn
Hội nghị.

Lo sợ về một chính quyền quốc gia mạnh, Paterson đề xuất giải pháp
bao gồm 9 điểm, kêu gọi tổ chức một cơ quan lập pháp duy nhất. Trong
đó, tất cả các bang đều có phiếu bầu bình đẳng. Thay cho việc đề xuất
một mô hình chính quyền quốc gia mới, phương án của Paterson thực
chất chỉ là một loạt những sửa đổi đối với Các điều khoản Hợp bang.

Các đại biểu từ các bang nhỏ đều tập hợp quanh phương án này. Ðồng
lòng chống lại các mưu đồ nhằm ném các bang nhỏ vào "mớ hổ lốn",
Paterson đã đề nghị một mô hình nhà nước mà "sự liên kết của các tiểu
bang chúng ta chỉ thuần tuý là một Liên minh của các quốc gia". Phương
án New Jersey kêu gọi chỉ thông qua các điều khoản cho phép Quốc hội
có thêm quyền hạn trong việc tăng nguồn thu và điều hành vấn đề
thương mại. Giải pháp này cũng đảm bảo các đạo luật của Quốc hội và
các hiệp ước được thông qua sẽ là luật tối cao của các tiểu bang.


Trong suốt ba ngày, Hội nghị tranh luận về những đề xuất của Paterson
và cuối cùng đã bỏ phiếu bác bỏ. Với sự thất bại của Phương án New
Jersey, Hội nghị nghiêng về hướng xây dựng một chính quyền trung
ương mạnh, làm nhiều đại biểu của các bang nhỏ rất bất bình. Nhưng
việc bác bỏ Phương án New Jersey không dập tắt được nỗ lực của các
bang nhỏ. Trong quá trình thảo luận một tháng sau đó, 15 đề xuất của
Phương án Virginia đã được xem xét từng điểm một và với sự chấp
thuận Thỏa hiệp lớn vào ngày 16 tháng Bảy sau đó, các bang nhỏ cũng
đạt được sự cân bằng lá phiếu tại một viện của cơ quan lập pháp:
Thượng viện.

Ngày 18 tháng Sáu, Alexander Hamilton đệ trình mô hình chính quyền
lý tưởng của riêng ông. Tuy uyên bác và lịch lãm, nhưng bài phát biểu
dài tới 5 giờ đồng hồ của ông sau đó lại thất bại. Cho rằng chính quyền
Anh là "tốt nhất trên thế giới", Hamilton đề xuất một mô hình chính
quyền tương tự: một Tổng thống phục vụ suốt đời nếu có tư cách đạo
đức tốt, có quyền phủ quyết tất cả các đạo luật; một Thượng viện với các
thành viên phục vụ suốt đời và cơ quan lập pháp có quyền thông qua
"bất kỳ đạo luật nào". Nhiều đại biểu rất bất bình với kế hoạch này vì coi
đó sẽ dẫn tới một chính thể quân chủ lập hiến, một thứ Vua do dân bầu
ra.

Tuy không thành công với phương án của mình, nhưng khi Hội nghị kết
thúc, người New York uyên thâm này đã trở thành người bảo vệ hăng
hái nhất cho bản Hiến pháp mới theo mô hình Virginia. Những người
dân Mỹ vừa từ bỏ chế độ quân chủ Anh, nên chẳng thích thú gì một mô
hình tương tự, nhưng một số thành viên của Hội nghị thật sự trông đợi
đất nước đi theo hướng này.


Ðại biểu Hugh Williamson của tiểu bang Bắc Carolina, một bác sĩ phẫu
thuật giàu có, đã tuyên bố "khá chắc chắn rằng lúc này hay lúc khác
chúng ta đều cần phải có Vua". Các tờ báo xuất hiện vào mùa hè năm
1787 cũng đồn đại về một phương án đang được xây dựng nhằm mời
con trai thứ hai của Vua George III là Frederick, Công tước xứ York,
một giáo sĩ thế tục ở Osnaburgh, Phổ, về làm "Vua của Hợp chúng
quốc".

×