Nhân cách Nguyễn
Công Trứ, nhìn từ quan
điểm bản thể luận
Một người như Nguyễn Công Trứ được khắc họa qua Đại Nam thực lục như thế có
đầy đủ quyền được tự hào, được nghĩ về mình như là người tài, một điển hình của chí nam
nhi. Có một sự tương ứng rất rõ giữa thơ viết về chí nam nhi của ông với tiểu sử ông được
dựng lại qua những dòng ghi chép của Đại Nam thực lục. Phán đoán như Trương Tửu cho
rằng ông nêu cao chí nam nhi để “đánh” bọn phú hộ chỉ là suy diễn thiếu căn cứ mặc dù sự
biện luận của ông có vẻ duy vật biện chứng. Nhưng nếu là một người ảo tưởng về nhân cách
cao thượng mà phản ứng, mà lui về ẩn dật thì có lẽ Nguyễn chẳng bao giờ làm được những
công trạng lẫy lừng để cả vua phải khen, dân lập sinh từ.
Về vấn đề hưởng lạc, cũng căn cứ vào Đại Nam thực lục, ta phải ghi nhận một sự thực
hiển nhiên về thú giải trí của vua quan thời Nguyễn. Theo sách Đại Nam thực lục, tháng 3-
1835, do vây bắt và đốt chết Nông Văn Vân, vua ban thưởng cho cả đạo quân trong đó có
Nguyễn Công Trứ, trả lại mũ áo đã tước trước đây. Tháng 4 năm ấy, vua dụ cho Nguyễn
Công Trứ và các tướng khác được ở lại Thái Nguyên, được “ăn yến, xem chèo hát” (chúng
tôi nhấn mạnh), sẽ về Kinh chầu sau. Thuở thiếu thời ông mê hát, từng đi hát vì mê cô đào
Hiệu Thư, lớn lên làm quan, vẫn được thưởng thức hát xướng dưới sự bảo trợ chính thức của
nhà nước. Nếu nhìn rộng ra, ta thấy, thú hát xướng, chơi bời là thú chơi khá phổ biến trong
giới nho sĩ từ ngay thế kỷ XVIII và tiếp tục được duy trì, gia tăng trong thế kỷ XIX, thành
một dấu hiệu của trí thức, kẻ sĩ. Nguyễn Khản, anh cả của Nguyễn Du mê hát xướng, nuôi
con hát trong nhà, đến nỗi con hát có tang trở, cũng không cho về chịu tang, bắt ở lại hát.
Nguyễn Hữu Chỉnh nuôi riêng trong nhà hàng chục ca nhi kỹ nữ. Bọn tướng lĩnh Tây Sơn
khi chiếm đóng Thăng Long, tiếp tục những người của tiền triều, cũng tận hưởng tài nghệ của
cô Cầm, một người còn sót lại của làng ca vũ của triều Lê, mê hát đến nỗi ném tiền vàng
thưởng cho cô, coi tiền như đất bùn. Nguyễn Khuyến có thú nhận đã cùng ông bạn Dương
Khuê.
Có khi từng gác cheo leo,
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang.
Có lẽ không phải đợi đọc Trang Tử thì quan chức, quí tộc hay thương nhân thời Lê-
Trịnh - Tây Sơn - Nguyễn mới có thú hưởng lạc. Những người thuộc các khuynh hướng
chính trị- tư tưởng khác nhau trong hàng thế kỷ đều gặp nhau tại chiếu hát của các ả đào,
các ca nhi, kỹ nữ. Đó là “phong khí” của thời đại. Đừng nghĩ là chỉ riêng Nguyễn Công Trứ
mới hát, mới chơi. Tất nhiên, cũng có mẫu người như Phạm Đình Hổ, lờ mờ không hiểu gì
về câu ca bản đàn thơ văn Nôm và hát ca trù, song mẫu người này không phổ biến.
Nguyễn Công Trứ viết bài Luận kẻ sĩ, chia cuộc đời của kẻ sĩ thành ba chặng chính
với các hoạt động tách rời nhau, khi còn ở miền hương đảng thì tu dưỡng, gương mẫu về
đạo lý; khi ra hành đạo thì “đem quách cả sở tồn làm sở dụng” và lúc về ở ẩn, thì hưởng lạc,
vui sống. Nhưng đó thực ra chỉ là một tuyên ngôn có tính chất sách vở chứ không phải là
thực tế cuộc đời ông như nó đã diễn ra. Ông hưởng lạc ngay từ thời thanh niên, từ ngày làm
chân kép hát và vẫn duy trì cách sống ấy trong lúc hành đạo, cho đến tận “mái tóc đã phau
phau”, ông hoạt động xã hội say mê và thường xuyên nếm mùi trách phạt, thăng giáng nên
không phải chỉ đến già mới thấm thía nhân tình thế thái. Bị trách phạt, giáng chức nhưng
không lấy thế làm điều mà tự ái, oán hận, bỏ dở giữa chừng công việc - dẫu than thở chán
chường trong các bài thơ, hát nói - mà vẫn hăng hái, tận tâm làm việc cho đến tận cuối đời,
ông xin ra trận đánh giặc năm 1858 - khi nghe tin Pháp gây hấn ở Đà Nẵng. Vinh/ nhục,
hành/ tàng nếu hiểu tách bạch thành những cặp phạm trù đối lập thì không thích hợp với
con người Nguyễn Công Trứ.
Ra trường danh lợi vinh liền nhục
Vào cuộc trần ai khóc trước cười.
Ông không oán trách cuộc đời mà nhận thức đây mới chính là cuộc đời. Và ông cũng
không ảo tưởng về một thời đại Nghiêu Thuấn như nhiều nhà Nho khác. Trong hoàn cảnh
chế độ chuyên chế độc đoán, đấy chính là tư tưởng hiện thực tỉnh táo. Nhiều lần kiến nghị bị
vua và đình thần bác bỏ, không nản chí, cứ tiếp tục kiến nghị, nêu sáng kiến; bị cách chức,
thậm chí có lúc bị nghị án tử hình mà cứ ung dung hành đạo, cứ tiếp tục kiến nghị, nêu các
bản tấu sớ (năm 1834, Bộ Hình từng đề nghị kết án ông (và Lê Văn Đức) tội tử hình vì chậm
trễ hành quân, vua châm chước cho lập công chuộc tội: “trước hãy tước mũ áo, đoạt hết
lương bổng - Lê Văn Đức bị giáng 4 cấp, Nguyễn Công Trứ giáng 3 cấp, khiến họ thu công
về sau để chuộc tội trước” rồi cuối năm lại khen và phục hồi 1 cấp, tháng 1/1835 thì cho phục
cấp cũ do bắt được vợ Nông Văn Vân). Hệt như trong thơ, Nguyễn Công Trứ than nhục vinh,
trách thế thái nhân tình rồi lại vẫn hăm hở nhập cuộc với chí nam nhi. Thật khác xa tâm lý
cao đạo, dễ tổn thương của nhiều nhà Nho mà mẫu hình được ca ngợi chính là Đào Tiềm,
người lập tức treo ấn từ quan khi buộc phải khom lưng đón quan trên. Thậm chí trước Đào
Tiềm, có mẫu nhà Nho như Bá Di, Thúc Tề và Khuất Nguyên đã lấy cái chết để bảo toàn
nhân cách độc lập, cao đạo ấy. Đây là hiện tượng lạ nếu ta nhìn từ góc độ một mẫu hình nhân
cách được khái quát có hệ thống như Nho- Phật- Đạo. Dường như ông ý thức được bản chất
của chế độ chuyên chế, độc đoán và lý tưởng về việc kết hợp vừa làm quan, hành đạo lại vừa
bảo toàn nhân cách cao thượng tuy rất đẹp song chỉ là một ảo tưởng.
Dường như ông cũng biết, con người trong cuộc đời này không thể hoàn thiện; lý
tưởng về con người hoàn thiện, dù là thánh nhân, là phật hay là tiên chỉ là một ảo tưởng hay
không tưởng. Ông sống ngất ngưởng trong mọi hoàn cảnh, trong triều ngoài nội, khi làm
quan ở mọi cương vị, mọi thời điểm, và ngay cả khi về hưu, vẫn tiếp tục ngất ngưởng, tức là
không trình diện mình trong cuộc đời một cách trọng thể, trang nghiêm “xuất môn như kiến
đại tân, sử dân như thừa đại tế”; ông thừa nhận mình “không Phật không Tiên nhưng khác
tục”. Ông hát hò vui vẻ với các ả đào như rất nhiều nhà nho khác, nhiều tướng lĩnh khác, chỉ
có điều khác là nếu như họ im lặng không nói lời nào về đề tài này thì ông lại khoe tướng lên
với mọi người, vì ông không quan niệm rằng kể một sự thật hò hát, liếc mắt đưa tình với các
cô ả đào là chuyện có thể làm hoen ố nhân cách. Chơi là quyền sống mà cũng là nghệ thuật:
- Cuộc hành lạc
bao nhiêu là lãi đấy,
Nếu không chơi thiệt ấy ai bù.
Nghề chơi cũng lắm công phu
- Chơi cho lịch mới là chơi,
Chơi cho đài các cho người biết tay.
Tài tình dễ mấy xưa nay.
Cũng như thế, ông không coi chuyện “khoe” bảy mươi ba tuổi cưới vợ hầu là chuyện có
thể hạ nhục nhân cách.
Xét về con người bản thể, Nguyễn Công Trứ là một con người tự nhiên. Ông là con
người theo mẫu nhất nguyên luận (monism), kết hợp trong bản thân nhiều khả năng, nhiều
thế lựa chọn. Ông học giỏi, đọc thông các kinh sách thánh hiền nhưng lại nghĩ và sống không
câu nệ theo kinh sách. Ông vào đời như một người tự nhiên, làm việc, hành đạo, chơi
bời, Hành tàng bất nhị kì quan, với tất cả suy nghĩ thành thực của con người tự nhiên đó,
không hề quan tâm như thế nào là hiền nhân quân tử, như thế nào là phàm nhân. Từ ngay
chính trong bản thân mẫu hình nhân cách ông đã bao hàm tất cả các khả năng, không thể tách
biệt phàm/ thánh, thanh/tục, lễ/ tục, hành/ tàng trong khi văn hóa Nho giáo chính thống đối
lập các phạm trù này Ngay thơ hát nói, với ông, cũng là một hình thức nghệ thuật tổng hợp,
vừa nói chí, vừa để các cô đào cất lên tiếng hát hòa với tiếng đàn nhịp phách - vì thế ông viết
bằng chữ Nôm mà không viết bằng chữ Hán - các bản tấu sớ chữ Hán đã đảm nhiệm quá đủ
sứ mệnh chuyển tải quan điểm chính trị - xã hội rồi. Nhưng thơ hát nói của ông khác với hát
nói của một số nhà nho khác, vừa dùng để ca tụng thú ăn chơi, ca tụng thú tài tình (khi đắc ý
mắt đi mày lại/ đủ thiên thiên thập thập thêm nồng/ nợ phong lưu ai nỡ chối không/ duyên tri
ngộ nên đeo đẳng mãi), vừa nói chí nam nhi (đường trung hiếu chữ quân thân là gánh vác/
có trung hiếu nên đứng trong trời đất/ không công danh thời nát với cỏ cây)