Tăng Bạt Hổ- Tấm Gương Kiên Trung
của Phong Trào Đấu Tranh Giải
Phóng Dân Tộc
Từ nửa sau thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước Việt Nam, đặt ách
thống trị và áp bức bóc lột dân tộc Việt Nam. Để bảo vệ chủ quyền dân
tộc, toàn thể dân tộc Việt Nam không ngừng nổi lên chống thực dân
Pháp bằng các cuộc khởi nghĩa từng phần đến tổng khởi nghĩa, làm nên
Cách mạng Tháng tám thành công. Nhìn lại một chặng đường lịch sử
chiến đấu và chiến thắng kẻ thù của dân tộc ta từ hơn một thế kỷ qua,
chúng ta ghi nhận rất nhiều tấm gương chiến sỹ kiên trung đã giành cả
cuộc đời cho tổ quốc. Tăng Bạt Hổ là một trong những tấm gương đó.
Trong quá trình hoạt động cách mạng cứu nước của mình, Tăng Bạt Hổ
đã cùng các đồng chí của mình sáng lập ra Duy Tân Hội với tôn chỉ:
“đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục Việt Nam, thành lập nước quân chủ lập
hiến, và vạch ra kế hoạch tiến hành, trong đó có vấn đề “cầu ngoại
viện”. Đầu năm 1905, Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu cùng các đồng chí
của mình vượt biển sang Nhật Bản “cầu viện”. Việc không thành, các
đồng chí trong Duy Tân Hội lập tức chuyển thành “cầu học” và kịp thời
phát động một phong trào tuyển chọn thanh niên yêu nước qua Nhật Bản
học tập, đào tạo nhân tài để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giành độc lập
và xây dựng đất nước “Việt Nam mới” văn minh tiến bộ. Phong trào này
gọi là phong trào Đông Du. Những hoạt động trong những năm đầu thế
kỷ 20 của các chiến sỹ trong phong trào Đông Du nói chung và Tăng Bạt
Hổ nói riêng rất sôi động nên liên tục bị thực dân Pháp tìm cách ngăn
chặn, và phong trào Đông Du bị thất bại có nguyên nhân chính từ đó.
Tuy không thành nhưng phong trào Đông Du mà trong đó Tăng Bạt Hổ
được xem là một nhân vật hướng đạo luôn được dân tộc Việt Nam tôn
vinh là tấm gương của truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc nối liền
giai đoạn cần vương chống Pháp thất bại đến với giai đoạn chống Pháp
thắng lợi.
TĂNG BẠT HỔ- MỘT KHÍ PHÁCH CỦA CON HỔ RỪNG GIÀ
Bước vào thời kỳ cận đại, một lần nữa nền độc lập và chủ quyền của
nước ta được đánh đổi bằng xương máu của biết bao nhiêu thế hệ lại
được đem ra thử thách. Từ tiếng súng đầu tiên thực dân Pháp nổ ở Đà
Nẵng năm 1858 cho đến nửa đầu thế kỷ XX, gần một trăm năm với rất
nhiều hi sinh mất mát, với những đấu tranh không ngừng để sửa chữa và
khắc phục sai lầm, chúng ta đã giành được độc lập, trước một đối thủ có
tiềm lực mạnh hơn gấp nhiều lần. Có thể nói, chưa có thời điểm nào, bộ
mặt chính trị nước ta lại sôi động và phức tạp đến như thế. Sự thay thế
lẫn nhau của các khuynh hướng dưới tác động của nhiều luồng tư tưởng
trong và ngoài nước đã tạo nên một diện mạo mới cho cách mạng Việt
Nam. Trong số những con đường giải phóng dân tộc ấy, có một con
đường thoạt nhìn thì có vẻ hơi khác so với truyền thống đánh giặc giữ
nước được bồi đắp suốt chiều dài lịch sử, song về cơ bản, vẫn là một bộ
phận của dòng chảy tư tưởng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đó là con
đường canh tân đất nước, đổi mới tư duy mà đại diện tiêu biểu là dòng
canh tân của các sĩ phu yêu nước, một trong những đại biểu xuất sắc là
Tăng Bạt Hổ. Tăng Bạt Hổ, tên của ông gắn liền với một giai thoại lý
thú, nói lên bản lĩnh của ông lúc chưa đầy 30 tuổi: Tháng Giêng năm
Đinh Hợi - 1897, sau ngày chiến đấu chống bọn thực dân Pháp và bọn
tay sai phản động không thành, ông tìm đường sang Thái Lan cầu viện,
cứu nước. Khi đi đến đèo Dốc Đót, giáp giới cao nguyên An Khê - Bình
Định, ông gặp một con cọp chặn giữa đường, mấy người theo ông ai
cũng lo, có người run như cầy sấy. Tăng không chút sợ hãi, nhìn thẳng
vào con cọp. Cọp phải tránh sang một bên cho ông và các người cùng đi
qua đèo. Từ đó, các người cùng đi tôn ông là Tăng Bạt Hổ. Câu chuyện
"bạt hổ" của Tăng được truyền tụng trong dân gian, nơi làng quê Bình
Định, vốn giàu truyền thống yêu nước, bất khuất. Con đường cứu nước
của ông, với hành trang ngót 30 năm trên chiều dài đất nước, từ miền
Trung Trung Bộ ra Hà Nội, lên Sơn Tây, Cao Bằng và đến tận Thái Lan,
Trung Quốc, Nga, Nhật Bản xa xôi, để lại biết bao kỷ niệm và nghĩa tình
sâu lắng trong nhân dân trên mọi miền đất nước và bầu bạn xa gần từ
cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đến nay.
Tăng Bặt Hổ tên thật là Tăng Doãn Văn, hiệu Điền Bát, bí danh Lê
Thiệu Dần, sanh năm Mậu Ngọ (1858), tại làng An Thường, huyện Hoài
Ân, tỉnh Bình Định. Thông minh, hiếu học, tuổi mới 14, 15 mà đã nổi
tiếng là bụng chứa đầy sách. Nhưng lại ghét lối văn cử tử mà người
đương thời đua nhau rèn luyện để chờ khoa xuân, khoa thu, cho nên ông
dùng thì giờ rèn văn để luyện võ. Ông có sức mạnh phi thường. Lúc mới
11, 12 tuổi mà đã vác nổi một khúc gỗ mà phải hai người khiêng, và lớn
lên đã nhảy khỏi hàng rào cao lút đầu với hai thùng thiếc đầy nước nơi
hai tay. Ông giỏi quyền thuật, lại sở trường về kiếm. Chí sĩ Tăng Bạt Hổ
là một nhân vật tiêu biểu trong phong trào yêu nước chống Pháp vào
cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, người Bình Định không
phải ai cũng biết là mộ phần của ông hiện nằm ở Bến Ngự (thành phố
Huế), ngay trong khuôn viên vườn nhà và mộ phần Phan Bội
Châu Ngay trên đỉnh dốc Bến Ngự là khu vườn nhà và lăng mộ của Sào
Nam Phan Bội Châu. Nơi đây có mộ, ngôi nhà tranh và nhà thờ Phan
Bội Châu cùng bức tượng cụ Phan đúc bằng đồng. Nằm sát cổng chính
của khu vườn, là ngôi mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ nằm yên
bình, dưới những bóng cây. Mộ xây gạch, có tường bao, nhuốm màu
thời gian, bên trong là một tấm bia bằng chữ Hán, ngoài có tấm biển nhỏ
đề: Lăng mộ Tăng Bạt Hổ. Tăng Bạt Hổ mất ở Huế thì ai cũng rõ, sách
nào cũng viết, nhưng tại sao mộ phần ông lại được táng ở trong khu
vườn nhà và lăng mộ Phan Bội Châu? Trong khi đó, tập san kỷ niệm 30
năm giải phóng Hoài Ân lại viết: "Mộ phần ông (Tăng Bạt Hổ) hiện nay
nằm ở Hương Trà". Hồi ký Tự phán của Phan Bội Châu viết: "Mùa xuân
năm Bính Ngọ (1906), ông (Tăng Bạt Hổ) tự Bắc Kỳ chạy khắp khoảng
Thanh, Nghệ, Tịnh, Bình, ngày nghỉ đêm đi sức hao lòng mỏi. Mùa
đông năm ấy, đến Kinh Huế nào ngờ ông xanh xao quá, việc chẳng
như lòng, kịp đến nhà cụ Võ ở An Hòa (Huế) bệnh phát nặng. Cụ Võ
(Võ Bá Hạp, người đồng chí của Phan Bội Châu) vì giữ tai mắt người
ngoài, thuê một thuyền con đậu dưới bến, khuya sớm phụng dưỡng ông,
mới có vài tuần mà ông đã tạ thế trong thuyền". Theo khảo sát của nhà
nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, sau khi cụ Tăng Bạt Hổ mất, cụ Cử Võ
cùng các đồng chí đồng sự đã đem táng thi hài cụ Tăng trên một gò cao
thuộc ấp Thế Lại Thượng. Năm 1956, cụ Lê Ngọc Nghị, một nhân sĩ đã
cùng với một số hậu duệ các bậc tiền bối hợp tác cùng thân hào xã Thế
Lại Thượng tổ chức lễ truy điệu và cải táng hài cốt Tăng Bạt Hổ lên
chôn tại khu vườn nhà và lăng mộ Sào Nam Phan Bội Châu như hiện
nay. Cũng cần nói thêm về khu vườn này. Đây nguyên là nơi ở của cụ
Phan Bội Châu trong suốt 15 năm cụ bị giam lỏng ở Huế (từ 1925 đến
1940). Tiền mua đất và dựng nhà do đồng bào cả nước góp. Khi mất, cụ
Phan được cụ Huỳnh Thúc Kháng và các nhà yêu nước đương thời táng
ngay trong vườn nhà. Đồng thời, ngay bên cạnh ngôi nhà tranh của cụ,
cụ Huỳnh làm thêm một ngôi nhà nhỏ để thờ cụ Phan. Sau cuộc kháng
chiến chống Pháp, khu vườn, lăng mộ và nhà thờ bị tiêu điều. Những
người còn tưởng nhớ đến cụ Phan đã thành lập một ủy ban xây dựng nhà
thờ cụ Phan do bác sĩ Thân Trọng Phước đứng đầu. Tháng 10 năm 1956,
công việc xây dựng hoàn tất. Những người có trách nhiệm thời bấy giờ
đã đưa tên tuổi các nhà yêu nước khác trong phong trào chống Pháp khởi
đầu từ Thủ khoa Huân, Trương Định, cho đến các nhà yêu nước trong
phong trào Cần Vương, văn thân Đông Du, khởi nghĩa Thái Nguyên,
Yên Bái… vào thờ chung với Phan Bội Châu và nhà thờ cụ Phan trở
thành Nhà thờ Việt Nam Liệt sĩ cách mạng và Phan Bội Châu tiên sinh.
Cụ Tăng Bạt Hổ, một chí sĩ của phong trào Cần Vương và Đông Du, nên
hài cốt cũng được đưa về táng ở đây. Người Bình Định sau này hể ai có
dịp ghé đất Thần Kinh, thường ghé và thắp hương tưởng niệm chí sĩ
Tăng Bạt Hổ và các anh hùng, nghĩa sĩ.