Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Sức hấp dẫn của văn học viết cho thiếu nhi qua “hiện tượng nhóc Nicolas" pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (236.97 KB, 7 trang )

Sức hấp dẫn của văn học
viết cho thiếu nhi qua “hiện
tượng nhóc Nicolas”




Những câu chuyện về cuộc sống của nhóc Nicolas không chỉ thú vị vì đó chính là
suy nghĩ, cảm xúc thật của trẻ con và thế giới được nhìn từ điểm nhìn của bọn trẻ mà
còn bởi tất cả những câu chuyện ấy được kể lại bằng chính giọng điệu và ngôn ngữ của
chúng, nói như cậu nhóc trứ danh Nicolas “đúng là hết sảy!”. Chưa bao giờ, chưa ở đâu
sự lủng củng trong diễn đạt, hành văn thiếu trau chuốt và nhiều từ dùng không chính xác
lại trở nên thú vị như thế: “Chao ôi” mẹ nói và mẹ bắt đầu khóc, mẹ nói rằng đời mẹ
chưa từng nghe thấy một lời nào cay độc đến như thế, rằng mẹ lẽ ra phải nghe lời của
mẹ, tức là bà ngoại tôi, và rằng mẹ thật bất hạnh. Và bởi vì tôi cũng đang khóc, nên âm
thanh ầm ĩ kinh khủng, và rồi lại thấy xuất hiện viên cảnh sát”; Bố của Nicolas đang mệt
vì bị cảm nên khi cậu nhóc nhờ bố giải bài tập thì “bố bảo rằng bố hấp hối đến nơi rồi
mà cái gia đình này chẳng ai thèm để ý cả. Tôi không rõ hấp hối có nghĩa là gì, tôi nghĩ
chắc là điều đó có nghĩa là bố đang cảm cúm. Tôi liền đi ra vườn để có thể tiếp tục khóc
thầm lặng một chút, vì trong nhà bố và mẹ nói chuyện rất to tiếng, và chẳng ai còn nghe
thấy gì nữa. Ông Blédurt, tức hàng xóm nhà chúng tôi, nhìn thấy tôi khóc liền hỏi tôi có
chuyện gì. Tôi liền bảo bác rằng bố tôi đang hấp hối và bố chẳng muốn làm bài giúp
tôi”. Câu trả lời của Nicolas khiến ông Blédurt mặt trắng bệch, hoảng hốt nhảy qua hàng
rào vào bấm chuông nhà Nicolas, khóc lóc, hỏi han, và rút cuộc là giữa bố Nicolas và
ông ta lại xảy ra tranh cãi. Còn đây là một đề toán mà Nicolas tường thuật lại: “Đó là
một bài toán khó kinh khủng, có một ông chủ trang trại có một đống gà mái đen và một
đống gà mái trắng đẻ ra hàng đống trứng, và đề bài cho chúng ta biết rằng những con
gà đen cứ bao lâu lại đẻ một lần, và những con gà trắng cứ bao lâu lại đẻ một lần, rồi
phải đoán xem tất cả lũ gà đã đẻ ra được bao nhiêu trứng sau một giờ và bốn mươi bảy
phút”… Goscinny đã thành công trong việc ghi lại những liên tưởng cực kì trẻ con, chỉ
có trẻ con mới có cách so sánh, liên tưởng như vậy. Chẳng hạn khi cô giáo tức giận thì


“cô đỏ bừng hết cả người lên”, “cô thế trông lại càng đẹp, cô đẹp gần như tương đương
với mẹ, mà ở nhà tôi thì bố mới là người hay đỏ lừ người hơn”. Ngôn ngữ của nhân vật
được nhà văn ghi lại không phải bằng sự dụng công trau chuốt mà là sự dụng công lắng
nghe và dụng công quan sát. Nói đúng hơn là nhà văn đã để chúng tự kể về câu chuyện
của mình, không qua bất cứ một sự “biên tập” nào của người lớn. Và với một tác phẩm
về trẻ con, cho trẻ con thì như thế đúng là “hay kinh lên được”!
Nói như một nhà văn nào đó thì viết cho thiếu nhi, người viết phải có một đứa trẻ
con trong mình. Đúng ra, ai cũng có một đứa trẻ con trong mình nhưng thường thì nó bị
che lấp, bị bọc kín. Và thậm chí, lúc viết văn cho trẻ con, nhiều người cố vùi lấp nó đi để
cho phần người lớn trong mình khệnh khạng đứng ra quát nạt, khuyên răn, dạy bảo đủ
thứ. Họ tưởng như thế là tốt cho trẻ con, kì thực, không những trẻ con không ngấm được
những lời người lớn mà thêm vào đó người viết đánh mất đi hạnh phúc được sống với
một phần của chính mình.
Nhóc Nicolas – nơi sự hài hước dẫn đường cho giáo dục
Đọc Nhóc Nicolas người đọc không chỉ tìm được những tiếng cười sảng khoái,
khoan dung mà lồng vào trong tiếng cười ấy là những bài học sâu sắc. Người lớn có thể
dùng nhiều thao tác khi tiếp cận một tác phẩm để lần tìm các giá trị, còn trẻ con, chúng
đến với những bài học một cách tự nhiên nhất, và như thế không gì dễ dàng cho chúng
hơn là những tiếng cười. Sự hài hước lúc này trở thành phương pháp tuyệt vời nhất cho
những bài học giáo dục nhân cách trẻ.
Trong truyện, Nicolas được sống trong tình yêu thương của gia đình, trong niềm
vui với bè bạn, sự quan tâm của thầy cô… Thế nhưng toàn bộ câu chuyện không vẽ ra
một cuộc sống mẫu mực với những tấm gương khô cứng mà mọi nhân vật đều hiện ra
dưới cái nhìn vui nhộn, hài hước. Người đọc bật cười hồn hậu để sau đó những câu
chuyện thú vị ấy thấm dần vào mình, như thể mình được sống lần nữa những gì đã sống
thời thơ ấu.
Sinh nhật mẹ, Nicolas quyết định lấy tiền tiết kiệm mua một bó hoa đẹp, “một bó
hoa hết sảy, to đùng”, nhưng rồi cậu nhóc đánh nhau với bạn, một đứa đang cầm hộ bó
hoa đã dùng nó đập đứa khác. Hoa nát, chúng để lên lề đường, tiếp tục ăn vạ, lại đánh
nhau, Nicolas bị đẩy ngã ngồi lên bó hoa, lại đánh nhau… Cuối cùng cậu chỉ còn một

bông dập nát cầm về, vừa bước vào nhà đã khóc oà lên, mẹ nhìn bông hoa “có vẻ hơi
ngạc nhiên một tí, rồi mẹ bế tôi lên, hôn tôi hàng đống rồi hàng đống lần, mẹ nói rằng
mẹ chưa từng được nhận một bó hoa nào đẹp thế bao giờ và mẹ cắm bông hoa vào cái
bình xanh lớn ở phòng khách”. Trẻ con phải là như thế, đứa nào cũng yêu mẹ, và đứa
nào cũng có một hành trình gây gổ, quậy phá cho đến khi đưa được về cho mẹ bông hoa
đẹp nhất – bông hoa của tình yêu thương. Và trong suốt cuộc đời chúng, đứa trẻ nào
cũng cố “chiến đấu” hết mình để giữ bông hoa ấy.
Có lẽ ở đâu cũng thế, trẻ em luôn gần gũi với các con vật, chúng có một tình yêu
trong sáng với những người bạn ấy. Nicolas đã rất vui sướng khi ông chủ tiệm tạp hoá
cho nó một con mèo – con mèo tên là Cái Kẹo – nó hân hoan đưa con mèo về nhà. Thế
nhưng, y hệt cậu bé Nôbita, Nicolas bị mẹ phản đối, không cho nuôi mèo. Thương người
bạn nhỏ, cậu nhóc quyết định đưa nó đến cho các bạn nuôi để nó khỏi bị giết. Gõ cửa
nhà mấy thằng bạn mà không được, cuối cùng thằng Clotaire cũng nhận nuôi, Nicolas
vui mừng lắm và còn đòi được đến thăm nó hàng ngày, thế nhưng về nhà chú nhóc vẫn ủ
rũ. Câu chuyện kết thúc bất ngờ khi người bố mệt mỏi vì công việc đã ngoác miệng cười
lúc mở cửa đưa con mèo mà Clotaire trả lại vào cho Nicolas, bố cậu nói, đó là một món
quà.
Bộ sách viết về những cậu nhóc mới bước vào lớp một, vì thế, thời gian ở trường
chiếm một số lượng lớn các câu chuyện về Nicolas. Ở trường học ấy, bọn trẻ đã có
những ngày tuyệt vời, kể cả ngày thứ Năm bị phạt phải đến lớp. Không một câu chuyện
nào nêu gương, lên gân, hay uốn nắn các em về tình thầy trò, tình bè bạn, nhưng người
ta hiểu rằng tại sao những đứa trẻ ấy sau này lớn lên lại trở thành những người chân
chính. Chúng chơi với nhau rất vui, chia nhau các phe các nhóm để đánh nhau, khi cần
có thể đấm vào mũi nhau, hoặc tát cho nhau một cái… nhưng chưa bao giờ chúng ác ý
với nhau. Tất cả chỉ là trò chơi trẻ con vô tư, nghịch ngợm. Nhắc đến những vụ đánh lộn
của bọn nhóc, có lẽ không thể không nhắc đến một “trận cầu đỉnh cao” mà các cầu thủ
nhí biến thành một tình huống hài hước nhất. Bọn nhóc đã cãi nhau để chia đội, cãi nhau
khi phân vị trí, đánh lộn rồi quyết định sự công bằng bằng cách tung đồng xu, nhưng
đồng xu rơi xuống cỏ và đứa có đồng xu mải vạch cỏ tìm quên cả trận đấu, đứa bắt gôn
chờ lâu sốt ruột đã đấm những đứa khác, cả bọn vừa gào thét vừa chạy tứ tung “thực sự

là quá vui, đúng là hết sảy”. Có đứa đòi “nghỉ giữa hiệp” nhưng lúc ấy một đứa phát
hiện “giữa hiệp gì mới được. Tao vừa phát hiện ra bọn mình làm gì có bóng, tao đã để
quên ở nhà mất rồi”.
Bọn trẻ rất yêu cô giáo của chúng, nhưng không có nghĩa như thế là chúng làm
theo mọi lời cô dạy bảo. Các thầy cô giáo đã trở thành một phần không thể thiếu trong
những kỉ niệm đẹp nhất của tuổi thơ. Đặc biệt danh cho thầy cô là một trò tinh nghịch
hồn nhiên rất thú vị của học sinh. Nó phản ánh đặc điểm tâm lí lứa tuổi rất đặc sắc: trẻ
em nhạy cảm, giàu liên tưởng và liên tưởng hết sức phóng túng. Trong số các thầy cô
giáo được học sinh gọi bằng cái tên thân mật ấy thì có lẽ tên thầy Nước Lèo là đặc sắc
nhất. Tại sao thầy có tên ấy? Tại vì thầy luôn nói, “Hãy nhìn vào mắt tôi đây”, mà
“trong nồi nước lèo thì đầy những mắt” thế là chúng quyết định gọi thầy là thầy Nước
Lèo. Lớp học không chỉ là nơi chúng ngoan ngoãn ngồi hàng giờ ghi ghi, chép chép mà
còn vô số trò nghịch ngợm, đánh nhau, ăn quà vặt… Tất cả diễn ra rất hồn nhiên. Sự hồn
nhiên ấy biểu hiện rõ nhất qua lần ông thanh tra đến. Hãy so sánh một chút thế giới
người lớn với thế giới của bọn trẻ khi xuất hiện các ông thanh tra, người đọc sẽ nhận ra
một bài học bổ ích. Khi biết tin có ông thanh tra mới sắp đến cô giáo lo lắng đối phó,
cấm học sinh không được cười, kêu gọi các em phải ngoan để gây ấn tượng tốt. Cô yêu
cầu Agnan – cậu học sinh đứng đầu lớp đi rót mực vào các ô mực phòng khi ông thanh
tra yêu cầu chép chính tả. Đang rót có đứa đùa kêu “ông thanh tra vào kìa”, thằng
Agnan hoảng hốt làm đổ mực tung toé ra bàn. Cô giáo yêu cầu đổi cái bàn bị đổ mực
xuống cuối lớp, đang di chuyển thì ông thanh tra vào. Ông thanh tra nói “Ngồi đi các
cháu”, vì cái bàn đang quay ngược để di chuyển nên hai học sinh ngồi quay lưng lại
bảng, ông thanh tra ngạc nhiên hỏi phải chăng hai học sinh này chuyên ngồi như thế. Cô
giáo nói “Có một sự cố nhỏ”. Ông thanh tra hỏi “Trước khi bác đến thì các cháu đang
làm gì?” “Chuyển bàn ạ” “Tại sao lại chuyển” “Tại vì mực ạ”. Ông thanh tra nhận ra
hai bàn tay mình đã xanh lét, bèn rút khăn lau các ngón tay. Rồi ông kể chuyện vui
nhưng chẳng em nào cười. Ông đề nghị cô giáo tiếp tục bài, cô gọi học sinh giỏi nhất
sau khi “làm ra vẻ kiếm tìm ngẫu nhiên trong lớp” nhưng ông chỉ một học sinh khác,
đúng đứa dốt nhất, nó khóc lóc, ông gọi đứa khác, đứa này trả lời sai, những đứa khác
vặn lại, cãi nhau loạn lớp và đánh nhau… Khi yên ổn, ông thanh tra rút khăn lau mặt,

làm dây mực khắp mặt, lũ nhóc phải cố nhịn cười. Ông xiết chặt tay cô giáo: “Cô đã có
được tất cả sự nể phục của tôi, chưa bao giờ tôi lại thấy rõ đến thế thiên chức nghề
nghiệp của chúng ta. Xin hãy tiếp tục! Dũng cảm lên! Hoan hô!” Và ông đi ra ngay, rất
nhanh”. Khác với thế giới người lớn, bọn trẻ đã tiếp ông thanh tra bằng chính bản chất
hồn nhiên nhất của mình, không cần phải che đậy, nguỵ tạo. Không khí học đường của
bọn trẻ ở trường Nicolas làm chúng ta liên tưởng tới trường Tomoe Gakuen với thầy
hiệu trưởng Kobayashi Sosaku trong cuốn sách Tốt-tô-chan Cô bé bên cửa sổ của Tét-
su-kô Ku-rô-y-a-na-gi. Điều tuyệt vời nhất đối với những đứa trẻ ở đây là chúng được
tôn trọng, không bị gò bó, không bị đẽo gọt cá tính, chúng được giữ nguyên sự hồn
nhiên của lứa tuổi.
Với Nhóc Nicolas, những câu chuyện về cuộc sống đời thường đã đưa đến cho trẻ
con nhiều bài học nhẹ nhàng mà thú vị, không một chút giáo điều, khô khan. Ngòi bút
hài hước của René Goscinny và nét vẽ sinh động của Jean-Jacques Sempé đã thực sự
chinh phục độc giả khắp nơi trên thế giới. Tất nhiên rất nhiều tác phẩm dành cho trẻ em
mang chất hài hước, nhưng mỗi tác phẩm có một màu sắc riêng. Cái hài hước của
Goscinny không phải nằm ở ý tưởng mà chính là ở đôi mắt quan sát và nắm bắt các tiểu
tiết của đời sống, tái hiện nó trên trang sách để nó trở thành những “cái bỗng nhiên” đầy
thú vị. Đọc Goscinny, tưởng như ở đâu có trẻ con, ở đó có rắc rối và có tiếng cười. Mỗi
rắc rối được giải quyết, trẻ con lớn thêm và có thể chúng quên đi, nhưng tiếng cười thì
còn lại mãi.
Nếu như Tom Sawyer và Huckleberry Finn của Mactuen là biểu tượng của trẻ con
nước Mĩ nhờ giòng máu phiêu lưu, nhóm bạn Đoremon và Nôbita trở thành niềm yêu
thích của trẻ con Nhật Bản và nhiều nước khác vì những mẩu chuyện hàng ngày được
kết hợp với sự kì diệu của khoa học kĩ thuật và trí tưởng tượng thì Nhóc Nicolas thực sự
trở thành cậu nhóc trứ danh của trẻ em trên toàn thế giới nhờ sự hài hước, ngộ nghĩnh,
dù chất hài hước đặc sắc của người Pháp đã làm cho chú nhóc ấy mang một diện mạo
riêng.
Theo cảm nhận của chúng tôi, một cuốn sách cho thiếu nhi thì nhất thiết đó phải
là tiếng nói của trẻ con về thế giới. Có thế giới nhỏ hẹp trong tầm mắt, có thế giới bao la
trong trí tưởng tượng, nhưng dù thế nào cũng phải là thế giới qua lăng kính tâm hồn trẻ

thơ. Vậy làm thế nào để có được những tác phẩm đặc sắc cho các em? Không hiếm cây
bút yêu trẻ con, hiểu trẻ con nhưng để những sáng tác đó trở thành tác phẩm dành cho
các em thì cần một yếu tố quan trọng nữa là phải tôn trọng trẻ con. Nhà văn phải có
niềm tin vào cái tự nhiên, bình thường, để trẻ con được là chính nó, coi trọng điều đó
chính là coi trọng nhân cách trẻ. Ở cuốn sách nào trẻ em được tôn trọng, cuốn sách đó sẽ
chiếm được cảm tình của các em.
Nhóc Nicolas là một bộ sách như thế

×