Khuynh hướng đề cao tính
chân thực và tình cảm tự
nhiên trong quan niệm văn
học thế kỉ XVIII-XIX
Sang thế kỷ XVI, khi Nho giáo bắt đầu suy, văn học bắt đầu biến chuyển theo
chiều hướng khác. Văn học viết giai đoạn từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, một mặt
có kế thừa những truyền thống của giai đoạn trước, một mặt chuyển hướng dần
trước tình hình mới. Những yếu tố dân chủ hình thành trong phong trào đấu tranh
của nhân dân, chống chế độ phong kiến trên đà suy thoái và trong một nền văn hóa
văn nghệ dân gian đang phát triển mạnh là một trong những yếu tố quan trọngcho
sự phát triển văn học giai đoạn này. Giai đoạn văn học từ thế kỷ XVI đến thế kỷ
XVIII là giai đoạn phát triển của nền văn học viết dân tộc, đặc biệt là văn học viết
bằng chữ Nôm. Tại sao văn học chữ Nôm lại phát triển. Đó là sự thể hiện Nho giáo
bắt đầu suy vi và tinh thần dân chủ đã dần xuất hiện. Trước thế kỷ XVI văn học
được xây dựng trên những quan niệm chính thống của Phật giáo và Nho giáo. Từ
thế kỷ XVI trở đi văn học bắt đầu có những nét lãng mạn, dần phá vỡ các khuôn khổ
đã có từ trước và có nhiều nét dân chủ, bình dân hóa. Trong thế kỷ XVI- XVII có
khuynh hướng văn học ẩn dật. Các nho sĩ ẩn dật hy vọng giảm bớt những tệ lậu của
chế độ phong kiến đang suy thoái bằng cách nêu cao đạo lý Thánh hiền, hy vọng
chấn chỉnh lại kỷ cương, xây dựng lại chế độ thông qua việc cải thiện phẩm chất
con người. Và đạo lý trở thành một trong những nội dung chủ yếu trong tác phẩm
của họ. Nguyễn Bỉnh Khiêm là đại biểu nổi bật của dòng thơ văn đạo lý. Các nho sĩ
ẩn dật đã phản ánh trong tác phẩm của họ những nét sâu sắc của hiện thực đương
thời và đôi khi còn lý giải được những vấn đề của hiện thực ấy, theo một quan điểm
tích cực.
Trước thế kỷ XVI, văn học viết gồm hai loại tác phẩm chính: văn học hình
tượng và văn học chính luận. Hai loại tác phẩm đó cùng tồn tại, phát triển và bổ
sung cho nhau. Văn học chính luận thường thiên về các vấn đề chung như quốc gia,
xã hội, chính trị thời sự có liên quan đến vận mệnh của dân tộc. Nhưng đến thế kỷ
XVI- XVII- XVIII, lại không phải là thời đại của văn học chính luận. Từ thế kỷ
XVI đến thế kỷ XVIII, chúng ta thấy các thể loại văn học hầu hết thuộc hai lĩnh vực
cơ bản là tự sự và trữ tình. Chủ đề quyền sống của con người đã được văn học viết
bước đầu đề cập đến. Một số tác phẩm đã phần nào thể hiện yêu cầu giải phóng tình
cảm. Đề tài về tình yêu nam nữ ít được nêu lên trong văn học trước thế kỷ XVI thì
nay đã trở nên quen thuộc. Văn học với ý tưởng xây dựng con người theo hình mẫu
thánh nhân trước thế kỷ XVI, thì từ thế kỷ XVI và rõ hơn là từ thế kỷ XVIII- XIX
hình mẫu chủ đạo của văn học là con người trần thế. Nhân vật chính trong các tác
phẩm ở giai đoạn trước là những quân tử, thì ở giai đoạn sau là người phụ nữ,
những ca nhi, kỹ nữ, cô đào với những số phận ngang trái trong xã hội phong kiến.
Ở thời kỳ này, các tác phẩm văn học cả chữ Hán và chữ Nôm như Truyện Kiều,
Cảm hứng làm bài ca người gẩy đàn đất Long Thành của Nguyễn Du, Vũ trung tùy
bút của Phạm Đình Hổ, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái, thơ Hồ
Xuân Hương… vấn đề nhân đạo đã được đặt ra. Tư tưởng nhân văn đã là luồng chủ
đạo trong sáng tác thơ văn. Cùng trào lưu nhân văn đó là những cảm hứng về sự
hưng vong của các triều đại, về sự chìm nổi của cuộc bể dâu thế sự, những hoài nghi
đối với sự thống trị của các tập đoàn phong kiến, các triều đại phong kiến, sự cảm
thán về một thời đại…
Trong tiến trình văn học dân tộc, với sự chuyển hướng được bắt đầu từ thế kỷ
XVI, với sự vận động không ngừng của đời sống văn học dân tộc trong hai thế kỷ
tiếp đó. Đến thế kỷ XVIII, nền văn học dân tộc đã xuất hiện các thể loại văn học
nghệ thuật thuần túy, các thể loại văn học phi chức năng theo quan điểm Nho giáo
chính thống. Đó là các thể loại: Ngâm khúc hay truyện thơ nôm. Đây là những tác
phẩm được sáng tác bằng ngôn ngữ dân tộc. Theo quan điểm Nho giáo chính thống
thì đây là thời kỳ suy thoái. Nhưng nhìn từ góc độ phát triển thì thời kỳ này những
hiện thực xã hội đã bắt đầu chi phối tư tưởng, đạo đức, quan điểm chính trị của các
nho sĩ phong kiến, khiến những sáng tác văn học của họ đề cập đến những vấn đề
thiết thân của cuộc sống, của con người. Với quan niệm chính thống, thơ là để
nói chí, còn với quan niệm văn chương nghệ thuật thơ đề cao cái tình. Từ Lê Quý
Đôn, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, trong sáng tác hay trong các ý kiến phát biểu
quan niệm về thơ đều đề cao chữ tình hơn chữ chí. Đó là một thực tế phổ biến trong
sáng tác cũng như trong quan niệm của văn học của cả thời kỳ này.
Thế kỷ XVIII- XIX dòng văn học viết bằng ngôn ngữ dân tộc có các thể loại văn
học cơ bản là tự sự và trữ tình. Truyện nôm, ngâm khúc,… là những thể loại của văn học
chữ Nôm. Những thể loại này được sáng tạo trong quá trình dân tộc hóa những thể loại
của văn học dân gian. Quá trình ấy có thể bắt đầu từ thế kỷ XVI và đã đạt đến sự phát
triển rực rỡ ở thế kỷ XVIII- XIX.
Truyện nôm là truyện thơ nôm, sáng tác bằng ngôn ngữ dân tộc, sử dụng thể
thơ lục bát và có nhiều tác phẩm còn là khuyết danh. Truyện nôm có đến hàng trăm
tác phẩm gồm truyện nôm bác học, truyện nôm bình dân, truyện nôm khuyết danh.
Tính chất cơ bản của truyện nôm là mô tả, tả truyện, hay nói một cách khác, truyện
nôm là thể loại mang tính tự sự. Thể loại tự sự là mô tả đầy đủ và sống động về sự
việc và con người, tức là tiếp cận với vấn đề nhân vật và cốt truyện mà ngày nay
chúng ta thường nói. Truyện thơ nôm, tuy là hình thức văn vần, nhưng thực chất là
thuộc thể loại tự sự.
Có thể nêu lên những thí dụ nhỏ về tính tự sự của thể loại truyện nôm như
sau: trong truyện cổ Phạm Tải Ngọc Hoa, tác giả đã trình bầy rõ địa danh lai lịch
nhân vật của cốt truyện:
Phạm Tải rón rén thưa quỳ,
Ngập ngừng mới rãi vây vi tỏ tường.
Sơn Tây, Ngọc Tháp là làng,
Hai thân sớm đã suối vàng chơi xa.
Anh em chẳng có một ai,
Cửa nhà thiếu thốn hết nơi nương nhờ.
Cách cụ thể hóa những chi tiết khi giới thiệu địa danh, lai lịch nhân vật của
cốt truyện như vậy cũng đã gặp ở các truyện nôm khác như: Lý Công, Tống Trân
Cúc Hoa… Khác hẳn với tính chất tự sự của truyện nôm, ngâm khúc lại mang tính
chất trữ tình đậm nét. Chẳng hạn như trong tác phẩm Chinh phụ ngâm, nhân vật trữ
tình là nàng Chinh phụ luôn đi về giữa những hồi ức của dĩ vãng với những nhớ
mong:
Lòng này gửi gió Đông có tiện,
Nghìn vàng xin gửi tới non Yên.
Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.