Dấu ấn văn xuôi Nga thế kỉ
XIX trong sáng tác của một số
nhà văn Việt Nam
Bóng dáng nhiều nhân vật L. Tolstoi được Hoàng Đạo đưa vào hình tượng Duy.
Nhà văn tiếp nhận không chỉ một số chi tiết, mà cả sự đồng cảm với người nghèo, ước
mơ tha thiết làm việc thiện - những nét rất nổi bật trong tư tưởng nhân đạo của L.
Tolstoi vĩ đại. Tuy nhiên, so với quá trình các nhân vật trí thức quí tộc của Tolstoi tìm
đường đến với nhân dân, gắn bó với nhân dân thì hành trình của Duy còn khá đơn giản.
Để tìm được mục đích ý nghĩa cuộc sống, các nhân vật của Tolstoi đã trải qua nhiều
thử thách, nhầm lẫn, đau khổ, trong sâu thẳm tâm hồn họ là những cuộc giằng co, đấu
tranh và tâm trạng họ chuyển biến rất phức tạp. Hành trình chông gai, đầy bi kịch ấy
của nhân vật trên nền biến cố vĩ đại của thời cuộc và đời sống văn hoá rộng lớn chưa
thể có trong sáng tác của Hoàng Đạo.
Nội dung nhân đạo trong sáng tác của Tolstoi đã tỏa ánh sáng kì diệu đến
Nguyên Hồng. Nhà văn nhớ lại những rung động buổi đầu khi đến với tiểu thuyết Phục
sinh: “qua từng trang từng trang…, tôi thấy cứ dần dần một trái tim mênh mông ôm lấy
tôi, đồng thời với cảm tưởng này, tâm hồn và trái tim tôi cũng thấy dần dần lớn lên ôm
lấy con người. Sự suy nghĩ của tôi bị xoắn lại với cuộc đời Matxlôva”
(11)
. Tromg Bỉ
vỏ có thể thấy rõ những luồng cảm xúc, ám ảnh về thân phận con người mà nhà văn
Việt Nam tiếp nhận được từ tác phẩm Tolstoi. Người đọc không khó nhận ra rằng cuộc
đời chìm nổi lênh đênh của Tám Bính cũng mang dáng dấp số phận nhân vật Maslova
đau khổ, bất hạnh của Tolstoi.
Về dung lượng, qui mô, văn học Việt Nam chưa có những tác phẩm đồ sộ nhưng
các nhà văn đã tái hiện hiện thực đời sống đa dạng, phong phú, khả năng biểu hiện tinh
tế tâm lí nhân vật.
Tinh thần nhân đạo cao cả, sự đồng cảm sâu sắc đối với những người bị áp bức
là một trong những nét nổi bật nhất của văn học Nga. Đề tài con người nhỏ bé đã trở
thành cơ sở đạo đức vững chắc và đạt đến độ sâu sắc nhất trong sáng tác của Gogol,
Dostoievski. Làm quen với văn học Nga, với Chekhov, Gogol từ rất sớm, hình tượng
và nỗi bất hạnh định mệnh của con người nhỏ bé đã ảnh hưởng tới ngòi bút Bùi Hiển.
Cách viết của Bùi Hiển trong truyện Cái đồng hồ (1941) có nhiều nét gần gũi với
truyện Chiếc áo khoác của Gogol. Cả hai truyện, nhân vật đều là những viên chức nhỏ.
Người này là viên chức họa đồ sở đạc điền “ngày ngày cúi đầu trên vuông giấy dày…,
đồ những nét cong khúc khuỷu, cử động gần như một cái máy” (Cái đồng hồ); người
kia là viên chức sao chép giấy tờ, công việc đơn điệu “thế giới xung quanh diễn biến ra
sao, bác không cần biết đến” (Chiếc áo khoác).
Trong truyện Bùi Hiển, người viên chức sở đạc điền làm còm cõi cả năm vẫn
không đủ tiêu, dịp may, anh kiếm được việc làm thêm, được món tiền thưởng. Sau
nhiều suy tính, anh quyết định mua chiếc đồng hồ. Cả gia đình anh chờ đợi chiếc đồng
hồ gửi từ Hà Nội về. Song chiếc đồng hồ - niềm mơ ước nhỏ nhoi ấy - lại là chiếc đồng
hồ khổ, lúc chạy lúc dừng, hay “õng ẹo một đôi khi trở trời”.
Người viên chức Akaki Akakievich của Gogol quanh năm chỉ mặc chiếc áo
khoác cũ. Khi nó cũ đến mức không thể mặc được, Akaki Akakievich mới quyết định
may chiếc mới. Nhờ món tiền thưởng, chiếc áo đến với chủ sớm hơn dự định. Ngày
mặc chiếc áo khoác mới là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời Akaki. Song hạnh phúc
thật ngắn ngủi, ngay đêm đó, trên đường về, chiếc áo khoác đã bị bọn cướp lột mất.
Những nét gần gũi về cốt truyện là cơ sở tạo nên sự liên tưởng ở bạn đọc về hai
tác phẩm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra của mỗi truyện lại khác. Điều này cho thấy các nhà
văn Việt Nam tuy chịu ảnh hưởng kiểu đề tài hay kiểu nhân vật nào đó trong văn học
Nga thì vẫn có sự tiếp biến sáng tạo để xây dựng những nhân vật mang tính cách, tâm
hồn Việt Nam.
Trong Chiếc áo khoác, Gogol đã tạo nên một nhân vật an phận, nhẫn nhục, tự
biến mình thành cái máy tự động đơn chức năng, chỉ yêu thích công việc đơn điệu, tẻ
nhạt. Ở truyện Gogol, tạo sự thương cảm nhất với người đọc không phải là cái chết của
nhân vật mà chính là khoảnh khắc khi nhân vật bị cướp chiếc áo. Không có nó, Akaki
không còn là một con người mà chỉ là đối tượng của sự chế giễu. Trong chiếc áo khoác
cũ, con người bất hạnh, bị sỉ nhục ấy cầu cứu khắp nơi nhưng chẳng ai để ý. Con người
ấy sống trên đời như bóng ma, chỉ đến khi chết mới có được chút sự sống, mới biết yêu
ghét, biết căm giận và phẫn nộ trước sự tàn nhẫn của những kẻ vô lương. Chiếc áo
khoác tội nghiệp vượt ra khỏi ý nghĩa y phục chính là chiếc áo khoác tinh thần, chiếc
áo khoác “mặt nạ” đáng thương, che đậy nhưng chính là phơi bày số phận con người.
Gogol đã sáng tạo tấn bi kịch khủng khiếp về số phận con người nhỏ bé. Tác phẩm có
tầm khái quát và ảnh hưởng to lớn, như Dostoievski thừa nhận: “Tất cả chúng ta đều
từ Chiếc áo khoác của Gogol mà ra”.
Cái đồng hồ của Bùi Hiển là tiếng cười hài hước châm biếm nhẹ nhàng về cuộc
sống mòn mỏi, đơn điệu của người viên chức nghèo tỉnh lẻ. Tác giả phóng đại, cường
điệu chuyện người viên chức chăm sóc chiếc đồng hồ như người mẹ thương yêu đứa
con còi cọc bệnh hoạn, thuộc làu tính nết của nó. “Anh ta là một con người thì suốt đời
phải làm việc đều đặn đúng giờ như một cái máy, còn chiếc đồng hồ máy thì lại giống
cái dáng khổ khổ lôi thôi lốc thốc của cuộc đời anh. Chiếc đồng hồ luôn chạy chậm,
cũng giống như trong cuộc đời đua chen, anh luôn luôn đến chậm, anh là kẻ không bao
giờ gặp may mắn”
(12)
.
Bùi Hiển thường viết về cuộc đời của những viên chức nghèo thành thị, những
người nông dân miền biển. Nhiều nhân vật của ông làm ta liên tưởng đến các nhân vật
của G. Maupassant, A. Daudet, Chekhov, Gogol… Trong tập tiểu luận: Hướng về đâu,
văn học, Bùi Hiển thừa nhận đã học hỏi nhiều từ các nhà văn trong và ngoài nước,
“học hỏi một cách tự nhiên, kiểu “đồng hóa”, đọc lướt thấy cái gì mình thích thì nhanh
chóng và dễ dàng nhập tâm, để rồi sau đó thể hiện ra trong tập dượt sáng tác”
(13)
. Đây
cũng là một cách tiếp nhận. Những điều nhà văn đọc ở các tác giả khác đã trở thành
vốn kiến thức riêng, được huy động trong quá trình sáng tác và ngẫu nhiên những điều
Bùi Hiển viết ra ít nhiều tương đồng với những mẫu đã có.
Trong số các nhà văn Việt Nam, Thạch Lam là người hay nhắc đến văn chương,
tiểu thuyết Nga. Ông cảm phục gương lao động nghệ thuật của L. Tolstoi, người “có
khi chữa lại bảy lần bản thảo” Chiến tranh và hòa bình, Dostoievski “người xóa đi,
chép lại, chữa, sửa, thêm bớt và làm việc như một tù khổ sai”. Với quan niệm “tiểu
thuyết là sự sống”, Thạch Lam coi trọng “sự linh động như cuộc đời, cả về bề rộng lẫn
bề sâu”
(14)
. Ông nhận thấy trong các tác phẩm Chàng ngốc, Lũ người quỉ ám, Anna
Karenina dường như có “một vùng ánh sáng soi tỏ những trạng thái tâm lí”
(15)
con
người. Các tác giả Nga thể hiện tài tình khả năng “quan sát bên trong”, bằng “con mắt
của tâm hồn” để tìm đến cái bí mật không tả được trong mỗi con người.
Dostoievski từng là thần tượng của Thạch Lam. Một cơn giận, Sợi tóc, Đói, Trở
về… phảng phất chút dư âm của Dostoievski; chẳng hạn sự giao tranh khốc liệt giữa
thiện - ác, tốt - xấu, thật - giả trong những khoảnh khắc quyết định, những bước ngoặt
đột biến, đôi lúc mang tính nghịch lí của nhân vật. Tuy nhiên, khi học tập nhà văn Nga
này, Thạch Lam vẫn giữ phong cách riêng, chỉ quan tâm miêu tả phần đẹp đẽ, trong
sáng, lành mạnh của con người. Những phần vô thức, bản năng, những miền mờ tối…,
ông không quan tâm thể hiện. Nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy văn xuôi Thạch Lam
với phong thái điềm tĩnh, nhỏ nhẹ, giàu chất thơ, gần với Chekhov.
Về cảm hứng, đề tài, truyện Thạch Lam phảng phất dư vị như truyện Chekhov,
thường bắt nguồn từ điều rất nhỏ, bình thường: một cuộc gặp gỡ bất ngờ (Kẻ bại trận),
một cơn gió đầu mùa (Gió đầu mùa), một chuyến tàu đêm qua phố huyện (Hai chị em),
kí ức xa xôi thời thơ ấu (Dưới bóng hoàng lan)… Cũng như Chekhov, những điều
không đâu, thoáng qua, dưới ngòi bút Thạch Lam, đã kết tụ thành đường nét, hình
khối, màu sắc, tạo ma lực ám ảnh, vương vấn.
Chỗ gặp nhau quan trọng nhất giữa Thạch Lam với Chekhov là cái đẹp dung dị,
gần sự thực, gần cuộc đời. Cả hai nhà văn đều viết khá nhiều về tình yêu, những câu
chuyện tình yêu. Cuộc đời có những mối tình đẹp, trong sáng vô cùng, nhưng lại chỉ
thoảng qua như kỉ niệm buồn, để khi nhớ, người ta lại bồi hồi, bâng khuâng… Có thể
nhận thấy nhiều điểm giống nhau giữa hai nhà văn khi viết về những mối tình đầu (Một
chuyện đùa, Những buổi học đắt tiền - Chekhov và Nắng trong vườn, Tình xưa - Thạch
Lam).
Về bút pháp, tâm lí nhân vật của Thạch Lam cũng được khắc họa theo lối của
nhà văn Nga: chú trọng lựa chọn khoảnh khắc, tái hiện không khí, bối cảnh, mối liên
hệ giữa tâm lí, tính cách nhân vật với hoàn cảnh.
Truyện Chekhov lôi cuốn người đọc thường không phải bởi cốt truyện mà bởi
không khí truyện. Nhịp điệu vừa uể oải, vừa căng thẳng của đời sống thấm vào câu
văn, toát ra không khí toàn câu chuyện. Tác giả gợi ý, gợi cảm, chỉ qua vài phác thảo,
để khoảng trống cho người đọc liên tưởng. Một khoảng im lặng giữa hai câu nói, dư
âm của kết thúc, hay một lời nói không được nói ra…, ý đến nhưng bút không đến.
Độc giả như được mời tham gia vào truyện, cùng suy ngẫm, cùng kết luận. Chất thơ
nằm trong vang hưởng của ngôn ngữ, trong khung cảnh chất liệu và không khí chung
của toàn truyện tác động rất mạnh đến người đọc. Bàng bạc khắp truyện là tâm sự âm
thầm, ước mong khắc khoải.
Cũng như Chekhov, Thạch Lam chiếm lĩnh độc giả bằng lối văn nhẹ nhàng, đậm
chất trữ tình man mác, giàu cảm xúc và nhạc điệu. Trung tâm chú ý của văn xuôi
Thạch Lam là con người nội tâm "phiền phức", con người duyên phận, là sự khắc họa
tâm trạng, gợi tả, phô diễn cảm giác bằng giọng trần thuật trầm tĩnh, sâu lắng. Trữ tình
của Thạch Lam trong các truyện ngắn là trữ tình thông qua dòng cảm giác và suy
tưởng của nhân vật. Vì thế đọc Thạch Lam như đi vào một thế giới riêng - trầm lắng,
đầy chất thơ với nhiều kí thác, tâm sự.