Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Đặc điểm truyện ngắn Trần Quang Nghiệp (1907-1983) _2 pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (183.46 KB, 5 trang )

Đặc điểm truyện ngắn Trần
Quang Nghiệp (1907-1983)




Việc sử dụng cách kết thúc bất ngờ của Trần Quang Nghiệp kế thừa có sáng tạo từ
truyện cười dân gian nhưng có thể khẳng định ông đã tạo nên bản sắc riêng và tạo được sự
hấp dẫn nhất định với người đọc như truyện Thêm một lá thăm của…Truyện kể về thầy Lê
Quang Minh vốn có “tánh không hay rầy rà với vợ”. Thầy quyết tâm tìm bạn đồng chí để lập
hội “Đàn ông sợ vợ”, mục đích của hội là “để mà tựu hội than thở cùng nhau hoặc lập thế mà
trừ mấy bà vợ dữ”. Khác với truyện cười dân gian, nhân vật chết đứng ngay tại chỗ khi các bà
vợ kéo quân ra, trong truyện này, thầy Lê Quang Minh đã bị khai trừ ra khỏi hội do quá nôn
nóng với chức Hội trưởng: thầy vi phạm qui định cấm bỏ phiếu cho mình. Đúng là “trong cái
rủi có cái hên”, thầy vừa ra khỏi cổng thì vợ thầy xăm xăm đi tới ngay trước mặt. Truyện thể
hiện cái nhìn hài hước nhẹ nhàng về những người đàn ông sợ vợ chứ không mang nặng tính
đả kích như truyện cười dân gian. Nguyễn Công Hoan cũng là nhà văn có biệt tài trong việc
sử dụng các kết thúc bất ngờ kiểu này. Ở truyện Mất cái ví, tình huống kịch tính của truyện
cũng được đặt ở cuối tác phẩm: ông Tham vừa “đuổi khéo” được ông cậu hay lên chơi sinh
ra tốn kém phí tổn mà lại không bị mang tiếng hắt hủi người thân vì cái ví đựng bốn mươi
đồng ông cho là bị mất cắp vẫn nằm trong túi quần mình. Đây cũng là kết thúc điển hình
trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan.
Ở một phương diện khác, qua quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy Trần Quang
Nghiệp còn chịu ảnh hưởng của các nhà văn Pháp như Chateaubriand (1768-1848),
Maupassant (1850-1893), M. Zévaco (1860-1918)
(11)
. Đọc truyện Ông tơ cắt cơ của Trần
Quang Nghiệp có cùng motif “trốn đời” với tiểu thuyết René của Chateaubriand.
Trong René, nhân vật chính René vì bất mãn với xã hội tư sản và do tình yêu với người chị
không thành nên đã rời bỏ nước Pháp văn minh tìm đường về sống với những người thổ
dân da đỏ châu Mĩ. Truyện Ông tơ cắt cơ kể về một người Annam vì buồn chán cuộc sống


gia đình không êm ấm ở dưới xuôi vô tình lạc lên chốn rừng sâu nước độc Kon Tum. Vì
cảm mến tấm chân tình của người con gái mọi mà anh đã kết hôn với cô rồi ở trên ấy luôn
không về xuôi nữa. Có lẽ Trần Quang Nghiệp đã gặp gỡ Chateaubriand ở cách thức giải
quyết mâu thuẫn là “lẩn trốn xã hội” nhưng hướng đi có phần tích cực hơn vì sau 14 năm
sống với người mọi, nhân vật chính của Trần Quang Nghiệp trông khỏe mạnh và yêu đời
hơn lúc mới đến, còn nhân vật René của nhà văn Pháp lại tiêu cực hơn. René rời bỏ nước
Pháp chỉ vì đây không còn là Tổ quốc của những người thanh niên quý tộc như anh nữa. Cả
hai truyện đều đặt ra vấn đề phê phán xã hội, sự bất mãn của con người đối với cuộc sống bị
kìm hãm, ngột ngạt.
2.3. Ngôn ngữ mang bản sắc vùng miền: Điểm nổi bật nhất trong truyện ngắn Trần
Quang Nghiệp là ngôn ngữ nôm na, mộc mạc phù hợp với cách nói của người dân Nam Bộ.
Ông sử dụng nhiều từ địa phương giản dị, bình dân, dễ hiểu nhưnằng nằng, đặng, tiện
tặn, nủng nưởng, rỉ rả, thủng thẳng, tuông lụy, sanh rầy, hân hủi, cãi lẽ, hốp tốp… Có lẽ do
ảnh hưởng từ thời niên thiếu sống nhiều ở vùng sông nước miền Tây nên ngôn ngữ bình
dân mộc mạc đã ảnh hưởng rất lớn đến ngôn ngữ truyện ngắn Trần Quang Nghiệp. Nhiều
khi ông sử dụng từ và cấu trúc câu văn “rặt” chất Nam Bộ mà phải đặt trong văn cảnh thì
mới hiểu được ý nghĩa biểu đạt của chúng như: chị vẫn ngó mông, chị vẫn đứng sựng; lóng
này nó trộng cải, liếng láo lắm; lúa thóc có đâu, bỏ câu tới đó; trời tối đem ngửa bàn tay
không thấy; thầy năm Nghệ có tánh rắng mắt hay khuấy chơi Việc sử dụng cách diễn đạt
này mang lại hiệu quả nhất định, nó thể hiện sinh động cá tính, tâm lí con người Nam Bộ.
Bởi thế có nhà nghiên cứu đã nhận định: “Câu văn xuôi tiếng Việt đã được tác giả sử dụng
một cách có nghệ thuật. Vì thế, có những truyện của ông cốt truyện không có gì là mới mẻ
(…) nhưng độc giả vẫn bị thu hút bởi giọng văn linh hoạt, sống động”
(12)
và đậm chất Nam
Bộ. Chẳng hạn để lí giải nguyên nhân đàn ông ngoại tình, Trần Quang Nghiệp viết: “Thuở
nào ôm đào ấp nguyệt cợt phấn cười son, bây giờ cá đã no rồi mồi ngon khó nhử”, hay “bãi
cát đương khô nóng đổ nước vào thì nó hút ngay, bao giờ nó ướt đều, thì không hút nữa chớ
gì” (Tủi phận thuyền quyên), đôi khi thì ông sử dụng linh hoạt nhiều thành ngữ, tục ngữ
Nam Bộ để diễn tả nỗi lòng của người mẹ lo cho hai con gái trong Chọn đá thử vàng: “Tuy

có chức bà Phủ song chẳng có quyền, có tiếng mà không có miếng, ruộng không có đất
cũng không, cho nên mấy thầy thụt lại mà qua ngã khác kiếm ngã nào có ruộng có đất có
vườn mà tới. Lúa thóc có đâu, bỏ câu tới đó”… Đây là lối diễn đạt mà chắc chỉ người vùng
sông nước Cửu Long mới thường dùng và nó đi vào truyện của Trần Quang Nghiệp cũng
thật tự nhiên.
Về nhan đề của truyện, một điều dễ nhận ra là đa phần đã thuần Việt (ví dụ: Nông nỗi
vì đâu, Tấm hình của ai? Lòng người khó biết, Gặp người bạn cũ…), không còn cấu trúc Hán
Việt, có ít từ Hán Việt trong nhan đề: Qua 33 tên truyện chỉ có 4 truyện sử dụng, chiếm 1,2%
nhưng đều là những từ tương đối thuần Việt (phụ nghĩa, thuyền quyên, công bình, can đảm).
Đây là một điểm khác nữa so với các cây bút trước đó như Lê Mai, Nguyễn Bá Học… cùng
thời như Dương Minh Đạt, Tân Dân Tử… Tuy trong truyện của Trần Quang Nghiệp cũng
vẫn xuất hiện những câu văn biền ngẫu, chẳng hạn như: “Chị với người đã nguyền kết giải
đồng tâm, ba năm cũng đợi mấy năm cũng chờ” trong truyện Ai đành phụ nghĩa; “Bóng hồng
khuất mặt, khách nhàn du tha thướt trở hài” trong Tủi phận thuyền quyên… nhưng càng về
sau, lối diễn đạt này gần như không còn thấy xuất hiện nữa nhường chỗ cho lối viết “trơn
nuột”, sinh động.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp nói riêng và của
các nhà văn Nam Bộ nói chung ở giai đoạn này có nhiều lỗi chính tả, văn phong “cẩu thả”.
Về điểm này, chúng tôi không tán thành. Có thể lấy lời biện bạch của nhà văn Phú Đức khi
nói về tác phẩm Hiệp phố châu hườn để minh oan cho họ: “Tiểu thuyết viết từ đoạn đăng từ
ngày lên tờ báo thì sao cũng không tuyệt tác được, vì nhiều đoạn ấn công sắp lộn, lắm câu ấn
công lại bỏ sót; ký giả thổn thức trong lòng, nhưng biết đặng lòng quý vị không nệ chấp nên
bạo gan đặt tiếp bầy chầy”
(13)
. Hơn nữa, các nhà văn Nam Bộ sau này vẫn chịu ảnh hưởng
sâu sắc chủ trương của Trương Vĩnh Ký là viết theo “cách nói tiếng Annam ròng; có nhiều
tiếng, nhiều câu thường dùng”. Điều này có xuất phát điểm từ chủ trương của các nhà truyền
đạo Công giáo từ trước đó khá lâu. Trong tác phẩm truyện ngắn đầu tiên Truyện thầy Lazaro
Phiền, Nguyễn Trọng Quản cũng đề cập đến trong lời “Tựa”: “Tôi có dụng ý lấy tiếng mọi
người thường dùng hằng ngày mà làm ra một chuyện hầu cho kẻ sau coi mà bày đặt cùng ít

ra rất nhiều truyện hay”
(14)
. Đó là lối văn “nôm na” kiểu báo chí, mang trong mình cái thường
ngày, cái bình dân và trở thành đặc điểm cũng như đối tượng khám phá của văn xuôi quốc
ngữ Nam Bộ thời kì này. Mặt khác, sở dĩ Trần Quang Nghiệp chưa chuyển hẳn sang hiện đại
bởi cũng như Sơn Vương, ông sáng tác trong khoảng thời gian mà bước đi của nền văn xuôi
quốc ngữ đã có phần đi chệch so với khởi nguồn. Cái mới của Trần Quang Nghiệp và thế hệ
của ông ở Nam Bộ chưa đủ nội lực cũng như tầm nhìn để đẩy tác giả và người đọc về phía
hiện đại. Hơn nữa, người đọc đương thời cũng chưa thoát ra khỏi thói quen tiếp nhận cũ. Cả
hai yêu tố này khiến không chỉ cá nhân Trần Quang Nghiệp bước hẫng mà cả nền văn xuôi
quốc ngữ Nam Bộ bị chững lại nếu không nói là bị thụt lùi và nhường vị trí cho văn học miền
Bắc
(15)
.
Cũng xin được nói thêm về sự ngừng bút của Trần Quang Nghiệp: ý kiến chung của
các nhà nghiên cứu văn học quốc ngữ ở miền Nam đều khẳng định sang đến đầu những năm
30 thì rất nhiều nhà văn ngừng cầm bút và Trần Quang Nghiệp cũng là một trong số họ. Có
thể nói ông ngừng viết là một điều đáng tiếc cho văn đàn bởi lúc đó ông mới 25 tuổi (1932),
là tuổi sung sức nhất của các nhà văn đầu thế kỉ XX, ông chuyển sang lĩnh vực thể thao và
gần như không quay trở lại văn đàn. Giải thích về điều này, trong bài tham luận Hội thảo
“Văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX” với nhan đề Sơn Vương - Khảo
luận tác phẩm, TS. Đào Ngọc Chương khi đề cập đến trường hợp Sơn Vương đã nhận định:
“Những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này (tức hiện tượng chững lại của văn học quốc
ngữ Nam Bộ - TVT) cũng được các nhà nghiên cứu quan tâm. Về đại để, có hai ý kiến. Thứ
nhất, do quy luật vận động nội tại của chu trình tiếp biến và sáng tạo. Thứ hai, do đặc điểm
của đối tượng người đọc”
(16)
. Hơn nữa, Trần Quang Nghiệp cũng như các nhà văn Nam Bộ
sống văn chương nhiều hơn là làm văn học (tức xem văn chương là cái nghiệp của mình) nên
một khi muốn là họ có thể ngừng cầm bút “ngay tắp lự”. Đó là tính cách đáng trân trọng của

ông nhưng cũng là một điều đáng tiếc đối với công chúng nói riêng và nền văn học quốc ngữ
nói chung.
Như vậy, có thể khẳng định Trần Quang Nghiệp là một trong những cây bút truyện
ngắn xuất sắc ở Nam Bộ 30 năm đầu thế kỉ XX. Những cách tân, đổi mới trong hình thức kết
cấu tác phẩm cũng như nghệ thuật kể chuyện đã chứng tỏ sự đóng góp của Trần Quang
Nghiệp nói riêng và của các nhà văn quốc ngữ Nam Bộ nói chung vào quá trình hiện đại hóa
văn học Việt Nam. Nhận diện lại truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp cũng là bước khởi đầu
chúng tôi góp phần “phục hưng” lại vị trí và vai trò xứng đáng của nền văn học quốc ngữ
Nam Bộ

×