Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Ám ảnh hiện sinh trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp_2 ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (247.58 KB, 7 trang )

Ám ảnh hiện sinh trong truyện
ngắn Nguyễn Huy Thiệp









2.2. Niềm băn khoăn về tương lai của con người, về một bản thể chưa rõ hình
hài; cảm xúc rạo rực và khao khát dấn thân trong hành trình kiếm tìm bản thể
Cái tôi và bản thể của con người luôn là một ẩn số, hình ảnh bản thân họ đang ở xa
xôi đâu phía trước, trong tương lai.
Khi người ta nói: “Con người là tương lai của con người” (Ponge), thì đó chính là
một cách khẳng định, rằng: con người tự mình sáng tạo ra mình, vẽ lên hình ảnh của mình
qua chọn lựa thái độ sống và hành động của anh ta.
Các nhà hiện sinh chủ nghĩa, đặc biệt là Sartre, cũng nói nhiều đến “tính chủ thể”.
Nhưng “Thuyết chủ thể” – theo lời giải thích của Sartre – bao hàm hai nghĩa: “Một mặt,
thuyết chủ thể có nghĩa là sự lựa chọn của bản thân chủ thể cá nhân, mặt khác có nghĩa là
con người không thể vượt lên khỏi tính chủ thể của bản thân mình”
(10)
.
Cách giải thích này đã nhấn mạnh thái độ dấn thân, cung cách nhận thức và thái độ
lựa chọn hành động mang tính chủ thể của cá nhân trong đời sống hiện sinh của nó. Khi con
người không thể vượt lên khỏi tính chủ thể của bản thân mình cũng là lúc con người nhận
thức về giới hạn của chính mình và ám ảnh bởi mặc cảm bị bỏ rơi, cái tôi có nguy cơ trở
thành cái “phi tôi”, trộn lẫn và biến mất giữa “tha nhân”.
Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, nhiều đoạn trữ tình ngoại đề, nhiều độc thoại
nội tâm, dưới hình thức diễn ngôn thơ, đã góp phần tô đậm đáng kể tính chủ thể trong dự án


sống của các nhân vật. Những bài học nông thôn là một ví dụ.
Nhưng, câu hỏi về hình ảnh của mỗi cá nhân con người trong tương lai không chỉ đặt
ra, ám ảnh, ray rứt tâm can riêng đối với các chàng trai trẻ như Hiếu. Nó là một cái gì chung
của con người ở mọi lứa tuổi, mọi chỗ đứng trong không gian, thời gian hiện sinh. Người
đọc có thể lắng nghe niềm ray rứt như thế qua số phận của những cô bé, cậu bé (Tâm hồn
mẹ, Giọt máu, Chăn trâu cắt cỏ, Đời thế mà vui,…), qua số phận của những khách thi nhân
hoặc khách chinh phu (kiểu nhân vật “khách”,“ông khách” hay “nhà thơ” xuất hiện trong
hàng loạt truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp). Đó là những người đã trưởng thành, ở vào
những độ tuổi mà nhà Nho xưa xem là “nhi lập”, “nhi bất hoặc”, “tri thiên mệnh” (Thiên
văn, Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, Không khóc ở California, Đưa sáo sang sông,…).
Tuy nhiên, đáng chú ý, và đáng suy ngẫm hơn cả là hình ảnh tương lai của các cô bé,
cậu bé đang phải chịu đựng một tuổi thơ bất hạnh. Đó là những nhân vật bị “bỏ rơi” đến hai
lần: Thượng đế bỏ rơi một lần và gia đình “bỏ rơi” một lần nữa. Tương lai của nhân vật
thằng bé sáu tuổi trong Đời thế mà vui là một ví dụ. Đứa trẻ này đã bị bỏ rơi (dằng dặc từ
sáng sớm đến mười hai giờ trưa). Nó đơn độc một mình trong căn nhà hoang phế suốt mấy
giờ. Trong cảm giác thời gian dài lê thê, nó phải chịu đựng và cố gắng chống trả lại biết bao
sợ hãi, tuyệt vọng đến kinh hoàng đang ám lấy nó. Nó hiểu thế nào là sự kinh khủng trong
cuộc sống của những đứa trẻ bị bỏ rơi. Dự án về cuộc đời nó sẽ được phác thảo trong một
viễn cảnh sống tiếp tục “bị bỏ rơi”.
Trong đời sống đương đại, con người được nhìn nhận trong tính đa diện của nó. Một
mặt, con người là chủ thể ý thức sâu sắc về bản thể, về cái tôi của mình, mặt khác, ở họ
cũng tiềm ẩn những nguy cơ tự đánh mất mình, dễ đi lạc đường trong cuộc tìm kiếm bản
ngã. Con người, một mặt hành động vì tha nhân, mặt khác cũng bị ám ảnh bởi nỗi lo bị trộn
lẫn vào tha nhân. Họ lo ngại về tình trạng nhập nhòa giữa cái tôi và cái phi tôi (Trương Chi,
Đời thế mà vui, Không khóc ở California, Mưa), nhập nhòa giữa khách và chủ (Thương
nhớ đồng quê, Những bài học nông thôn, Tướng về hưu), cũng như nhập nhòa
giữa ảovà thực (Thiên văn, Không khóc ở California).
2.3. Ảo tưởng tự do; sự lựa chọn mang tính chủ thể; thái độ dấn thân
Làm người là cả một thách thức.
“Thượng Đế đã chết” thì con người được tự do. Tuy nhiên, chính ở đây xuất hiện và

tồn tại một nghịch lý. Con người tự do về nguyên tắc nhận thức, nguyên tắc lựa chọn hành
động, nhưng lại bị bó buộc, giam cầm về điều kiện, phương tiện, tình huống nhận thức,
hành động trong những hoàn cảnh cụ thể.
Đó là một nghịch cảnh hiện sinh đầy sức ám ảnh và cũng đầy thánh thức đối với con
người nói chung, người trí thức nói riêng. Thấu hiểu điều bó buộc thách thức này, Nguyễn
Văn Trung, tác giả bài viết Sartre trong đời tôi, đã phát biểu rất đúng:“Chúng ta không có
thời đại nào khác, ngoài thời đại hiện nay của chúng ta.[…] Chúng ta không có quyền lực
chọn hoàn cảnh, thời đại, chúng ta chỉ có thể lựa chọn trong hoàn cảnh, thời đại của ta”
(11)
.
Như thế, lựa chọn của con người đúng là luôn bị qui định, chi phối bởi hoàn cảnh. Bị
bỏ rơi, con người đương nhiên phải chấp nhận khó khăn, thậm chí khổ nhục. Chả thế mà,
trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, bất luận là ai, người phụ nữ hiền thục, gã đàn ông
khốn nạn hay bậc anh hùng sa cơ, đều nhận thức rõ: sống – tức làm người – là cả một thử
thách ghê gớm, không hề dễ dàng một chú nào. Trong Không có vua nhân vật Sinh cho rằng
làm người là khổ, nhục (“khổ chứ. Nhục lắm. Vừa đau đớn, vừa chua xót”). Lão Kiền – bố
chồng Sinh – cũng bảo: “Làm người nhục lắm”. Còn trong Mưa Nhã Nam, Đề Thám lại
ngẫm nghĩ nhiều về những thử thách khó khăn: “làm người chỉ có một lần/ làm người thật
khó”. Trong Những bài học nông thôn, bà Lâm, bằng một giọng hờn dỗi, “mát mẻ”, cũng
thừa nhận cái khó ấy của việc làm người, khi bà nói với bố Lâm: “mẹ mười đốt thì tám đốt là
quỷ, đốt rưỡi là ma, có nửa đốt là người”.
Nếu làm người mà chỉ như một đám rêu, một vật đang thối rữa, hoặc một cây súp
lơ,… thì hẳn không có gì là khó. Nhưng nếu muốn làm một con người thật sự cao quý, lý tưởng
thì thật khó và thật xa vời. Xa vời như hình ảnh trong câu chuyện mà chị Thắm (Chảy đi sông
ơi) kể cho nhân vật “tôi” nghe: “Ngày xửa ngày xưa ở xứ Jêsuxalem có một con người…”.
Trong khi đó, thứ người “vô tâm” như đám rêu, vật thối rữa, củ cà rốt,… thì, theo chị, “nhiều
như bụi bặm trên đường”.
Đã thế, “trong thiên hạ, không phải chỉ có người”, mà còn “có các thánh nhân, có
yêu quái” (Thương nhớ đồng quê). Hơn nữa, con người thật bơ vơ cô độc vì “có ai yêu
thương họ đâu” (Chảy đi sông ơi). Đó là hoàn cảnh con người phải đối mặt, phải nhận thức

đầy đủ khi lựa chọn hành động, thái độ sống và tương lai của mình. Mọi lời nói, nhận định
của một người, dù có hùng hồn, xác quyết đến đâu cũng chỉ là vô nghĩa, nếu chúng không
được bảo đảm bằng trải nghiệm dấn thân của chính anh ta.
Phần lớn các nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp đều sống theo nguyên tắc “dấn thân”,
hành động để xác quyết hình ảnh hiện hữu của mình. Tuy nhiên, có bao nhiêu hoàn cảnh,
tình huống, thì cũng có bấy nhiêu kiểu, cách dấn thân.
Có cách dấn thân như của Tổng Cóc (Chút thoáng Xuân Hương).
Có cách dấn thân như của các bác Cả, con trai Đề Thám (Mưa Nhã Nam), mà người
đời sau, muốn hiểu được họ không có cách nào khác là đành cố mà sống, trải nghiệm như
họ: “Các bác Cả thường rất khoảnh. Chúng ta thông cảm với họ, nếu chúng ta tự mình như
họ, trần lực như họ, không có ai để bàn bạc, không có ai đáng bàn bạc, họ phải tự gánh
lấy trách nhiệm của họ, nghĩa vụ của họ, giá trị của họ” (NTT nhấn mạnh).
Có cách dấn thân của nhân vật Chương (Chảy đi sông ơi). Bởi muốn biết biển ở đâu
phải tìm đường đi ra biển, muốn biết Mẹ Cả, con gái thủy thần thật ảo thế nào, ở đâu, vì cái
gì, Chương đã phải trả giá bằng nửa đời người. Chảy đi sông ơi là một trường hợp minh họa
sinh động cho những trải nghiệm nhọc nhằn, đau đớn của con người dấn thân, đi tìm cái
đẹp, chân lý, ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Triết lý mang sắc thái hiện sinh toát ra từ
truyện này là: Với con người, sống tức là thực hiện một chuỗi dấn thân lựa chọn, tự mình
lựa chọn; cho dẫu lựa chọn sai vẫn phải tiếp tục sống, lựa chọn, hành động và tiếp tục dấn
thân. Và, nếu ai đó nói rằng: “Con người nhiều khi mạnh mẽ một cách mù quáng và, yếu ớt
một cách bướng bỉnh” thì chẳng phải là ý kiến của người này không có cơ sở.
3. Sức sống mới và âm vang của thời đại
Bằng việc phân tích ám ảnh hiện sinh trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiêp, bài viết
này đã cung cấp một trường hợp cụ thể, sinh động và thuyết phục về ảnh hưởng của thuyết
hiện sinh trên bình diện sáng tác văn học ở Việt Nam thời đổi mới. Sự phân tích cho thấy:
đúng là có một âm hưởng hiện sinh như thế trong văn học Việt Nam từ thập niên 80 thế kỉ
trước đến nay. Và, trong văn mạch ấy, Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn đã
góp phần đắc lực, nối lại nhịp cầu lâm thời đứt gãy.
Đến đây, có một vài câu hỏi cần được trả lời trước khi kết thúc bài viết này: Tinh
thần hiện sinh (hay âm hưởng hiện sinh, ám ảnh hiện sinh) trong văn học hiện đại Việt Nam

từ khi có chủ nghĩa hiện sinh du nhập vào là liên tục hay đứt đoạn? và, nếu là đứt đoạn thì
tại sao có sự chắp nối trở lại?
Một số kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy thuyết hiện sinh, trên thực tế, đã du
nhập vào Việt Nam và ảnh hưởng khá sâu sắc đến lý luận và sáng tác văn học Việt Nam từ
thập niên 50 thế kỉ XX đến nay. Đó là một quá trình không liên tục, song có tính qui luật:
bao giờ đời sống thực tiễn và tâm thế xã hội vẫy gọi thì thuyết hiện sinh lại có mặt trong
văn học. Quan sát sự vận động của tư tưởng văn học Việt Nam từ 1954 đến nay, thấy có ít
nhất hai lần, thuyết hiện sinh xuất hiện trong văn học theo đòi hỏi này.
Huỳnh Như Phương trong tiểu luận Chủ nghĩa Hiện sinh ở miền Nam Việt Nam
1954-1975 (trên bình diện lí thuyết)
(12)
khẳng định rằng: thuyết hiện sinh đã du nhập vào
Việt Nam trước 1975 và từng tạo được những dấu ấn sâu sắc, nhất là trên bình diện nghiên
cứu, lí luận ở miền Nam Việt Nam. Với đa số trí thức miền Nam Việt Nam bấy giờ, triết
học hiện sinh là điểm tựa tinh thần không thể thiếu trong việc lựa chọn hành động cũng như
thái độ sống của họ. Đó là lần “vẫy gọi” thứ nhất.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, sau gần hai thập niên gián đoạn, đứt gãy, học thuyết
hiện sinh, trong một bối cảnh mới, lại tiếp tục phát huy ảnh hưởng của nó đối với văn học
của một nước Việt Nam thống nhất trên đường hội nhập, đặc biệt là trên bình diện sáng
tác. “Giờ đây” – Huỳnh Như Phương khẳng định – “những ray rứt hiện sinh, trong khung
cảnh một đời sống hòa bình với nhiều nghịch cảnh, đã trở lại bằng con đường hình
tượng”
(13)
.
Đây là lần “vẫy gọi” thứ hai. Giới nghệ sĩ, trí thức Việt Nam hơn bao giờ hết cần đến
những cơ sở lí luận triết mỹ để phân tích lý giải đời sống, phát hiện động cơ tâm lí, cắt
nghĩa hành vi, tính cách của con người trong đời sống đương đại. Cũng hơn bao giờ hết,
con người phải thường xuyên suy tư về sức mạnh của đức tin về nguy hại của ngụy tín, về
tự do, hạnh phúc cá nhân, và về thân phận mình. Trung tâm hứng thú triết học của các nhà
hiện sinh chủ nghĩa – con người như là một thực thể hiện sinh, nó phải tự biết mình là ai,

đang ở đâu, cần và sẽ phải làm gì – chuyển thành trung tâm hứng thú nghệ thuật của nhiều
nhà văn hiện đại, hậu hiện đại. Theo đó, các vấn đề về con người hiện sinh, nhất là về tự do
và bản thể của nó, được đặt ra trong sáng tác văn học một cách nghiêm túc, trực diện, rốt
ráo hơn bao giờ hết. Đó là thời điểm thích hợp, cũng là mảnh đất tốt cho thuyết hiện sinh
bén rễ và lại tươi xanh.
Vậy, với câu hỏi “vì sao có sự “trở lại” của chủ nghĩa hiện sinh?”, người ta chỉ có thể
giải thích rằng đó là đòi hỏi, là nhu cầu của bản thân đời sống. Và, ám ảnh hiện sinh trong
truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, suy cho cùng, chính là ám ảnh của bản thân đời sống
đương đại. Sẽ không hề quá lời khi cho rằng: chính Nguyễn Huy Thiệp (cùng thế hệ của
anh) đã mang lại một sức sống mới cho chủ nghĩa hiện sinh – một học thuyết tưởng như đã
lỗi thời, già cỗi – trong văn học ở đất nước này
TP. Hồ Chí Minh, Xuân Canh Dần

×