ĐÁNH THẮNG CHIẾN LƯỢC "VIỆT NAM
HOÁ CHIẾN TRANH", GIẢI PHÓNG MIỀN
NAM NƯỚC TA (1969 - 1-1973)
Trước tình hình chiến tranh xâm lược của Mỹ mở rộng, sự phối hợp
chiến trường ba nước Đông Dương trở nên cấp bách. Bộ Chính trị cử
đồng chí Phạm Văn Đồng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ
sang Bắc Kinh thống nhất với Hoàng thân Xihanúc và Pôn Pốt về chủ
trương lập Mặt trận thống nhất chống Mỹ và tay sai của ba nước Đông
Dương, đồng thời tranh thủ sự đồng tình của các nhà lãnh đạo Trung
Quốc. Trong hai ngày 24 và 25-4-1970, Hội nghị cấp cao của nhân dân
ba nước Đông Dương họp ra Tuyên bố chung khẳng định quyết tâm của
nhân dân ba nước liên minh chiến đấu, đoàn kết trong mặt trận đấu
tranh chung trên cơ sở tôn trọng độc lập, tự chủ của mỗi nước.
Ngày 29-4-1970, 10 vạn quân Mỹ và quân nguỵ Sài Gòn tiến công xâm
lược Campuchia nhằm củng cố chế độ Lon Non, tìm diệt cơ quan đầu
não kháng chiến và phá cơ sở hậu phương của cách mạng miền Nam.
Được chuẩn bị sẵn, các lực lượng vũ trang của ta phối hợp với bạn kịp
thời phản công và tiến công địch, giành thắng lợi to lớn và toàn diện:
loại khỏi vòng chiến đấu 17.000 tên Mỹ - nguỵ, giải phóng hoàn toàn 5
tỉnh đông bắc và phần lớn 6 tỉnh khác, hình thành vùng giải phóng rộng
lớn với hơn 3 triệu dân nằm kề vùng giải phóng miền Nam Việt Nam.
Chính quyền cách mạng cùng với lực lượng chính trị và vũ trang ba thứ
quân của bạn được ta giúp xây dựng tương đối hoàn chỉnh. (Lực lượng
vũ trang cách mạng Campuchia từ 9 trung đội, đến cuối năm 1970, đã
có 5 tiểu đoàn, 36 đại đội, 127 trung đội gồm 9.399 người. Tỉnh, huyện
có bộ đội địa phương, xã có du kích). Ngày 30-6-1970, Mỹ phải tuyên bố
rút quân ra khỏi Campuchia.
Phối hợp với cuộc phản công ở Campuchia, liên quân Việt - Lào tiến
công giải phóng vùng Hạ Lào, hình thành vùng giải phóng rộng lớn của
ba nước liên hoàn với nhau, tạo thế trận vững chắc cho nhân dân ba
nước chống kẻ thù chung. Ở miền Nam quân và dân ta mở đợt hoạt
động Xuân - Hè, đẩy mạnh hoạt động phá bình định ở nông thôn và đấu
tranh chính trị ở thành thị.
Ngày 19-6-1970, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết
về tình hình và nhiệm vụ mới, dự đoán Mỹ còn tìm cách mở rộng chiến
tranh trên bán đảo Đông Dương và xác định nhiệm vụ cho toàn Đảng,
toàn quân và toàn dân; nhấn mạnh việc tăng cường đoàn kết chiến đấu
của nhân dân ba nước Đông Dương.
Đầu năm 1971, đế quốc Mỹ huy động 4 vạn quânnguỵ Sài Gòn được sự
yểm trợ của 1,5 vạn quân Mỹ và hàng nghìn máy bay, xe tăng, pháo lớn
mở cuộc hành quân "Lam Sơn 719" đánh ra Đường 9 - Nam Lào, hòng
đánh phá tận gốc đường vận chuyển chiến lược Bắc - Nam, làm suy yếu
cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương, chủ yếu là miền
Nam Việt Nam, thử nghiệm công thức của chiến lược "Việt Nam hoá
chiến tranh": bộ binh nguỵ + hoả lực + hậu cần Mỹ. Đồng thời, Mỹ mở
hai cuộc hành quân đánh vào tuyến hành lang chiến lược ở khu vực
đông - bắc Campuchia và vùng Ba biên giới ở Tây Nguyên.
Tại mặt trận Đường 9 - Nam Lào, quân ta và bạn Lào mở chiến dịch
phản công, kiên quyết đánh thắng vì đây là "một trận có ý nghĩa quyết
định về chiến lược". Sau 43 ngày đêm chiến đấu (từ 8-2 đến 23-3-
1971), ta và bạn đã giành thắng lợi lớn: tiêu diệt và bắt sống hơn 2 vạn
tên địch, đánh thiệt hại nặng 3 sư đoàn tinh nhuệ quân nguỵ Sài Gòn,
phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh của địch, đánh bại cố gắng quân
sự cao nhất của Mỹ - nguỵ trong chiến lược "Việt Nam hoá chiến
tranh".
Tại mặt trận đông - bắc Campuchia và mặt trận vùng Ba biên giới, ta và
bạn cũng đánh thắng cuộc hành quân của địch, loại khỏi vòng chiến đấu
hàng vạn tên, bảo vệ tuyến hành lang chiến lược.
3. Cuộc tiến công chiến lược năm 1972
Quyết tâm chiến lược của Đảng
Những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ta trong Xuân -
Hè 1970 và 1971 đã đẩy Mỹ - nguỵ vào thế phòng ngự bị động, lúng
túng về chiến lược; nước Mỹ lại sắp bước vào cuộc bầu cử Tổng thống
năm 1972. Chúng ta đứng trước tình thế thuận lợi mới, có điều kiện kết
hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, chủ động tiếp tục
tiến công để giành thắng lợi lớn.
Tháng 5-1971, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở
cuộc tiến công chiến lược năm 1972 nhằm giành thắng lợi quyết định,
buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên
thế thua, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp chiến tranh còn
kéo dài. Cuộc tiến công dự định tiến hành bằng ba đòn chiến lược kết
hợp: đòn tiến công tiêu diệt địch của bộ đội chủ lực trên ba hướng
Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Trị - Thiên; đòn tiến công và nổi dậy ở
vùng nông thôn đánh phá bình định; đòn đấu tranh chính trị ở các
thành thị làm lung lay tận gốc chính quyền địch.
Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương chỉ đạo các địa phương dốc sức
chuẩn bị trong 9 tháng, đặc biệt là về vận chuyển tăng cường lực lượng
chiến đấu cho các chiến trường. Miền Bắc đã tăng viện cho miền Nam
5,5 vạn cán bộ chiến sĩ cùng một khối lượng lớn trang bị kỹ thuật gồm
cả xe tăng và pháo cơ giới là những vũ khí hạng nặng lần đầu tiên được
đưa vào chiến trường. Các "Hội đồng cung cấp tiền phương" ở miền
Nam tích cực vận động nhân dân tạo nguồn vật chất tại chỗ.
Tháng 2-1972, Tổng thống Mỹ Níchxơn đi Trung Quốc, ký "Thông cáo
chung Thượng Hải" nhằm phân chia khu vực ảnh hưởng đồng thời cô
lập cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Cuối tháng 3-1972, trước diễn biến phức tạp của tình hình mới, Bộ
Chính trị sau khi cân nhắc mọi mặt đã khẳng định quyết tâm không có gì
thay đổi là kiên quyết tiến hành cuộc tiến công chiến lược đánh bại về
cơ bản chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh", làm chuyển biến cục
diện chiến tranh.
Cuộc tiến công chiến lược năm 1972
Ngày 30-3-1972, nhằm lúc địch chủ quan, sơ hở dophán đoán sai thời
gian, quy mô và hướng tiến công của ta, quân và dân ta mở đầu cuộc
tiến công chiến lược với quy mô lớn và cường độ mạnh vào hướng chủ
yếu là Trị - Thiên, đánh thẳng vào tuyến phòng ngự của địch ở Đường 9,
tiếp sau là các hướng Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ rồi đến đồng
bằng Khu V và đồng bằng sông Cửu Long. Mỹ - nguỵ phản công quyết
liệt ở Quảng Trị và ngày 6-4-1972 không quân và hải quân Mỹ đánh phá
trở lại miền Bắc Việt Nam.
Sau 2 tháng tiến công, đến cuối tháng 5-1972 quân và dân ta giành
thắng lợi lớn: phá vỡ từng mảng ba tuyến phòng thủ vòng ngoài mạnh
nhất của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 11 vạn quân địch, giải
phóng tỉnh Quảng Trị và một số vùng đất rộng gồm hơn 1 triệu dân.
Chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của Mỹ đứng trước nguy cơ bị
phá sản hoàn toàn.
Tháng 5-1972, Níchxơn đi Mátxcơva nhằm tranh thủ Liên Xô để cùng
Trung Quốc hạn chế viện trợ vật chất cho ta và ép ta đàm phán theo
điều kiện của Mỹ. Song do sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa tất thắng và
đường lối quốc tế đúng đắn của ta, ta vẫn tiếp tục nhận được sự ủng hộ
lớn nhất có thể có của cả Trung Quốc và Liên Xô.
Ngày 1-6-1972, nhận định cục diện kháng chiến đã có điều kiện để tiến
lên đánh bại về cơ bản chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của Mỹ,
Bộ Chính trị chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cuộc tiến công chiến lược ở
miền Nam, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, bảo
đảm hậu phương làm tốt nghĩa vụ chi viện cho tiền tuyến.
Thực hiện quyết tâm của Đảng, quân và dân ta không quản hy sinh gian
khổ, kiên cường đánh bại nhiều cuộc phản kích quyết liệt của địch, bảo
vệ Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm và giữ được phần lớn các
vùng giải phóng mới mở ra ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Khu V.
Đồng thời, quân và dân ta mở các chiến dịch kết hợp tiến công và nổi
dậy ở đồng bằng Nam Bộ và Khu V, tiêu diệt nhiều địch, phá kế hoạch
bình định của chúng. Riêng ở đồng bằng Nam Bộ, ta đã giải phóng và
làm chủ 72 xã với 48 vạn dân, tạo thế đứng vững chắc cho lực lượng
tương đương 2 sư đoàn chủ lực ta trở về hoạt động. Quân và dân ở hai
nước Lào và Campuchia liên tiếp tiến công địch ở nhiều nơi, phối hợp
với cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở miền Nam.