Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam-Bài 2
ĐẢNG LÃNH ĐẠO CAO TRÀO
CÁCH MẠNG 1930 – 1931
1. Cao trào cách mạng 1930 - 1931 với đỉnh cao Xôviết Nghệ - Tĩnh
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933 nổ ra trong hệ thống các
nước tư bản chủ nghĩa, tàn phá nền kinh tế ở các nước này, đẩy lùi sản
xuất về mức cuối thế kỷ XIX. Giai cấp tư sản ở các nước đế quốc trút
gánh nặng khủng hoảng lên vai nhân dân trong nước và nhân dân các
nước thuộc địa, nửa thuộc địa. Mâu thuẫn giữa công nhân với tư bản,
giữa nông dân với địa chủ, giữa các nước thuộc địa, nửa thuộc địa với
các nước đế quốc, giữa các nước đế quốc với nhau trở nên gay gắt.
Liên Xô - nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên trái đất, phát triển nhanh
chóng về kinh tế, xã hội, văn hoá và quốc phòng. Tính ưu việt của chế
độ xã hội chủ nghĩa đã cổ vũ các dân tộc bị áp bức, nhân dân lao động
các nước tư bản vùng lên đấu tranh.
Ở Đông Dương, thực dân Pháp chống đỡ những tai hoạ của cuộc khủng
hoảng bằng cách tăng cường bóc lột nhân dân. Công nhân và nông dân
là những nạn nhân trực tiếp và chịu nhiều tai hoạ nhất. Công nhân thất
nghiệp ngày càng đông. Nông dân càng bị bần cùng. Nạn đói diễn ra
trầm trọng. Hàng vạn người phải rời bỏ làng xã. Thợ thủ công phá sản.
Nhà buôn nhỏ đóng cửa. Viên chức bị sa thải hàng loạt. Nhiều nhà tư
sản dân tộc và địa chủ nhỏ cũng không tránh khỏi sa sút và phá sản. Mâu
thuẫn giữa nhân dân ta với thực dân Pháp và tay sai rất sâu sắc.
Đảng Cộng sản Việt Nam mới ra đời lãnh trách nhiệm thúc đẩy phong
trào quần chúng phát triển thành cao trào cả nước.
Nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Ái
Quốc đã ra lời kêu gọi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học
sinh và toàn thể đồng bào bị áp bức, bóc lột đứng lên đi theo Đảng làm
cách mạng chống đế quốc và tay sai, giành lấy quyền sống. Lời kêu gọi
khẳng định: "Sự áp bức và bóc lột vô nhân đạo của đế quốc Pháp đã làm
cho đồng bào ta hiểu rằng có cách mạng thì sống, không có cách mạng
thì chết".
Phong trào cách mạng mở đầu bằng những cuộc bãi công của 5.000
công nhân đồn điền Phú Riềng (3-2-1930), của 4.000 công nhân nhà
máy sợi Nam Định (25-3-1930) và của 400 công nhân nhà máy diêm
Bến Thuỷ - Vinh (19-4-1930). Kết hợp với các cuộc bãi công, Đảng phát
động đấu tranh chống thực dân Pháp khủng bố sau cuộc khởi nghĩa Yên
Bái (2-1930) của Việt Nam quốc dân Đảng. Từ tháng 2 đến tháng 4-
1930, có 1.236 cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân ở khắp ba
miền, đánh dấu một bước ngoặt trong phong trào đấu tranh cách mạng
của công nhân, nông dân và quần chúng lao động trong cả nước.
Từ cuộc đấu tranh ngày 1-5-1930, bãi công của công nhân kết hợp với
biểu tình của nông dân và nhân dân lao động nổ ra ở cả ba miền Trung,
Nam, Bắc, từ các nhà máy ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hồng Gai,
Vinh, Sài Gòn, Chợ Lớn đến các vùng nông thôn Gia Định, Vĩnh
Long, Bến Tre, Long Xuyên, Cần Thơ, Trà Vinh, Mỹ Tho, Nghệ An, Hà
Tĩnh, Quảng Ngãi, Thái Bình, Hà Nam Bãi công của công nhân và
biểu tình của nông dân có sự phối hợp với bãi khoá của học sinh và bãi
thị của những người buôn bán nhỏ.
Hầu hết các cuộc đấu tranh đã giành được thắng lợi, buộc đế quốc Pháp
và tay sai phải thả một số người bị bắt, cải thiện một số điều kiện làm
việc cho công nhân, hoãn thuế cho nông dân.
Ngày 1-8-1930, Đảng mở cuộc vận động kỷ niệm ngày "Quốc tế đỏ" đấu
tranh chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ Liên Xô.
Tháng 9-1930, từ những cuộc đấu tranh ban đầu đòi quyền lợi dân sinh,
dân chủ, quần chúng tiến lên đấu tranh chính trị, nhiều cuộc biểu tình có
lực lượng tự vệ vũ trang bảo vệ. Một số cuộc biểu tình đã diễn ra để kỷ
niệm Cách mạng Tháng Mười và Công xã Quảng Châu. Các đảng viên
cộng sản đi đầu trong đấu tranh. Đến tháng 3-1931, Đảng đã có 2.100
đảng viên, phần lớn xuất thân từ công nhân, nông dân nghèo. Cao trào
cách mạng công nông đã lôi cuốn nhiều trí thức tham gia. Công hội,
Nông hội, Đoàn thanh niên cộng sản, Hội phụ nữ giải phóng phát triển.
Cao trào cách mạng công nông nổ ra sôi nổi và quyết liệt nhất ở Nghệ
An và Hà Tĩnh. Trong khi đối đầu với những cuộc khủng bố đẫm máu
nhất của thực dân Pháp, quần chúng cách mạng đã giành quyền làm chủ
ở một số nơi, sau đó gọi là Xôviết Nghệ - Tĩnh.
Xôviết Nghệ - Tĩnh ra đời ở một vùng hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi:
có truyền thống cách mạng kiên cường; nhân dân sống trong điều kiện
thiên nhiên khắc nghiệt, lại bị áp bức bóc lột nặng nề; có một đảng bộ
vững mạnh, các đoàn thể cách mạng phát triển rộng khắp; khu công
nghiệp Bến Thuỷ - Vinh là nơi tập trung công nhân có liên hệ tự nhiên
chặt chẽ với nông dân trong vùng tạo điều kiện cho Nghệ Tĩnh sớm xây
dựng được khối liên minh công nông vững chắc. Cuộc đấu tranh của
công nhân đã phân hoá các tầng lớp trên. Tầng lớp trí thức và một số
phú nông, tiểu địa chủ có cảm tình với cách mạng, ủng hộ hoặc tham gia
đấu tranh. Xứ uỷ Trung Kỳ cùng với Đảng bộ Nghệ Tĩnh đã trực tiếp chỉ
đạo cuộc đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ kết hợp với đấu
tranh chống khủng bố trắng, nhất là sau các cuộc biểu tình ngày 1-5-
1930 và ngày 12-9-1930.
Cuối tháng 8, đầu tháng 9-1930, nhất là sau vụ máy bay Pháp ném bom
cuộc biểu tình của nông dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), hàng vạn
nông dân nhiều huyện tổ chức các cuộc biểu tình đến các huyện lỵ, đốt
sổ sách, phá nhà lao. Chính quyền thực dân tay sai nhiều nơi bị tê liệt ở
cấp huyện và tan rã ở cấp xã. Nhiều cấp uỷ Đảng ở thôn xã đã lãnh đạo
Nông hội và quần chúng lập ra chính quyền cách mạng của công nhân,
nông dân và quần chúng lao động sau này gọi là chính quyền Xôviết. Từ
tháng 9-1930 đến đầu năm 1931, chính quyền Xôviết đã thực hiện quyền
làm chủ của quần chúng, điều hành mọi mặt đời sống xã hội.
Về chính trị: Ban bố quyền tự do dân chủ của nhân dân, tổ chức cho
quần chúng tham gia các đoàn thể cách mạng, tự do bàn bạc, góp ý kiến
giải quyết các vấn đề xã hội; phổ biến sách báo cách mạng; trừng trị bọn
phản cách mạng, quản chế bọn hào lý, giữ gìn trật tự trị an.
Về kinh tế: Chia lại công điền, công thổ cho cả nam và nữ, thực hiện
giảm tô, xoá nợ, thủ tiêu các thứ thuế vô lý như thuế thân, thuế muối, lấy
thóc của địa chủ để cứu đói; tổ chức đào mương, chống hạn, đắp đập,
củng cố đê điều, giúp nhau trong sản xuất.
Về văn hoá - xã hội: Mở trường cho trẻ em, mở các lớp dạy chữ quốc
ngữ cho người lớn, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan; thực hiện nếp sống
lành mạnh trong cưới xin, ma chay; tổ chức cứu tế người nghèo; phát
triển thơ ca, cổ vũ tinh thần yêu nước và cách mạng.
Dưới chính quyền Xôviết, làng xóm lúc nào cũng như ngày hội.
CuốnNhật ký chìm tàu do Nguyễn Ái Quốc biên soạn, được phổ biến
sâu rộng trong nhân dân. Hình ảnh của Liên Xô do nhân dân lao động
làm chủ đem lại niềm tin sâu sắc cho quần chúng. Đông đảo quần chúng
hiểu rõ chỉ có đánh đổ chính quyền thống trị của đế quốc và tay sai,
giành quyền làm chủ mới có thể giải quyết tận gốc những yêu cầu cơ
bản về cuộc sống của mình.
Hoảng sợ trước sức mạnh của "Nghệ Tĩnh đỏ", thực dân Pháp điên
cuồng khủng bố. Chúng đưa đến Nghệ Tĩnh lực lượng khá lớn sĩ quan
và lính Pháp để đàn áp nhân dân, gây tội ác tầy trời, đồng thời lừa bịp
xảo quyệt, mở chiến dịch chiêu hàng, phát "thẻ quy thuận" nhằm đánh
vào tâm lý mệt mỏi của một bộ phận quần chúng, cô lập đảng viên cộng
sản. Phong trào cách mạng chịu những tổn thất về nhiều mặt.
Tháng 9-1930, Trung ương Đảng đã thông tri cho Xứ uỷ Trung Kỳ: bạo
động lập Xôviết là chưa đúng với hoàn cảnh cho phép, nhưng cần phải
chống khủng bố, chuyển hướng hoạt động và chuyển hướng tổ chức, giữ
vững lực lượng và ảnh hưởng của Đảng. Đối với toàn Đảng, Trung ương
chỉ thị tránh bạo động riêng lẻ ở một vài địa phương, phải hết sức bênh
vực "Nghệ Tĩnh đỏ".
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc khi ấy đang hoạt động ở nước ngoài, đã ca
ngợi cuộc đấu tranh của quần chúng Nghệ Tĩnh và góp ý với Trung
ương Đảng về mục tiêu đấu tranh trước mắt là giành quyền lợi hàng
ngày, chứ không phải là tiến hành khởi nghĩa. Ngày 29-9-1930, Người
gửi thư cho Quốc tế Cộng sản đề nghị kêu gọi các Đảng Cộng sản và
công nhân trên thế giới lên án đế quốc Pháp khủng bố trắng ở Đông
Dương.
Hưởng ứng chủ trương của Đảng, nhiều địa phương trong cả nước sôi
nổi đấu tranh bằng nhiều hình thức, phối hợp với phong trào công nông
Nghệ Tĩnh và ủng hộ Xôviết Nghệ - Tĩnh. Chỉ trong tháng 9 và tháng
10-1930, cả nước đã có 362 cuộc đấu tranh (29 cuộc ở miền Bắc, 316
cuộc ở miền Trung, 17 cuộc ở miền Nam). Tuy nhiên, phong trào đấu
tranh hưởng ứng "Nghệ Tĩnh đỏ" chưa đủ mạnh, chưa đều khắp. Đế
quốc Pháp và tay sai vẫn tập trung được lực lượng khủng bố phong trào
công nhân Vinh, đánh phá các làng đỏ vào cuối năm 1930, đầu năm
1931.
Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị về việc
thành lập Hội phản đế đồng minh.