Chăm sóc người bệnh hội chứng lyell
1. Đại cương:
Hội chứng Lyell hay hội chứng TEN là tập hợp những triệu chứng da và nội tạng
rất nặng. Bệnh thường bắt đầu ở niêm mạc mắt, mũi, miệng. Thương tổn da là
những hồng ban, bọng nước, những đám da bị lột trông như bỏng lửa, dấu hiệu
Nikolsky dương tính.
Nhiều tác giả đã mô tả bệnh này nhưng chưa có tên gọi chính thức. Năm 1956,
Lyell đã mô tả và đặt tên bệnh là TEN- Hoại tử thượng bì nhiễm độc, hay còn gọi
là hội chứng Lyell.
Bệnh thường có tỉ lệ tử vong cao 25-100% (Thomas P.Habif) do nhiễm độc toàn
thân gây suy gan, thận; nhiễm trùng huyết, rối loạn nước điện giải…. Vì thế mà
Bác sỹ và điều dưỡng có vai trò quan trọng như nhau trong việc điều trị, chăm sóc
người bệnh này. Bác sỹ là người đưa ra chẩn đoán chính xác, phương pháp điều trị
tối ưu. Điều dưỡng là người chăm sóc và thực hiện y lệnh của Bác sỹ một cách
chính xác và hiệu quả.
Chăm sóc người bệnh hội chứng Lyell là chăm sóc toàn diện và đặc biệt.
Theo dõi các biểu hiệu về nội khoa như toàn trạng, tinh thần kinh, các dấu hiệu
sinh tồn (mạch, nhiệt, huyết áp), các triệu chứng về gan, thận, tim mạch …
Chăm sóc đặc biệt và chuyên biệt về thương tổn da.
Thực hiện chính xác và hiệu quả các y lệnh của Bác sỹ.
Chính vì thế mà điều dưỡng da liễu phải có kiến thức chung của điều dưỡng và
kiến thức chuyên khoa da liễu mới có thể chăm sóc người mắc bệnh da liễu một
cách tốt nhất và đặc biệt là bệnh da nặng như hội chứng Lyell.
2. Mục đích:
2.1. Tránh tình trạng dị ứng thêm.
2.2. Tránh rối loạn nước điện giải.
2.3. Tránh rối loạn chức năng gan thận.
2.4. Tránh tình trạng thoát dịch qua thương tổn.
2.5. Tránh nhiễm trùng toàn thân hay nhiễm trùng máu.
2.6. Đề phòng urê máu cao, toan hoá máu.
3. Nguyên tắc chăm sóc bệnh
3.1. Kiểm tra bệnh nhân
3.1.1. Kiểm tra tổng quát:
Tinh thần kinh (bệnh tỉnh hay suy sụp hay mê), dấu hiệu sinh tồn (mạch, nhiệt,
huyết áp, nhịp thở), các dấu hiệu bệnh khác đi kèm bệnh da liễu như động kinh,
tâm thần, đái đường , tăng huyết áp, tim mạch, gan, thận, nước tiểu 24 giờ (màu
sắc, số lượng, mùi)…
3.1.2. Kiểm tra cụ thể phần bệnh da:
- Các thương tổn niêm mạc mắt, mũi, miệng, sinh dục ( đỏ, chợt loét, tiết dịch…)
- Các thương tổn da:
Hồng ban, đám chợt da, tình trạng tiết dịch hay bội nhiễm có mủ (vàng, xanh,
trắng bẩn…), vảy tiết…
Các thương tổn lòng bàn tay, bàn chân, móng, da đầu cũng cần chú ý.
3.2. Kiểm tra buồng bệnh, giường bệnh, dụng cụ chăm sóc và thuốc.
- Buồng bệnh: sạch sẽ vô trùng: sử dụng máy hút bụi, lau bằng dung dịch sát
khuẩn (Biceps). Đèn tia cực tím khử khuẩn buồng bệnh trước khi người bệnh nằm
và sau khi người bệnh xuất viện.
- Giường bệnh: đệm nước, ga, gối, chăn được hấp vô trùng
- Dụng cụ chăm sóc: băng dính, bông, băng, gạc, cồn 70 độ, bơm kim tiêm,
catheter ngoại vi, panh, kéo, kẹp, khay quả đậu, dây ga rô, đệm tay truyền dịch…
vô khuẩn.
- Máy thở, máy hút đàm dãi, máy truyền dịch…
- Kiểm tra thuốc (dịch truyền, thuốc tiêm, thuốc uống, thuốc rửa, thuốc bôi)
- Y lệnh về dinh dưỡng
3.3. Về nhân viên:
Điều dưỡng: đội mũ, khẩu trang, găng tay, áo choàng, dép đi vô khuẩn.
4. Các bước tiến hành
4.1. Chăm sóc thương tổn niêm mạc, hốc tự nhiên.
Lau rửa niêm mạc mắt, mũi bằng muối sinh lý, tra các loại thuốc theo chỉ định của
bác sỹ chuyên khoa mắt.
Lau rửa miệng bằng muối sinh lý và bôi glycerinborate 2%.
Rửa sinh dục bằng muối sinh lý, bôi Glycerinborate 2% hoặc chấm dung dịch
Milian.
4.2. Chăm sóc da bị tổn thương:
Thay ga hàng ngày 1-2 lần.
Thấm rửa các tổn thương da bằng muối sinh lý hoặc thuốc tím 1/10.000.
Thấm khô tổn thương, xoa bột talc lên vùng da tổn thương đỏ.
Bôi dung dịch màu (milian hoặc castellani) lên vùng da chợt ướt, nhiễm khuẩn.
Rắc bột tale lên ga, người bệnh nằm giường đệm nước, bột talc.
Ga phủ người bệnh không nên phủ trực tiếp, tránh ga dính vào vết loét gây chợt và
đau nên ga phủ cách người bệnh 20cm.
4.3. Thực hiện thuốc uống, tiêm truyền theo chỉ định của bác sỹ.
Thuốc uống (uống nhiều nước, nếu có thương tổn niêm mạc thì nghiền thuốc pha
loãng cho người bệnh uống ít một)
Tiêm truyền điều chỉnh số lượng, số giọt dịch truyền theo đúng y lệnh bác sỹ, đặc
biệt chú ý catheter không được để lâu, các thao tác tiêm truyền phải vô trùng.
4.4. Chăm sóc sonde tiểu nếu có, tránh nhiễm trùng ngược dòng.
4.5. Chăm sóc khác như : gội đầu cho bệnh nhân 2-3ngày /lần bằng nước ấm vô
trùng. Sau gội sấy khô tóc và da đầu. Nếu da đầu có tổn thương thì bôi thuốc theo
cách trên. Cắt tóc, cắt móng tay…
4.6. Dinh dưỡng (loại thức ăn, nước uống, số lượng, giờ ăn, số lần): thực hiện theo
y lệnh của Bác sy.
5. Đánh giá, ghi hồ sơ và báo cáo
Đánh giá tình trạng tiến triển của thương tổn
Các kỹ thuật và thuốc đã thực hiện
Báo cáo Bác sỹ các bất thường về tình trạng của người bệnh
Vẽ biểu đồ về sự thay đổi của các dấu hiệu sinh tồn, nuớc tiểu, luợng dịchvà thức
ăn vào, lượng nước tiểu và dịch thoát ra. Biểu đồ về sự thay đổi của công thức
máu, đường máu ure máu, creatinin máu, men gan…
6. Hướng dẫn người bệnh và gia đình
An ủi, động viên người bệnh và người nhà để họ yên tâm, tin tưởng và hợp tác
điều trị.
Hướng dẫn người nhà tuân thủ các nội quy bệnh viện để đảm bảo vô trùng.
Người nhà bệnh nhân phải mặc áo choàng, mang khẩu trang, găng tay, dép vô
khuẩn khi tiếp xúc với người bệnh.
7. Hình ảnh minh hoạ (bệnh nhân hội chứng Lyell)