Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

"Thiên trường vãn vọng", một tuyệt tác của Trần Nhân Tông_2 doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (210.38 KB, 7 trang )

"Thiên trường vãn vọng", một
tuyệt tác của Trần Nhân Tông






Chương trình Ngữ văn cấp Trung học cơ sở (THCS) đã đưa vào thêm một số tác phẩm
văn học trung đại Việt Nam, trong đó có bài Thiên Trường vãn vọng của Trần Nhân Tông. Có
lẽ người làm chương trình đã cân nhắc nhiều khi phải chọn một trong ba tác phẩm: Xuân hiểu,
Hạnh Thiên Trường hành cung và Thiên trường vãn vọng. Hạnh Thiên Trường hành cunglà
một tuyệt tác song hơi khó đối với học sinh THCS. Xuân hiểu thật trong sáng, dễ hiểu, song lại
không thể hiện được nhiều phương diện tư tưởng và tình cảm của tác giả như Thiên Trường
vãn vọng.
Người viết phần này ở Sách giáo khoa đã chọn bản dịch của Ngô Tất Tố:
Trước xóm sau thôn tựa bóng lồng,
Bóng chiều man mác có dường không.
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết,
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng
(1)
.
Bản dịch khá hay, tuy nhiên, khi có điều kiện, nên cân nhắc so sánh thêm với bản dịch
của Trần Lê Văn, ít nhất cũng nên cho học sinh đọc thêm bản dịch này:
Thôn trước thôn sau nhạt khói lồng,
Bóng chiều nửa có nửa hư không.
Đi trong tiếng sáo trâu về hết,
Cò trắng song song liệng xuống đồng
(2)
.
Xin ghi phiên âm nguyên văn bài thơ để tiện so sánh hai bản dịch và làm cơ sở cho việc


phân tích:
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lí quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền.
Bản dịch của Trần Lê Văn không lưu giữ được bóng dáng những chú mục đồng như bản
dịch của Ngô Tất Tố dẫu vẫn có thể cho thấy gián tiếp qua hình ảnh “Đi trong tiếng sáo trâu về
hết”. Tuy nhiên, nhìn chung, có lẽ bản dịch của Trần Lê Văn sát và hay hơn.
Một trong những yếu tố tạo nên nhịp điệu êm ái, hài hòa ở thơ của Trần Nhân Tông là
việc sử dụng khá nhiều điệp ngữ, nhiều lúc còn kết hợp điệp ngữ và tiểu đối. Chẳng hạn, ở
bài Hạnh Thiên Trường hành cung, bài thơ chỉ có 56 chữ, tác giả đã điệp đến 12 chữ: thanh, u,
châu, bách, thiên, vô, sự, hữu, thu, dĩ, du, niên. Cả 8 câu đều dùng tiểu đối toàn bộ hoặc bộ phận,
trong 8 câu đã có đến 4 câu ngắt nhịp theo mô hình 3/4, khác với lối ngắt nhịp thông thường ở
thơ Đường luật:
Cảnh thanh u / vật diệc thanh u,
Nguyệt vô sự / chiếu nhân vô sự.
Thủy hữu thu / hàm thiên hữu thu,
Kim niên du / thắng tích niên du.
Trong Thiên Trường vãn vọng, ở 2 câu đầu, tác giả đã điệp 2 chữ thôn và bán, đồng thời
kết hợp với tiểu đối bộ phận (thôn hậu / thôn tiền: bán vô/ bán hữu). Bản dịch của Trần Lê Văn
đã giữ được gần như trọn vẹn những biện pháp tu từ ấy mặc dù “thôn trước thôn sau” là chưa sát
ý với “thôn hậu thôn tiền” (sau thôn, trước thôn). Ở câu thứ nhất, Trần Lê Văn giữ được nghĩa
chữ “đạm” (nhạt), Ngô Tất Tố giữ được nghĩa chữ “tự” (tựa) nhưng cả hai đều phải thêm chữ
“lồng” làm cho hình ảnh của cả câu ít nhiều đã khác so với nguyên bản. Chữ yên trong thơ cổ rất
khó dịch. Yên có nghĩa là khói song cũng chỉ tất cả những gì mù mịt trong không trung giống như
khói, bởi vậy, dịch là “mờ tựa khói” như GS. Lê Trí Viễn có lẽ sát và ổn hơn
(3)
. Phải chăng nên
chỉnh câu thơ dịch của Trần Lê Văn bằng cụm từ này, thành Thôn trước thôn sau mờ tựa khói?
Trong thơ Đường luật, câu đầu có thể gieo vần hoặc không. Có như vậy thì sự xuất hiện của cụm

từ “bán vô bán hữu” ở câu tiếp theo mới được tự nhiên, hợp lôgic. Ở câu thứ hai, Ngô Tất Tố đã
thêm chữ “man mác”. Man mác có thể dùng để tả cảnh song cảnh ấy thường nhuốm một nỗi
buồn lâng lâng, lan tỏa, đặt ở đây e không phù hợp với tâm cảnh tác giả và cũng không ăn khớp
với hình ảnh được miêu tả ở hai câu sau. Ở câu thứ ba, đi trong tiếng sáo rõ ràng là sát nghĩa, nên
thơ hơn là sáo vẳng. Ở câu cuối,song song hay từng đôi đều ổn, tuy sắc thái biểu cảm và tác dụng
gợi cảm cũng có khác nhau chút ít. Cuối cùng là việc dịch tên đề thơ, một vấn đề thường không
đơn giản. Ít nhất đã có ba cách dịch khác nhau. Bản ở Hợp tuyển: Ngắm cảnh chiều ở Thiên
Trường (Sđd, tr.96), bản ở SGK Ngữ văn 7: Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra, bản
ở Đến với thơ hay: Từ cung Thiên Trường ngắm cảnh đồng quê buổi chiều. Điểm nhìn ở cách
dịch thứ nhất không rõ; đối tượng nhìn ở cách dịch thứ hai thiếu xác định, ở cách dịch thứ ba lại
quá cụ thể!
Đưa ra vài nhận xét trên đây, chúng tôi chỉ muốn bày tỏ một ước vọng: làm sao có được
bản dịch hay nhất của các tác phẩm ưu tú viết bằng chữ Hán của tiền nhân để con em chúng ta có
thể tiếp thu được đầy đủ tinh hoa của truyền thống văn hóa dân tộc?
GS. Lê Trí Viễn cho rằng, ở bài Thiên Trường vãn vọng, “nhà thơ là thiền sư, con mắt thế
tục nhưng tâm thiền”. Tuy nhiên, với đối tượng là học sinh phổ thông, giáo sư chủ trương: “Tạm
gác phía thiền cảm. Hãy dừng ở thế tục, ở cảm quan hiện thực”.
SGK Ngữ văn 7 về cơ bản cũng chủ trương như vậy.
Bài thơ tả một cảnh thôn quê đơn sơ, đạm bạc như muôn vàn cảnh thôn quê lúc chiều
xuống song lại có sức chứa đựng lớn lao kỳ vĩ và có ý nghĩa hiện thực sâu rộng.
Để làm rõ điều đó, GS. Lê Trí Viễn đã gắn việc phân tích mọi từ ngữ, chi tiết, hình ảnh
của bài thơ với hoàn cảnh sáng tác - “sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ hai, lần thứ ba
và sau một thời gian khôi phục lại cuộc sống yên lành cho đất nước” - và với “tầm mắt và tầm
nghĩ, điệu xúc động của một ông vua thi sĩ”, Trần Nhân Tông, ông vua “đã tự thân lăn lộn trong
dân, cùng nhân dân vào sinh ra tử gian khổ biết chừng nào mới đánh đuổi được quân giặc, giành
lại được cho đất nước, cho dân cảnh sống thanh bình nảy”. Do đó, “bài thơ ngắn này không phải
là một khắc mà thơ của một thời đại, rất tiêu biểu cho một thời đại vẻ vang vào bậc nhất trong
lịch sử dân tộc ta”
(4)
.

Xin tìm hiểu thêm đặc sắc nghệ thuật của bài thơ này xét từ góc độ “thế tục” và “cảm
quan hiện thực”. Bài thơ đã phác họa được một bức tranh sinh động, có phông nền, đường nét,
màu sắc, hình khối, có đôi chỗ khác với không ít những bài thơ thiền viết về thiên nhiên thường ít
màu sắc, đường nét, tuy có thể “mang một loạt hình ảnh thiên nhiên nhưng mục đích cuối cùng
của thiền gia không phải là miêu tả chính thiên nhiên đó mà là dùng thiên nhiên như một “công
cụ ngoại hóa” mang tải những tư tưởng của Thiền tông”. Nói cách khác, “Thiên nhiên trong thơ
thiền gia mang tính chất là những biểu tượng để thiền gia chuyển tải các tư tưởng thiền”
(5)
.
Từ cung Thiên Trường, cặp mắt “vãn vọng” của ông vua thi sĩ đã quét từ chiều rộng (từ
xa đến gần, từ “sau thôn” đến “trước thôn”) đến chiều dài theo hướng con đường dẫn các chú
mục đồng cùng đàn trâu dần khuất vào ngõ xóm, rồi chiều cao theo hướng những cánh cò liệng
từ trên không xuống cánh đồng, nhờ đó, đã dựng lên được một không gian nghệ thuật mang tính
lập thể.
Hai câu đầu của bài thơ có thể gợi liên tưởng tới bốn câu thơ trong bài Dã sắc (Sắc đồng
nội) cũng tả cảnh chiều hôm của Phạm Trọng Yêm, nhà chính trị, nhà thơ nổi tiếng đời Tống:
Phi yên diệc phi vụ
Mịch mịch ánh lâu đài
Bạch điểu hốt điểm phá
Tàn dương hoàn chiếu khai
Nghĩa là:
Chẳng phải khói cũng chẳng phải sương mù
Mịt mùng in bóng lên lâu đài
Cánh chim trắng bỗng xé toang
Mặt trời sắp lặn còn lóe chiếu
Cảnh sắc bảng lảng của trời chiều lúc hoàng hôn là rất khó tả một cách chính diện và trực
tiếp; cả hai nhà thơ đều dùng thủ pháp “thực giả, hư chi; hư giả, thực chi”, tức dùng cái hư và cái
thực làm nổi bật lẫn nhau. Ở Phạm Trọng Yêm, lâu đài, cánh chim trắng, mặt trời sắp lặn là
những yếu tố “thực” làm nổi bật cái mông lung huyền ảo “chẳng phải khói cũng chẳng phải
sương mù”; ở Trần Nhân Tông cũng vậy: tác giả không tả bản thân cảnh mặt trời sắp lặn, xóm

thôn mà là cái sau thôn vàtrước thôn, cái bên mặt trời lặn, cái nhạt tựa khói và nửa không nửa
có, tức cái thần của khung cảnh. Bởi vậy, dịch “thôn hậu, thôn tiền” thành “thôn trước, thôn sau”
là chưa lột được cái thần đó. Cảnh sắc sau thôn và trước thôn đều giống nhau, đều “nhạt tựa
khói” lúc hoàng hôn, đó còn là dấu hiệu đặc trưng của cảnh ở đồng bằng, nếu tả cảnh sau núi và
trước núi thì không thể nói như thế. Như vậy là chỉ qua 2 câu thơ đầu, ta đã thấy Trần Nhân Tông
có một cặp mắt quan sát rất tinh tế, vừa có một tâm hồn thi sĩ, vừa có tài năng của một họa sĩ.
Về đặc điểm nghệ thuật của 2 câu sau, xin được kết hợp nói ở phần dưới.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sự biểu hiện thiền cảm, thiền ý, thiền tâm ở những bài
thơ miêu tả thiên nhiên của Trần Nhân Tông không rõ ràng bằng ở những bài thơ viết về cùng đề
tài của nhiều nhà sư thời Lý- Trần. Cần nói thêm: ngay so sánh với những bài thơ khác miêu tả
thiên nhiên của chính Trần Nhân Tông, sự biểu hiện thiền ý ở bài Thiên Trường vãn vọng cũng
kín đáo hơn, do đó, nói như Nguyễn Kim Sơn và Trần Thị Mĩ Hà, “ngộ được thiền ý trong đó
không phải là đơn giản” Hai tác giả này đã lý giải sự bộc lộ thiền ý ở bài thơ này một cách khá
đầy đủ và thỏa đáng: “Cả bài thơ không dùng một điển tích Phật giáo nào, cảnh vật cũng chỉ là
một làng quê hết sức bình thường. Nhưng trong cái tưởng như bình thường đó lại chứa đựng cả
một quan niệm về thế giới của tác giả. Thôn xóm như được bao phủ bởi một lớp sương huyền
ảo, trở nên “mờ mờ” không rõ ràng. Cảnh vật cũng ở trạng thái không hề xác định “nửa như có”
mà cũng “nửa như không” trong ánh chiều tà của một ngày. Trên cánh đồng, trẻ mục đồng dắt
trâu về trong tiếng sáo: cái có lại chuyển dần thành cái không. Trên nền “không” của cánh đồng
đó, lại xuất hiện một cái “có”: đôi cò trắng song song đáp xuống đồng. Tất cả nằm giữa hai bờ hư
thực, vừa mờ ảo như được phủ trong khói, vừa rõ ràng đến mức trông thấy cả đôi cò đáp xuống
cánh đồng mênh mông”
(6)
.
Chúng tôi cho rằng có thể làm rõ thêm thiền ý thiền cảnh ở tính chất vừa động vừa tĩnh ở
hai câu sau. Quy ngưu là động,quy ngưu tận là vừa động vừa tĩnh; nếu nói xuy địch là động,
còn địch lí ở đây là vừa động vừa tĩnh. Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên (Tuyệt cú - Đỗ
Phủ) là động, Bạch lộ song song phi hạ điền ở đây là vừa động vừa tĩnh. Chính mặttĩnh này ở hai
câu cuối cùng với chất tĩnh đậm đặc ở hai câu trên đã làm cho bài thơ tràn ngập cái thường được
gọi là thi tình họa ý. Cũng có thể xét từ góc độ sự biểu hiện thiền tâm thiền cảm thường mang

tính chất đối cảnh vô tâm, tâm thân lưỡng vong để cho rằng không nên thêm ý man mác vào câu
thứ hai.
Không nên nghĩ rằng thiền ý bộc lộ không rõ ràng là chất thiền không sâu đậm mà thực ra
là ngược lại. Thiền tông cho rằngbình thường tâm thị đạo, pháp nhĩ tự nhiên cho nên ở
đây không có một thuật ngữ Phật giáo nào (như vẫn thường thấy trong các bài kệ và phần lớn
các bài thơ thiền khác), không có một hình ảnh thiên nhiên mang tính chất biểu tượng thuần túy
nào, đó chính là sự thể hiện trí tuệ tối cao, thiền lí sâu đậm. Vấn đề đặt ra ở đây là vì sao sự thể
hiện thiền lí sâu đậm ấy lại có thể kết hợp một cách nhuần nhuyễn với cảm quan hiện thực như
đã nói trên. Trước hết, phải tìm nguyên nhân ở ngay giáo lí của Thiền tông, Thiền học không
muốn hướng con người vào một cõi tồn tại khác sau cái chết mà là khuyên bảo con người hãy
chấp nhận hiện thực như nó đang tồn tại, vấn đề là cần thay đổi thái độ với chính hiện thực ấy.
Điều đó giải thích vì sao trong không ít bài thơ, thậm chí trong cả một số bài kệ, của một số thiền
sư ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, vẫn thấy bóng dáng của hiện thực ở những mức độ khác
nhau. Các nhà sư theo phái Thiền tông lạc đạo nhưng vẫn cư trần. Nguyên nhân quan trọng khác
là ở cuộc đời hết sức đặc biệt của thiền sư - ông vua thi sĩ này, cuộc đời luôn gắn bó với vận
mệnh của nhân dân, của dân tộc. Tất nhiên, không phải ở bài thơ nào của Trần Nhân Tông cũng
có được sự kết hợp hài hòa như vậy (ví dụ như trong các bài Tảo mai, Mộ xuân tức sự).
Trong Thiên Trường vãn vọng, mọi vật đều ở bên ranh giới của hư-thực, có-không, động-tĩnh, đó
là đặc điểm của cảnh hoàng hôn của làng quê thanh bình, đó cũng là cảnh giới Phật. Một vấn đề
khác cần đặt ra: có nên gọi Thiên Trường vãn vọng là thơ thiền không? Theo tôi, không nên gọi
tất cả các bài thơ do thiền sư sáng tác ra là thơ thiền vì sự thể hiện thiền ý, thiền cảm ở đó luôn
có những mức độ khác nhau. Ở Thiên Trường vãn vọng, sự thể hiện thiền ý rất sâu sắc song theo
tôi chỉ nên xem đây là một bài thơ nhuốm tư tưởng thiền mà không phải là một bài thơ thiền vì ở
đây cảm quan hiện thực cũng không kém phần sâu đậm, đặc biệt là ở câu thứ tư. Trong thơ
Đường, câu cuối bao giờ cũng để lại một dư âm vang vọng. Khó có thể nói đây là một câu thơ
mang thiền ý sâu đậm. Xin mượn lời bình câu thơ này của giáo sư Lê Trí Viễn để bày tỏ ý kiến
của mình: “Bạch lộ là cò trắng. Lúa đang lên xanh, chân ruộng xắp nước, cò rủ nhau xuống
ruộng kiếm ăn. Một nét vui đồng ruộng nhưng được nhấn mạnh, tách riêng từng đôi. Dường như
giấu trong đó một niềm vui hạnh phúc tình yêu, hoặc cao hơn, một sự sinh sôi của sự sống. Từng
đôi có trống có mái chứ không tán loạn, tan tác như thời còn giặc. Cả một cảnh êm ả như dàn ra,

bao bọc cho những lứa đôi này: cò trắng, lúa xanh, cá tôm dưới gốc. Chuẩn bị sẵn sàng, kín đáo
cho no ấm và cho hạnh phúc sinh sôi”
(7)
.
Với tất cả những điều phân tích trên, có thể khẳng định Thiên Trường vãn vọng là một
tuyệt tác, một trong những bài thơ tứ tuyệt Đường luật cô đọng nhất, một trong những bài thơ trữ
tình hay nhất của văn học trung đại Việt Nam

×