Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Đôi điều cần bàn lại về mối quan hệ giữa Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Dữ_3 pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (128.19 KB, 9 trang )

Đôi điều cần bàn lại về mối quan hệ
giữa Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Dữ -
Phùng Khắc Khoan


2. Trước hết, cần xác định lại năm sinh của Nguyễn Dữ.

Trên cơ sở tư liệu hiện còn, người đọc hôm nay chưa biết gì thêm về
Nguyễn Dữ ngoài những thông tin mà các cụ xưa như Hà Thiện Hán
trong Lời tựa sách Truyền kỳ mạn lục; Vũ Khâm Lân trong bài Phả ký ở
sách Đại Việt sử loại tiệp lục; rồi Vũ Phương Đề, Trần Tiến, Trần Trợ đã
viết tiếp trong sách của các vị. Đến Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục
và Toàn Việt thi lục; Bùi Huy Bích trong Hoàng Việt thi tuyển và Hoàng
Việt văn tuyển; Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí v.v
cũng có nhắc đến tiểu sử Nguyễn Dữ dù chỉ rất sơ lược.

Lời tựa Truyền kỳ mạn lục của Đại An Hà Thiện Hán viết năm 1547 là tư
liệu sớm nhất có ghi chép về Nguyễn Dữ như sau: “Lúc nhỏ rất chăm lối
học cử nghiệp, đọc rộng nhớ nhiều, lập chí ở việc lấy văn chương
truyền nghiệp nhà. Sau khi thi đậu Hương tiến, nhiều lần thi Hội trúng
Tam trường, từng được bổ Tri huyện Thanh Tuyền (Toàn). Mới được
một năm, ông từ quan về nuôi mẹ cho tròn đạo hiếu, đến mấy năm
không đặt chân đến chốn thị thành, thế rồi ông viết ra tập lục này để
ngụ ý” (23). Lời Tựa trên của Hà Thiện Hán đều có chép trong bản Cựu
biên năm 1712 và bản Tân biên năm 1763, năm 1774, tuy còn sơ lược
nhưng rất đáng tin cậy, bởi nó được viết lúc Nguyễn Dữ còn sống, và
tác giả bài tựa lại là người sống đồng thời với Nguyễn Dữ.

Còn đây là thông tin của cụ Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục: “Ông
người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân, Hải Dương. Cha là Tường Phiêu,
đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1496), làm quan Thượng thư bộ Hộ. Nguyễn


Dữ lúc còn bé thông minh lanh lợi, xem rộng, nhớ lâu, văn chương có
thể nối dõi được gia phong, thi đỗ Hương cống, thi Hội nhiều khoa
trúng kỳ đệ tam, được bổ Tri huyện Thanh Tuyền, làm quan mới được
một năm, liền lấy cớ là xa nhà, xin từ chức về nhà hầu cha mẹ. Sau vì
nguỵ Mạc cướp ngôi vua, ông thề không ra làm quan, sống ở thôn quê
dạy học trò, không bao giờ để chân đến thành thị. Về phần trứ tác có
Truyền kỳ mạn lục 4 quyển, lời lẽ thanh tao tươi đẹp, người bấy giờ lấy
làm ngợi khen” (24).

Cần lưu ý là hai thông tin cổ xưa trên của hai bậc tiên Nho danh tiếng
không hề nói đến quan hệ thầy – trò, hay mối quan hệ thiết thân nào
khác giữa Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Dữ.

Xin nêu lại ở đây ý phỏng đoán về năm sinh Nguyễn Dữ của nhà nghiên
cứu người Nga M. Tkachov trong bài viết giới thiệu về Truyền kỳ mạn
lục ở nước Nga, sau khi biện giải và thiết lập sơ đồ, M. Tkachov đã đi
đến ức đoán: “Nguyễn Dữ sinh khoảng 1496” (25). Đây cũng là năm
thân phụ ông là Tường Phiêu (Phiếu) đỗ Tiến sĩ đệ tam giáp, lúc này ông
Phiêu ở độ tuổi khoảng ngoài 20 đến 30, vì căn cứ vào sách Đăng khoa
lục và sách Lược truyện các tác gia Việt Nam của cụ Thúc Ngọc Trần Văn
Giáp mà biết. Còn việc Nguyễn Dữ thi đỗ Hương tiến (đúng ra lúc này
phải là Hương cống), thi Hội nhiều lần trúng tam trường, có thể có ra
làm quan Tri huyện được một năm và từ quan trước hoặc trong năm
1527, lúc nhà Mạc tiếm ngôi vua Lê. Lúc này, có thể Nguyễn Dữ đã ở
tuổi ngoài 30 (vì thi Hội nhiều lần, mà triều Lê theo lệ cứ 3 năm mở một
khoa, năm trước thi Hương, năm sau thi hội, thi Đình). Những ngày ẩn
cư, cụ đã viết và hoàn thành bộ Truyền kỳ mạn lục gồm 4 quyển, mỗi
quyển 5 truyện, cộng 20 truyện (26) từ năm 1527 và trước năm 1547 là
năm mà Hà Thiện Hán viết lời tựa, sau đó Đại Hưng hầu Nguyễn Thế
Nghi đã dịch Nôm.


Ức đoán suy luận về năm sinh Nguyễn Dữ của nhà nghiên cứu M.
Tkachov, theo chúng tôi là có lý. Nếu quả đúng như thế thì Nguyễn Dữ
chỉ nhỏ hơn Nguyễn Bỉnh Khiêm khoảng 5 tuổi. Chúng tôi còn nghĩ rằng,
cũng có thể Nguyễn Dữ được sinh ra trước đó vài năm, tức trước khi cụ
Nguyễn Tường Phiêu thi đỗ Tiến sĩ dưới đời Hồng Đức Lê Thánh Tông
(1496). Vì ngày xưa, các cụ thường lập gia đình sớm, nhiều người có con
khi chưa đến 20 tuổi, mà gia đình Nguyễn Dữ là danh gia vọng tộc. Ông
còn là con trai cả của cụ Thượng thư Tiến sĩ Nguyễn Tường Phiêu
(Phiếu) đời Lê sơ.

3. Thứ đến, thử so sánh thời điểm hiển vinh, thi đỗ và làm quan của
Nguyễn Dữ và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ở đây, chúng tôi xin lưu ý thêm,
Nguyễn Dữ đỗ Hương tiến (đúng ra phải là Hương cống) và Thi Hội
nhiều lần, đã trúng Tam trường dưới thời Lê sơ, cụ thể lúc này là các
đời Uy Mục (1505-1509), Tương Dực (1510-1516), Chiêu Tông (1516-
1522), Cung Hoàng (1522-1527); có thể ông đã từng làm quan một năm
và đã từ quan trước hoặc trong năm 1527 là năm Mạc Đăng Dung tiếm
ngôi. Điều đó có nghĩa là Nguyễn Dữ hiển đạt, thành danh trước
Nguyễn Bỉnh Khiêm ít ra cũng đến 10 hay hơn 10 năm, và lúc này
Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ là một nho sĩ bình dân, nghèo túng (thơ chữ
Hán của cụ có nói nhiều về cảnh bần hàn này). Vì tình thế bức bách,
Bạch Vân tiên sinh mãi đến năm 44 tuổi mới đi thi và đỗ đầu kỳ thi
Hương và năm sau, lúc 45 tuổi thi Hội rồi thi Đình, đỗ Trạng nguyên
năm 1535, bắt đầu nổi danh. Từ đó, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm mới xuất
chính giúp nhà Mạc. Trong khi đó, tại thời điểm này thì Nguyễn Dữ từ
lâu đã là một ẩn sĩ nơi quê nhà hoặc nơi núi rừng Thanh Hoá, đang viết
dở hoặc đã hoàn thành bộ thiên cổ kỳ bút Truyền kỳ mạn lục!

Nếu như các thư tịch cũ cho rằng Nguyễn Dữ là học trò xuất sắc của

Nguyễn Bỉnh Khiêm, cùng với Phùng Khắc Khoan, Đinh Thì Trung,
Trương Thì Cử, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyện…thì chúng tôi nghĩ là
chưa hẳn đúng như thế. Điều chắc chắn là các vị trên là những học trò
xuất sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm, còn Nguyễn Dữ thì không. Thư tịch
xưa cho biết, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm sau khi dâng sớ xin chém đầu 18
lộng thần, trong đó có Phạm Quỳnh là sui gia và Phạm Dao là con rễ,
nhưng không được nhà vua chấp nhận nên từ quan về quê dựng am
Bạch Vân dạy học, mở quán Trung Tân để chữa bệnh, cứu giúp người
khốn khó cơ nhỡ. Chuyện này cụ thực hiện từ năm 1543 về sau. Nhà
nghiên cứu Tkachov, trong bài viết của ông, có đưa ra thông tin: Trong
số những môn đồ thành đạt hiển vinh của danh sư Nguyễn Bỉnh Khiêm,
có lẽ có 2 người ứng thí năm 1538, tức là 5 năm trước khi Nguyễn Bỉnh
Khiêm từ quan. Thế có nghĩa là ông dạy học trước năm 1538 (27). Ở
đây, trong bài viết của mình, Tkachov dù có nêu ra một số chứng lý
nhưng rồi ông vẫn tin Nguyễn Dữ là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Chúng tôi nghĩ, giả sử, nếu cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm trước khi đỗ đạt và
làm quan cho nhà Mạc (trước 1535) thì đã từng là một thầy đồ nghèo
có mở trường dạy học ở quê, thì chưa chắc cụ Thượng thư đã cho
Nguyễn Dữ theo học. Bởi lẽ, Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất thân trong gia
đình nho sĩ bình dân nghèo. Ông cụ thân sinh là Nguyễn Văn Định tuy
học hành thông minh hay chữ nhưng vẫn là bạch diện thư sinh, may mà
cụ Thượng thư Nhữ Văn Lan thương tình gã con gái đã luống tuổi cho,
thì lúc này về lý lịch nhân thân của gia đình ông có thay đổi đôi chút.
Trong khi đó, cụ Nguyễn Dữ lại xuất thân là thế gia vọng tộc, khoa hoạn,
thân phụ ông từng đỗ Tiến sĩ đời Hồng Đức vào năm 1596, làm quan
đến chức Thượng thư bộ Hộ. Và chắc chắn rằng với nhiệm vụ và thân
thế này, cụ quan Thượng thư có nhiều bạn bè đỗ đạt, học rộng tài cao,
vì lý do nào đó mà họ không làm quan hoặc từ quan về nhà dạy học, lẽ
nào cụ Thượng không cho con trai cưng của mình theo học những vị

này mà lại cho theo học thầy đồ Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa qua kinh
nghiệm trường thi, chưa nổi tiếng và cũng chưa đỗ đạt học vị gì vào lúc
này ? Đây là điều mà nhiều năm nay chúng tôi thường thắc mắc. Hơn
nữa, căn cứ vào những gì cụ Hà Thiện Hán trong lời Tựa Truyền kỳ mạn
lục và cụ Bảng nhãn Lê Quý Đôn viết trong Kiến văn tiểu lục thì có thể
suy luận thêm là Nguyễn Dữ có thể đỗ Hương cống trước năm 1520 hay
trong năm 1520, chứ khó có thể là sau năm này, vì sau đó cụ còn dự thi
Hội nhiều khoa (cứ cho nhiều tức là thi 2 khoa, thì cũng mất đến 6 năm
!) mới trúng Tam trường, ra làm quan một năm rồi từ quan trước năm
1527 hoặc trong năm 1527. Tất cả đều diễn ra vào thời Hậu Lê sơ, trước
khi họ Mạc cướp ngôi. Như vậy Nguyễn Dữ đã hiển vinh đỗ đạt (tuy
chưa phải là đại khoa) và làm quan trước Nguyễn Bỉnh Khiêm đến hơn
10 năm (Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ thi Hương năm 1534, đỗ thi Hội, thi
Đình năm 1535 dưới đời Mạc). Dĩ nhiên, chúng tôi rất biết chuyện thi
cử dưới thời phong kiến ở ta rất nhiêu khê và rắc rối nhưng có điều là
không kể tuổi tác, sĩ tử từ 14, 15 trở lên, nếu đủ học lực và trình độ,
trúng tuyển kỳ khảo hạch ở địa phương thì có đủ điều kiện dự thi
Hương; đỗ kỳ thi Hương thì năm sau được vào thi Hội; và trúng cách thi
Hội mới vào thi Đình (Điện thí).

Nhân đây, chúng tôi xin đính chính lại một chỗ nhầm lẫn của nhà
nghiên cứu Nguyễn Phạm Hùng trong bài viết Đoán định lại thân thế
Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác Truyền kỳ mạn lục (28), và thắc mắc
của Trần Ích Nguyên về học vị của Nguyễn Dữ trong Tiễn đăng tân thoại
dữ Truyền kỳ mạn lục tỷ giảo so sánh (29). Trong bài viết rất công phu
và có vài ý mới của Nguyễn Phạm Hùng mà chúng tôi rất thích thú,
nhưng tiếc là ở trang 126, mục 3 Những vấn đề đặt ra từ quan điểm của
các nhà khoa học nước ngoài, Nguyễn Phạm Hùng ghi: “Ông đỗ Hương
tiến (Cử nhân), thi Hội đỗ Tam trường (Tiến sĩ)…” (xin được in đậm để
nhấn mạnh). Chúng tôi nghĩ, học vị đỗ đạt kỳ thi Hương vào đời Trần -

Hồ là Hương tiến, người đỗ đầu là Hương nguyên; đời Hậu Lê sơ, Mạc,
Lê trung hưng và triều Nguyễn Gia Long là Hương cống (điểm cao) và
Sinh đồ (điểm thấp), đời Nguyễn Minh Mệnh trở đi là Cử nhân (điểm
cao) và Tú tài (điểm thấp). Còn thi Hội từ thời Hậu Lê sơ trở về sau
không xếp loại, mà chỉ lấy Chánh trúng cách và Thứ (Phó) trúng cách,
coi như đó là điều kiện để vào kỳ thi Đình (Điện thí) làm bài Văn sách
Đình đối để nhà vua đích thân lấy đỗ xếp loại Tiến sĩ theo ba bảng: Đệ
Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa); Đệ Nhị
giáp Tiến sĩ xuất thân (gọi là Hoàng giáp); Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất
thân, gọi chung là Tiến sĩ. Đó là thi Đình. Còn kỳ thi Hội, các Cống sĩ phải
qua bốn trường. Nguyễn Dữ trong mấy lần thi chỉ đỗ được Tam trường
(tức đậu trường 3), rớt Tứ trường (trường bốn) thì làm sao đủ điều kiện
để vào dự thi Đình mà lấy học vị Tiến sĩ ? Dĩ nhiên, cũng có vài kỳ thi, do
điều kiện nào đó mà triều đình chỉ cho thi Hội rồi xếp loại Tiến sĩ luôn,
nhưng trường hợp này rất ít. Anh Nguyễn Phạm Hùng nhầm chỗ này,
tuy vậy, việc ấy không làm giảm đi chất lượng bài nghiên cứu của anh.

Cũng vậy, ở trang này, đoạn dưới, anh có dẫn lại ý kiến thắc mắc của
Trần Ích Nguyên trong công trình so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền
kỳ mạn lục ở trang 49, 50 của sách. Do ông Trần và anh Hùng (người
thuật lại) chưa hiểu đúng danh hiệu Tam trường nên đã cố công đi tìm
tên Nguyễn Dữ trong các sách viết về khoa bảng như Đại Việt lịch triều
Đăng khoa lục; Các nhà khoa bảng Việt Nam v.v hay sách nào đi nữa kể
cả Khoa mục chí trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú
là sách chép tương đối đầy đủ nhất trong các sách ghi về khoa bảng, thì
làm gì có và cũng không bao giờ có tên Nguyễn Dữ đỗ đại khoa ! Bởi ở
các công trình này, xưa cũng như nay, nhà sưu tầm nghiên cứu chỉ chép
tên những người đỗ đại khoa (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa,
Hoàng giáp, Tiến sĩ nếu là đời Lê trung hưng về trước đến Hậu Lê sơ Lê;
còn đời Nguyễn thì có thêm học vị Phó bảng nữa). Như trên có nói, kỳ

thi Hội chỉ xếp Chánh và Thứ (phó) trúng cách thôi, chứ chưa xếp học vị.
Nguyễn Dữ chỉ trúng Tam trường, chưa qua được Tứ trường nên chưa
Trúng cách Hội thí. Ngày trước, thi Hương, thi Hội thường phải qua bốn
kỳ (bốn trường); trúng trường nhất mới vào trường nhì; trúng trường
nhì mới vào trường ba v.v cứ thế tiếp tục. Tên gọi Nhất trường, Nhị
trường, Tam trường …là để chỉ những sĩ tử đã thi trúng các trường ấy.
Còn nếu trúng cả 4 trường thì khảo quan cộng điểm theo ưu, bình, bình
thứ, thứ, thứ thứ mà xếp loại học vị thi đỗ; còn liệt là bị hỏng thi. Vì
hiểu nhầm như thế mà bài viết đi đến kết luận là “Vì thế việc chép
Nguyễn Dữ trúng Tam trường là không chính xác” (30). Chúng tôi nghĩ,
tác giả bài tạp chí đã vội vàng rút ra kết luận không chính xác thì có, chứ
các cụ Hà Thiện Hán, Vũ Khâm Lân, Vũ Phương Đề, Lê Quý Đôn đã chép
đúng và rất chính xác đấy (vì chúng tôi đã kiểm tra lại các trang 49, 50
của sách, ông Trần Ích Nguyên không viết câu kết luận trên).

×