Tải bản đầy đủ (.pdf) (3 trang)

Hội chứng mãn kinh ở đàn ông potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (88.63 KB, 3 trang )

Hội chứng mãn kinh ở đàn ông


Có hay không chuyện “mãn kinh” ở đàn ông? Người đồng tình, kẻ
phản đối, nhưng rốt cuộc khá nhiều đàn ông ở tuổi trung niên vẫn phải
đối mặt với những “cơn khủng hoảng” trong giai đoạn bắt đầu “xuống
sắc” với hàng loạt những biểu hiện rối loạn ở các mức độ khác nhau.

Trên thực tế, hội chứng “mãn kinh” ở đàn ông là một giai đoạn có tính
chất quá độ từ tuổi trung niên bước sang tuổi già. Lúc này toàn bộ cơ thể
dần dần bị lão hoá, hệ thống nội tiết tố nói chung, đặc biệt là nội tiết tố
sinh dục nam bị suy giảm, sự điều tiết sản xuất và nồng độ testosterol
trong máu bị rối loạn làm xuất hiện hàng loạt các triệu chứng rối loạn,
biểu hiện chủ yếu ở hệ thống thần kinh trung ương, thần kinh thực vật và
chức năng tình dục. Hội chứng này thường gặp ở lứa tuổi từ 55-60. Tùy
các đặc tính khác nhau về thể chất, trình độ văn hoá, thói quen sinh hoạt,
đời sống tâm lý… của từng người mà triệu chứng xuất hiện nhiều hay ít,
nặng hay nhẹ…

Trong y học cổ truyền (YHCT) không có bệnh danh này. Nhưng căn cứ
trên các biểu hiện lâm sàng có thể thấy hình ảnh của các tình trạng mãn
kinh ở đàn ông nằm rải rác trong các chứng “hư lao”, “huyễn vận”, “tâm
quý”, “uất chứng”, “thất miên”… với cơ chế bệnh sinh chủ yếu là do thần
khí suy dần, tinh khí ngày càng giảm sút, lục phủ ngũ tạng ngày càng suy
tổn và cuối cùng thiên quý cạn kiệt mà không thể sinh hoạt tình dục và
sinh con đẻ cái được nữa. Trong các Y thư kinh điển đã mô tả hội chứng
này như sau: bốn mươi tuổi âm khí hao đi một nửa, hoạt động suy yếu;
năm mươi tuổi trở đi, khí dương suy kém từng ngày, sức lực giảm dần,
hay quên, hưng phấn kém, tai nặng, mắt mờ, mọi sự tàn tạ, tâm tính
không yên, dễ cáu giận, ăn không ngon, ngủ không yên.


Để điều chỉnh hội chứng mãn kinh ở đàn ông, theo quan niệm YHCT cần
phải phân thành những loại bệnh khác nhau như thận âm hư, thận dương
hư, thận âm dương lưỡng hư, can thận âm hư, tỳ thận dương hư, can uất
tỳ hư… rồi trên cơ sở đó lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
Nguyên tắc chung là phải bồi bổ cơ thể và phải điều hoà cân bằng âm
dương, trong đó đặc biệt chú trọng đến các tạng thận, tỳ và can. Theo
YHCT, biện pháp hữu hiệu nhất và phải thực thi “thuật hồi xuân” một
cách toàn diện và kiên trì. Nội dung của thuật hồi xuân hết sức phong
phú, song không ngoài ba vấn đề cơ bản kiện thân, dưỡng tâm và mỹ
dung.

Kiện thân: là thực hiện ăn uống đầy đủ và đúng cách, dùng thuốc hợp lý
và vận động tập luyện tích cực để làm cho cơ thể được khoẻ mạnh. Trong
đó phải hết sức lưu ý vấn đề dùng thuốc, bởi vì hiện nay do đời sống vật
chất ngày càng được nâng cao người ta có xu hướng đi tìm các loại thực
phẩm có lợi cho hoạt động tình dục, nhưng do thiếu hiểu biết cho nên
nhiều khi lợi bất cập hại. Cách thức duy nhất đúng đắn là phải biết cơ thể
thiếu cái gì thì bù đấp cái đó, không được làm dụng bừa bãi.

Dưỡng tâm còn gọi là dưỡng thần, là việc sử dụng các liệu pháp cần thiết
để điều hoà đời sống tinh thần, tình cảm cốt sao đạt được sự ổn định và
cân bằng. Trên thực tế, trong giai đoạn đầy sóng gió này hầu hết đàn ông
đều lâm vào tình trạng rối loạn tâm lý ở các mức độ khác nhau, nếu
không biết cách điều chỉnh có thể dẫn đến những thương tổn thực thể về
mặt thể chất và đổ vỡ trong các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ
tình cảm vợ chồng.

Mỹ dung còn gọi là làm đẹp, chú ý chăm sóc sắc đẹp. Người đàn ông
phải tạo được cái đẹp có tính chỉnh thể, đẹp cả trong lẫn ngoài, cả thể xác
và tâm hồn, cái mà YHCT gọi là nguyên tắc “hình thần kiên cố, nội ngoại

đồng trị”. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của nhiều nhà tâm bệnh học, chỉ
riêng việc chủ ý chỉnh trang sắc đẹp bên ngoài đã giúp cho một tỷ lệ khá
lớn những người đàn ông (và cả đàn bà nữa) phòng tránh được khá nhiều
bệnh tật trong giai đoạn mãn kinh đầy biến cố của cuộc đời.

×