Những mầm mống đầu tiên của
văn xuôi quốc ngữ Việt Nam qua
những mẩu tin trên "Gia Định báo"
1. Nói đến dấu mốc đầu tiên của văn xuôi quốc ngữ Việt Nam hiện đại, giới
nghiên cứu đều thừa nhận Truyện thầy Lazarô Phiền (Nguyễn Trọng Quản) viết năm
1887 là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của văn xuôi quốc ngữ Việt Nam. Tuy nhiên, nếu
nhìn văn xuôi trong tiến trình phát triển từ những mầm mống đầu tiên đánh dấu một lối
viết khác so với thời trung đại, chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện của văn xuôi quốc ngữ Việt
Nam sớm hơn dấu mốc 1887. Hơn nữa, ở giai đoạn đầu khi mới ra đời, văn xuôi quốc
ngữ có mối quan hệ với báo chí rất mật thiết. Báo chí là nơi để các tác giả “luyện tập câu
văn và viết dần những tác phẩm của họ”
(1)
, “học hỏi và rèn luyện cách mô tả cuộc sống
bằng các thể loại và hình thức mới để thành nhà văn”
(2)
. Do vậy, nói đến sự xuất hiện
của văn xuôi quốc ngữ không thể không chú ý tới địa bàn đầu tiên mà nó trước bạ. Có
thể nói, ở giai đoạn đầu mới hình thành văn xuôi quốc ngữ, báo chí đã tác động và chi
phối tới cách viết văn và ngay ở tờ báo quốc ngữ đầu tiên, điều đó đã là một thực tại
hoàn thành. Trên những số Gia Định báo xuất hiện sớm nhất, chúng tôi khảo sát và nhận
thấy, dấu hiệu của văn xuôi hiện đại đã định hình qua những mẩu tin được đăng trên
báo.
2. Năm 1865, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam – Gia Định báo đã ra đời.
Sự xuất hiện của tờ báo này là do nhà cầm quyền thực dân muốn phổ biến các thông tư,
nghị định, chính sách của chính phủ để các giới công chức, dân sự biết và thực hiện
theo. Tuy nhiên, trên thực tế, vai trò của Gia Định báo không chỉ bó hẹp trong nhiệm vụ
của một tờ công báo. Tiếp xúc với những số báo đầu tiên, chúng tôi nhận thấy số lượng
bài có tính chất thông báo tin tức, kể những sự kiện gắn bó với đời sống thường ngày
của người dân chiếm số lượng lớn. Những loại bài như thế thường được đăng ở
phần Tạp vụ. Xin đơn cử hai số báo liên tiếp ra vào năm thứ nhất, số 5 (ra vào tháng 8
năm 1865)
(3)
và số 6 (tháng 9 năm 1865)
(4)
làm ví dụ. Gia Định báo số 5 có 16 tin thì
phần Công vụ có 4 tin, còn lại Tạp vụ gấp 3 lần: 12 tin. Trên Gia Định báo số 6,
phần Công vụ chỉ chiếm dung lượng khiêm tốn: 1/4 trang thứ nhất (trong tổng số 4
trang), phần còn lại của tờ báo là Tạp vụ.
Phần Tạp vụ (vốn viết về những sự kiện ngoài thông tư, nghị định hành chính)
không chỉ áp đảo về số lượng so với phầnCông vụ (đề cập tới những thông báo, nghị
định có tính hành chính của chính phủ) mà trong cách hành văn chúng tôi cũng nhận
thấy, phần Tạp vụ đã tác động khá sâu đến phần Công vụ. Cụ thể, một số tin ở
phần Công vụ đã được các tác giả gia công thêm chất văn và sắp xếp như những chuyện
kể khá hấp dẫn. Thậm chí, một số tin còn có cả tên bài nữa, ví dụ Chuyện tổng binh
Luận kể chuyện tên sát nhân Trương Văn Luận làm tổng binh mà giết rất nhiều người,
cuối cùng bị bắt và xét xử.
Đôi khi trên cùng một số báo, cả phần Công vụ và Tạp vụ đều đề cập đến một sự
kiện, tuy nhiên phần Công vụ là thông báo tóm tắt và tất nhiên có liên quan đến chính
phủ, còn phần Tạp vụ kể diễn biến cụ thể của sự việc. Chẳng hạn, trên Gia Định báo số
5/ 1865, phần Công vụ có tin thông báo về việc Ban biện Khanh được thưởng một cái
đồng hồ và dân làng Mi Trà được thưởng 100 quan tiền vì có công đánh đảng ngụy.
Phần Tạp vụ trên cùng số báo đó lại có bài tường thuật cụ thể diễn biến cuộc đánh cướp
của Ban biện Khanh và dân làng Mi Trà: diễn ra vào thời gian nào, quân ngụy chia làm
mấy đội, Ban biện Khanh dũng cảm mưu trí như thế nào, bao nhiêu người chết… Đây là
những điểm rất khác biệt so với phần Công vụ trên các số báo những năm sau này (đơn
giản chỉ là những lời vắn tắt và những gạch đầu dòng trước mỗi thông báo).
Chiếm số lượng lớn trên Gia Định báo như vậy, phần Tạp vụ viết về vấn đề gì ?
Phần lớn là những mẩu tin thông báo những vấn đề gần gũi với cuộc sống hàng ngày của
người dân, những chuyện lạ về phong tục nếp sống như: nạn đói khát ở Cần Giuộc, bệnh
ban cua lưỡi trắng xuất hiện, chuyện quan An Nam từ Huế vào Sài Gòn bị bệnh và chết
tại Sài Gòn, thói quen sinh hoạt của người Mọi (họ không dùng tiền mà buôn bán trao
đổi đều bằng trâu bò, một tô muối đổi được 5 - 7 con trâu),… Đặc biệt, Gia Định
báo còn đăng nhiều tin về nạn trộm cướp: “Ngày 31 tháng Juillet có một đảng ăn cướp
hơn 100 đứa tới đánh một làng tại huyện Kiến Hoà, tỉnh Định Tường”, rồi chi tiết:
“Khoảng 3 giờ tối 29 rạng ngày 30 có một băng cướp ở làng Mi Trà, tổng Phong Thạnh,
huyện Kiên Phong” (số 5/1865)… Từ những mẩu tin như thế, tác giả đã sắp xếp có tình
tiết, diễn biến khá cụ thể và hấp dẫn, gợi sự hứng thú muốn khám phá nơi người đọc.
Chất thời sự của cuộc sống ít nhiều đã được cập nhật. Tuy nhiên những bài viết này mới
dừng lại ở việc thông báo tin tức là chủ yếu, vấn đề hư cấu nghệ thuật có lẽ vẫn nằm
ngoài ý thức người cầm bút.
Bên cạnh đó, trên Gia Định báo giai đoạn này cũng xuất hiện những bài tường
thuật, ghi chép được bố cục, sắp xếp dưới hình thức những câu chuyện kể như: Nói
chuyện tại phủ Bình Long kể về chuyện bắt cọp; Chuyện về ghe mía chìm tại miếu Cô
đò… Đặc biệt một số bài còn có thêm cả phần bình luận của tác giả như Chuyện về
chiếc ghe hoa chi chìm gần Cần Giộc chẳng hạn. Chuyện kể về “một chiếc ghe hoa chi
cờ bạc đi gần tới Cần Giộc thì chìm” trong đó chở 5 người và 1050 quan tiền, chết 2
người Chệt và 2 người An Nam. Cuối bài người viết bình luận: “Tại gió vụt mạnh mà
chìm hay là tại chở tiền khẳm quá cũng không rõ, hay là tại Chệt và An Nam đánh lộn
nhau ở dưới ghe”… (số 5/1865). Một kiểu kết thúc mở tạo ra những thắc mắc, suy luận
khác nhau ở mỗi người đọc.
Hơn thế nữa, trong một mẩu tin thông báo việc một ông quan An Nam cùng người
thơ lại từ Huế vào Sài Gòn bị bệnh rồi chết, ở phần cuối người viết bình rằng: “Người ta
nói các ông ấy khi đi ngang Bình Thuận qua chỗ Ba Động không giữ phép tắc cho nên
mới đau nặng cùng chết làm vậy, bởi vì thần quỷ ở đó linh thiêng lắm, ai khinh dẻ thì
hay làm cho đau ốm cùng phải chết”. Dấu ấn của tư duy truyền thống vẫn hiện tồn trong
cách lý giải nguyên nhân của sự việc dựa vào thần linh ma quỷ. Có khi lời bình lại mang
dáng dấp của một lời răn dạy con chiên: “Thật là người muốn sự lành chẳng thấy sự gì
sáng danh hơn là gìn giữ làng nước nhà mình cho được”, (lời bình này được đặt ở phần
đầu một mẩu tin thông báo việc các thôn trưởng, hương chức mấy làng Mi Trà, Vĩnh
Quới, Lộc Thuận, Phú Vạn thuộc tỉnh Định Tường được quan lớn thưởng). Trong bài
viết về em vua Cao Miên, dấu hỏi chấm (?) xuất hiện một cách đầy ngụ ý thay cho lời
bình khi tác giả trần thuật sự việc: “Em vua đi phố mua đồ: có mua dầu thơm 300 ve cho
các vợ? 40 đôi giày cho các con và 40 nón cho các quan, lại mua vải, áo quần Pha lang
sa và rượu nhiều lắm” (số 6/1865).
Một đặc điểm nổi bật xuất hiện cả trong phần Công vụ và Tạp vụ đó là: hầu hết tất
cả các tin này đều ghi ngày tháng rất cụ thể, chi tiết và tường tận: nhuận tháng 5 tôi
ngày 29, rạng mạc ngày 30, chừng giờ thứ 3 (bài: Ban biện Khanh đánh đảng
ngụy), ngày 21 tháng 6 nầy (tin về hoàng đế Pha lang sa), ngày 12 tháng nầy (chuyện về
chiếc ghe hoa chi chìm gần Cần Giuộc). Thậm chí ngày tháng còn được lấy làm tiêu đề
cho bài viết (tên bài: Ngày mồng 9 tháng 6, viết về việc Ban biện Khanh được quan lớn
thưởng). Điều này thể hiện rõ tính chất tường thuật của văn báo chí.
Như vậy, văn xuôi quốc ngữ xuất hiện đầu tiên là trên báo chí và phổ biến là dưới
hình thức những mẩu tin, bài viết theo kiểu văn tường thuật của báo chí, kể những
chuyện có thực nhằm mục đích thông báo tin tức. Trước đây ở giai đoạn trung đại, hình
thức này chưa từng xuất hiện trong đời sống văn học.
3. Một điều dễ nhận thấy, hầu hết những mẩu tin ở phần Công vụ và Tạp vụ đều
được viết bởi những cây bút quen thuộc như Petrus Ký, Paulus Của. Do vậy, để có
bài viết phong phú, những người chủ trương tờ báo này đã yêu cầu các thông ngôn,
giáo tập ở các địa phương hàng tháng phải gửi bài cho “bản báo” về những sự việc
xảy ra nơi họ đang sống và làm việc. TrênGia Định báo số 6 ra ngày 24 tháng 2 năm
1870, Trương Vĩnh Ký đã cho đăng tin mời viết bài như sau:“Từ nay sấp tới ta trông
cậy sẽ có nhiều truyện cho người ta coi: vì nhờ có tờ chạy cho các thầy giáo tập quốc
ngữ và các thầy thông ngôn các nơi trong cả sáu tỉnh mỗi tuần hay là nửa tháng thì
chạy tờ về mà học lại những chuyện các nơi các tỉnh để làm vô Gia Định báo cho
thiên hạ hay… Xin các thầy chớ quên đề ngày, đề chỗ cho hẳn hoi. Phép làm chuyện
phải kể tại chỗ nào? Ngày nào, tháng nào? Nhơn cớ làm sao? Ban đầu làm sao?
Khúc giữa thế nào? Sau hết ra việc gì? Lợi hay hại? May hay là rủi, vân
vân…”. Tuy là lời mời viết bài, nhưng thực chất đây là những lời hướng dẫn viết báo.
Người biên tập muốn hướng người viết chú ý tới những chi tiết về ngày tháng, địa
điểm, nguyên nhân, diễn biến, kết quả và đặc biệt là yêu cầu phải phản ánh trung thực
sự việc xảy ra, có cả những lời nhận định chủ quan của người viết. Chính những lời
nôm na này gợi cho chúng ta hình dung tới thể thức của một truyện, trong đó có phần
mở đầu, phần diễn biến và kết thúc.