CUỘC ĐẤU TRANH CỦA HAI PHE CHỦ
CHIẾN - CHỦ HÒA VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG
ĐỐI VỚI CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG PHÁP
XÂM LƯỢC (1858 – 1888)
II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
Phát súng lệnh xâm lược đầu tiên của thực dân Pháp ở Sơn Trà (Đà
Nẵng) đã nhanh chóng làm chia rẽ nội bộ triều Nguyễn thành hai phe
chủ chiến và chủ hoà. Từ đó trong quá trình đấu tranh chống Pháp, hai
luồng tư tưởng này luôn đối chọi nhau, nhằm tiêu diệt lẫn nhau. Chỉ khi
thực dân Pháp hoàn thành kế hoạch xâm lược Việt Nam thì sự phân
hoá này mới chấm dứt với phần thắng nghiêng về phe chủ hoà. Cuối
cùng phe chủ hoà đã câu kết với Pháp cùng bóc lột và cai trị nhân dân
ta.
1. Hoàn cảnh lịch sử
1.1. Cuối thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa
đế quốc. Vấn đề tìm kiếm thị trường và thuộc địa của chủ nghĩa đế
quốc đang trở thành vấn đề bức thiết nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển
của nền sản xuất đại công nghiệp. Là một nước tư bản phát triển, Pháp
nhanh chóng vươn lên thành một cường quốc trong hệ thống chủ nghĩa
đế quốc.
Bấy giờ trên thế giới, châu Á vẫn đang chìm đắm trong chế độ phong
kiến nghèo nàn, lạc hậu nên đã trở thành “mảnh đất hứa” của chủ
nghĩa đế quốc. Pháp nhanh chóng nhận thấy châu Á và Đông Nam Á là
thị trường cần được mở rộng. Việt Nam nhanh chóng trở thành mục
tiêu thôn tính của thực dân Pháp.
Đầu thế kỉ XX, liên quân 8 nước đế quốc nhảy vào xâu xé Trung Quốc.
Pháp là nước đi đầu và cũng gặt hái được khá nhiều lợi nhuận. Sau khi
hoàn thành xong việc phân chia Trung Quốc, Pháp bắt đầu tiến hành
xâm lược Việt Nam.
Thực chất từ lâu Pháp đã có quan hệ với Việt Nam. Đó là thời điểm
Nguyễn Ánh chạy trốn quân Tây Sơn, gặp được Bá Đa Lộc và cho con
trai theo Bá Đa Lộc sang Pháp cầu cứu viện. Sau khi lập nên nhà
Nguyễn, Nguyễn Ánh nhiều lúc muốn cắt đứt quan hệ với người Pháp vì
ông đã phần nào nhận thấy dã tâm của người Pháp đối với đất nước
này nhưng thực dân Pháp vẫn không ngừng nhòm ngó Việt Nam. Pháp
đã để lại cố đạo Bá Đa Lộc nhằm làm nội ứng cho cuộc xâm lược sau
này.
Giai đoạn đầu, Pháp tổ chức các đội truyền giáo và thương nhân xâm
nhập vào Việt Nam. Lực lượng này dưới danh nghĩa truyền đạo và buôn
bán nhưng thực chất bên trong là điều tra và thống kê tình hình nước
ta báo cáo về Pháp để dọn đường cho kế hoạch xâm lược. Phản ứng
đầu tiên của nhà Nguyễn là ngăn cấm những giáo sĩ truyền đạo và cấm
thông thương buôn bán với thương nhân Pháp. Về sau quyết liệt hơn
nhà Nguyễn đã thi hành chính sách cấm đạo, giết đạo. Để hạn chế sự
hoạt động của các giáo sĩ nhà Nguyễn đã ra 24 đạo dụ nhằm cấm
truyền đạo vào Việt Nam. Sự cấm đoán đó của triều Nguyễn đã không
những không mang lại kết quả mà còn làm cho quá trình truyền đạo
diễn ra rộng hơn và sâu hơn. Những cuộc tàn sát dã man của nhà
Nguyễn đã đẩy một bộ phận nhân dân ta tiến dần về phía kẻ thù và
mâu thuẫn trong nước ngày càng trở nên sâu sắc. Lực lượng giáo sĩ
truyền đạo đang hoạt động ngày càng tích cực nhằm phục vụ âm mưu
xâm lược sắp được tiến hành.
1.2. Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, chế độ phong kiến đang trên
con đường khủng hoảng trầm trọng. Thời Tự Đức cao trào nông dân
khởi nghĩa đã làm chế độ phong kiến lung lay tới nền móng. Theo thống
kê chưa đầy đủ, chỉ từ năm 1848 (khi Tự Đức lên ngôi) đến năm 1862
(là năm thực dân Pháp cướp trắng ba tỉnh miền đông Nam Kỳ) đã có 40
cuộc khởi nghĩa.
Để duy trì nền thống trị của mình, phong kiến nhà Nguyễn đã ra sức
củng cố xã hội bằng mọi cách. Về đối nội thì đàn áp khốc liệt các cuộc
khởi nghĩa nông dân. Các cuộc hành quân liên miên đã khiến lực lượng
quân đội triều đình suy yếu dần, khả năng chiến đấu giảm sút. Lòng dân
oán thán, chia lìa, khối đoàn kết dân tộc rạn nứt. Tình hình trên đã gián
tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho Pháp thôn tính nước ta.
Phong trào nông dân khởi nghĩa đã khẳng định rằng, vào lúc thực dân
Pháp chuẩn bị nổ súng xâm lược nước ta là lúc mâu thuẫn giữa nông
dân và phong kiến trở nên hết sức sâu sắc. Lợi dụng sự khốn cùng của
quần chúng nhân dân lao động, các giáo sĩ phương Tây ra sức thu phục
tín đồ. Lực lượng này tìm mọi cách khoét sâu mâu thuẫn giáo – lương.
Các giáo sĩ Pháp lúc này hoặc trực tiếp tổ chức hoặc đứng sau những vụ
khởi loạn chống triều đình, chuẩn bị cơ sở chính trị cho cuộc xâm lăng
sắp tới.
Song song với những chính sách đối nội thiển cận, phong kiến Nguyễn
đã cho thi hành một đường lối đối ngoại sai lầm: đẩy mạnh các cuộc
xâm lược Campuchia và Lào. Từ năm 1827 đến 1847, trong vòng 20
năm, nhà Nguyễn đã gây chiến tranh với người Miên, người Xiêm và
người Lào, khiến cho nhân dân vô cùng khốn khổ. Đi đánh giặc Lạp, giặc
Lào, giặc Xiêm là ác mộng của nhân dân miền Trung và miền Nam trong
thời gian đó. Kết quả của 20 năm theo đuổi chính sách xâm lược tai hại
đã khiến cho tài lực và nhân lực bị hao mòn, hiềm thù ngày càng khoét
sâu giữa các nước láng giềng với nhau, trong lúc bọn thực dân đang
nhòm ngó ngoài cửa ngõ.
Trên đây là một nét cơ bản về tình hình của Việt Nam giữa thế kỉ XIX
trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, nổi bật lên là sự
khủng hoảng của chế độ phong kiến. Nhà nước phong kiến Nguyễn
đang đứng trước một thử thách to lớn:
+ Một là, cần phải cải cách để đáp ứng nhu cầu lịch sử, xây dựng một
triều đại tiến bộ, một nhà nước có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh
mẽ hơn, có khả năng duy tân đất nước và bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Vấn đề này đã được không ít các quan lại cao cấp đương triều như
Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ… đề xuất nhưng vì
điều kiện chủ quan và khách quan khác nhau mà mọi đề nghị cải cách
nhà nước đều bị các vua nhà Nguyễn chối từ.
+ Hai là, nước Việt Nam bị xâm lược và bị biến thành một nước thuộc
địa của tư bản phương Tây.
Thực tế lịch sử cho thấy, khả năng thứ nhất không xảy ra, còn khả năng
thứ hai thì liền kề. Khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam thì
cũng là lúc chế độ phong kiến Việt Nam đi vào phân hoá và chia rẽ sâu
sắc với hai phe chủ chiến và chủ hoà. Nhà Nguyễn đã không tìm ra sách
lược hữu hiệu với kẻ thù, luôn bị động và bất đồng về đường lối, do đó
nhà Nguyễn luôn tỏ ra lúng túng khi đối đầu với thực dân Pháp và cuối
cùng là đầu hàng từng bước rồi để mất cả nước ta vào tay Pháp, biến
quá trình mất nước không tất yếu trở thành tất yếu.
2. Quá trình hình thành và các đấu tranh giữa phe chủ chiến và chủ
hoà
2.1. Quá trình hình thành hai phe chủ chiến - chủ hòa trong nội bộ triều
đình Huế
Sự xâm lược của thực dân Pháp đã nhanh chóng hình thành nên hai
luồng tư tưởng chủ chiến và chủ hoà trong nội bộ triều Nguyễn. Hành
động xâm lược của thực dân Pháp đã làm cho nội bộ triều Nguyễn vốn
đã phức tạp, rối ren nay càng trở nên lúng túng bị động khi đối phó với
thực dân Pháp. Sự hình thành hai luồng tư tưởng này là hệ quả của
cuộc xâm lược mà Pháp tiến hành. Đó là phản ứng đầu tiên của nhà
Nguyễn.
Sự phân hoá thành hai phe: chủ chiến và chủ hoà trong nội bộ nhà
Nguyễn diễn ra khá sớm ngay từ khi thực dân Pháp tấn công bán đảo
Sơn Trà. Tiêu biểu cho phe chủ hoà có Trương Đăng Quế, Phan Thanh
Giản, Lưu Lượng, Trần Văn Trung, Lâm Duy Hiệp, Võ Xuân Hãn. Phe chủ
chiến có Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Phạm Hữu Nghị, Trần
Văn Vi, Lê Hiểu Hữu, Nguyễn Đăng Điều.
Phe chủ hoà chủ trương: “Chiến không bằng hoà, nhưng phải cố thủ rồi
sau mới bàn. Kẻ địch vốn cậy quyền bền súng mạnh làm sở trường, họ
ở ngoài sóng gió mặt bể, thế ta khó thắng với họ. Thượng kế bây giờ
nên lấy giữ (thủ) làm chính, giữ vững rồi sau mới có thể nói đánh, cũng
có thể nói đến hoà. Bằng không trước lo việc giữ thì đánh cũng không
được mà hoà cũng không xong” [4; 43].
Đây là tư tưởng được Tự Đức cho là hợp lẽ phải. Sở dĩ phe chủ hoà chủ
trương như vậy là bởi họ lý giải là nên nuôi sức chọn thời châm chước
đối phó. Mặt khác Tự Đức và những người trong phe chủ hoà cho rằng
mục đích tấn công vào thực dân Pháp chỉ là truyền đạo và buôn bán,
chứ không làm gì tổn hại đến ta. Cái nhìn đó của vua quan nhà Nguyễn
là thiển cận, bó hẹp trong phạm vi một quốc gia đang cố duy trì nềnn
tảng của chế độ phong kiến, không mở rộng ra thế giới nên thiếu hiểu
biết về bản chất của đế quốc nói chung và thực dân Pháp nói riêng. Hơn
nữa, không ít người trong số vua quan nhà Nguyễn vốn sớm mang tư
tưởng hoang mang lo sợ giặc khi chúng ngấp nghé ngoài cửa ngõ nên
dao động sinh ra chủ hoà nhằm bảo vệ quyền lợi ích kỉ của giai cấp
mình. Lập trường của phe này tỏ ra phản động và không hợp lòng dân.
Đối lập với phe chủ hoà, phe chủ chiến chủ trương công thủ. Họ cho
rằng: “Quảng Nam, Gia Định địa thế, địch tính đại đồng mà tiểu dị, địch
ở ngoài xa khơi thì khó đánh, địch vào nội địa càng dễ đánh, dễ bị tiêu
diệt. Phải giữ và đánh, thủ để công, công để thủ, quét sạch địch, bằng
nay hoà với họ thì sẽ bắt ta bỏ tấn và thông thương, xây nhà thờ, mở
phố xá, rồi trăm sự xảo quyệt đều do một chữ hoà mà ra cả”[4; 44].
Phái chủ chiến ngay từ đầu đã có tinh thần chống giặc triệt để. Bởi theo
họ hoà lúc này nghĩa là đầu hàng giặc.